Thứ sáu, 29/03/2024 04:57 (GMT+7)

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/8/2018

MTĐT -  Thứ sáu, 17/08/2018 20:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/8/2018, cập nhật tin tức giáo dục nóng nhất hôm nay do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Tự chủ để đại học là nơi sáng tạo ra tri thức

Báo Chính phủ đưa tin, phát biểu tại Hội thảo “Giáo dục đại học - Chuẩn hoá và hội nhập quốc tế” ngày 17/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Sứ mệnh quan trọng nhất của trường đại học là sáng tạo ra tri thức. Muốn vậy đại học phải có quyền tự do học thuật, tự chủ về chuyên môn, khơi dậy sự sáng tạo của từng thành viên trong nhà trường.

Theo Phó Thủ tướng, đây là hội thảo rất quan trọng trong bối cảnh Quốc hội chuẩn bị xem xét, thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học trong kỳ họp sắp tới. Từ đó tạo hành lang, cơ sở pháp lý để đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

“Có rất nhiều thứ liên quan đến đổi mới giáo dục đại học đã được chuẩn bị như việc ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia tương thích với quốc tế rút ngắn thời gian đào tạo của nhiều ngành, nhiều trường đại học còn 3-3,5 năm nhưng Luật Giáo dục đại học hiện quy định thời gian đang là 4 năm nên khi luật chưa sửa thì chưa thực hiện được”, Phó Thủ tướng cho biết.

Đánh giá chủ đề hội thảo đã đề cập đến cốt lõi trong thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định: Sự phát triển của Việt Nam, trong đó có giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, không thể đứng ngoài thế giới. Chúng ta là một phần của thế giới ngày càng mở hơn. Đối với giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học thì yêu cầu hội nhập càng bức xúc. Đương nhiên việc hội nhập phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam, có lộ trình nhưng không thể vì những đặc trưng riêng mà đi ngược lại xu thế và được đo bằng chuẩn hóa như: Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; chuẩn kiểm định chất lượng dạy học; chuẩn đầu ra, chuẩn trường…

Qua ý kiến của một số chuyên gia, nhà khoa học nói về những xu thế lớn của giáo dục đại học trên thế giới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Với điều kiện ở Việt Nam hiện nay thì tự chủ đại học và giải trình là quan trọng nhất.

Hải Phòng: Có hộ khẩu đúng tuyến, trẻ vẫn bị từ chối tiếp nhận vào lớp 1

Chị Nguyễn Thị Kim Thu (sinh năm 1983, có hộ khẩu thường trú tại số 49/30 Trần Nguyên Hãn, phường Cát Dài, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) cho biết: Gia đình chị có con và cháu cùng đến tuổi vào lớp 1. Theo hộ khẩu thì con, cháu chị sẽ được tiếp nhận vào trường tiểu học Nguyễn Văn Tố. Tuy nhiên, khi chị và chị dâu của mình đến mua hồ sơ nhập học cho cháu T.U. và cháu K.L vào trường thì gặp nhiều trở ngại. Đỉnh điểm là các cháu đã bị chính cô hiệu trưởng của trường này từ chối tiếp nhận.

Chị Thu cho biết: Vì điều kiện kinh tế chị và gia đình đã chuyển nhà sang quận Kiến An sinh sống. Khi con đến tuổi đi học, chị đã đến trường tiểu học Nguyễn Du, gần nơi sinh sống để xin học cho con. Tuy nhiên, cô hiệu trưởng trường này không nhận mà yêu cầu về đúng nơi các cháu đăng ký hộ khẩu thường trú để học. Theo hướng dẫn, chị Thu và chị dâu mình đã về trường tiểu học Nguyễn Văn Tố để xin học cho bọn trẻ.

Thế nhưng khi đến nộp hồ sơ thì bộ phận tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh của trường từ chối nhận với lý do chưa có chữ kí của hiệu trưởng, tuy có hộ khẩu nhưng không có người ở thì thuộc diện trái tuyến, sẽ giải quyết sau.

Đúng hẹn, chị Thu cùng chị dâu quay lại trường gặp hiệu trưởng nhà trường là bà Phạm Thị Minh Châu. Sau khi nghe phụ huynh trình bày, vị hiệu trưởng này tỏ ra khó chịu và đã từ chối nhận con chị với lý do hộ khẩu có nhưng thực tế người không ở địa chỉ thể hiện trên hộ khẩu.

Chị Thu thắc mắc tại sao có rất nhiều phụ huynh xác nhận con họ đã được nhà trường nhận dù hộ khẩu của họ ở Đồng Hòa, Kiến An, Sở Dầu, Hùng Vương… thì bà Châu hẹn 12/7 quay lại.

Ngày 12/7, chị Thu đến trường theo lịch hẹn thì được hiệu trưởng thông báo, đã hết hạn nộp hồ sơ và hồ sơ trái tuyến đã nhận đủ từ trước Tết.

Thậm chí, hiệu trưởng còn nói thêm: "Tôi có quyền được nhận học sinh hay từ chối nhận. Không phải học sinh nào cũng được cô nhận vào trường. Học sinh vào đây gia đình phải có người bảo lãnh như thế nào, có điều kiện làm sao và đóng góp cho nhà trường như thế nào”.

Vì quá bức xúc khi đến trường xin cho con vào học lớp 1 theo đúng hộ khẩu thường trú nhưng bị hiệu trưởng từ chối, chị Nguyễn Thị Kim Thu đã viết tâm thư gửi Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Trao đổi với phóng viên, chị Thu cho hay, để đảm bảo thời hạn xin học, chị đã tìm cách xin học cho con ở một trường khác. Tuy nhiên chị vẫn mong vụ việc được làm rõ theo quy định để tránh tiền lệ xấu cho người khác.

Ngay sau khi có thông tin phản ánh của phụ huynh, UBND TP.Hải Phòng đã có văn bản giao UBND quận Lê Chân khẩn trương kiểm tra, làm rõ.

Bà Phạm Thị Minh Châu, hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Tố cho biết: “Tôi đã có báo cáo giải trình sự việc đến UBND quận Lê Chân. Vụ việc cũng đã được giải quyết, con chị Thu cũng đã học ở trường khác. Tôi không có ý kiến gì thêm hay phản bác lại những phản ánh từ phía chị Thu”.

Trao đổi với VietNamNet chiều nay, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, trưởng phòng giáo dục quận Lê Chân thông tin: Phòng giáo dục đã có giải trình với quận. Hiện đơn vị đã có họp rút kinh nghiệm".

Sở GD&ĐT Bình Dương đẩy mạnh tuyên tuyền ATGT đến học sinh

Từ giữa tháng 8, nhiều trường học trên cả nước bước vào khai giảng năm học mới. Tại Bình Dương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến an toàn giao thông đến học sinh các cấp.

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa, kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Sở Giáo dục & Đào tạo các địa phương đã có nhiều hoạt động cụ thể chuẩn bị cho năm học mới.

Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bình Dương đưa an toàn giao thông trở thành một trong những nội dung quan trọng cần tuyên truyền tại các trường học

Tại địa bàn tỉnh Bình Dương, hằng năm Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông trong trường học bằng việc cung cấp văn bản hướng dẫn cụ thể đến các trường về việc thực hiện tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Từ đó, các trường học phải xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh.

Theo ông Phạm Anh Dũng, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Pháp chế, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bình Dương, các trường học sẽ phải đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào nội quy, quy chế của đơn vị, trường học và quy định là một trong những nội dung đánh giá thi đua của cán bộ công nhân viên, học sinh tại đơn vị mình.

Phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, văn hóa giao thông và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn; tăng cường thời gian và đa dạng hóa hình thức giảng dạy pháp luật về an toàn giao thông ở tất cả các cấp học;

Thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa như: Sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp..., các hội thi về an toàn giao thông từ cấp cơ sở đến cấp toàn quốc.

