Thứ sáu, 29/03/2024 03:21 (GMT+7)

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/9/2018

MTĐT -  Thứ năm, 13/09/2018 10:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/9/2018, cập nhật tin tức giáo dục nóng nhất hôm nay do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Bội chi cao, nợ công tăng, tiền đâu cho đổi mới giáo dục?

Đó là câu hỏi được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), ngày 12/9.

Đây là dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 26, quyết định chuyển dự án sửa đổi, bổ sung một số điều thành luật sửa đổi với một phạm vi sửa đổi rộng hơn, cơ bản, toàn diện hơn.

Với nhiều vấn đề còn ngổn ngang, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định thông qua tại ba kỳ họp thay vì hai kỳ như dự kiến ban đầu. Tại kỳ họp thứ 6 tới Quốc hội sẽ cho ý kiến lần 2 và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/ 2019).

Theo báo cáo của Chính phủ thì dự thảo luật bổ sung hai chính sách mới.

Một là không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Khi thực hiện chính sách này, hàng năm, tổng kinh phí ngân sách chi thêm 4.730 tỷ đồng.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận.

Hai là nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm Tổng kinh phí đào tạo nâng chuẩn là khoảng 857,2 tỷ đồng, nếu thực hiện theo lộ trình 5 năm thì mỗi năm chi chỉ khoảng 171,4 tỷ đồng.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, nghị quyết Quốc hội nêu rõ là trong một thời gian trước mắt thì không ban hành chính sách mới. Nếu ban hành chính sách mới thì phải cân đối được nguồn lực.

"Tôi đọc dự án luật này thấy rất nhiều chính sách mới, rất rộng, không biết chúng ta đã quán triệt tinh thần này của Quốc hội đến mức độ nào? Nếu thực hiện chính sách này thì số tiền chi ra của ngân sách là bao nhiêu, có đảm bảo được không? .Trong khi tình hình đang mất cân đối về ngân sách, bội chi ngày càng cao, nợ công tăng, chúng ta sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? ", ông Hiển đặt hàng loạt câu hỏi.

Liền sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu câu hỏi về tác động của chính sách mới đối với ngân sách nhà nước.

Trong khi luật này vẫn tiếp tục khẳng định đầu tư cho giáo dục đào tạo là 20% tổng chi ngân sách nhà nước, ban hành hàng loạt chính sách mới như thế này thì vẫn 20% hay 21% hay 22%, đánh giá tác động như thế nào? Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.

Trả lời ngay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết số tiền dành miễn học phí và cấp bù hay hỗ trợ cho các đối tượng ngoài công lập nằm trong 20% ngân sách tại thời điểm mà Bộ này tính toán. Tới đây khi Quốc hội pháp điển 20% ngân sách trong luật, Chính phủ có lộ trình và có tính toán, cân đối, ông Nhạ nói.

Về chi phí cho lộ trình nâng chuẩn giáo viên, Bộ trưởng cho biết tính ra mỗi năm mất 117 tỷ. Trong 6 năm, mỗi năm hơn 100 tỷ, chúng tôi thấy mức này có thể tham mưu Chính phủ cân đối được, Bộ trưởng quả quyết.

Khẳng định tài chính giáo dục chi 20% ngân sách là rất tốt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh khi bàn tổng thể luật thì sẽ có một số nguyên lý của giáo dục phổ thông theo thế giới, trong đó có một nguyên lý là Nhà nước lo phần rất căn bản trở xuống, phần tài năng đặc biệt ở trên và phần cho người yếm thế trong xã hội, còn phân khúc cao thì chủ yếu các nước xã hội hóa rất nhiều. 

TP.HCM sẽ miễn học phí bậc THCS

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa đồng ý miễn học phí cho học sinh bậc THCS tại các trường công lập trên địa bàn TP theo như đề xuất của liên Sở Tài chính - Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch UBND TP giao Văn phòng UBND TP tham mưu, trình UBND TP văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép TP được xem xét miễn học phí cho học sinh bậc THCS tại các trường công lập trên địa bàn. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Chính phủ, Văn phòng UBND TP khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình HĐND TP thông qua tại cuộc họp gần nhất theo quy định.

TP.HCM đi đầu cả nước khi đồng ý miễn học phí cho học sinh bậc THCS tại các trường công lập.

Trước đó, liên Sở Tài chính - Sở GD-ĐT trình UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép TP được xem xét miễn học phí cho học sinh đang học bậc THCS thuộc các trường công lập trên địa bàn. Nguồn kinh phí để bù đắp chi phí khi miễn học phí bậc THCS, TP sẽ cân đối từ ngân sách TP.

Trước đó, vào ngày 13/8, tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM về công tác chuẩn bị cho năm học mới, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng thông tin: “Thành phố đang thực hiện các công việc như tính toán và cân đối ngân sách để có thể từ tháng 1/2019, học sinh bậc THCS tại TPHCM sẽ được miễn học phí.

Việc này đã được giao cho Sở Tài chính lên phương án để trình HĐND xem xét, thông qua vào cuối năm nay. Quan điểm của thành phố là mọi người đều có quyền học, mọi người phải có trách nhiệm cho con em đi học”.

Thông tin TP.HCM sẽ miễn học phí bậc THCS được đưa ra khi đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh  THCS mới được đưa vào dự luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn đang khiến nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn.

Thí điểm các hoạt động trải nghiệm trong các môn học cấp THCS

Giáo dục Thời đại đưa tin, Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn các trường THCS, THPT xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp và các hoạt động trải nghiệm trong trường trung học năm học 2018 – 2019.

Trong đó yêu cầu các trường THCS, THPT tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung giáo dục ngoài giờ lên lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đây là nội dung giáo dục trong chương trình chính khoá, được bố trí 2 tiết/tháng. Do đó, đề nghị nhà trường bố trí thực hiện trong khung chương trình chính khoá, thể hiện trong kế hoạch giáo dục, thực hiện phân công người phụ trách và thời khoá biểu của nhà trường.

Ảnh minh họa/internet

Việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cần chuyển mạnh sang hướng hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm sáng tạo.

Với các nhà trường, Sở GD&ĐT yêu cầu quan tâm xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể của các câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ trải nghiệm sáng tạo, CLB Giáo dục STEM cho học sinh. Phân công giáo viên phụ trách cố vấn hoạt động của các CLB. Việc phối hợp với đơn vị bên ngoài tổ chức hoạt động cần lưu ý cần đảm bảo tiêu chuẩn của báo cáo viên trực tiếp báo cáo, hướng dẫn cho học sinh.

Đối với cấp THCS, tiếp tục triển khai, thực hiện chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho THCS với thời lượng 4 tiết (lồng ghép, bổ sung từ tháng 9/2018 – 12/2018). Tổ chức xây dựng và thiết kế lại kế hoạch dạy học cho phù hợp tình hình giao thông của địa phương.

Đối với cấp THPT, tiếp tục triển khai, thực hiện chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho THPTvới thời lượng 4 tiết (lồng ghép, bổ sung từ tháng 9/2018 – 5/2019). Tổ chức xây dựng và thiết kế lại kế hoạch dạy học cho phù hợp tình hình giao thông của địa phương.

Tổ chức thực hiện thí điểm các hoạt động trải nghiệm trong các môn học cấp THCS tại các trường THCS trên đại bàn thành phố.

Thực hiện nghiêm chỉnh chương trình hướng nghiệp từ lớp 9 đến lớp 12, nhà trường xây dựng kế hoạch hướng nghiệp trong kế hoạch giáo dục tổng thể của nhà trường, tối thiểu là 09 tiết/năm (theo chương trình chính khóa). Ngoài ra, tùy vào điều kiện của đơn vị, nhà trường cần tăng cường các hoạt động hướng nghiệp qua các hình thức trải nghiệm, tránh các hình thức tổ chức nhàm chán, không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về ngành nghề của học sinh. Hạn chế tối đa các trường hợp quảng cáo tuyển sinh cho các trường đại học trên giờ sinh hoạt dưới cờ...

Nghệ An: Chuyển giáo viên trung học cơ sở sang dạy tiểu học

Thế giới Tiếp thị đưa tin, năm học 2018-2019, toàn tỉnh Nghệ An dôi dư hơn 1.089 GV bậc học THCS. Trong khi đó, thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học thì hiện nay Nghệ An còn thiếu nhiều GV mới có thể đáp ứng được tỉ lệ 1,5 GV/lớp. Đối với bậc học mầm non, tình trạng thiếu GV cũng xảy ra ở nhiều địa phương do không được tăng chỉ tiêu tuyển dụng biên chế.

Hiện Nghệ An đang dôi dư hơn 1.000 giáo viên bậc THCS nhưng lại thiếu giáo viên bậc tiểu học, mầm non. (Ảnh minh họa: Giờ học của cô trò Trường THCS Hưng Dũng, TP Vinh).

Tại huyện Diễn Châu (Nghệ An), năm học 2018-2019, dư 234 GV bậc THCS, bậc tiểu học thiếu 123 GV, bậc mầm non thiếu 210 GV. Đầu tháng 8 vừa qua, UBND huyện Diễn Châu đã có quyết định điều động 109 GV môn Toán và Ngữ văn bậc THCS dạy tiểu học.

Tại huyện Nam Đàn, năm học này bậc THCS thừa 40 GV, trong khi đó bậc tiểu học lại thiếu. UBND huyện Nam Đàn đã quyết định “biệt phái” 21 GV bậc THCS sang dạy bậc tiểu học. Để đảm bảo yêu cầu công tác mới, các GV này sẽ được bồi dưỡng, tập huấn một thời gian trước khi thực hiện nhiệm vụ công tác mới.

Bộ đội Biên phòng Phú Yên: Hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em mồ côi đến trường

Những năm qua, chương trình “Nâng bước em tới trường” được triển khai trên địa bàn Đồn Biên phòng Xuân Thịnh (Bộ đội Biên phòng Phú Yên-BĐBP) đã giúp nhiều em học sinh nghèo, mồ côi có điều kiện yên tâm đến trường, nuôi dưỡng ước mơ nơi chân sóng. Bên cạnh mục tiêu hỗ trợ, còn mang đến cho cán bộ, nhân dân nơi đây những cảm xúc lớn của nghĩa tình quân dân, nuôi dưỡng niềm tin và quyết tâm cùng xây dựng tuyến biên giới biển vững mạnh, phát triển.

Đồn Biên phòng Xuân Thịnh trong lễ nhận giúp đỡ 6 em học sinh mồ côi tại địa bàn đồn quản lý.

Là người trực tiếp tham gia khảo sát để triển khai chương trình, Trung tá Lê Hữu Thao, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Thịnh tâm sự: “Nếu ai tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh các em, thấy xót xa đến nhói lòng, mới hiểu được tâm trạng nhẹ nhỏm của chúng tôi trong ngày lễ nhận đỡ đầu các em hôm nay”. Anh cũng cho biết, sau khi có kế hoạch của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh về chương trình “Nâng bước em tới trường”, cán bộ đơn vị đã về từng địa phương để chọn đối tượng, tiến hành khảo sát gia đình và đến trường, gặp thầy cô giáo để tìm hiểu từng hoàn cảnh. “Chúng tôi muốn lựa chọn đúng đối tượng để chương trình thực sự hữu ích và đúng với tính nhân văn của nó”- Trung tá Lê Hữu Thao nói.

Được biết, trong 6 em học sinh nghèo trên địa bàn Đồn Biên phòng Xuân Thịnh quản lý mà Phú Yên nhận đỡ đầu, đã có 4 em không còn đủ cha, mẹ. Theo Trung tá Lê Hữu Thao, trước đây khi biết trên địa bàn đồn quản lý có những em học sinh mồ côi, gia đình nghèo đứng trước nguy cơ bỏ học, cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã góp tiền, vật chất giúp đỡ. Tuy nhiên hoạt động này cũng chỉ có tính thời điểm. Khi biết Bộ tư lệnh BĐBP phát động chương trình “Nâng bước em tới trường”, anh và nhiều đồng đội thực sự tâm đắc. “Với mục tiêu, yêu cầu mà chương trình đề ra, cán bộ, chiến sỹ BĐBP phải luôn đặt mình trước trách nhiệm chăm sóc, theo dõi, giúp đỡ các em cho tới ngày các em kết thúc lớp 12, về tới đích”- Trung tá Thao nói.

