Thứ sáu, 29/03/2024 13:05 (GMT+7)

Làng Tiến sỹ Cổ Dũng

Trần Văn Lạng -  Thứ ba, 19/12/2017 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làng Cổ Dũng thuộc xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang được gọi là làng tiến sỹ nên tất nhiên phải có người đỗ tiến sỹ xưa và nay.

 Học sinh xã Tiến Dũng (Yên Dũng, Bắc Giang). Ảnh TL

I. Làng Cổ Dũng thuộc xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang được gọi là làng tiến sỹ nên tất nhiên phải có người đỗ tiến sỹ xưa và nay.

Tiến sỹ xưa có ba vị: Sách Văn hóa làng xã truyền thống huyện Yên Dũng chép:

  1. Tiến sỹ Lê Đức Trung đỗ khoa Tân Sửu (1481) niên hiệu Hồng Đức thứ 11 đời vua Lê Thánh Tông. Ông vốn là họ Nguyễn được vua Lê Thánh Tông ban quốc tính. Ông sinh năm Quý Hợi (1443) 38 tuổi đỗ tiến sỹ đứng thứ 21 đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, làm quan đến chức thượng thư bộ lễ.
  2. Tiến sỹ Phạm Túc Minh sinh năm Tân Tỵ (1461) năm 30 tuổi đỗ tiến sỹ, đứng thứ 12 đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân, làm quan tới chứcĐô cấp sự trung. Năm ông đỗ tiến sỹ là năm Canh Tuất (1490) niên hiệu Hồng Đức năm thứ 20 đời vua Lê Thánh Tông.
  3. Tiến sỹ Nguyễn Văn Hiến đỗ khoa Nhâm Tuất (1502) niên hiệu Cảnh Thống năm thứ 5 đời vua Lê Hiến Tống.

Nguyễn Văn Hiến sinh năm Mậu Tý (1468) xuất thân từ chân giám sinh đỗ năm 35 tuổi, đứng tên thứ 11 đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân làm quan đến chức Hiến sát sứ.

Về ba tiến sỹ này sách “Di sản văn hóa Bắc Giang” tập Văn hóa phi vật thể - Bảo tàng Bắc Giang - 2006 chép:

“Lê Đức Trung: vốn là người họ Nguyễn ở xã Cổ Dũng, nay là xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng. Khi thi đỗ ra làm quan được triều đình ban quốc tính (họ vua). Họ tên Lê Đức Trung vẫn được người đời quen gọi.

Năm 39 tuổi, thi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 91481) đời Lê Thánh Tông. Khoa thi này cả nước lấy 40 vị nho họcưu tú đỗđại khoa thì xứ Bắc có 11 vị. Riêng huyện Yên Dũng có ba vị là Ngô Văn Cảnh (Hoàng Giáp) Thân Tông Vũ (Tiến sỹ xuất thân) và Lê Đức Trung.

Sách “Liệt truyện đăng khoa bị khảo” chép: Ông làm quan đến chức tả thị lang. Bia “Kim bảng lưu phương” (Danh thơm lưu mãi bảng vàng) chép: Ông làm quan đến chức Thượng thư.

Hiện chưa thấy tài liệu nào ghi năm ông mất và quê hương ông cũng không có tài liệu gì liên quan đến cuộc đời ông. Thậm chí cả dòng họ, hậu duệ Lê Đức Trung cũng bị thất truyền từ lâu không còn ai biết nữa”.

- “Phạm Túc Minh người xã Cổ Dũng nay là xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng. Ông sinh năm Tân Tỵ niên hiệu Quang Thuận thứ 2 (1261) năm 30 tuổi thi đỗ đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490). Cuộc đời ông gắn trọn với giai đoạn thịnh trị của chế độ phong kiến Việt Nam - đời vua Lê Thánh Tông thế kỷ XV”.

- “Nguyễn Văn Hiến sinh năm Mậu Tý (1468) khoa thi Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, làm quan đến chức Hiến Sát sứ.

Ngoài các tài liệu đăng khoa lục, bia văn miếu Hà Nội và bia văn miếu Bắc Ninh có ghi chép vềông nhưng rất sơ lược. Về quê quán của ông cũng ghi chép khác nhau; Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919” (NXB Văn học 1993) chép: Ông là người xã Yên Dũng, huyện Yên Dũng nay là xóm Huyện, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng. Sách “Liệt truyện đăng khoa bi khảo” (bản chữ Hán) chép: ông là người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng. Bia Văn miếu Hà Nội ghi: ông người xã Yên Xá, huyện Yên Dũng. Trải gần 500 năm tìm lại quê hương của ông nhưng chưa biết nay thuộc xã nào”.

Sách “Lịch sử cách mạng đảng bộ và nhân dân xã Tiến Dũng (1945-2005)” xuất bản năm 2009 chép:

“Theo lịch triều hiến chương loại chí, vào thời Lê - Mạc làng Cổ Dũng có 3 vị đỗ tiến sỹ nho học là Lê Đức Trung, Phạm Túc Minh và Nguyễn Văn Hiến, trở thành một trong 6 làng nổi tiếng hiếu học của huyện Yên Dũng (gồm Cổ Dũng, Yên Ninh, Song Khê, Hoàng Mai, Phương Độ, Xuân Đám).

Tiến sỹ nay theo ông Nguyễn Văn Quảng - Phó chủ tịch Mặt trận xã Tiến Dũng, ông Ngô Văn Hào - Phó chủ tịch UBND xã Tiến Dũng và một số cụ ở thôn Cổ Dũng huyện cho biết có các vị tiến sỹ là: Tiến sỹ Nguyễn Duy Nhiên, tiến sỹ Nguyễn Văn Dũng là tiến sỹ ở nước ngoài hiện đang ở Cộng hòa Séc. Tiến sỹ Trần Lữ Hoàng hiện đang là trưởng đài PTTH huyện Yên Dũng. Hiện đang có hai vị là Nguyễn Văn Nam, Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng, Nguyễn Văn Hiệp sinh 1991 đang ở Nhật chờ cấp bằng .

Như vậy là ở Cổ Dũng xưa có tất cả là 8 tiến sỹ: Xưa có 3, nay có 5. Như thế ta cũng khẳng định rằng Cổ Dũng là đất học, đất tiến sỹ là không sai. Nhưng cũng phải nói rằng từ 1502 đến 1975 bị đứt đoạn, cách quãng không có tiến sỹ nối vào.

II. Đầu bài đặt tôi viết là làng tiến sỹ Cổ Dũng thì nội dung chủ yếu nói về làng Cổ Dũng xưa nay thế nào là chính. Tôi đã về xã Tiến Dũng để khảo sát và xem lại các tài liệu cổ nói về Cổ Dũng thì tôi thấy rằng:

Cổ Dũng vừa là tên huyện lại là tên tổng, tên xã và cũng là tên thôn.

Sách “Địa lý hành chính Kinh Bắc” của Nguyễn Văn Huyên chép:

“Huyện Yên Dũng cho tới thời Trần (1225-1400) địa phận này được gọi là Cổ Dũng. Nhà Minh (1414-1428) đem nó trực thuộc vào huyện Lạng Giang. Nhà Lê giữ nguyên hiện trạng này và huyện này lấy tên là Yên Dũng…”.

Sách “Ức Trai di tập – Dư địa chí” của Nguyễn Trãi cũng chép phủ Lạng Giang có tên huyện Yên Dũng, 88 xã.

Trong huyện Yên Dũng có tổng Cổ Dũng gồm 10 xã, phường là: Cổ Dũng, Bằng Lương, Ngư Uyên, Mại Xuyên, Tiên La, Mai Khê, Khê Cầu, Ninh Xuyên, Tam Kỳ (phường) Cổ Phao (phường)

Sách ấy ghi xã Cổ Dũng có ba thôn: Cát, Huyện, Muồng.

Ông Trần Quốc Thịnh ở sách “Văn hóa truyền thống huyện Yên Dũng” cho rằng: “Cổ Dũng ngày xưa nhất xã tam thôn là Cổ Dũng Huyện, Cổ Dũng Buồng (cũng gọi là Muồng), Cổ Dũng Cát. Sau này có thêm núi Ô”.

Nếu gọi như cụ Nguyễn Văn Huyên thì cũng chưa đầy đủ. Vì thôn Huyện, theo bia Tự Đức 32 (1879) thì thôn Huyện ghi đầy đủ là Cổ Dũng huyện thôn. Mà gọi như ông Trần Quốc Thịnh thì lại không gọi là Cổ Dũng Buồng hay Cổ Dũng Cát mà chỉ gọi là thôn Buồng, thôn Cát mà thôi. Như vậy cái tên Cổ Dũng Huyện là cái tên cổ được duy trì từ thời Trần. Có lẽ lúc ấy huyện đóng ở Cổ Dũng nên có tên huyện Cổ Dũng và xã ấy cũng mang tên Cổ Dũng. Tên xã và là tên của huyện. Đến thời Lê huyện Cổ Dũng đặt lại tên là huyện Yên Dũng. Huyện lỵ chuyển đến xã Như Thiết. Đến năm Tự Đức thứ 6 lại chuyển về Liên Hồ (tức Sen Hồ). Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 huyện chuyển về địa phận xã Cảnh Thụy, rồi về Cổ Dũng. Sau năm 1945 chuyển về Neo.

Hiện nay ở chùa thôn Cổ Dũng Huyện có 3 tấm bia hậu thần tạo dựng năm Minh Mạng thứ 16, năm Tự Đức thứ 32, 36 đều ghi rằng: “Lạng Giang phủ, Yên Dũng huyện, Cổ Dũng xã, Cổ Dũng Huyện thôn”. Thế có nghĩa là Cổ Dũng Huyện thôn là một thôn của xã Cổ Dũng. Còn thôn Buồng, thôn Cát thì được ghi là thôn Đại Cát, xã Cổ Dũng. Thôn Buồng, xã Cổ Dũng mà không gọi là Cổ Dũng Cát và Cổ Dũng Buồng. Điều này cũng phù hợp với nhận định trong lịch sửđảng bộ xã Tiến Dũng ghi nhận như sau:

“Xã Tiến Dũng ngày nay cũng trải qua nhiều lần thay đổi địa danh, địa giới và là một trong 12 xã vùng cựu địa của Yên Dũng thời cổ. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, vùng đất Tiến Dũng nằm trong tổng Cổ Dũng, huyện Yên Dũng. Lúc bấy giờ tổng Cổ Dũng có các xã: Cổ Dũng, Ngư Uyên, Ninh Xuyên, Mai Xuyên, Tiên La, Mại Khê và Tam Kỳ. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết vào thời Trần (1226-1400) thế kỷ XIII-XIV huyện có tên là Cổ Dũng. Lỵ sở đóng tại làng Cổ Dũng nằmở phía Nam, thường gọi là Cổ Dũng Huyện (Nay là xóm Huyện, xã Tiến Dũng). Sau Cách mạng tháng 8 -1945 thành công, cấp tổng bị bãi bỏ, các thôn xã lập thành liên xã hoặc mang tên xã mới. Vùng đất Tiến Dũng lúc này gồm 2 xã:

- Xã Cổ Dũng có làng Cát, làng Lường (nay là làng Buồng) và làng Cổ Dũng Huyện.

- Xã Ngư Uyên (bởi nhập lại của Ngư Uyên, Ninh Xuyên, Tiên La) gồm Thuận Lý, xóm Chùa, Đông Thắng, Ninh Xuyên và Tiên La…”.

Xã Tiến Dũng ngày nay thuộc đất ba tổng (cũ) của huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Cách huyện lỵ Yên Dũng ≈ 3km về phía Đông Bắc. Phía Đông Bắc xã là con sông Thương. Từ đầu bến Đám đến hồ vỡ Tiên La dài hơn 7km. Phía Tây xã giáp xã Cảnh Thụy và thị trấn Neo. Phía Nam xã giáp xã Đức Giang. Cả xã có 9 thôn xóm là: Trại Núi, Núi Ô, Đông Thắng, Thuận Lý, Tân Tiến, Ninh Xuyên, xóm Buồng, thôn Huyện, xóm Chùa. Các xóm, thôn đầu xã giáp chân núi Nham Biền thuộc xã Cổ Dũng xưa là: Trại Núi, Ô, Buồng, Huyện. Trung tâm hành chính xã Tiến Dũng nằm ở địa phận thôn Cổ Dũng Huyện xưa.

Do ở vào vùng trũng hạ nguồn sông Thương nên năm 1937 đê ba tổng bị vỡ, làng Cát đã chuyển lên núi Ô cư trú làm thành thôn Núi Ô. Dân làng Lường, làng Cát còn ra lập trại ở núi hình thành nên Trại Núi.

Các ông Nguyễn Văn Quảng, Ngô Văn Hào và các cụ ở Tiến Dũng còn cho biết rằng: Làng Cổ Dũng huyện xưa vốn ở đất mang tên là làng Đông. Sau này mới chạy vào khu đất Cổ Dũng Huyện. Khu làng Đông chỉ còn địa danh và các mảng gốm vỡ rải rác ở nơi này. Khu Cổ Dũng huyện là khu vực UBND xã đóng hiện nay, giáp đê sông Thương. Bà con canh tác ở đó còn phát hiện những mảnh sành, mảnh gốm ở đó. Mọi người cho rằng ban đầu làng Đông ở gần sông, do lụt lội nên chuyển vào xóm Huyện ngày nay.

Xóm Huyện ngày nay (xưa là thôn Cổ Dũng Huyện) có các xứ đồng bao quanh là: Cửa Chùa, Đồng Giữa, Cỗ Chay, Ao Đình, Đồng Rồng, Cây Gai, Đồng Huỳnh, Khoanh Mỏ, Bãi Lều, Lưu Không, Bờ Hà, Ao Canh, Bãi Đình, Hồ Vạn, Đồi Đất Vàng, Đồi Ông Huyền, Gò Vạn, Đường Con Cá, Nghè Cổ Dũng.

