Thứ năm, 28/03/2024 16:39 (GMT+7)

T.T Thích Từ Nghiêm: Trong Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã

Bình Dương -  Thứ sáu, 09/03/2018 05:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vào những ngày lễ tết, nhất là trong tháng Giêng, theo thói quen của nhiều gia đình Việt, đều đốt vàng mã… Việc làm này đang gây lãng phí và làm gia tăng ô nhiễm môi trường.

Trước đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ban hành công văn yêu cầu loại bỏ tập tục đốt vàng mã ra khỏi các cơ sở tôn giáo, và UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có công văn số 10068.

Trong công văn nêu rõ để tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, tang lễ, lễ hội.

Tiếp nối kết quả tuyên truyền vận động một số biện pháp hạn chế trình trạng rải tiền, đốt vàng mã khi đưa tang trên địa bàn thành phố. Hướng tới chấm dứt tình trạng rải tiền, vàng mã, các vật dụng thờ cúng gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Đây là một hành động tích cực để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị nhất là lãng phí tiền của.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buối trao đổi với Thượng tọa Thích Từ Nghiêm - Phó Trưởng ban trị sự, Trưởng ban hoằng pháp ban trị sự GHPGVN TP Đà Nẵng.

Thưa Thượng tọa xin thượng tọa cho biết, việc đốt vàng mã vào các lễ tết, rải vàng mã khi đưa tang để tưởng nhớ bày tỏ tấm lòng thành đối với những người đã khuất của người dân hiện nay bắt nguồn từ đâu?

 Tập tục đốt vàng mã của người dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung hiện nay còn rất nhiều, nhưng trong các cơ sở tôn giáo thuộc thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã giảm nhiều. Giáo hội phật giáo Việt Nam tại Đà Nẵng cũng đã tuyên truyền cho các tăng ni, phật tử không đốt vàng mã trong các cơ sở tôn giáo, chủ yếu việc đốt vàng mã ở các tư gia của bà con còn nhiều.

Thượng tọa Thích Từ Nghiêm Phó trưởng ban trị sự, Trưởng ban hoằng pháp ban trị sự GHPGVN thành phố Đà Nẵng.

Đối với tập tục đốt vàng mã của bà con hiện nay bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc, khi Trung Quốc đô hộ Việt Nam trong thời gian dài dẫn đến văn hóa Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều từ nền văn hóa Trung Quốc. Trong đó có tập tục đốt vàng mã cho người đã khuất và vào các dịp lễ tết.

Thưa Thượng tọa, là Phó trưởng ban trị sự, Trưởng ban hoằng pháp ban trị sự GHPGVN thành phố Đà Nẵng để giảm thiểu cũng như thay đổi thói quen của bà con về tập tục đốt vàng mã thì giáo hội đã có những biện pháp gì?

Để thay đổi được tín ngưỡng của người dân về tập tục này không dễ chúng ta phải có thời gian để thay đổi được nhận thức, suy nghĩ của người dân. Khi đã thay đổi được suy nghĩ của người dân sẽ giảm thiểu được việc đốt vàng mã.
Trong Phật giáo chỉ dùng tâm, tâm niệm để bày tỏ lòng thành kính, thưởng nhớ những người đã khuất, các bậc thần thánh để từ đó làm nhiều việc tốt đó mới là cái cần thiết.

Thực chất tập tục đốt vàng mã ngày xưa là tín ngưỡng, nhưng bây giờ là mê tín dị đoan. Lãng phí tiền của, trong Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã.

Tình trạng đốt vàng mã hiện nay là phô trương về hình thức, gia đình nào khá giả họ có thể bỏ ra cả trăm triệu mua tiền vàng mã nói là đốt vàng mã nhưng thực chất là đốt tiền thật, mà việc đốt vàng mã không phải đốt và người đã khuất có thể nhận được.

Ngoài việc đốt vàng mã bà con vẫn còn tập tục rải vàng mã khi đưa tang, các vật dụng thờ cúng làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, xanh, sạch đẹp.

Việc giảm thiểu đốt vàng mã cũng như nói không với tập tục đốt vàng mã trong các cơ sở tôn giáo ở thành phố Đà Nẵng sẽ có ảnh hưởng đến đời sống của người dân hay làm mất đi một ngành nghề truyền thống hay không?

Hiện nay ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung, có hàng ngàn cơ sở sản xuất ngành nghề thủ công vàng mã. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều bà con, có nhiều gia đình có thể nói là nghề gia truyền từ đời này qua đời khác.

Trước đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Viện Nam có ban hành công văn yêu cầu loại bỏ tập tục đốt vàng mã ra khỏi các cơ sở tôn giáo. Sau đó, UBND thành phố Đà Nẵng cũng có công văn về việc hạn chế tình trạng rải và đốt vàng mã khi đưa tang. Hành động này chính là việc làm tố để tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường mất mỹ quan đô thị.

Về việc giảm thiểu thủ tục này thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân đang làm ngành nghề thủ công vàng mã, GHPGVN thành phố Đà Nẵng cũng đã tuyên truyền cho các tăng ni, phật tử đang sản xuất vàng mã dần chuyển đổi ngành nghề.

Nói chung đã có người bán sẽ có người mua, việc ban hành công văn này cũng hạn chế đi ngành nghề thủ công truyền thống lâu đời của bà con.

Cảm ơn Thượng tọa về buổi trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử!

Bạn đang đọc bài viết T.T Thích Từ Nghiêm: Trong Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới