Thứ năm, 28/03/2024 20:25 (GMT+7)

Cổng làng xưa: Hồn quê mang trong phố

MTĐT -  Thứ bảy, 04/08/2018 18:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cổng làng là nơi vừa gần gũi vừa thiêng liêng, là nhân chứng đã chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của người con làng quê ấy.

Những ngày nhàn rỗi tôi thường hay phóng xe chậm rãi trên các con phố nhỏ ở Hà Nội. Những con phố ngoằn nghèo, ngang dọc, hàng quán ngổn ngang, tiếng nói, cười ồn ã.

Rồi bất chợt, giật mình phóng qua tầm mắt bóng dáng cái cổng làng rêu phong, cổ kính quen thuộc như những cái cổng làng quê tôi nhưng sao thấy xa lạ bởi những gương mặt lạ lẫm ở chốn tha phương. Lòng người như chùng xuống, nhẹ tênh.

Cổng làng là nơi vừa gần gũi vừa thiêng liêng, là nhân chứng đã chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của người con làng quê ấy. Mỗi lần xa quê trở về, bước qua cổng làng, tâm hồn như được gột rửa, giũ bỏ bao phiền muộn, lo lắng, xô bồ đô thị để được trở về với với nét chân chất nhà quê.

Hà Nội tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt, những chiếc cổng làng không còn hợp với bê tông, những tòa nhà cao vút, nhiều cổng làng bị phá bỏ thay bằng vào đó là những chiếc "cổng phố’’ chót vót, màu mè, ánh điện nhấp nháy ngày đêm. Chỉ còn sót lại đâu đó trên một vài con phố cũ yên tĩnh những chiếc cổng làng...

Cổng làng Giáp Nhất (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), được xây dựng vào năm 1919. So với thời đó, đây là một thiết kế cách tân khá mới mẻ. Qua tìm hiểu, người dân làng Giáp Nhất cho biết đây là chiếc cổng do ông Đỗ Hữu Thực (một nhà tư sản đã xây dựng tặng cho dân làng). Phía trước và sau cổng làng đều có văn tự câu đối.

Phía sau cổng làng Giáp Nhất

Đường Thụy Khuê (thuộc địa phận Quận Tây Hồ) là con đường con tồn tại nhiều cổng làng nhất ở Hà Nội. Cứ mấy trăm mét lại có một cổng làng, nhiều đến thế nhưng không có một chiếc cổng làng nào giống nhau về kiến trúc,hình dáng. Trong ảnh là cổng chính làng Hồ Khẩu.Làng Hồ Khẩu có 1 cổng chính và 2 cổng phụ nằm hai bên. Cổng được trùng tu năm 1998.

Theo người dân kể lại, trước đây cổng phụ thì mở hàng ngày, còn cổng chính chỉ được mở vào những đợt hội hè hoặc có sự kiện lớn của làng. Cổng làng thường là chỗ tập chung buôn bán, dăm ba mớ rau, con cá và những câu chuyện tếu táo xua tan cái mệt mỏi thường ngày.

Cổng phụ làng Hồ Khẩu bên phía tay phải cổng chính được xây dựng, mặc dù đã được tu bổ lại vào năm 2017 nhưng vẫn mang đậm dấu ấn cổ kính.

Đây là chính cổng phụ còn lại của làng Hồ Khẩu nằm trên ngõ 376 đường Thụy Khuê.

Cổng làng Đông Xã, số 444 Thụy Khuê

Phần trong cổng làng được thiết kế khá rộng có mái che, sau một quãng đường dài về thăm quê thì nơi đây đây chính là chỗ ngồi nghỉ chân hay trú những cơn mưa bất chợt.

Ban quản lý di tích cũng đã tích cực cùng người dân bảo vệ cổng làng, tránh bị xâm hại.

Cổng Hầu làng An Thọ, cổng được trùng tu vào năm 1998. Cổng mang đậm dấu ấn làng xưa, ngói phủ rêu xanh, mái cong theo kiến trúc đình chùa.

Từ nhỏ ta đã thuộc câu: Mịt mù khói tỏa ngàn sương. Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.Cổng làng Yên Thái, xưa kia cả làng đều làm nghề giấy dó và ‘’nhịp chày Yên Thái’’ chính là tiếng giã dó của người làng.

 Cổng làng Yên Thái có treo 4 chữ vàng "Mỹ Tục Khả Phong" do triều đình Tự Đức thứ 19 (1867) ban. Đây là danh hiệu được triều đình ban cho các làng đã đóng góp nhiều công sức với triều đình phong kiến. Nó là niềm tự hào cho cả làng.Ngày ngay ở một số làng vẫn còn giữ được 4 chữ vàng như: Làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai), làng Hương Ngải (huyện Thạch Thất - Hà Nội), làng tiến sĩ Đôn Thư (huyện Thanh Oai - Hà Nội)

Ở Kinh thành Thăng Long xưa, nổi tiếng với năm cửa Ô đó là: Ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Đông Mác, ô Chợ Dừa và ô Quan Chưởng. Tuy nhiên cho đến nay chỉ còn tồn tại duy nhất ô Quan Chưởng. Ô Quan Chưởng được xây dựng vào năm 1749 thời vua Lê Hiển Tông. Tên ô Quan Chưởng là để ghi nhớ công ơn hi sinh của viên quan có tên là Chưởng Cơ đã cùng 100 binh lính nhà Nguyễn chống lại quân Pháp đánh chiếm Hà Nội năm 1873. Ô Quan Chưởng mang đậm kiến trúc nhà Nguyễn với 2 cổng phụ đặt 2 bên cổng chính, mái uốn cong, trên tầng 2 có lan can bao quanh.

 Cổng làng Lũ Trung (Kim Lũ) - phường Đại Kim - Quận Hoàng Mai. Trên cổng có chữ “ Quan Miện” nghĩa là cái mũ của nhà Quan. Cổng có từ thời nhà Nguyễn, tương truyền đây là quê ngoại của vua Lê Trang Tông tức Chúa Chổm. Hiện cổng làng đã khoác lên bộ áo mới cho hợp với nét đô thị nhưng vẫn phảng phất đâu đó chút hồn xưa, cảnh cũ.

 Đi ngang qua số nhà 324 đường Kim Giang bắt gặp một trụ cổng làng còn sót lại, trụ có dãy câu đối và hai chữ ‘’Hạ mã’’- nghĩa là ‘’Xuống ngựa’’. Từ xa xưa đã mặc định, phía sau cổng làng là một nền văn hóa,ngữ điệu giọng nói hay tập quán riêng biệt, đặc trưng. Dù người làm đến chức tước gì là vua hay chúa khi đến cổng làng cũng phải xuống ngựa, dắt bộ qua cổng rồi mới lên ngựa đi tiếp - nó thể hiện quyền uy cho một cộng đồng.

Trụ cổng phía trong cũng có hai chữ “ Hạ mã’’.

Đi qua ngõ 29 Khương Hạ, mọi người đều có thể nhìn thấy chiếc cổng làng cũ kỹ không còn được sử dụng để làm lối qua lại mà được tận dụng làm quán bán hàng ăn sáng. Theo bác Hiếu sinh năm 1940 người Cao Bằng đã sống ở đây từ những năm 70 kể lại,cổng làng Khương Hạ xưa được xây từ thời pháp năm 1924, mỗi lần người dân đi qua cổng làng này đều bị lính Pháp khám xét. Làng Khương Hạ còn có xóm Hồng, xóm Tràm (Chàm) và xóm Cầu.

Trên cổng làng còn nhìn rõ 3 chữ Nho ‘’Ấp Hạnh Hồng’’. Chính cổng này là đi vào xóm Hồng thuộc làng Khương Hạ

Cho dù nó không còn hợp với bối cảnh đèn điện, nhà cao đường xi măng và xe cộ nhộn nhịp nhưng các nhà quy hoạch đô thị xin hãy giữ lại chút hồn quê trong phố như một kỷ vật của thời gian ban tặng.

Nó sẽ không làm xấu đi bộ mặt của thành phố mà ngược lại nó còn tô điểm những nét cổ kính, mặc trầm của nghìn năm văn hiến, giúp con người gần nhau hơn, hoài niệm về một thời gian khó để rồi yêu quý, trân trọng nhau hơn.

Bạn đang đọc bài viết Cổng làng xưa: Hồn quê mang trong phố. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Nguyễn Thế Lợi

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.