Thứ ba, 19/03/2024 15:59 (GMT+7)

Bảo tồn di sản Cổ Loa: Cần một tư duy ngược 

MTĐT -  Thứ hai, 25/06/2018 09:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để bảo tồn và phát triển bền vững từ giá trị di sản Cổ Loa, cần có những giải pháp tức thời và dài hạn.

Mà xuyên suốt trong đó, cần tư duy “ngược”, coi thành, hào mới là vùng lõi bảo tồn chứ không phải là chỉ có vùng Thành Nội đang được định danh là “lõi” trong các quy hoạch hiện nay. Đồng thời, để phát triển bền vững, cần dựa trên quá trình tham gia của người dân – các chủ thể văn hóa chứ không phải họ ở lại “bên lề” di tích.

 Phối cảnh tổng thể Khu di tích thành Cổ Loa. Nguồn ảnh: Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.

Xác định lại trọng tâm - thành hào mới là “lõi”

Trong Quyết định số 1083/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa năm 2012 và cụ thể hơn, trong Quyết định 1004/QĐ-TTg về việc Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2.000) năm 2015 đã xác định “vùng lõi” ưu tiên cần bảo tồn ở Cổ Loa.

Tuy nhiên, các quy hoạch này lại đang đặt ra trọng tâm bảo tồn “ngược” với giá trị thực sự của tòa quân thành này. Nếu như, theo các nhà văn hóa học, khảo cổ học và lịch sử, giá trị quan trọng nhất của Cổ Loa chính là các vòng thành đất với tuổi đời 2.300 năm, độc đáo, có quy mô lớn và sớm nhất Đông Nam Á, thì việc đặt ra các vòng lõi như QĐ 1004 đã vô hình trung đánh giá thấp giá trị của các vòng thành Ngoại, thành Trung.

Cụ thể, Thành Nội và khu Cánh cung phía Nam Thành Nội; được coi là khu tập trung đậm đặc các quần thể di tích tưởng niệm thời kỳ An Dương Vương được coi là vùng “lõi”, đã được xác định cần ưu tiên tối đa bảo tồn, phát huy khai thác giá trị cốt lõi của Khu di tích; còn phân vùng “trung” là từ thành Trung đến vùng Lõi thì ưu tiên cải tạo và chỉnh trang khu dân cư, gìn giữ cấu trúc định cư truyền thống, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định và nâng cao chất lượng sống khu dân cư; phân vùng “ngoại” từ hào thành Ngoại vào đến vùng Trung ưu tiên bảo tồn, phát triển khai thác môi trường sinh thái.

Cách hiểu và định giới như vậy là một sai lầm, “khi anh quan niệm đó là lõi quan trọng nhất thì những khu vực bên ngoài là không phải lõi - thì kém quan trọng hơn ư? Mà toàn bộ ba vòng thành và hào đều chính là lõi, nếu Thành Nội có tuổi đời là 2.300 năm, thì các thành và hào còn lại cũng có tuổi đời bằng Thành Nội, có vai trò bình đẳng như nhau trong một cấu trúc chỉnh thể”. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và Phát huy giá trị di sản thuộc VUSTA nói.

Xác định sai giá trị của Cổ Loa đã dẫn tới lỗ hổng về quản lý nhà nước. Trong bài viết trước, chúng tôi đã phân tích khoảng trống trong quản lý những đoạn thành hơn 2.300 năm tuổi sót lại đến nay, còn chưa được xác định một cách rõ ràng và hợp lý. PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã nhận định “Thực tế Thành cổ không có chủ. Đây là nguy cơ dẫn tới hủy hoại di tích lịch sử đặc biệt quan trọng này”. Do đó, theo ông, để “xác định sổ đỏ cho thành và hào”, tức là phải xác định mốc giới về pháp lý, quyền sở hữu, làm bản đồ chi tiết 1/500, trên cơ sở đó mới xác định “đâu là di tích, đâu là thành và hào cần phải bảo vệ”, cần bắt đầu từ vòng Thành Ngoại, nơi vẫn còn nguyên vẹn hơn so với Thành Trung, Thành Nội và gần như không có nhà cửa dân sinh, sau đó tới đo đạc và phân giới ở vòng Thành Trung và Thành Nội. Mấu chốt để bảo vệ di sản là giải quyết những vấn đề này.

 Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, cần làm gấp việc phân giới, đo đạc để xác định đâu là thành, hào để bảo tồn. Trong ảnh: Một góc vòng thành Trung và hào nước của Thành Trung (bìa trái) đều đang được người dân canh tác (trồng cây lưu niên lên Thành Trung và trồng lúa hoặc hoa màu lên hào nước). Ngoài ra, theo ông, trong tương lai, nếu làm du lịch sinh thái, thì con đường (bìa phải) rất thuận tiện cho du khách ngắm được trọn vẹn vòng thành và cảnh quan của Cổ Loa. Ảnh: Bảo Như.

Việc này cần được TP Hà Nội giao cho đơn vị xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500 của Cổ Loa thực hiện ngay, nếu để chậm trễ ngày nào thì ngày đó các vòng thành sẽ bị hủy hoại, mà thực trạng hiện nay là vòng Thành Nội bị phá hủy rất nhiều. Tuy nhiên, muốn xác định được các tiêu chí cho toàn bộ hoạt động phân giới, cắm mốc trên, nhất thiết phải có cách tiếp cận liên ngành, với sự tham gia góp ý về mặt chuyên môn của các nhà sử học, nhà văn hóa học, các đơn vị làm phát triển cộng đồng, để cùng bàn bạc và xác định cho đơn vị thực hiện quy hoạch chi tiết các ranh giới. “Chứ một mình ban quản lý di tích, chỉ một phía các nhà nghiên cứu lịch sử, hay nghiên cứu văn hóa như tôi cũng không thể xây dựng tiêu chí một cách toàn diện được”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Không để người dân – chủ thể của di sản ở “bên lề” bảo tồn

Song song với quá trình xác định và phân giới các khu vực cần bảo tồn, mà người dân và các doanh nghiệp ở Cổ Loa phải tuân thủ (theo luật Di sản, tất cả các vùng được khoanh để bảo vệ phải được giữ nguyên trạng về mặt bằng và không gian), thì cần phải tìm giải pháp phát triển du lịch bền vững. “Làm thế nào để người dân sống với di sản? hầu như chẳng ai nghĩ tới điều này cả”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy trăn trở và cho rằng, cần phải tìm cách để người dân vừa bảo tồn, vừa làm du lịch dựa trên “vốn” di sản này.

Tuy nhiên, liệu đây có phải là một mơ ước xa xỉ trước thực tế, người dân vẫn đang quay lưng với di sản, còn du lịch tại đây chưa hề phát triển được gì ngoài những đợt du khách tới theo mùa lễ hội. Khi chúng tôi tới thôn Chùa, xã Cổ Loa, người dân trong thôn cho biết rằng, họ cũng chỉ biết sơ sơ là chính phủ đã có dự án phát triển du lịch ở Cổ Loa, nhưng hầu như “vẫn chưa có động tĩnh gì”.

Việc người dân tỏ thái độ thờ ơ với các hoạt động bảo tồn di tích, cho rằng đó là “việc của Ban quản lý chứ không phải việc của chúng tôi”, hay tới mức xây dựng các công trình lấn chiếm, phá nhiều đoạn thành đất và hào có căn nguyên từ đâu? Quay trở lại hai mươi năm trước, chính người dân nơi đây là những người bảo tồn di sản, như ông Lê Viết Dũng, Phó ban quản lý (phụ trách) khu di tích Cổ Loa cho biết, “nếu không còn người dân sống thì khu di tích này đã biến sang hình thái khác từ lâu rồi, nói một cách sòng phẳng và công bằng là nếu không có dân thì di tích không giữ được đến bây giờ”. Vẫn chính những con người Cổ Loa đó, vì sao lại thay đổi?

