Thứ năm, 18/04/2024 22:55 (GMT+7)

Hành trình đến xứ sở tiên giới Apsara  (Kỳ 1)

Phùng Hiệu - Anh Quốc -  Thứ hai, 22/10/2018 11:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quần thể Angkor gồm nhiều tòa tháp, tháp chính cao 65m. Đền gồm 3 tầng chính: Địa ngục, trần gian và thiên đàng

Kỳ 1: Văn hóa Khơ me - Hành trình bất tận

Lần đầu tiên qua cửa khẩu quốc tế Xà Xía không mang theo hộ chiếu, tôi không phải là người vùng biên giới nên không thể dùng chứng minh thư làm giấy thông hành. Nhờ anh xe ôm địa phương “xin rớt răng” cán bộ hải quan mới cho qua cửa khẩu. Anh dặn chỉ đứng bên này cột mốc 313, bước chân qua khỏi cột mốc bị bắt đấy! Đi rất nhiều nước rồi nhưng không hiểu sao khi bước về cột mốc 313 lại vui và run đến thế. Đứng trên thềm cột mốc khi không có ai chú ý, tôi len lén thò một chân sang nước bạn.

Lần thứ nhì tôi qua Campuchia từ cửa khẩu Mộc Bài – Bavet. Mới tới gần cửa khẩu đã có rất nhiều người giành nhau chỉ tôi chỗ gởi xe, cách làm thủ tục thế nào cho nhanh gọn. Cuối cùng một thanh niên dùng xe honda 67 chở tôi đi, khi qua biên giới có xe của sòng bài đưa rước. Tôi vào sòng bài Le Macao, dạo lang thang, xem chỗ này chỗ kia một chút. Họ bảo cứ ăn cơm uống nước, trái cây tráng miệng (hoàn toàn miễn phí) nghỉ ngơi cho khỏe rồi hãy đổi phỉnh chơi bạc cũng không muộn. Tôi đi cho biết chứ nào có ham cờ bạc gì nên dạo một lúc rồi về, coi như chưa biết văn hóa nước bạn là mấy.

Nhất quá tam, lần này sang đất nước chùa tháp là “đi thiệt”. Mới qua cửa khẩu Bavet, đoàn du lịch đón thêm một người hướng dẫn viên địa phương rồi bắt đầu tiến vào tỉnh Svay Rieng. Con đường thẳng tắp, xe chạy hơn 100km/h cũng không sao. Ở Campuchia chạy xe không sợ cảnh sát giao thông bắn tốc độ mà chỉ sợ bò băng ngang qua đường. Tiếng Khơme bò là “co” còn cảnh sát là “coba”. Không như trâu đi qua đường là đi luôn, bò đi đến giữa đường thấy xe chạy thường quay đầu đi trở lại. Người dân Campuchia gọi vui rằng những con bò này bỏ quên…đôi dép. Cánh lái xe sợ bò hơn sợ cảnh sát là vậy.

Angkor Wat

Svay Rieng là một tỉnh nghèo, dọc hai bên đường chỉ có nhà cửa lác đác sơ sài. Xe không đi thẳng Phnom Penh mà rẽ vào tỉnh Prey Veng đi hướng Kompong Cham. Đang vào cuối mùa khô, hai bên đường những cánh đồng khô cỏ cháy rộng mênh mông. Tưởng chừng những cánh đồng khô khốc không còn sự sống. Những cây thốt nốt cao xanh làm cho những cánh đồng thêm mông quạnh. “Cánh đồng chết” và nhà tù S 21 cách đó không xa. Nhà tù vốn là một trường phổ thông trung học mà chế độ diệt chủng Pol Pot giam giữ và giết hại hơn 17.000 tù nhân chính trị. Từ 1975 đến 1979, dưới chế độ Khme đỏ có rất nhiều “cánh đồng chết” nhưng nổi tiếng nhất là cánh đồng chết Choeung Ek, nơi có nhiều hố chôn tập thể nhất. Nhìn con đường đất đỏ có chiếc cổng màu gạch nung phía trước với hai hàng bạch đàn dẫn vào cánh đồng chết vỏ nứt nẻ cảm thấy rùng cả mình. Bầy bò xám trắng ốm tong teo mải mê gặm cỏ khô quéo. Loài bò này có nguồn gốc từ bò thần của đạo Bà La Môn Ấn Độ. Vào mùa khô hạn này chắc người dân Campuchia nuôi bò chỉ để lấy…xương.