Hiện nay chương trình “Nâng bước em tới trường” ở Phú Yên đã hỗ trợ mỗi gia đình có trẻ mồ côi, nghèo 500.000 đồng/tháng, cho đến khi các em học xong lớp 12, hiện đã hỗ trợ 49 em. Đại tá Nguyễn Văn Minh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên, từng có 14 năm là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Thịnh chia sẻ: “Tôi tin những cháu nhỏ hôm nay ngồi đây, ngày mai vào đời cũng ý thức được sứ mệnh thiêng liêng ấy. Được nuôi dưỡng, được học hành tốt, các cháu sẽ đem nguồn tri thức, giúp ích cho gia đình và xây dựng quê hương đồng thời tham gia gìn giữ chủ quyền vùng biển, đảo của đất nước”.

Tranh luận về việc có nên cho con đi học nghề khi hết lớp 9

Không ít phụ huynh thẳng thắn cho biết, thời nay, bằng THPT mới là phổ cập, thế nên không có chuyện cho con đi học nghề khi hết lớp 9 mà “sống chết” gì cũng phải cho con học hết THPT mới cho đi học nghề.

Theo chị Hương Thảo, xã hội Việt Nam vẫn còn nặng vấn đề bằng cấp, thế nên cha mẹ cần khuyến khích con học hết THPT rồi mới đi học nghề là tốt nhất. Trẻ hết lớp 9 đang ở tuổi “dở dở ương ương” không có suy nghĩ chín chắn, cho con đi học nghề sớm, kiếm tiền sớm sẽ có nhiều hệ lụy. Học mấy năm THPT mang lại suy nghĩ và tư duy khác với việc chỉ học hết THCS. Thế nên, dù như thế nào, vẫn phải cho con học hết THPT rồi mới tính đến chuyện cho con đi học nghề.

Không ít phụ huynh ủng hộ con đi học nghề nếu con không có khả năng học, coi việc học như cực hình. Ảnh minh họa

Cùng quan điểm trên, chị Xuân Hương cho biết, ở độ tuổi này, trẻ chưa thực sự chín chắn nên bố mẹ có thể vừa cho con học THPT, vừa cho con đi học nghề và có thể đi làm partime. 3 năm vừa học vừa làm thêm, con sẽ nhận ra mình có thực sự yêu thích và đi theo nghề đó.

Quan điểm của các phụ huynh bảo vệ quan điểm kiểu gì con cũng phải “có bằng THPT rồi học gì mới tính”  là: Không ủng hộ việc bố mẹ nhất nhất bắt con học ĐH nhưng phải học hết THPT để tính cách và nhận thức của con được hoàn thiện, nếu chỉ  học hết lớp 9, các con chưa nhận thức hết được mọi vấn đề của cuộc sống. Chị Xuân Anh nhấn mạnh: Ở cấp THCS, nền giáo dục nước mình chưa tập trung dạy kỹ năng sống, thế nên các con chưa đủ khả năng để đối đầu với những vấn đề trong cuộc sống. Học 3 năm THPT, các con “không mê học hành” có thể không học kiến thức nhưng có thêm thời gian chuẩn bị cho những bước tiếp theo. Bởi lỡ sau một thời gian, con không còn đam mê nghề đó thì việc quay lại học THPT sẽ rất khó khăn, như vậy con sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội trong tương lai. Hơn nữa, nếu có bằng THPT, cùng với việc đi học nghề, con sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, hướng đi rõ ràng hơn, đồng thời có nền tảng để tiến xa hơn trong tương lai.

Ngược với quan điểm “nhất định phải cho con học THPT” thì khá đông các cha mẹ ủng hộ cho trẻ đi học nghề khi hết lớp 9 nếu con không thiết học hành, coi việc học là cực hình và con có niềm đam mê với nghề nào đó.

Những phụ huynh này cho rằng, việc ép đứa trẻ “học mãi không vào” đi học thì chỉ mất thời gian, công sức, tiền bạc. Chính vì vậy, cho con đi học nghề sớm, cơ hội đi làm, kiếm tiền của con cũng sớm hơn.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.