Bởi vì “người dân ở đây không được lợi gì từ việc bảo tồn và phát triển du lịch như hiện nay cả”, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy. Còn ở phạm vi rộng hơn, “chúng ta đang bảo tồn di tích bằng một tư duy từ trên xuống. Nếu nhìn từ trên xuống, chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy lợi ích của mình, lợi ích kinh tế hoặc chính trị mà không nhìn thấy lợi ích và những vấn đề của người dân. Nếu từ dưới lên thì lại khác, khi đó chính quyền sẽ hiểu ra vấn đề của người dân ở đâu, còn người dân cũng sẽ hiểu được mình cần làm gì để bảo tồn và phát triển du lịch, và được hưởng lợi gì”, TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam nhận xét.

Nhìn vào các quyết sách để phát triển gắn với bảo tồn di sản Cổ Loa, vai trò mang tính quyết định của nhà nước đã được xác định, “trong các quy hoạch được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đều có định hướng, giải pháp... Và UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm thực hiện”, như TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chúng tôi. Nhưng chưa kể tới việc còn nhiều khoảng trống về quản lý và phối hợp giữa các bên (như chúng tôi cũng phân tích trong loạt bài này), thì những định hướng này vẫn đang chỉ “đi một chân”, mà thiếu một “chân” quan trọng, đó là người dân – chủ thể của di sản. Người dân đang sống trong di sản không được đề cập vào trong các quy hoạch với tư cách một “chủ thể” của di sản, có quyền ra quyết định, quyền tham gia vào các quyết sách có tác động lớn, thậm chí có thể thay đổi hẳn cấu trúc cộng đồng mà chỉ được nhắc tới một cách “bị động”.

Việc “đánh thức” di sản cần có chính sách, quy hoạch của nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp. Nhưng làm thế nào để những chủ thể văn hóa tham gia được vào các khâu này và tự quyết định được số phận của cộng đồng mình? Chỉ có như vậy mới tránh được những mâu thuẫn xung quanh quá trình phát triển các khu du lịch. Bởi vì đã có nhiều bài học, khi các nghiên cứu của UNESCO chỉ ra rằng, không chỉ ở Việt Nam, mà tại nhiều nước đang phát triển khác, hầu hết người dân địa phương không hưởng lợi, mà chỉ có các tập đoàn tư nhân hoặc quan chức. Thậm chí, ngay cả khi có một chiến lược phát triển du lịch và định hướng đào tạo cho người dân tham gia bảo vệ di sản, thì vẫn không thu hút được chính người dân tham gia bảo vệ di sản vì người dân không nhìn thấy lợi ích đủ lớn.

Người dân đang phơi và thu lúa ngay bên cạnh đền của thôn Chùa. Nhịp sống thường ngày ở Cổ Loa là điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch, cho thấy đây thực sự là một “di sản sống”. Ảnh: Bảo Như.

Để khắc phục vấn đề này, UNESCO đã đưa ra hướng dẫn Quản lý du lịch tại các khu di sản1, trong đó nêu rõ bất cứ chương trình du lịch bền vững nào cũng cần sự tham gia của những người có lợi ích, hoặc các bên quan tâm gồm các cơ quan chính phủ, các tổ chức nghiên cứu bảo tồn di sản, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các nhà kinh doanh bất động sản và các cộng đồng địa phương.

Yếu tố thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng chính là xây dựng lòng tin: chính quyền phải công khai thông tin về chính sách phát triển, tương tác với người dân và cam kết thực hiện.

