Thứ sáu, 19/04/2024 23:48 (GMT+7)

Tết, lo phết!

PHAN NGÂN -  Thứ bảy, 09/02/2019 20:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ xưa, Tết người ta chúc nhau an khang, thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, thế nhưng ngày nay, nhắc đến ngày Tết là nhắc đến cả trăm nỗi sợ!

Kỳ nghỉ Tết dài ngày là cơ hội để mọi gia đình đoàn viên, sum họp chào đón năm mới. Theo truyền thống của người Việt ta, dù đi đâu làm gì thì đầu năm ai nấy đều phải về với gia đình, ăn với nhau bữa cơm, uống với nhau chén rượu, thế mới vui, mới là Tết. Từ xưa,Tết người ta chúc nhau an khang, thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, thế nhưng ngày nay, nhắc đến ngày Tết là nhắc đến cả trăm nỗi sợ.

Văn hóa “từ chối”

Như đã nói, ngày Tết ở mọi gia đình thiếu gì thì thiếu chứ không thể thiếu rượu. Nhâm nhi chén rượu, chúc nhau những lời chúc tốt lành nhất đã là nét đẹp văn hóa từ ngàn đời. Nhưng từ nét đẹp đó, uống rượu ngày nay đã thành quá đà kéo theo bao hệ lụy đáng sợ. Dù là mâm cơm tất niên hay mâm cơm ngày mùng 1 đón năm mới thì mâm nào cũng phải bia rượu đề huề. Rồi tâm lý ép nhau uống từng chén cạn chén đầy ở Việt Nam là không hề hiếm thấy. Tất cả những thói quen đó đã khiến ngày xuân mất vui, nhiều gia đình rơi vào cảnh bi kịch chỉ vì uống không chừng mực.

Ép rượu đang thành vấn nạn đáng sợ.

 Bài học đắt giá của việc uống bia rượu quá đà là tai nạn giao thông, điều này không thể phủ nhận. Trong 7 ngày nghỉ Tết, cả nước xảy ra 214 vụ tai nạn giao thông khiến 135 người tử vong và 189 người bị thương. Riêng ngày mùng 4 Tết, theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cả nước đã xảy ra 37 vụ, làm chết 23 người và bị thương 39 người. Tất cả đều xảy ra trên đường bộ. Tâm lý của nhiều người trong dịp này thường là chủ quan, tham gia giao thông không mũ bảo hiểm, trong người lại có bia rượu nồng độ cao, không làm chủ được tốc độ,… như vậy bảo sao Tết chẳng lo!

Rồi cũng chưa bao giờ lượng người đánh nhau lại tăng vọt như Tết. Đến lạ! Theo thông tin trên VnExpress, các ca tử vong do đánh nhau, ẩu đả chỉ đứng sau tai nạn giao thông trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, trong đó rất nhiều trường hợp mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả vì lý do say xỉn. Tổng hợp chung trong 5 ngày nghỉ Tết từ ngày 28 Tết đến sáng mùng 3, trên cả nước đã có 3.442 ca khám, cấp cứu tai nạn do đánh nhau. Trong đó 1.820 ca phải nhập viện theo dõi và cũng có tới 11 người tử vong vì… đánh nhau ngày Tết. Những con số khiến người ta ngạc nhiên nhưng lại có thật.

Tết đánh nhau đến tử vong, chuyện đáng xấu hổ.

Uống rượu xong không phải chỉ lo say, lo ẩu đả hay tai nạn giao thông, mà ta còn phải lo cả ngộ độc rượu. Thời buổi mà người ta bán rượu chỉ vài nghìn đồng một chai, nấu rượu không cần gạo thì lấy đâu ra an toàn. Từ 28 Tết đến mùng 4 Tết, mỗi ngày Khoa Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu hơn 200 bệnh nhân ngộ độc rượu mức độ nặng. Các ca bệnh chủ yếu do tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não, đột quỵ hay xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu. Khoa Chống độc cấp cứu các ca ngộ độc trong đó có ngộ độc rượu mà bệnh nhân lại là những người trẻ trong độ tuổi lao động. Nhiều trường hợp còn phải xin về vì tiên lượng sẽ tử vong. Đầu xuân có phải rước họa vào thân vì chén rượu hay không?

Hậu quả mà bia rượu đem đến thật đáng sợ và cũng đáng suy ngẫm. Các đấng mày râu hãy học cách từ chối rượu bia, đừng vì ham vui mà đánh mất bản thân mình. Bởi chén rượu hay cốc bia không thể đo được độ nông sâu của tình thân hay bất cứ điều gì cả.

Lợi dụng Tết rồi mất hết

Đứng thứ 2 sau bia rượu có lẽ là cờ bạc. Lợi dụng dịp Tết Nguyên đán, lợi dụng việc vui chơi đầu xuân, nhiều người đã không ngần ngại tổ chức đánh bạc tại nhà. Như sự việc hôm mùng 4 vừa rồi tại Thanh Hóa, Công an tỉnh đã bắt tại trận 18 đối tượng đang “trải chiếu” với số tiền hơn 50 triệu đồng cùng các tang vật liên quan. Phòng hình sự hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc. Thế là cả 18 người trẻ có già có, mất Tết.

Bắt giữ 18 đối tượng đánh bạc tại Thanh Hóa.

Rồi tại các lễ hội đầu xuân cũng không lạ gì cảnh hàng chục người xúm đen xúm đỏ vào một ổ bầu cua. Thấy người ta đánh đỏ quá, nhiều người cũng muốn thử vận may. Sau mới vỡ lẽ những kẻ đánh bạc chuyên nghiệp đều có "ngón nghề" cả. Càng cố gỡ càng bị “lột sạch”, có người tán gia bại sản thậm chí suýt bỏ mạng vì “đánh cho vui”, “thử vận may” ngày Tết. Mới đầu năm, một người đàn ông ở thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An đã mua xăng về nhà tự thiêu vì trắng tay do thua bạc. Kết cục bị bỏng nặng, nhưng vẫn còn may vì đã qua cơn nguy kịch.

Thế đấy, Tết truyền thống ngày nay chẳng phải là dịp nghỉ ngơi, sum vầy nữa mà ngày Tết hiện đại kéo theo quá nhiều hệ lụy khiến xã hội phải giật mình lo sợ. Tuy vậy, Tết vui hay buồn, mừng hay lo, cốt vẫn ở ý thức của con người. Mỗi người hãy học cách từ chối những tệ nạn, hãy ăn Tết văn minh để Tết Nguyên đán mãi giữ được cái hồn dân tộc.

Bạn đang đọc bài viết Tết, lo phết!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...