Thứ bảy, 20/04/2024 03:51 (GMT+7)

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 25/9/2018

MTĐT -  Thứ ba, 25/09/2018 14:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 25/9/2018, cập nhật tin tức giáo dục nóng nhất hôm nay do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Cho ý kiến về dự thảo báo cáo thẩm tra dự án Luật giáo dục (sửa đổi)

Cổng thông tin điện tử Quốc hội thông tin, chiều ngày 24/9, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thảo luận, cho ý kiến dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Theo báo cáo của Chính phủ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), việc xây dựng Luật được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật và điều chỉnh đối với những nội dung khác.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng

Cấu trúc dự thảo Luật về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất và nội dung của dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều (tăng 34 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).

Đa số thành viên Ủy ban cơ bản tán thành với bố cục Dự thảo Luật và cho rằng, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã bảo đảm yêu cầu vừa sửa đổi toàn diện, vừa kế thừa cấu trúc của Luật Giáo dục hiện hành. Với 10 Chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều (tăng 34 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5), Ban soạn thảo đã có sự sắp xếp các chương, mục, điều tương đối phù hợp với tính chất, nội dung của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật về cấu trúc, bố cục theo hướng mạch lạc, rõ ràng hơn.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp 2013. Việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo.

Đánh giá cao hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thấy rằng, mặc dù thời gian chuẩn bị ngắn nhưng Ban soạn thảo đã khẩn trương, tích cực hoàn thiện hồ sơ tương đối đầy đủ, bảo đảm chặt chẽ và kịp thời. Hồ sơ dự án Luật cơ bản được xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Tuy nhiên, để có thêm thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến, các thành viên Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần đầu tư thêm để nâng cao chất lượng  Báo cáo đánh giá tác động đối với các chính sách mới, làm rõ khả năng phát triển thêm các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để giảm áp lực cho các trường công lập; khả năng bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất và các điều kiện khác khi bổ sung quy định về chính sách học phí cho đối tượng phổ cập, chính sách lương nhà giáo, tín dụng sư phạm, giáo dục hoà nhập…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng không "2 trong 1"

Tin tức trên Vietnamnet, Giải trình về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong cuộc họp sáng ngày 24/9 do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, vẫn sẽ duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích "2 trong 1".

Giải thích nguyên nhân tỷ lệ tốt nghiệp cao, Bộ trưởng Nhạ cho rằng có nhiều lý do, trong đó có việc điểm tốt nghiệp dùng điểm thi kết hợp với điểm học bạ để xét.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời câu hỏi của các đại biểu. Ảnh: Minh Phong.

Bộ trưởng thừa nhận điểm học bạ như chiếc “phao cứu sinh” của học sinh nhưng ông cũng khẳng định sẽ từng bước tiến tới đánh giá điểm học bạ ở một mức độ nhất định, còn lại phải tăng vai trò của điểm thi để kỳ thi có ý nghĩa cao hơn, thực chất hơn.

Về chất lượng đề thi, Bộ GD-ĐT cho hay đề thi năm 2018 chưa thật sự phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia; trong đó, có một số câu hỏi thi khó hơn đề thi các năm trước, đặc biệt khó so với yêu cầu của thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, tăng cường câu hỏi chuẩn hoá, sát với chuẩn kiến thức THPT.  

Ông nói, tới đây, kỳ thi sẽ không phục vụ 2 mục đích, mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông. “Chúng tôi sẽ cải tiến theo hướng đây là kỳ thi THPT quốc gia, do đó nội dung, mức độ, yêu cầu đạt được phải gắn với THPT quốc gia, miễn là phải phản ánh thực chất, minh bạch công khai. Theo đó, các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi là việc của các trường”.

Bộ trưởng thừa nhận, việc giao kỳ thi cho các địa phương tổ chức khiến bệnh thành tích còn kéo dài, tốt nghiệp gần như 100%.

“Tới đây, chúng tôi sẽ cải tiến kỳ thi tốt hơn nhưng vẫn bảo lưu quan điểm cần duy trì kỳ thi quốc gia”.

Ông Nhạ cho rằng, giữ được kỳ thi thi này thì chất lượng dạy học phổ thông sẽ tốt lên, do tâm lý chung là không thi thì không học.

Ở khâu coi thi, Bộ GD-ĐT cho biết, một số cán bộ coi thi vẫn còn chưa thực hiện hết chức trách của mình, kiểm tra chưa nghiêm: còn để tình trạng thí sinh tô nhầm số báo danh, mã đề, tô mờ các phương án trả lời nên phải chấm thủ công bài thi; thiếu chữ kí của cán bộ coi thi trong phiếu TLTN của thí sinh.

Cá biệt, có Phó Trưởng điểm thi đến từ ĐH, CĐ không ký, ghi rõ họ tên lên tem niêm phong túi đựng bài thi như hướng dẫn tổ chức thi của Bộ GD&ĐT.

Với khâu chấm thi, còn có hiện tượng thay đổi điểm phúc khảo do cán bộ chấm thi cộng nhầm điểm thi môn Ngữ văn (tại Hội đồng thi Sở GDĐT Nam Định, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế); thay đổi điểm do Ban Chấm thi nhập sai điểm môn Ngữ văn (tại Hội đồng thi Sở GDĐT Hậu Giang); thay đổi điểm phúc khảo do lỗi quét phiếu trả lời trắc nghiệm (tại Hội đồng thi Sở GDĐT Nam Định); thay đổi điểm phúc khảo do định dạng phiếu trả lời trắc nghiệm không chuẩn, cán bộ xử lý bài thi trắc nghiệm sửa không hết (tại Hội đồng thi Sở GDĐT Phú Yên).

Đặc biệt, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số hội đồng thi (đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình), gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội.

Trước mắt, năm 2019, Bộ sẽ tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT; tăng cường vai trò giám sát của các trường ĐH, CĐ trong tổ chức thi.

Lại đề xuất xét tốt nghiệp THPT: Bộ trưởng giáo dục nói gì?

Cũng tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng Quốc hội (UBVHGDTNTN&NĐ) tổ chức, nhiều đại biểu băn khoăn về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hiện nay. Trong đó, có đại biểu đề xuất tốt nghiệp THPT nên giao địa phương xét, không nên thi.
Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia thời gian tới, đại biểu Lưu Thành Công, đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long cho biết hiện nay có một bộ phận cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT; Thay vào đó là xét tốt nghiệp THPT bằng một quy chế chặt chẽ được áp dụng thống nhất trên cả nước.
Theo ông Thành, áp lực kỳ thi THPT quốc gia lên học sinh vẫn còn khá lớn, tỷ lệ tốt nghiệp lại đạt gần đến ngưỡng. Trong khi đó, Việt Nam lại đang làm quy trình ngược là thi ĐH để xét tốt nghiệp THPT. Tiêu cực sai phạm thì mất lòng tin trong nhân dân.
Đồng quan điểm này, Đại biểu Chu Lê Trinh, đoàn Lai Châu cho hay, qua ba năm tổ chức thi THPT quốc gia, kết quả trên 97% đỗ tốt nghiệp. Đại biểu Chu Lê Trinh đặt câu hỏi có cần thiết tổ chức thi tốt nghiệp nữa không? Tại sao thi tốt nghiệp lại chung đề với ĐH. Cơ sở pháp lý của việc chung đề này ra sao?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng Bộ đã có nghiên cứu thực tiễn và tham khảo các nước. Hiện nay thi THPT quốc gia vẫn rất nhiều nước thực hiện. Thi không phải chỉ để công nhận tốt nghiệp mà qua kỳ thi đó để kiểm tra nội dung, phương pháp, chất lượng dạy học ở phổ thông ra sao, có cần điều chỉnh không?
Lý giải tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, Bộ trưởng Nhạ cho biết có nhiều nguyên nhân. Trong đó có lý do là vẫn dùng điểm thi kết hợp với điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT. “Vừa qua, điểm học bạ gần như “phao cứu sinh” để nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp. Tuy nhiên, từng bước, Bộ sẽ phải tiến tới giảm tỷ lệ điểm học bạ để làm sao ý nghĩa của kỳ thi phải thực sự trở về đúng bản chất, thực chất” – Bộ trưởng Nhạ nói.
Về đề thi, từ 2019 sẽ chỉnh theo hướng đây là đề thi của THPT, bám sát vào yêu cầu của THPT. Còn các trường ĐH, CĐ sử dụng hay không là việc của trường. Không thể hiểu thuần túy là “2 trong 1” mà ép học sinh phải học và thi với cả hai mục tiêu. Đề thi sẽ chủ yếu, căn bản là nội dung chương trình lớp 12.

Ủy ban Kiểm tra TƯ chiêu mộ sinh viên xuất sắc vào 15 vị trí

Cơ quan Ủy ban Kiểm tra TƯ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc vào 15 chỉ tiêu công chức ngạch chuyên viên.
Các vị trí tuyển dụng theo chuyên ngành đào tạo: Luật 4 chỉ tiêu; Tài chính - Ngân hàng 3 chỉ tiêu; Xây dựng cơ bản 3 chỉ tiêu; Quản lý đất đai, tài nguyên môi trường 3 chỉ tiêu; Công nghệ thông tin 2 chỉ tiêu. 
Đợt tuyển dụng này, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra TƯ thực hiện theo kết luận 86 của Bộ Chính trị và nghị định số 140 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Đối tượng và điều kiện đăng ký dự tuyển là những sinh viên tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc tại các trường trong nước hoặc nước ngoài (được công nhận về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật), có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc ĐH, trong độ tuổi quy định.
Ngoài ra, các ứng viên phải đáp ứng một trong 3 tiêu chuẩn khác.
Một là đoạt giải ba cá nhân trở lên tại 1 trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh; đoạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học) và khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ) trong thời gian học ở THPT.
Hai là đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở THPT hoặc ĐH.
Ba là đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc ĐH được Bộ GD&ĐT công nhận.

