Thứ ba, 19/03/2024 11:13 (GMT+7)

“Cuộc cách mạng” trong quản lý quảng cáo

MTĐT -  Thứ ba, 08/05/2018 14:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian gần đây, các ngành, địa phương ráo riết ra quân thiết lập trật tự, kỷ cương đô thị.

Quy hoạch quảng cáo ngoài trời sẽ góp phần đưa hoạt động quảng cáo vào nền nếp, xây dựng nếp sống văn minh đô thị

Cùng với việc ra quân chấn chính và xử lý hệ thống bảng quảng cáo ngoài trời không phép, sai phép, để đưa hoạt động quảng cáo ngoài trời vào nền nếp, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.

Chuẩn hóa hoạt động quảng cáo

Thời gian gần đây, các ngành, địa phương ráo riết ra quân thiết lập trật tự, kỷ cương đô thị. Kết quả, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội và các địa phương đã tháo dỡ được 177 bảng quảng cáo một cột trụ đứng độc lập, 149 bảng hộp đèn trên dải phân cách và nhiều bảng quảng cáo trên mặt tiền, mặt bên công trình vi phạm các quy định về hoạt động quảng cáo. Hệ thống biển hiệu, bảng quảng cáo nhỏ tồn tại trên các tuyến đường, phố từ nội thành đến ngoại thành cũng được quan tâm chấn chỉnh...

Tuy vậy, hoạt động quảng cáo sai phép, không phép vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn, thậm chí một số tổ chức, cá nhân còn cố tình không tháo dỡ bảng, biển vi phạm.Với trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã yêu cầu các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát hệ thống biển hiệu, biển quảng cáo trái quy định hoặc không phù hợp với cảnh quan, không gian đô thị trên tất cả các tuyến, đường phố.
Theo ông Bùi Minh Hoàng – Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động quảng cáo là làm sao vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa bảo đảm trật tự đô thị. Quy hoạch quảng cáo ngoài trời có mục tiêu hướng đến là tạo cơ sở pháp lý để quản lý có hiệu quả và đồng bộ các hoạt động quảng cáo thương mại, tuyên truyền chính trị bằng bảng ngoài trời, thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Qua đó góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động quảng cáo ngoài trời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.

Tháo gỡ bất cập

Nói một cách đơn giản, nếu như trước khi ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn, sẽ có 5 đơn vị cùng quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời thì đến hiện tại toàn bộ quy hoạch về quảng cáo chỉ còn một đầu mối quản lý là Sở Văn hóa và Thể thao. Bên cạnh đó, với tình hình thực tế hiện tại phạm vi nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch quảng cáo trên sẽ bao gồm 7 tuyến đường đã sử dụng ổn định và được phê duyệt trước đó là: Quốc lộ 18, đường Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 5, Quốc lộ 1B, Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A (Hà Nội - Bắc Ninh), đường vành đai I, II, III. Ngoài ra, thành phố sẽ tiến hành quy hoạch quảng cáo trên 15 tuyến đường mới bao gồm: Đường Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Thăng Long; Đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Cầu Giẽ - Ninh Bình; Quốc lộ: 2; 3 (cũ); 5 (kéo dài); 6; 21; 21B; 32; Tuyến đường Cenco 5 (Hà Đông - Phú Xuyên); Đường 414 (Thị xã Sơn Tây - Đá Chông, Ba Vì).

Quyết định này cũng nêu rõ phần quy hoạch quảng cáo khu vực nội đô gồm: Bảng quảng cáo gắn tại các công trình, nhà ở riêng lẻ; Bảng quảng cáo trên dải phân cách; Bảng quảng cáo đứng độc lập trong khuôn viên trung tâm thương mại, siêu thị, bãi đỗ xe, nhà ga, sân bay...; Màn hình chuyên quảng cáo; Banzon dọc; Bảng tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và an sinh xã hội. Về đối tượng nghiên cứu: Bảng tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và chính sách xã hộ. Quảng cáo Thương mại bao gồm: Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích từ 40m2 trở lên.

Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích dưới 40m2; Bảng quảng cáo gắn tại các công trình, nhà ở riêng lẻ dải phân cách, nhà chờ xe buýt; Màn hình chuyên quảng cáo; Banzon. Chủ tịch UBND Thành phố cũng nêu rõ lộ trình thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời, theo đó sau khi giai đoạn 1 là công bố quy hoạch sau khi được phê duyệt. Giai đoạn 2 sẽ kéo dài từ nay đến năm 2020 nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch và bổ sung theo điều kiện thực tế phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Cuối cùng, giai đoạn 3 từ năm 2021 đến năm 2050 sẽ triển khai thực hiện Quy hoạch và bổ sung theo điều kiện thực tế phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, chấn chỉnh kịp thời những bất cập phát sinh từ thực tế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tái vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thực thi Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tạo sự chuyển biến tích cực nhằm thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển.

Bạn đang đọc bài viết “Cuộc cách mạng” trong quản lý quảng cáo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Lao động Thủ đô

Cùng chuyên mục

Tin mới