Thứ sáu, 29/03/2024 12:36 (GMT+7)

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 18/9/2018

MTĐT -  Thứ ba, 18/09/2018 19:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 18/9/2018, cập nhật tin tức giáo dục nóng nhất hôm nay do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Ban đại diện cha mẹ HS không được quy định mức thu quỹ

Tin tức trên Pháp luật TP.HCM, ngày 17/9, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý thu, chi năm học 2018-2019 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) không được quy định mức phí ủng hộ bình quân, không được quyên góp của người học, gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban. Ngoài ra, việc thu, chi kinh phí của Ban phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể CMHS lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện CMHS trường.

Văn bản nếu rõ, các cơ sở giáo dục chỉ được thu các khoản thu theo quy định đã được hướng dẫn. Không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của ban đại diện. Giãn các khoản thu, không thu gộp nhiều khoản thu vào đầu năm học.

Ngoài các khoản thu theo quy định, các cơ sở giáo dục không được đề nghị Ban đại diện CMHS thực hiện các khoản thu khác dưới bất kỳ hình thức nào. Không được tùy tiện lập các loại quỹ để ép buộc HS, CMHS đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện. Nếu có vi phạm, Sở sẽ có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời.

TP.HCM sẽ thực hiện sách giáo khoa riêng

Cũng theo tin tức trên Pháp luật TP.HCM, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết khi có nội dung chương trình môn học từ Bộ GD&ĐT, TP.HCM sẽ chính thức bắt tay vào thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm của các nhà giáo, chuyên môn có được khi biên soạn tài liệu dạy và học.

Học sinh tại TP.HCM rạng rỡ trong ngày khai giảng năm học mới. ẢNH: THỦY TRÚC.

Về lộ trình thực hiện, ông Hoàng cho biết từ Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, vào khoảng năm 2016, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đồng ý cho phép Sở GD&ĐT phối hợp NXB Giáo dục biên soạn bộ SGK. Theo đó, Sở đóng vai trò hỗ trợ, định hướng chuyên môn, mời và tập hợp các thành viên hội đồng biên soạn, còn nhà xuất bản thực hiện công đoạn biên tập, trình Bộ thẩm định.

Để thực hiện cho việc biên soạn bộ SGK của thành phố, theo ông Hoàng, hiện Sở GD&ĐT đã mời và tuyển chọn những chuyên gia, học giả hàng đầu của thành phố, những giáo viên giỏi, năng động, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, để có thể thực hiện bộ SGK, Sở đã tập huấn chuyên gia, các nhóm tác giả môn học về quan điểm viết sách theo định hướng phát triển tư duy của học sinh. Bên cạnh đó, từ nội dung SGK hiện hành, các nhóm tác giả viết một số bài mẫu để đưa ra cách tiếp cận, định lượng kiến thức sao cho phù hợp với mục tiêu.

Đề cập đến định hướng trong công tác biên soạn SGK, ông Hoàng chia sẻ, bộ SGK sẽ bảo đảm các quy chuẩn kiến thức, kỹ năng, bám sát khung chương trình của bộ.

Mặt khác, bộ SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ khắc phục các nhược điểm của bộ sách trước đó như kiến thức nặng tính hàn lâm, xa rời thực tiễn. Sách sẽ được biên soạn theo hướng tinh giản về mặt kiến thức nhưng hiện đại, có tính ứng dụng. Còn về hình thức, sách sẽ được xây dựng và thiết kế sinh động khiến học sinh thích thú.

Đại diện Sở cũng thông tin thêm sau khi Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt bộ sách được giảng dạy trong trường phổ thông, Sở hoàn toàn không áp đặt các trường học phải sử dụng bộ sách của TP hay bất kỳ một bộ sách nào. Tùy mỗi trường và quan trọng nhất là các tổ chuyên môn sẽ đưa ra quyết định căn cứ vào mục tiêu giáo dục và điều kiện thực tế sử dụng bộ sách nào có lợi cho học sinh.

Đề xuất tổ chức ma trận chấm thi THPT quốc gia để chống tiêu cực

Sáng 18/9, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức”, với sự tham gia của hơn 400 đại biểu.

Liên quan vấn đề thi và đánh giá năng lực, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam - nhận định thế giới có 3 xu hướng về kiểm tra, đánh giá.

PGS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - phát biểu mở đầu hội thảo. Ảnh: ĐHQGHN.

Thứ nhất là không thi tốt nghiệp THPT quốc gia, hiệu trưởng các trường phổ thông tự công nhận học sinh đủ điều kiện tốt nghiệp. Phương thức này được các nước như Hàn Quốc, Australia áp dụng.

Thứ hai là tổ chức thi THPT quốc gia, được nhiều nước trên thế giới lựa chọn như Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Phần Lan...

Xu hướng thứ ba có thi THPT quốc gia, nhưng do các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp đứng ra tổ chức, có thể thi 4 lần hoặc 6 lần/năm, thí sinh tự do đăng ký thời gian thi. Mỹ đang áp dụng hình thức này.

Trong đó, xu thế thứ hai và ba có 2 môn thi cốt lõi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Trong đó, các nước như Anh, Mỹ, Australia không áp dụng vì tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Ngoài môn thi bắt buộc, thí sinh cũng có thể thi các môn tự chọn, chuyên biệt để có định hướng vào đại học.

Bà Nga khẳng định không thể bỏ được kỳ thi THPT quốc gia vì đây là cơ sở đánh giá năng lực 12 năm của học sinh và là cơ sở dữ liệu để Nhà nước có chủ trương, chính sách quy hoạch đầu tư cho phát triển giáo dục. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017-2018 được đánh giá cao nhất vì thời gian thi ngắn gọn, có kết quả nhanh, giảm tốn kém, áp lực cho xã hội. Tuy  nhiên, kỳ thi này vẫn còn có tiêu cực trong khâu chấm thi nên cần đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Bà Nga nói rằng cần làm chặt hơn nữa quy chế tuyển sinh, thưởng phạt nghiêm minh đối với những người có trách nhiệm, đồng thời hoàn thiện phần mềm chấm thi. 

Bên cạnh đó, nữ giám đốc trung tâm kiểm định cũng nhấn mạnh phải xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú, đa dạng hơn, theo hướng đánh giá năng lực học sinh, chứ không phải theo sách giáo khoa.

Từ năm 2019-2020 cần giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia với quy chế chặt chẽ, thưởng phạt nghiêm minh, đồng thời hoàn thiện phần mềm quản lý thi, tăng cường ngân hàng câu hỏi.

Từ năm 2021-2023, học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới, nên thi 2-3 lần/năm, tổ chức thi chuyên trên máy tính, thí điểm trước ở địa phương tự nguyện và đến năm 2024 tổ chức thi chính thức với 3 môn bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh cũng có thể chọn môn thi chuyên biệt để vào đại học, việc tuyển sinh để các trường tự chủ. 

Hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng mưa lũ ở Thanh Hóa

Báo Nhân dân đưa tin, ngày 18/9, Đoàn Thanh niên Báo Quân đội nhân dân phối hợp Đoàn Thanh niên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình tặng quà “Nâng bước học sinh vùng lũ đến trường” tại Trường tiểu học và THCS Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hoá).

Thay mặt đoàn công tác, Đại uý Trần Duy Văn, Bí thư Đoàn cơ sở Báo Quân đội nhân dân đã chia sẻ khó khăn của các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh và người dân vùng lũ. Theo đó, những phần quà tuy nhỏ nhưng chính là nguồn động viên lớn lao, tạo động lực để các em học sinh vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.

Thầy giáo Vũ Đức Toàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Cẩm Lương, gửi lời cảm ơn tới những tấm lòng, tình cảm mà các đơn vị dành cho thầy và trò nhà trường cũng như nhân dân trên địa bàn.

Tại chương trình, đoàn công tác đã trao 250 suất quà, 20 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng; 100 bộ sách giáo khoa cùng gần 1.000 đầu sách tham khảo tặng các em học sinh.

Tạm dừng giảng dạy giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo

Sở GD&ĐT Đồng Tháp vừa có văn bản yêu cầu Trưởng phòng phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường công tác quản lý nâng cao đạo đức nhà giáo.

Trong đó nhấn mạnh tăng cường kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần người học và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm.

Thường xuyên phối hợp gửi tin, bài trên các kênh truyền thông về giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nhà giáo, đồng thời vinh danh, tuyên truyền nhân rộng những tấm gương tiêu biểu nhà giáo tận tụy, hết lòng vì học sinh để lan tỏa trong toàn ngành và tại địa phương.

Xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở trong trường học; rà soát và bổ sung nội dung thực hiện đạo đức nhà giáo trong quy chế hoạt động của nhà trường; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên hàng năm theo quy định.

Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động về tư tưởng chính trị, đạo đức nhà giáo, kiến thức pháp luật, các quy định của ngành, trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng và thực hiện nền nếp, kỷ cương trường học.

Đối với những trường hợp giáo viên vi phạm, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật liên quan, tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động.

Cán bộ quản lý, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải gương mẫu, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở giáo viên, nhân viên, người lao động, người học thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, nền nếp, kỷ cương trường học; có biện pháp ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên, nhân viên và người lao động vi phạm đạo đức.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 18/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Tin mới