Thứ sáu, 19/04/2024 00:06 (GMT+7)

Tuyển sinh lớp 10 và nỗi lo học lệch

MTĐT -  Thứ sáu, 13/04/2018 10:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một mùa thi mới sắp đến. Lại sắp sửa có một lớp học sinh bước vào trung học phổ thông. Sẽ có nhiều điều đáng nói ở đây nhưng điều chúng tôi quan tâm nhất là nỗi lo học sinh học lệch vì …thi.

Thời chúng tôi học, trên đưới 30 năm trước đây, áp lực thi cử khá lớn. Bởi vì chúng tôi phải trải qua nhiều kỳ thi, như: thi tốt nghiệp tiểu học và chuyển cấp ở lớp 5 để xét vào lớp 6; thi tốt nghiệp THCS lớp 9; thi tuyển sinh vào lớp 10; thi tốt nghiệp THPT; và thi tuyển sinh cao đẳng, đại học. Môn thi của các kỳ thi tốt nghiệp phải đến gần thời gian thi mới công bố. Vì thế học sinh (HS) không dám học lệch. 

Từ năm học 2005-2006, theo Luật Giáo dục sửa đổi, kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS chính thức được bỏ. Thay vào đó, do áp lực về trường lớp, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trở nên quan trọng ở nhiều địa phương. Kỳ thi này chủ yếu đánh giá kiến thức của 3 môn toán, văn và ngoại ngữ. Vì vậy, hệ quả là, HS cuối cấp THCS (nhất là lớp 9) chỉ chú trọng học 3 môn này để thi. Dẫn đến việc học lệch. 

Quan sát HS lớp 10 nhiều năm, dễ thấy điểm này: Nhiều em khi từ lớp 9 thi tuyển vào THPT với điểm số rất cao, có em là thủ khoa, song sau một thời gian học, đã bộc lộ nhiều điểm yếu. Rất nhiều em xếp loại học lực giỏi ở lớp 9, nhưng đến học kỳ 1 lớp 10, bị kéo xuống loại trung bình. Mà nguyên nhân chủ yếu là “đuối sức” học các môn khác ngoài toán, văn, Anh. Kể cả những em thủ khoa nói trên. 

Ý thức được điểm này, nhiều địa đã có những cách làm để hạn chế việc học lệch. Chẳng hạn ở TP.Hồ Chí Minh, việc ra đề theo dạng tích hợp kiến thức các môn khác vào đề thi của những môn thi trên. Mặc dù lãnh đạo ngành giáo dục ở đây cũng đã trấn an dư luận, song có thể khẳng định, sự thay đổi này chưa thật sự giải quyết tận gốc vấn đề học lệch, chưa thật sự là một giải pháp lâu dài, bền vững. Sự thay đổi liên tục, đột ngột về cách ra đề thi những năm gần đây khiến phụ huynh, thầy cô, và HS chưa hài lòng là một minh chứng. 

Học sinh lớp 9 sắp vào mùa thi

Vừa qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra dự kiến phương án tuyển sinh lớp 10 năm 2019-2020 bằng các bài thi tổ hợp. Theo đó, ngoài 2 môn thi độc lập là toán, ngữ văn, HS chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp đó là: tổ hợp 1 (gồm ngoại ngữ, vật lý, lịch sử, giáo dục công dân); hoặc tổ hợp 2 (gồm ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học). Đây là giải pháp có nhiều điểm hợp lý. Nhưng liệu có làm cho áp lực việc dạy và học ôn thi trở nên căng thẳng, nặng nề? Liệu có làm cho tình trạng dạy và học thêm bấy lâu có vẻ tạm lắng xuống lại bùng phát bát nháo trở lại? Đó là những lo lắng có cơ sở.

Vì vậy, thiết nghĩ, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay cần phải được bàn tính kỹ, nên có sự đồng bộ và phải tính đến một giải pháp hiệu quả nhất. Trong đó cũng nên căn cứ vào học bạ THCS cũng nên đưa vào thành một tiêu chí xét tuyển. 

Vài thông tin về kỳ tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM:

- Sau khi thí sinh đăng ký dự thi, ngày 4/5/2018: Sở GD-ĐT công bố số liệu ban đầu.

- Từ 4/5 đến 10/5: Học sinh có thể thay đổi nguyện vọng.

- Ngày 2-3/6: Thi tuyển sinh.

- Ngày 13/6 (dự kiến): Công bố kết quả thi.

- từ ngày 11-27/7: Học sinh nộp hồ sơ trúng tuyển tại trường THPT.

Bạn đang đọc bài viết Tuyển sinh lớp 10 và nỗi lo học lệch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Trần Ngọc Tuấn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.