Thứ sáu, 29/03/2024 15:20 (GMT+7)

Hành trình đến xứ sở tiên giới Apsara (kỳ 2)

Phùng Hiệu - Anh Quốc -  Thứ năm, 25/10/2018 14:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn Mê Kông chảy ngược vào lòng hồ cho đến cuối tháng 11. Khi hồ đầy nước mới chảy ra lại theo dòng Mê Kông qua Việt Nam.

Kỳ 2: Đất nước của những ngôi đền

Rời Angkor tôi cứ ngoái cổ lại nhìn hoài, giá như có được nhiều thời gian hơn. Chúng tôi phải đi thăm khu đền Ta Prohm cho kịp hành trình. Đền được xây bởi vua Jayavarman VII, là tu viện phật giáo. Theo tài liệu, Đền được xây tốn đến 5 vạn lượng vàng và 5 vạn lượng bạc. Trên vách đền có gắn nhiều viên kim cương và đá quý. Chỉ cần thắp một ngọn nến, các viên kim cương sẽ tỏa sáng cho cả ngôi đền. Trải qua nhiều cuộc chiến với quân Xiêm, kim cương bị cướp phá. Bây giờ trên vách chỉ còn những lỗ tròn, dấu vết của những viên kim cương bị lấy đi. Nơi đây từng là phim trường của bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ nổi tiếng. Nhiều cây cổ thụ mọc vững chải trên nóc những ngôi đền và những bức tường đá cổ kính. Từng cặp nam nữ đến chụp hình dưới cội rễ cây “chung thủy” với mong ước được sống bên nhau suốt đời.

Trưa đứng bóng, chúng tôi cùng vài người bạn thăm Tonle Sap dưới cái nắng chang chang. Hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á mà người Việt gọi là Biển Hồ. Mùa khô hồ chỉ rộng khoảng hơn 2.500km2 nhưng đến cuối mùa mưa hồ rộng đến gần 25.000 km2. Biển Hồ như chiếc dạ dày treo ngược. Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn Mê Kông chảy ngược vào lòng hồ cho đến cuối tháng 11. Khi hồ đầy nước mới chảy ra lại theo dòng Mê Kông qua Việt Nam. Biển Hồ có trữ lượng tôm cá rất lớn, cung cấp khoảng 70% thủy sản cho đất nước Campuchia. Người Campuchia thường tự hào rằng ở đâu có nước ở đó có cá. Có lẽ họ không dùng lưới giã cào và chích điện như ở mình.

 Đền Phnom Bakheng

Trên Biển Hồ, chúng tôi không cầm được nước mắt khi thăm làng người Việt nghèo khó sống trên thuyền và bè. Gặp chúng tôi, họ vui mừng ra mặt. Họ kể về cuộc sống tha phương trên đất bạn, nỗi nhớ quê hương, tình yêu dân tộc và niềm tự hào là dòng dõi con Lạc cháu Hồng. Chúng tôi được biết, tất cả các đoàn du khách đến đây đều làm từ thiện, không biết bao giờ họ mới thoát được cảnh đói nghèo ấy?

Chúng tôi vội vã trở về để đi thăm Angkor Thom cho kịp. Xe qua cổng đền phía nam Tonle Om vào đền trung tâm Bayon dưới nắng chiều. Hai hàng gồm 108 tượng ôm hai con rắn thần, mỗi bên 54 tượng hoàn toàn khác nhau. Người Khme xưa đã coi trọng con số “9”. Tất cả các con số ở đây cộng lại đều có “9” nút. Có phải bây giờ, con người trên khắp thế giới này đang bắt chước người Khme xưa?

Là điểm nhấn của khu đền Angkor Thom, đền Bayon được xây dưới triều vua Jayavarman VII (1181 – 1220). Vị vua đã dời kinh đô từ Angkor Wat về đây và tồn tại cho đến cuối thế kỷ 15. Vua Jayavarman VII xây đền Bayon với 54 ngọn tháp, tương ứng với 54 vùng thời bấy giờ và trang trí bởi 216 gương mắt cười huyền bí. Nếu đền Angkor Wat thờ thần Visnu của đạo Bà La Môn thì đền Bayon chủ yếu thờ Phật. Vua Jayavarman VII cho rằng đạo Bà La Môn muôn dân không giàu, đất nước không mạnh lại bị quân Xiêm tấn công liên miên. Nhưng vua Jayavarman VII không phủ nhận toàn bộ, dù thờ Phật, trong đền Bayon vẫn có thờ các linh tượng của đạo Bà La Môn.

Nhiều du khách thăm đền Bayon không chỉ ngưỡng mộ các ngọn tháp điêu khắc tinh xảo; bức tường mô tả cảnh sinh hoạt, lao động và đấu tranh bảo vệ biên cương của người Khme mà còn là các tượng đá mặt Phật với nụ cười bí ẩn: Nụ cười Bayon. Bước trên những khối đá tảng của khu đền Bayon, ngắm nhìn toàn bộ ngôi đền trong ánh chiều tà, ngậm ngùi cho đất nước Campuchia. Campuchia đã từng là quốc gia hùng mạnh, đất nước họ trải rộng đến tận Malaixia…Qua các cuộc biến binh, người Khme lại nghèo, nhìn điệu múa Apsara hình hoa sen của họ đã biết: chỉ giữ ngón tay cái và ngón trỏ còn lại ba ngón tay xòe. Hai đồng vào ba đồng ra.

Cúi chào tạm biệt khu đền cố đô Bayon, tôi lên xe để đến khu đền Phnom Bakheng. Men theo con đường giữa rừng thưa tôi đi bộ chừng 20 phút thì đến khu đền Phnom Backheng. Đền được xây và cuối thế kỷ thứ 9 đầu thế kỷ 10 dưới thời vua Yasovarman I. Trên đường đi thấy có con đường độc đạo lên đền dựng đứng được xây bằng đá tổ ong nay đã hư hỏng và những ngôi đền bằng gạch đỏ thấp thoáng trong rừng. Đền Bakheng nằm trên đỉnh núi thờ thần Shiva của đạo Hindu.

Ngày nay khu đền mở cửa cho du khách lên đỉnh tự do. Trước đây chỉ được lên đền tối đa 200 khách. Lên đền Bakheng ngắm khu đền Angkor Wat trong buổi hoàng hôn không gì đẹp bằng. Mặt trời tròn vạnh như hòn lửa lặn dần về phía hồ Tonle Sap, nước Biển Hồ từ xanh chuyển sang hồng rồi đỏ thẫm. Đứng trên đỉnh đền như cảm được sự giao thoa của trời và đất, thấy lòng mình nhẹ tênh.

Suốt đêm tôi cứ thao thức không tài nào ngủ được. Thăm những ngôi đền ở Đế Thiên Đế Thích về tôi cứ choáng váng. Đất nước Campuchia nhỏ bé, nghèo nhưng họ lại có những công trình trình kiến trúc vĩ đại còn mãi với thời gian. Các triều đại cảu đế chế Khme sau tiếp tục củng cố xây dựng thêm cho đến khi khu đền hoàn thành. Công trình kiến trúc của nước mình phần lớn bị chôn vùi trong lòng đất, để rồi ta cứ mãi trên con đường khai quật.

Chặng đường Siêm Reap - Phnom Pênh dài 312km tốn một buổi đường. Thủ đô Phnom Pênh lộng lẫy với sắc màu vàng ươm của cung điện hoàng gia và các đền chùa. Công trình kiến trúc với mái nhọn cong vút đặc trưng. Tôi trèo lên xe tuk tuk đi một vòng Phnom Pênh khi thành phố đã về đêm. Khu phố tây nằm cạnh sông bốn mặt vẫn còn nhộn nhịp. Qua cây cầu Vàng, sang đảo Kor Pich rồi quanh lại cầu Kim Cương. Bây giờ người dân thường gọi tên là cây cầu gãy bởi sự kiện giẫm đạp làm gần 400 người chết và 800 người bị thương trong lễ hội Bon Om Thook tối 22.11.2010. Đứng ở đầu cầu nhìn ánh đèn lấp lóa và đám lục bình xanh ngắt dưới sông, cảm thương cho những người xấu số chết oan chỉ vì một tiếng kêu đùa “cầu gãy” của một ai đó.

Phnom Pênh nổi tiếng với chùa vàng chùa bạc. Bước trên sàn chùa, giẫm chân trần lên những viên bạc cồm cộp khách không dám bước nhanh. Vàng được để khắp nơi trong chùa, trong các tủ kiếng…Các tượng phật đều bằng vàng ròng. Tượng phật lớn nhất là 90kg vàng. Trên tượng phật có gắn tổng cộng 2086 viên kim cương, viên lớn nhất đến 25cara. Riêng long sa (kiệu vua) cũng đã tốn hết 25kg vàng. Từ 1975- 1979 số vàng bạc châu báu trong chùa bị mất đi khoảng gần 40%. Kể rằng chùa rất linh thiêng, những người trộm vàng bạc tại đây đều bị điên hoặc chết bất đắc kỳ tử. Một số kẻ trộm đã tự động mang trả lại vàng bạc cho chùa.

Người dân Campuchia làm ra của cải vật chất nhưng nhà cửa lại rất tềnh toàng. Vàng bạc họ mang vào cúng chùa hết với niềm tin chết xuống sẽ được đầu thai và con cháu họ sẽ được giàu sang. Hằng năm có lễ cúng sư tắm phật. Nhà sư ở Campuchia rất đông và được coi trọng. Người con trai Khơme nào cũng phải vào chùa để tu trong vài năm. Chùa là trường học uy tín nhất. Bằng tu không thể giả và không bao giờ có chuyện gian lận trong thi cử. Người Khme chính hiệu rất thật thà. Những cửa hiệu của họ trong khu chợ trung tâm Psar Thom Thmei nói bao nhiêu bán bấy nhiêu chứ không thách giá như những gian hàng khác.

 Điệu múa Apsara.

Mua bộ linh vật 12 con giáp bằng đồng, tôi lục tìm trong đống các con vật bé xíu rồi đếm trả tiền đúng với số con chứ không có chuyện mua nhiều giảm giá. Dừng chân trước quầy bán đồ lưu niệm, mua tấm bản đồ với mấy cuốn sách. Cô chủ quầy chừng mười tám với thân hình tròn lẳn, ngực nở eo thon, chân đeo vòng đồng cong cong lớn như nàng Apsara cười tươi như hoa, nói chầm chậm từng tiếng một: “Anh mua đi, rẻ rề à”. Tôi nghe mà muốn mua hết cả gian hàng!

 Có nhiều phương tiện di du lịch Campuchia nhưng thông thường vẫn là bằng xe. Nếu không có nhiều thời gian, bạn nên đi theo tour cho tiện. Một tour 4 ngày 3 đêm là vừa. Bạn sẽ được ở khách sạn 3, 4 sao, ăn nhà hàng và có hướng dẫn địa phương trong suốt chuyến đi. Bữa ăn nhà hàng từ 6 đến 10 món, buổi sáng có tiệc buffet. Món ăn của Campuchia dễ hợp với khẩu vị người Việt. Có đủ loại món, nhiều nhất vẫn là cá.
Nếu tự đi dạo phố riêng lẽ, phương tiện chủ yếu là xe tuk tuk (giống như xe lam ba bánh) chở được 4- 6 người. Một giờ chừng 3 đô la/ xe. Khi qua cửa khẩu sẽ có người lên xe đổi tiền Riel và sẽ đổi lại tiền Việt lúc bạn quay về. Ở chợ Phnom Pênh, bạn có thể trả bằng tiền Việt. Để thuận lợi bạn nên chuẩn bị nhiều đô la lẻ để dễ mua sắm.
Bạn đang đọc bài viết Hành trình đến xứ sở tiên giới Apsara (kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.