Ngoài ra, 100% trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức họp cha mẹ học sinh để tuyên truyền, nhắc nhở và ký cam kết về việc không giao xe máy cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh và nhắc nhở học sinh đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện; mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; chấp hành nghiêm các quy định về an toàn đường sắt…

Thi vào 10 tại Hà Nội: Phải kết hợp cả 3 phương án mới đem lại hiệu quả

Dân Trí đưa tin, Hà Nội vừa công bố 3 phương án thi vào 10 năm 2019 để lấy ý kiến và dự kiến chốt phương án thi chính thức trong học kỳ 1 năm học 2018 - 2019.

Thầy Hồng Trí Quang - Giáo viên Toán tại Hà Nội cho rằng 3 phương án đều có nhưng ưu điểm và nhược điểm, do đó có thể kết hợp các phương án để mang lại hiệu quả tốt nhất.

3 phương án đều có hạn chế

Phương án 1: Thi 4 bài thi độc lập, trong đó có 1 bài thi tháng 3 mới công bố. Như vậy, học sinh phải tập trung vào tất cả các môn, thi 4 môn riêng biệt sẽ tương đối áp lực so với chỉ 2 môn thi hiện tại.

Phương án 2:
 Việc kết hợp thi tuyển 2 môn Toán, Văn kết hợp với xét tuyển như hiện nay có một vài điểm bất cập như: Học sinh học lệch, xét tuyển bằng điểm rèn luyện và học tập các năm cấp 2 chưa thực sự chính xác, cảm tính. Ngoại ngữ là môn quan trọng nhưng do không thi nên cũng khiến các em xem nhé.

Phương án 3: Ngoài việc thi 2 môn chính là Toán + Văn, học sinh còn thi thêm bài thi tổ hợp gồm 4 môn. Như vậy, học sinh sẽ phải ôn tất cả là 6 môn vào giai đoạn cuối (tháng 3 hàng năm công bố tổ hợp 4 môn sẽ thi). Điều này gây sức ép tâm lí rất lớn lên các em, dù cho đề thi tổ hợp có nhẹ nhàng đi chăng nữa. Bên cạnh đó, việc thi trắc nghiệm cũng cần có thời gian cho học sinh làm quen cả về cách học và cách làm bài.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang lấy ý kiến về 3 phương án thi trên và cũng cho biết các trường có thể đề xuất các phương án khả thi khác.

Thầy Hồng Trí Quang.

Theo thầy Hồng Trí Quang, trong xu thế hội nhập thế giới hiện nay, Ngoại ngữ là rất cần thiết và cũng đang được đầu tư giảng dạy trong các trường từ tiểu học tới THCS. Do đó, có thể tổ chức thi Toán, Văn và Tổ hợp 2 môn (Ngoại ngữ + 1 môn được lựa chọn bằng hình thức bốc thăm vào tháng 3 hàng năm). Trong đó, Toán, Văn thi 120 phút tự luận như lâu nay, bài thi tổ hợp trắc nghiệm nhẹ nhàng với các câu hỏi ở mức độ thông hiểu, nhận biết và vận dụng đơn giản để tránh áp lực cho học sinh thì tháng 3 mới công bố môn thi còn lại trong bài thi tổ hợp.

Phương án này sẽ khắc phục được hạn chế được những hạn chế ở phương án 1 và phương án 3, vẫn đảm bảo học sinh học đều các môn. Với tổ hợp 2 môn (Ngoại ngữ + 1 môn được lựa chọn) sẽ giúp học sinh làm quen dần với chương trình tích hợp của sách giáo khoa mới.

Đặc biệt sự tích hợp môn Ngoại ngữ với 1 môn được lựa chọn cũng là khá dễ dàng. Phương án như vậy sẽ giảm bớt được 1 bài thi so với phương án 1 (tức giảm bớt được 1 buổi thi), đồng thời giảm bớt được số môn thi (6 môn) so với phương án 3 từ đó cũng giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội cần sớm chốt phương án thi ngay ở nửa đầu học kỳ 1 của năm học 2018 - 2019 để thầy và trò thuận tiện trong việc học và ôn thi vào 10. Đồng thời, nếu lựa chọn một phương án thi mới, Sở cũng cần tập trung xây dựng ngân hàng câu hỏi chất lượng và công bố sớm đề thi minh họa để nhà trường, giáo viên và học sinh có kế hoạch dạy học và ôn tập tốt.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/8/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.