Cần Thơ: Giữ ổn định công tác chính trị, tư tưởng ngành giáo dục

Giáo dục & Thời đại đưa tin, năm học 2017 - 2018, tình hình an ninh, chính trị trong ngành luôn ổn định, không có trường hợp giáo viên hoặc HS có biểu hiện không tốt về chính trị, tư tưởng. Không có trường hợp HS vi phạm đạo đức, lối sống nghiêm trọng, không có tình trạng bạo lực học đường.

Cán bộ, giáo viên và HS Cần Thơ trong chuyến về nguồn tại Khu di tích lịch sử văn hóa Căn cứ Vườn Mận, quận Bình Thủy.

Đây là thông tin được Phòng Chính trị, Tư tưởng (Sở GD&ĐT) TP Cần Thơ trình bày trong Hội nghị tổng kết công tác Chính trị, tư tưởng (CTTT), Giáo dục thể chất năm học 2017 - 2018 và Triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 được tổ chức vào sáng 25/9.

Năm học 2017 - 2018, công tác CTTT trong ngành GD&ĐT TP Cần Thơ được quan tâm chỉ đạo, quán triệt chặt chẽ đến các đơn vị trường học và cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng học sinh, sinh viên. Ngành luôn kịp thời nắm bắt tình hình CTTT trong HS.

Ngành củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ tư vấn tâm lý cho HS trong các cơ sở giáo dục. Có 100% cơ sở giáo dục có tổ tư vấn học đường, tạo điều kiện để công tác triển khai công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường, giúp HS tự tin và có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, tạo ra sự cân bằng tâm lý, học tập đạt kết quả tốt...

Theo ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng Phòng Chính trị, Tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ): Năm học 2018 - 2019, ngành giáo dục thành phố tăng cường nề nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục CTTT, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa và ý thức chấp hành pháp luật cho HS...

Nam sinh nghi bị ép nuốt 9 viên bi sắt, nhà trường nói gì?

Tin tức trên Tri thức trực tuyến (Zing News), theo báo cáo của ông Trần Quang Vinh, Hiệu trưởng Tiểu học An Bình B, cơ quan chức năng chưa thể kết luận Nam có bị bạn ép hay tự nuốt bi sắt.

Ông Vinh cho biết thời điểm Nam nhập viện, ông và giáo viên chủ nhiệm chủ động gọi điện thăm hỏi gia đình, cũng như đến thăm học sinh.

Sau khi nắm bắt được sự việc qua lời kể của gia đình em Nam, sáng 24/9, nhà trường đã làm với giáo viên chủ nhiệm, bà Linh (mẹ của Nam) và 2 phụ huynh của 2 học sinh được cho là đã ép bạn nuốt bi sắt.

Sức khỏe của Nam đã ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới. 

Mẹ của Nam cho biết sau khi mổ xong, gia đình hỏi, con kể từ đầu năm học bị bạn T. dọa đánh nhiều lần và đã báo giáo viên chủ nhiệm.

"Nếu thật sự cháu T. có việc làm như vậy thì gia đình sẽ giáo dục lại cháu và chịu hoàn toàn trách nhiệm", phụ huynh em T. nói trong buổi làm việc.

Sau sự việc Nam nuốt bi sắt, gia đình mong nhà trường và giáo viên tiếp tục giáo dục các em, tránh tình trạng không mong muốn xảy ra.

Cô Nguyễn Xuân Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 5, cho hay từ đầu năm học, em T. có phản ánh với giáo viên chủ nhiệm rằng Nam uống mực và ăn đồ bẩn. Cô Hương đã nhắc nhở Nam, đồng thời phân tích rằng không nên làm vậy. Trong cuộc họp phụ huynh học sinh ngày 26/8, cô Hương cũng thông báo với phụ huynh em Nam sự việc này.

Ông Trần Quang Vinh cho biết ông đã báo cáo sự việc và nội dung cụ thể buổi làm việc giữa các phụ huynh với Phòng Giáo dục thị xã Dĩ An và lãnh đạo Công an phường An Bình (thị xã Dĩ An, Bình Dương).

Bạn đang đọc bài viết Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 25/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...