Thứ bảy, 20/04/2024 07:11 (GMT+7)

Sáu vấn đề cần tháo gỡ để cứu hệ thống trường ngoài công lập

MTĐT -  Thứ ba, 03/01/2017 16:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà nước nên hủy Quyết định 122 về chuyển các trường đại học dân lập qua đại học tư thục để phục hồi tư cách hợp pháp cho loại trường đại học dân lập này.

LTS : Từ sau năm 2005, Nhà nước đã có nhiều thay đổi lớn liên quan tới chính sách phát triển giáo dục ngoài công lập. 

Tuy nhiên, hiện nay các trường ngoài công lập vẫn đang gặp rất nhiều vướng mắc đặc biệt là về cơ chế sở hữu. Liệt kê những khó khăn ấy, TS.Lê Viết Khuyến đã chỉ ra trong hai kỳ của bài viết “Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu”. 

Từ những bất cập trong bức tranh giáo dục đại học ngoài công lập, hôm nay TS.Lê Viết Khuyến - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam) nêu 6 kiến nghị cụ thể với mong muốn tháo gỡ những trục trặc để tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập có cơ hội phát triển tốt hơn. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

1. Mọi văn bản qui phạm pháp quy về giáo dục ngoài công lập nói chung và giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng, đều cần được Nhà nước điều chỉnh lại xuất phát từ tinh thần của Nghị quyết 29 Ban chấp hành Trung ương Khóa XI. 

Những quan điểm chỉ đạo từ nghị quyết này trước đó cũng đã được trình bày cụ thể ở Nghị quyết  05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao.

2. Trong tất cả các các văn bản Nhà nước vấn đề “bản chất” sở hữu  của các loại hình trường đại học ngoài công lập, tức là vấn đề “chủ” của các loại hình trường, cần phải được qui định rất rõ ràng, dựa trên Bộ Luật Dân sự. 

3. Đối với loại hình trường đại học dân lập

Luật Giáo dục (Điều 67) khẳng định tài sản của trường dân lập thuộc sở hữu tập thẻ của công đồng dân cư ở cơ sở. Nghị định số 75 (ban hành ngày 2/8/2006) quy định không thành lập các cơ sở dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. 

Đến Nghị quyết 29 lại xuất hiện khái niệm cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư. Rõ ràng các khái niệm trường do cộng đồng đầu tư và trường dân lập đều giống nhau vì cùng “bản chất” sở hữu. 

Vì thế, nên chăng Nhà nước hủy Quyết định 122 về chuyển các trường đại học dân lập qua đại học tư thục để phục hồi tư cách hợp pháp cho loại trường đại học dân lập này.

4. Đối với loại hình trường đại học tư thục (vì lợi nhuận):

Thể chế mới nhất về loại hình trường đại học tư thục đã được quy định tại Mục 3 Chương 2 Điều lệ trường đại học. 

Từ những phân tích ở trên, các nội dung ở Mục 3 Điều lệ này (cũng như tại các văn bản tương đương khác) cần được điều chỉnh theo các hướng:

- Đưa vào khái niệm góp vốn bằng trí tuệ. Có qui định tỷ lệ cân đối thỏa đáng giữa phần góp vốn của các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà quản lý ( về trí tuệ) và phần góp vốn của các nhà đầu tư (về tiền bạc, tài sản ) để hạn chế xung đột giữa hai nhóm này.

- Hạn chế tối đa việc vận dụng mô hình quản lý công ty cổ phần vào việc quản lý trường đại học tư thục với quá nhiều ưu tiên cho nhà đầu tư và thường dẫn tới nhiều tiêu cực (mất đoàn kết triền miên, tình trạng buôn bán trường,...). 

Tốt hơn là nên chuyển qua mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên của Luật doanh nghiệp. 

Nên chăng cần có quy định hạn chế trần góp vốn của cổ đông và cổ đông nhóm (như ở Luật Ngân hàng) để tránh thao túng trường của các nhóm lợi ích.

- Nếu đã xem trường đại học tư thục (vì lợi nhuận) có đặc tính giống một “doanh nghiệp tư nhân” thì cần bám sát các qui định ở Luật doanh nghiệp. 

Do đó cần xóa bỏ các qui định cứng “... dành ít nhất 25% (phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi) để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học...” .

Và “... giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động... là tài sản chung không chia...”  tại Điều 66 Luật Giáo dục đại học; qui định cứng về sự có mặt của “đại diện cơ quan quản lý địa phương” trong hội đồng quản trị tại Điều 17 Luật Giáo dục đại học.

5. Đối với loại hình trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận:

Dựa theo tinh thần của Nghị quyết 29 Ban chấp hành Trung ương Khóa 11 và Nghị quyết 05 của Chính phủ Nhà nước cần sớm có các chính sách khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. 

Theo tinh thần đó Nội dung ở Mục 4 Chương 2 Điều lệ trường đại học cần được điều chỉnh theo các định hướng như sau:

- Cả hai loại hình trường đại học tư thục (vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận) đều do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân (gọi tắt là các thành phần góp vốn) đứng tên xin thành lập, cùng góp vốn xây dựng cơ sở vật chất, đều được đảm bảo kinh phí hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Sự khác biệt giữa hai loại hình trường này, không phải chỉ ở chỗ nhà đầu tư được hưởng lợi tức nhiều hay ít (như đã được giải thích tại Điều 4 Luật Giáo dục đại học) mà chủ yếu ở bản chất sở hữu của nhà trường. 

Ở các trường tư thục vì lợi nhuận, sau khi thành lập trường, các cổ đông lớn trực tiếp nắm quyền quản trị trường; còn ở các trường tư thục không vì lợi nhuận các nhà góp vốn sau khi hoàn thành nghĩa vụ đứng tên thành lập và xây dựng cơ sở vật chất của trường, phải tự nguyện chấp nhận chuyển quyền quản trị của mình cho các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội. 

Do đó, trong khi tài sản của trường tư thục vì lợi nhuận thuộc sở hữu tư nhân (theo Điều 211 Bộ Luật Dân sự), thì tài sản của trường tư thục không vì lợi nhuận thuộc sở hữu chung của cộng đồng xã hội (theo Điều 220 Bộ Luật Dân sự), chứ không phải của cộng đồng nhà trường (như tại Điều 29 Điều lệ trường đại học).

- Ở trường đại học tư thục (vì lợi nhuận) Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường. Thông qua Đại hội đồng này các cổ đông sẽ phân chia quyền lực trong Hội đồng quản trị và bộ máy điều hành để thực hiện quyền quản trị và quản lý của mình đối với nhà trường. 

Trong khi đó ở trường đại học tư thục không vì lợi nhuận Hội đồng quản trị là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường, là đại diện duy nhất cho quyền sở hữu chung của cộng đồng xã hội đối với tài sản của nhà trường. 

Hội đồng quản trị chỉ giữ vai trò định hướng phát triển cho nhà trường, giám sát hoạt động của nhà trường, tuyển chọn Hiệu trưởng, chứ hoàn toàn không can thiệp trực tiếp vào công việc điều hành hàng ngày của Ban giám hiệu nhà trường.

- Khác với loại hình trường đại học dân lập đã có, do trường đại học tư thục không vì lợi nhuận mang bản chất sở hữu chung của cộng đồng xã hội (rộng hơn nhiều so với sở hữu tập thể của các thành viên trong trường dân lập) nên linh hồn của Hội đồng quản trị của trường đại học tư thục không vì lợi nhuận phải là nhóm đại diện ưu tú cho cộng đồng xã hội từ phía ngoài nhà trường (bao gồm các cựu lãnh đạo nhà nước uy tín, các nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học nổi tiếng, các doanh nhân thành đạt,… ). 

Số lượng các thành viên thuộc nhóm này phải chiếm đa số trong Hội đồng quản trị và họ sẽ không nhận bất kể một đặc lợi gì từ phía nhà trường, kể cả lương bổng. 

Theo kinh nghiệm của thế giới, việc chọn lựa và phê chuẩn nhân sự nghiêm túc (bao gồm cả năng lực và nhân cách) của các thành viên nhóm này giữ vai trò quyết định đảm bảo cho trường đại học không đi chệch khỏi mục tiêu không vì lợi nhuận, không xảy ra các xung đột đáng tiếc trong nội bộ .

- Ở các quốc gia phát triển những đóng góp của các “Mạnh Thường Quân” cho trường tư thục không vì lợi nhuận thường dưới dạng hiến tặng; họ chỉ cần nhận sự tôn vinh của xã hội và nhà trường. 

Cách làm đó không hoàn toàn thực tế ở Việt Nam. Kinh nghiệm của các quốc gia đang phát triển (như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, …) cho thấy ở các nước này các nhà góp vốn vẫn được đền đáp vật chất hợp lý, dưới dạng phần thưởng hàng năm. 

Chúng tôi chủ trương đề ghi nhận công lao đóng góp xây dựng trường của các thành viên góp vốn, ngoài việc được nhà trường và cộng đồng xã hội vinh danh, họ còn được hưởng các quyền lợi như: được cử đại diện vào Hội đồng quản trị, được ứng cử vào các chức danh quản lý trong trường, được nhận tiền thưởng hàng năm hợp lý (không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ), được định đoạt phần vốn góp của mình, được bảo toàn nguồn vốn góp và được ưu tiên hoàn trả vốn khi giải thể trường,… 

Như vậy vốn huy động cho trường tư thục không vì lợi nhuận sẽ không tập trung vào một vài cổ đông chiến lược mà sẽ mở ra cho mọi thành viên của cộng đồng (như kiểu huy động tiền tiết kiệm của các ngân hàng). 

Cũng như trường hợp ngân hàng lượng vốn mà trường không vì lợi nhuận thu được sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ tín nhiệm của các thành viên Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu nhà trường nên họ cần phải là những đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội.

6. Về việc chuyển đổi các trường đại học dân lập qua loại hình tư thục:

Để tháo gỡ những bế tắc trong việc thực hiện chuyển đổi các trường đại học dân lập qua loại hình trường đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT cần được điều chỉnh theo 2 hướng:

Một là, chấp nhận quá trình chuyển đổi trường đại học dân lập (theo sở hữu tập thể) qua loại hình trường đại học tư thục nhất thiết phải qua khâu “giải thể trường” để xác lập minh bạch quyền lợi của từng thành viên thuộc trường dân lập,bảo đảm đúng bản chất sở hữu của loại hình trường này. 

Để xử lý tài sản và vốn của trường đại học dân lập sau “giải thể” có thể tham khảo Điều 36 Luật hợp tác xã 2003, theo đó công việc này thuộc thẩm quyền của Đại hội công nhân viên chức toàn trường.

Hai là, phải tôn trọng ý kiến của tập thể công nhân viên chức trường đại học dân lập bằng cách trả cho họ quyền được định đoạt hướng phát triển tương lai của nhà trường (để trở thành trường tư thục hoạt động có lợi nhuận hay trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận), thông qua kết quả bỏ phiếu bình đẳng tại Đại hội công nhân viên chức toàn trường.

Sau bỏ phiếu người lao động của trường có trách nhiệm góp toàn bộ vốn được chia do trường dân lập “giải thể” vào vốn pháp định của trường đại học tư thục mới thành lập để được trở thành cổ đông (nếu trường đi theo hướng hoạt động có lợi nhuận) hoặc trở thành thành viên góp vốn (nếu trường đi theo hướng hoạt động không vì lợi nhuận).

TS.Lê Viết Khuyến

Theo Giáo dục Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Sáu vấn đề cần tháo gỡ để cứu hệ thống trường ngoài công lập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...