Những cánh đồng bằng phẳng tưởng chừng đến cuối chân trời. Diện tích Campuchia 181.035 km2 nhưng dân số chỉ chừng 16 triệu người. Mật độ dân số bình quân chỉ bằng 1/3 Việt Nam. Xa xa, những ngôi chùa vàng rộm, mái cong đỉnh nhọn cao vút nổi bật lên khỏi các rặng cây. Phần lớn người Campuchia theo đạo Phật nên quan niệm đời là cõi tạm, họ dành phần lớn của cải đem cúng dường và xây dựng chùa.

Người Khme ở trên những ngôi nhà sàn gọi là nhà cẳng cao với chiếc cầu thang trước cửa. Hai bên đường, nhiều nhà sàn bằng bê-tông đang được xây với những cây cột vuông. Vào mùa mưa nước sông Mê Kông đổ về dâng lên cao nên ở nhà sàn để khỏi bị ngập nước. Những ngôi nhà luôn làm bằng những cây cột vuông. Cột vuông, rắn không thể bò lên trèo cột vào nhà được. Phía dưới sàn để chứa đồ đạc hoặc để xe. Thỉnh thoảng có những khung cửa sổ treo rèm màu hồng. Anh hướng dẫn viên bảo đấy là nhà đang phát tín hiệu có con gái trong độ tuổi lấy chồng. Khỏi cần hỏi han, thanh niên muốn tìm vợ thì cứ vào những ngôi nhà có treo rèm màu hồng này. Những rèm còn mới thì trong nhà có con gái còn trẻ. Có những chiếc rèm không còn màu hồng nữa mà chỉ là màu trắng bởi vì con gái trong nhà ấy đã lớn tuổi, thậm chí đã rất già mà vẫn chưa có ai hỏi cưới. Rèm cứ treo cho đến khi người phụ nữ ấy có chồng mà không phải giặt giũ hay thay rèm mới. Nếu chưa lấy được chồng, rèm treo cho đến lúc chết mới được gỡ xuống.

Người con gái Khme giữ mình cho đến lúc cưới chứ không bao giờ sống thử trước hôn nhân. Chiếc xà rông buộc túm rồi giắt sau lưng để lộ cặp chân trần và đôi mông đầy đặn, nếu người con gái muốn “cho” ai thì rất dễ, chỉ cần nhấc nhẹ nút giắt chiếc xá rông sẽ tụt xõa xuống…Còn không, khó có chàng trai nào cởi được.

Xe qua địa phận tỉnh Kompong Cham, quê hương của Thủ tướng Hun Xen. Những con đường đang mở. Phố xá nhộn nhịp, nhà cửa sầm uất hơn. Trên đường đi chốc chốc lại gặp những người gốc Việt. Cũng dễ nhận ra thôi, người Khme mặc quần áo sặc sỡ, phụ nữ quấn xà rông còn người gốc Việt thường mặc đồ bộ.

Đoàn dừng lại dùng bữa trưa. Trời nóng như thiêu như đốt. Quán ăn cũng được trang trí nhiều màu sắc như đang tổ chức một lễ cưới. Các ghế ngồi được bọc vải vàng rực. Chén đũa, ly tách được xếp rất khéo léo. Người Việt dùng chén bới cơm, dĩa để bỏ xương thừa. Người Campuchia lại dùng dĩa để bới cơm còn chén để múc canh. Mỗi người được dùng một lon nước ngọt miễn phí. Ai uống bia phải trả tiền túi. Một lon bia giá 2 đô la. Bia rượu ở Campuchia nhập khẩu nên giá cao. Những ai không uống nước ngọt có thể đổi bia, cứ hai lon nước ngọt đổi được một lon bia Angkor.

Hết Kompong Cham sang tỉnh Kompom Thom, quê hương của thủ tướng Polpot. Hai tỉnh kề nhau có hai thủ tướng. Thủ tướng Hun Sen xây dựng đất nước Campuchia phát triển, còn thủ tướng Polpot lãnh đạo Khme đỏ thực hiện đêm trường diệt chủng. Dưới thời chế độ Khme đỏ, thành phố không có người ở, toàn bộ dân bị cưỡng chế đưa về nông thôn làm ruộng rồi chết do làm việc quá sức hoặc bị đánh đập, bắn giết. Họ thức dậy làm việc từ 5g sáng đến tối mịt mới nghỉ nhưng chỉ được ăn cháo loãng. Thời ấy mỗi năm nông dân phải làm 3 vụ, mỗi vụ năng suất tối thiểu 8 tấn/ha nếu không sẽ bị giết cho “khỏi uổng cơm”.

Qua Kompong Thom là đến tỉnh Siem Reap. Siem Reap có thành phố cùng tên được đặt lại để kỷ niệm khi Khme giành độc lập từ quân Thái Lan. Siem Reap có nghĩa là “người Xiêm bị thua trận”. Siem Reap có quần thể đền Angkor Wat và Angkor Thom nổi tiếng mà người Việt thường gọi là đền Đế Thiên- Đế Thích. Đây là cố đô của vương quốc Khme.

Buổi sáng chúng tôi đi tham quan Angkor Wat, chiều tham quan Angkor Thom cho vừa tiện đường vừa khỏ người. Bất kỳ người nào vào tham quan đền cũng đều mua vé. Một vé 20USD/ngày. Hai ngày 30 USD. Khách mua vé đứng dòm vào ống kính camera, một lát sau, trên vé có in hình hành khách. Cách làm này đảm bảo đúng người đúng vé.
Cô nhân viên bán vé đứng xấp tay trước ngực chào cảm ơn từng khách một, vài phút sau trên vé có in hình du khách.

 Đền Phnom Bakheng

Từ đằng xa đã thấy khu đền Angkor Wat màu sẫm tối vì ngược nắng vươn cao. Angkor Wat vĩ đại nằm ở phía bắc Siem Reap được xây dựng dưới triều vua Suryavaman II (1113 – 1150). Đền thờ thần Visnu của đạo Bà La Môn. Khi bị quân Xiêm đánh đổ vào thế kỷ 15, vua Khơme chuyển kinh đô về Phnom Pênh. Vì vậy Angkor bị hoang phế trong rừng rậm cho đến lúc được tìm thấy bởi nhà thám hiểm người Pháp tên là Henry Mouhot vào năm 1860.

Trèo tam cấp bước qua các cổng tiến vào khu đền trung tâm, tôi thật kinh ngạc và khâm phục cho các nhà xây dựng tiền bối cách đây hàng chục thế kỷ. Ngay cả việc vận chuyển hàng tỉ khối đá từ mỏ đá Trái Vải cách đó hơn 70km bằng phương tiện thô sơ về xây dựng đền đã là một sự phi thường. Đền xây với những tảng đá lớn với kiến trúc chạm khắc tinh xảo.

Quần thể Angkor gồm nhiều tòa tháp, tháp chính cao 65m. Đền gồm 3 tầng chính: Địa ngục, trần gian và thiên đàng. Vào địa ngục và trần gian ta như lạc vào một mê cung đá với kiến trúc chạm trổ sắc sảo của bàn tay tài hoa. Lên thiên đàng lộng gió ngắm nhìn tứ phía không gian bao la, đẹp như bức tranh thủy mặc. Trên vách đền có tượng Apsara, du khách thường sờ vào bộ ngực tròn đầy căng của các tiên nữ để…lấy hên nên ngực các nàng bị mòn nhẵn thín và đen bóng.

Angkor đang được phục chế trùng tu nên du khách được đi trên những cầu thang bằng gỗ an toàn hơn nhiều so với các bậc đá. Từ thiên đàng bước xuống, nhìn vào các bậc đá nhỏ hẹp và dựng đứng, chợt nghĩ ngày xưa các sư và vua quan đi hành lễ phải mặc xà rông bước khép chân và đi nghiêng mới lên được độ cao và nguy hiểm như vậy.

Điều đặc biệt, trong thời gian xây dựng Angkor Wat đồng thời xảy ra chiến tranh nên đàn ông và trai tráng ra trận. Khoảng 60 – 70 % lao động xây dựng Angkor Wat là nữ. Angkor Wat vừa hùng vĩ vừa có nét mềm mại uyển chuyển là vậy.

Bạn đang đọc bài viết Hành trình đến xứ sở tiên giới Apsara  (Kỳ 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.