Cách thức hợp tác có hiệu quả chính là sử dụng phương pháp Đánh giá có sự tham gia của người dân nông thôn (PRA) cho phép người dân địa phương cất tiếng nói, mô tả về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của họ. PRA có thể tạo điều kiện dễ dàng cho việc trao đổi thông tin không chính thức giữa chính quyền, các nhà nghiên cứu, nhân viên NGO và người dân.

Dựa trên các thông tin đó, nhà nghiên cứu (là các nhóm nghiên cứu liên ngành chủ yếu gồm nhân học, khoa học phát triển, lịch sử, nhà nghiên cứu chính sách, nhà kinh tế, môi trường) đưa ra các phương án tư vấn, giúp chính quyền hoạch định chính sách phù hợp với quyền lợi của chủ đầu tư và người dân địa phương. Điều quan trọng nhất, là những kế hoạch này phải có sự tham gia ngay từ đầu của người dân, thay vì công bố các dự thảo kế hoạch quản lý để lấy ý kiến công chúng (như cách làm hiện nay, và chúng ta vẫn đang tin rằng đó là cách làm có sự tham gia của người dân), những người xây dựng kế hoạch cần bắt đầu bằng việc cùng người dân xác định xem họ cần cái gì, và một di sản có thể đem lại lợi ích gì. Toàn bộ quy trình trên cần sự tư vấn của các nhà nghiên cứu phát triển, chứ cán bộ làm chính sách hiện nay chưa được đào tạo để thực hiện những việc này.

Quay trở lại Cổ Loa, bà Nguyễn Thị Lưu, người trông coi ngôi đền của thôn Chùa đã 20 năm, kể về việc bà và những người dân Cổ Loa tỏ thái độ quay lưng với những việc “của” ban quản lý khu di tích, nhưng mặt khác lại đầy lòng tự hào khi kể cho chúng tôi nghe về đoàn chèo, tuồng góp của thôn Chùa đã tham gia vào các cuộc biểu diễn đón du khách vào mùa xuân như thế nào, bà có khả năng hướng dẫn, đón khách du lịch muốn đi tham quan làng ra sao. Rõ ràng, người dân muốn và sẽ tham gia vào quá trình bảo tồn cũng như phát huy giá trị di sản, nếu được đánh thức về giá trị di sản, được tham gia và hưởng lợi.

Tuy nhiên, vấn đề là lãnh đạo TP Hà Nội có muốn và quyết tâm làm hay không, “muốn Cổ Loa phát huy được giá trị của mình, lãnh đạo thành phố phải đổi mới, quan tâm thật sự và thúc đẩy cổ loa trở thành điểm du lịch sáng giá nhất của thủ đô” PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói. Nếu không, “hôm nay chúng ta đang nói về vấn đề của Cổ Loa, nhưng thực ra nó đã là một căn bệnh trầm kha, đã tồn tại từ hai mươi năm trước. Nếu vẫn tiếp tục như hiện nay, thì hai mươi năm nữa cũng không có gì thay đổi” ông nói thêm. Và lúc đó còn gì để bảo tồn và làm “vốn” cho phát triển bền vững, như dự định tốt đẹp và đầy hi vọng trong các quyết định quy hoạch của Chính phủ về Cổ Loa?

Thu Quỳnh
------------------
Tham khảo:
1Arthur Pedersen, Tài liệu hướng dẫn thực tiễn cho các nhà quản lý khu Di sản thế giới, UNESCO, 2002.

Các mốc thời gian ra chính sách với bảo tồn và phát huy giá trị di tích của Cổ Loa:

1962: Được công nhận là di tích quốc gia.

2002: Có quyết định về việc phê duyệt chi tiết khu vực di tích Cổ Loa của UBND TP Hà Nội

2012: Có Quyết định Về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa của Thủ tướng Chính phủ và được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

2015: Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành Cổ Loa của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay: Vẫn đang chờ quy hoạch chi tiết 1/500.

THEO TẠP CHÍ TIA SÁNG

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn di sản Cổ Loa: Cần một tư duy ngược . Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.

Tin mới

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.