Thứ sáu, 19/04/2024 22:19 (GMT+7)

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 10/9/2018

MTĐT -  Thứ hai, 10/09/2018 14:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 10/9/2018, cập nhật tin tức giáo dục nóng nhất hôm nay do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Xử lý dứt điểm vụ việc Trường Mầm non Chú Ếch Con

Báo Pháp luật TPHCM đưa tin, ngày 10/9, tin từ UBND TP Đà Nẵng cho hay TP vừa có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện rà soát, nghiên cứu các giải pháp quản lý trường mầm non, tránh để xảy ra các trường hợp tương tự như vụ việc của Trường Mầm non Chú Ếch Con vừa qua.

Ngày 20/8, phụ huynh đưa trẻ đến trường thì thấy Trường Mầm non Chú Ếch Con cơ sở Lê Văn Đức đóng cổng, treo biển bán nhà. Ảnh: BV.

Theo báo cáo của UBND quận Hải Châu, tính đến ngày 27-8, tình hình giáo viên và học sinh Trường Mầm non tư thục Chú Ếch Con tại địa chỉ 55 Lê Văn Đức cơ bản đã ổn định. Trong đó, 156 trẻ của nhà trường đã được chuyển đến học tập tại các trường mầm non trên địa bàn quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ; bốn trẻ chưa ra lớp.

16 giáo viên đã chuyển công tác đến các trường trên địa bàn hai quận nêu trên và năm giáo viên chưa ra lớp. Quận sẽ tiếp tục tổ chức họp và chỉ đạo các trường trên địa bàn rà soát đội ngũ để tiếp nhận năm giáo viên chưa ra lớp nếu có yêu cầu.

Cạnh đó, quận cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương liên quan trên địa bàn tham mưu rút giấy phép hoạt động của Trường Mầm non tư thục Chú Ếch Con trước thời điểm khai giảng năm học mới 2018-2019.

Học viện Cảnh sát Nhân dân trao quà cho học sinh vùng lũ

Ngày 06/9/2018, Học viện Cảnh sát Nhân dân đã tới xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La-một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ để trao tặng những phần quà ý nghĩa.

Đại diện Học viện Cảnh sát Nhân dân tới thăm và trao số tiền ủng hộ tới người dân xã Tà Hộc

Ba trận lũ quét liên tiếp trong các ngày từ 28 đến 31/8/2018 vừa qua đã khiến cho xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La bị cô lập nhiều ngày. Đến ngày 05/9/2018 trong khi khắp nơi trên cả nước đang tưng bừng chào đón lễ khai giảng năm học mới 2018-2019 thì trường tiểu học và trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn ngập trong bùn đất, các thiết bị dạy và học bị cuốn trôi và hư hỏng nặng, thiệt hại ước tính lên tới hơn 2 tỷ đồng. Ngoài bản Hộc và bản Mòng thì 8 bản còn lại của xã Tà Hộc vẫn còn cô lập với điểm trường trung tâm, vì thế nhiều em đã không thể đến trường dự ngày khai giảng năm học mới.

Một trường cao đẳng bị cơ sở đào tạo 'chui' mạo thương hiệu

Dân Trí đưa tin, theo Trường Cao đẳng Việt Mỹ, hai tháng vừa qua, các cơ quan truyền thông có đưa thông tin về việc phát hiện cơ sở đào tạo “chui”, hoạt động dựa trên thương hiệu Cao đẳng Việt Mỹ tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Ngay sau đó, nhà trường đã nhanh chóng gửi công văn và những cơ sở pháp lý để cập nhật đến các cơ quan chức năng hữu quan về sở hữu thương hiệu Cao đẳng Việt Mỹ cũng như khẳng định không triển khai đào tạo tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Trường Cao đẳng Việt Mỹ khẳng định không có cơ sở đào tạo ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Ngày 5/9, đại diện trường Cao đẳng Việt Mỹ cũng đã có buổi làm việc trực tiếp cùng đại diện Công an thành phố Bảo Lộc để cung cấp thông tin về tính pháp lý của thương hiệu, hỗ trợ cơ quan điều tra vụ án cơ sở đào tạo “chui” tại địa phương này.

Căn cứ theo những thông tin pháp lý chính thức này, Trường Cao đẳng Việt Mỹ không đào tạo, không công nhận và không liên quan đến cơ sở đào tạo tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng hay bất kỳ cơ sở đào tạo tại tỉnh thành nào khác ngoài TPHCM và Cần Thơ.

Trước đó vào tháng 8 nhiều báo thông tin, cơ quan chức năng thành phố Bảo Lộc đã đề nghị tạm dừng hoạt động của công ty Cổ phần Việt Mỹ Education nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Được biết, ngày 6/4/2016, ông Hoàng Ngọc Duy thành lập Công ty TNHH MTV Việt Mỹ Education (trụ sở tại 131 Nguyễn Chí Thanh, Phường 2, thành phố Bảo Lộc) theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp.

Tiếp đó, ngày 20/4/2016, ông Duy thành lập Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ Việt Mỹ theo Quyết định số 2489 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cấp.

Thế nhưng sau đó ông Hoàng Ngọc Duy tự gắn bảng trường học tuyển sinh, đào tạo từ hệ trung cấp đến cao đẳng. Thậm chí, ông Duy còn tự phong cho mình chức danh hiệu trưởng, tự làm con dấu và tự cấp bằng trung cấp, cao đẳng cho các học viên theo học tại trường.

Không những vậy, cơ sở này quảng cáo có liên kết đào tạo ngắn hạn với các trường CĐ, ĐH ở TPHCM và Hà Nội, liên kết với Trường Cao đẳng Việt Mỹ tại TPHCM nhưng không đưa ra được các giấy tờ để chứng minh điều này. Khi đoàn kiểm tra liên ngành làm việc còn phát hiện nơi này đang tổ chức lớp đào tạo Đại học chuyên ngành Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non với gần 40 người.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho Công an Lâm Đồng tiến hành điều tra làm rõ vụ việc này.

Hải Dương: Khắc phục tình trạng bất hợp lý về cơ cấu giáo viên bộ môn

Sở GD&ĐT Hải Dương hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2018-2019; trong đó nêu rõ nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, bổi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Với nhiệm vụ này, Sở GD&ĐT yêu cầu thực hiện hợp đồng giáo viên đúng quy định. Có những biện pháp hữu hiệu nhằm khắc phục tình trạng bất hợp lý về cơ cấu giáo viên các bộ môn.

Căn cứ chức năng, quyền hạn, trách nhiệm được phân công, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm kịp thời rà soát, tham mưu để bố trí sắp xếp đội ngũ đảm bảo định mức quy định, đúng chuyên môn, hợp lý nhằm tạo điều kiện cho mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên phát huy được năng lực, sở trường của bản thân. Hiệu trưởng ban hành quyết định phân công nhiệm vụ cho cán bộ quản lý giáo viên nhân viên theo năm học.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, giám sát, đôn đốc của chuyên môn và các lực lượng chức năng; điều chỉnh khắc phục kịp thời những sai sót, lệch lạc; biến quá trình kiểm tra thành quá trình tự kiểm tra, tự đánh giá, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy của từng giáo viên, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

Các trường ngoài công lập phải nghiêm túc rà soát đội ngũ, đảm bảo thực hiện đúng các quy định, quy chế về chuyên môn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phát huy tính năng động, sáng tạo.

Các đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo năm học và lộ trình dài hạn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, đơn vị có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Tiếp tục rà soát đánh giá năng lực giáo viên ngoại ngữ (môn tiếng Anh), tổ chức bồi dưỡng theo chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT đáp ứng việc triển khai Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008¬2020" tại đơn vị.

Những giáo viên chưa đạt chuẩn về năng lực tiếng Anh phải tự xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hình thức bồi dưỡng, thời điểm phấn đấu đạt chuẩn theo quy định. Sở tiếp tục phối hợp với các trường ĐH được phép của Bộ GD&ĐT tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh 4 lần/năm nhằm tạo điều kiện cho giáo viên được đánh giá trình độ năng lực sau quả trình tự bồi dưỡng.

Lùm xùm tinh giản biên chế tại Học viện Âm nhạc Huế

Báo Giao thông đưa tin, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, công tác tại Bộ phận Tại chức, Phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế của HVAN Huế cho biết, chị được tiếp nhận về học viện năm 2012. Quá trình công tác, chị Nhung tích cực tham gia công tác đoàn thể của của đơn vị và kết quả đánh giá viên chức hàng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Quá trình công tác tôi chưa hề sai phạm cũng như chưa bị hình thức kỷ luật gì. Tuy nhiên, ngày 24/8/2018, tôi bất ngờ nhận được thông báo kèm theo danh sách 4 người bị tinh giản biên chế năm 2018, trong đó có tôi, với lý do: “Ngạch viên chức không phù hợp vị trí việc làm”, chị Nhung trình bày.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung tiếp xúc với phóng viên.

Năm 2011, anh Hồ Hữu Tuyến được ông Nguyễn Việt Đức ký quyết định tiếp nhận từ trường THCS Lương Thế Vinh (TX Quảng Trị) đến công tác tại Phòng Công tác học sinh, sinh viên (HSSV) của HVAN Huế. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau đó anh được điều động đến Viện Nghiên cứu âm nhạc, nay là Viện Dân tộc nhạc học, được giao nhiệm vụ quay phim, dựng phim, trong khi bản thân anh chưa ngày nào được đào tạo về lĩnh vực này. Đến năm 2017, anh Tuyến được điều chuyển về Phòng Công tác HS-SV và cuối năm 2017, anh lại được giao nhiệm vụ tại Phòng Nghiên cứu khoa học và Đối ngoại, trong 6 tháng không được phân công nhiệm vụ. Đầu năm 2018, anh lại bị chuyển về công tác tại Phòng Dân tộc nhạc học cho đến nay.

Ngày 24/8/2018, anh Tuyến bất ngờ nhận được thông báo kèm theo danh sách tinh giản biên chế năm 2018 có tên anh.

Chị Nhung và anh Tuyến đều cho biết, trước khi nhận thông báo kèm danh sách 4 người, ông Đức chưa hề gặp để trao đổi. “Bản thân tôi hiện đang nuôi vợ chưa có việc làm và 2 con thơ. Nếu bị tinh giản, cuộc sống gia đình tôi lâm vào cảnh vô cùng khó khăn”, anh Tuyến cho hay.

Để rõ vụ việc trên, sáng 30/8, PV đến HVAN Huế đăng ký làm việc, nhưng cán bộ Phòng Hành chính Tổng hợp trả lời: “Thày nói thày đang bận, thày liên lạc lại sau”. Tuy nhiên, chiều 30 và 31/8, PV gọi cho ông Đức nhưng ông không nghe máy.

Sáng 5/9, PV trở lại Phòng Hành chính Tổng hợp để đăng ký làm việc với lãnh đạo HVAN Huế, nhân viên phòng này lên xin ý kiến ông Đức rồi xuống trả lời: “Thày nói thày đang bận”. Chúng tôi đề nghị sắp xếp lịch hẹn cụ thể hoặc ủy quyền người làm việc, nhưng sau khi lên gặp lại ông Đức, nhân viên này xuống trả lời “Thày nói thày đang bận, chưa sắp xếp lịch được...”.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 10/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...