Thứ sáu, 29/03/2024 20:45 (GMT+7)

Bài Chòi trở thành di sản UNESCO

MTĐT -  Thứ sáu, 08/12/2017 08:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể ngày 7/12, ghi danh di sản vào Danh sách Văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại.

DI SẢN ĐẠI DIỆN NHÂN LOẠI

Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc) từ 3-9/12 xem xét 35 hồ sơ Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại trong đó có Bài Chòi của Việt Nam. 6 hồ sơ vào Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và 1 hồ sơ Hát Xoan của Việt Nam đưa ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển sang Danh sách Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chiều 7/12, các đại biểu gõ búa thông qua hồ sơ Bài chòi.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đáp ứng những tiêu chí sau: Hoạt động văn hóa quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Việc ghi danh Nghệ thuật Bài chòi khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân, tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật. Chính phủ và cộng đồng nỗ lực để bảo vệ di sản, sưu tầm và tư liệu hoá di sản.

Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho rằng, việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định “bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO”.

KHÔNG LO MAI MỘT

Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam phổ biến ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Đây là loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài chòi có hai hình thức chính: Chơi Bài chòi và trình diễn Bài chòi. Chơi Bài chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. Trong các buổi trình diễn của Bài chòi, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài chòi là các anh chị Hiệu, nghệ nhân biểu diễn Bài chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài.

PGS.TS Đặng Hoành Loan, nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống và tham gia làm hồ sơ Bài chòi nói, Bài chòi hấp dẫn ở sinh hoạt ca hát-hô Bài chòi: Dựa vào lối chơi bài, người ta hô rất nhiều con bài lên bằng rất nhiều câu hát khác nhau phản ánh đời sống người Nam Trung bộ, hấp dẫn người xem. “Người ta đến đó không để sát phạt nhau mà để thưởng thức các cuộc trình diễn nghệ thuật của các anh chị Hiệu”, TS Loan nói. Ông đánh giá cao nghệ thuật độc diễn sinh ra từ Bài chòi. Theo đó, sau khi đánh Bài chòi các anh chị Hiệu đi khắp các làng quê trình diễn, một người đóng nhiều vai diễn khác nhau.

“Muốn bảo tồn trước tiên phải quan tâm tới nghệ sĩ-anh chị Hiệu- nếu không sẽ không còn nghệ thuật này nữa. Vì thế người ta phải tổ chức truyền dạy lối hô bài chòi. Tôi thấy các tỉnh miền Trung làm tốt, họ tổ chức trình diễn, mở các CLB dạy hô Bài chòi. Tôi nghĩ đây là cách làm duy nhất để bảo tồn và phát huy giá trị di sản”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói. Ông nói thêm, qua rất nhiều tỉnh miền Trung và thấy hầu như ai cũng có thể hô Bài chòi, chỉ có điều người hay người không. “Người ta vẫn tổ chức chơi Bài chòi, thu hút đông nghệ sĩ tham gia vì vậy không có gì phải lo lắng cho di sản này”, ông nói.

Theo thông tin từ những người làm hồ sơ Bài chòi, những người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. Cùng với cộng đồng, những người này thành lập gần 90 đội, nhóm và câu lạc bộ để luyện tập và truyền dạy nghệ thuật Bài chòi, thu hút sự tham gia rộng rãi của cộng đồng. Phần lớn nghệ nhân đều được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát Bài chòi trong gia đình, chủ yếu thông qua phương pháp truyền miệng. Tuy nhiên, một số nghệ nhân Bài chòi ngày nay cũng truyền dạy kiến thức và kỹ năng trong các hội, các câu lạc bộ và trường học.

Ngày 8/12, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO cũng lần đầu tiên xem xét đưa di sản Hát Xoan ra khỏi danh sách bảo vệ khẩn cấp, ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bạn đang đọc bài viết Bài Chòi trở thành di sản UNESCO. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Tiền phong

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới