Thứ sáu, 29/03/2024 01:27 (GMT+7)

Đà Lạt: Kỷ vật văn hóa trải qua 125 năm

HOÀNG BÌNH -  Thứ hai, 07/01/2019 09:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong không gian tòa biệt thự cổ Dinh Tỉnh trưởng, có trưng bày hơn 1.000 hiện vật đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người dân thời kỳ khai hoang, lập ấp.

Dinh Tỉnh trưởng tọa lạc trên một đồi thông cao, nằm tại số 1 Lý Tự Trọng (phường 2, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) có vị trí địa lý đắc địa được người dân thường gọi là “cao điểm long mạch”. Dinh được người Pháp xây dựng khoảng trước năm 1910, làm nơi sinh sống và làm việc của Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức (tên trước đây của tỉnh Lâm Đồng). Hiện nay, tòa nhà thuộc quyền quản lý của Trung tâm văn hóa Lâm Đồng.

Không gian khu trưng bày kỷ vật văn hóa người Đà Lạt.

Hơn 1.000 hiện vật đang được trưng bày tại đây đều do những người đang sinh sống hoặc đã từng ở Đà Lạt mang đến hiến tặng. Nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ để mọi người tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy vẻ đẹp văn hóa người Đà Lạt. Khi người dân đến đây sẽ có cơ hội được tiếp cận về văn hóa ăn, mặc, ứng xử, cảm nhận nghệ thuật… của người Đà Lạt xưa thông qua các hiện vật được trưng bày gắn liền với cuộc sống của mỗi người, gia đình và cộng đồng người di cư đến vùng đất mới cao nguyên. Đó là một hành trình qua thời gian, không gian đưa chúng ta về với quá khứ, sống cùng với những câu chuyện Đà Lạt.

Ở một góc nhỏ khiêm tốn trong không gian trưng bày là chiếc máy ảnh được chụp bằng phim của Nhiếp ảnh gia MPK(biệt danh: M - Michel tên thánh; PK - Phước "khùng") - một nhiếp ảnh gia nổi tiếng bậc nhất ở thành phố sương mù. Người nghệ sỹ này sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ở Đà Lạt, tên thật là Nguyễn Văn Phước. MPK lang thang khắp hang cùng ngõ hẹp của thành phố chỉ để thỏa chí đam mê cái nghề nhiếp ảnh tự do của mình. Hầu như cả cuộc đời ông gắn liền với từng khóm hoa, bụi cỏ, hàng rào của phố sương mù.

Kỷ vật của Nhiếp ảnh gia MPK.

Trong số các hiện vật được trưng bày tại đây còn có chiếc máy khâu khoảng hơn 50 năm tuổi. Đây là kỷ vật của ông Võ Quang Tiềm, một trong 4 người Việt có dấu ấn trong thời kỳ đầu xây dựng thành phố Đà Lạt. Theo người dân kể lại, từ một thợ may đầu tiên ở Đà Lạt, ông Tiềm sau đó chuyển qua nghề buôn bán rượu và thuốc lá, cung cấp cho toàn vùng Tây Nguyên. Vào năm 1946, người dân Đà Lạt đi tản cư, ông Tiềm mua lại hầu hết các căn nhà ở đây. Trở thành ông chủ của nhiều dãy phố, nhưng cuối đời, ông lại ra đi trong thầm lặng, như cái tính cách nhẹ nhàng vốn có của người Đà Lạt.

Chiếc máy may của ông Võ Quang Tiềm.

Hay là chiếc đàn cò của nhạc sỹ Đình Nghĩ trong không gian trưng bày. Nhạc sỹ tài hoa này vốn là một người con xứ Huế. Nhưng Đà Lạt lại là nơi ông sống, gắn bó cuộc đời và là nguồn mạch sáng tác trong các tác phẩm của ông. Ông viết nhiều về xứ sương mù, mỗi ca khúc là một lời tâm tình, một lời chia sẻ và đặc biệt, đều ẩn hiện thấp thoáng tình yêu đôi lứa tha thiết. Những ca khúc như Khoảng trời hoa nắng, Tự khúc ban chiều, Ru tình Đà Lạt… những bản tình ca về phố núi lãng mạn, không cần nhắc tới chữ Đà Lạt mà đã thấp thoáng hồn đất lạnh.

Một số nhạc cụ được treo lên tường trong không gian trưng bày, trong đó có chiếc đàn cò của nhạc sỹ Đình Nghĩ.

Những hiện vật đang được trưng bày tại đây hứa hẹn trở thành điểm đến lý thú dành cho những ai muốn tìm hiểu về Đà Lạt xưa. Triển lãm “kỷ vật văn hóa người Đà Lạt” nằm trong khuôn khổ hoạt động chào mừng Đà Lạt 125 năm hình thành và phát triển.

Một số hình ảnh hiện vật được trưng bày:

Huy hiệu và bản đồ thị xã Đà Lạt thời kỳ Liên bang Đông Dương (1887-1954).
Bàn thờ, câu đối chử vàng của dòng họ Đinh Bạng.
Bàn ủi con gà, một vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình.
Chiếc cồng của đồng bào người Thượng được treo vị trí trang trọng trong khu trưng bày.
Dốc đường Trương Công Định thay đổi sau gần 100 năm.
“Đà Lạt 1965” bức ảnh do ông già bán đậu phụng rang Hàng Vũ Quang chụp.
Với chiếc xe đạp cùng 2 thùng đậu phụng rang 2 bên, ông Hàng Vũ Quang đạp xe xung quanh khu vực Hòa Bình với tiếng rao “Đậu rang nóng giòn đây” đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người dân trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Hiện tại, những người lớn tuổi nhắc đến “ông già bán đậu phụng rang” như một hương vị quen thuộc rất đỗi thân thương của “xứ lạnh”.
Kỷ vật của ông Hàng Vũ Quang, một người bán đậu phụng rang Đà Lạt.
Những chiếc radio này còn trong hoài niệm.
Máy phát nhạc còn in dấu thời gian.
Cuộn băng của Nhà Đà Lạt học Lê Phỉ.
Một máy chiếu phim của thế kỷ trước.
Bộ sưu tập băng đĩa nhạc của ông Hoàng Mạnh Tiến, một người con Đà Lạt định cư tại Mỹ gửi về.
Bộ đồ nghề làm nữ trang của tiệm vàng MP Đà Lạt.
Bằng Trung cấp Nông nghiệp trường Pháp của ông Nguyễn Văn Bồng.
Giấy khai giá thú (giấy chứng nhận kết hôn) những năm 1950.
Kiểu áo dài phụ nữ Đà Lạt những năm 1950.
Tủ áo dài của bà Tôn Thất Kỳ.
Tòa tháp được ghép từ nồi đồng, thau đồng, chậu đồng của các làng Hà Đông, Đa Thiện, Thái Phiên, Du sinh.
Bạn đang đọc bài viết Đà Lạt: Kỷ vật văn hóa trải qua 125 năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.