Trên địa phận thôn Cổ Dũng huyện xưa và nay có 9 chi họ cùng nhau cư trú: có 4 họ Nguyễn là Nguyễn Văn, Nguyễn Viết, Nguyễn Phúc, Nguyễn Quang và các họ Trần, Ong, Lê, Trịnh, Ngô. Các họ đều chưa có nhà thờ họ. Nhưng họ Nguyễn, Trần, Ngô, Thịnh có lăng tổ cũng là các lăng cổ. Các họ này phần lớn không còn gia phả, bây giờ mới đang biên soạn gia phả. Ví dụ như lúc chúng tôi đến khảo sát thì cũng là lúc ông Ngô Văn Hào - PCT UBND xã đang nhập nội dung gia phả vào máy vi tính. Ông Hào cho biết rằng: Các họ ở đây lập gia phả mới đẩy ngược lên tới 7, 8 đời là cùng, không có tư liệu kết nối vào các thế hệ tiến sỹ của làng xưa kia được. Cho nên bây giờ cũng không ai biết 3 vị tiến sỹ thời Lê của làng xưa kia thuộc về họ nào, đành bỏ vậy, tính sau.

Chúng tôi cho rằng: Hay 3 vị tiến sỹ xưa ấy thuộc về làng Đại Cát hay làng Buồng (làng Lường) thì sao? Ông Hào, ông Quảng cho hay rằng: Hai làng ấy không có 3 vị tiến sỹ kia, bởi vìở 2 làng đó chỉ có họ Dương và họ Hoàng là chính. Cho nên ba vị ấy chỉ thuộc về thôn Cổ Dũng Huyện mà thôi.

Làng Cổ Dũng Huyện (thôn Huyện ngày nay) cư dân chủ yếu làm ruộng, trồng hoa màu, chợ búa và luôn giữ được nếp sống thanh lịch. Nói rằng dân Cổ Dũng có buôn bán chợ búa là vì ở Cổ Dũng huyện xưa là đất huyện lỵ nên có chợ huyện. Vì huyện chuyển lên Neo nên chợ cũng chuyển ra Neo, thành ra ở Cổ Dũng Huyện xưa cũng xây dựng được các công trình tôn giáo tín ngưỡng, đó là đình, nghè, chùa Cổ Dũng ở trong địa phận của thôn.

Đình Cổ Dũng xưa ở bên đê Sông Thương, sau bị tàn phá chuyển vào khu chùa hiện nay và đang xây dựng, tôn tạo để tôn thờ đức thánh Cao Sơn- Quý Minh. Hiện ở sân cổng chùa Cổ Dũng có mấy tấm bia hậu thần chưa được cất dựng hẳn hoi nên rất khó đọc chữ. Cũng may là ông Trần Quốc Thịnh đã sưu tầm ở viện Hán Nôm nội dung các bia này và được tóm lược ra như sau:

- Bia năm 1831 có ghi: Mai tiên sinh họ Nguyễn, húy Đống người Cổ Dũng huyện Yên Dũng là bậc công cao của rừng nho, sóng to của biển cả, thường giúp đỡ dân thôn nên mọi người kính yêu.

Bản thân có đình môn, bị gió táp mưa xối đã 20 năm nay hư hại khá nhiều.

Mùa thu năm Mậu Tý ông đã vì dân mà đón thợ về hưng công sửa chữa, quy mô hơn cũ. Đống Vũ đổi mới. Công ấy của ông thật lớn lao. Ông còn dự định mở rộng to hơn, cao hơn nhưng chí ấy của ông chưa được thực hiện thì ông qua đời.

Nay môn sinh của ông nhớ tới các chí ấy của thầy chưa thành, bèn dấy lòng bồ đề, dùng thanh tiền, sử tiền một trăm gian để làm việc đó. Lại cung tiến 16 sào ruộng để kế tự, bởi vậy bản thân bầu ông Mại Hiên làm hậu thần”.

Tấm bia này có biết đình Cổ Dũng bị hư hỏng được ông Nguyễn Đống Mai tiên sinh cho tu bổ lại. Sau học trò của ông nối tiếp vào. Tức là thày trò kế nhau cùng làm nên việc tốt đẹp. Dân sẵn có tục bầu hậu nên bầu ông làm hậu thần. Cũng qua đó, ta thấy vào năm 1831 việc học chữ Nho ở Cổ Dũng vẫn được duy trì, có thày, có trò và có lớp.

Tấm bia thứ hai dựng khắc năm 1879 ghi rằng: “Hương lão, lý dịch cùng toàn thể các bậc trên dưới thôn Huyện, xã Cổ Dũng, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang Nguyễn Khắc Cương, Trịnh Chí Đức, Đỗ Văn Thạch, Quan viên Ngô Văn Tự, Trần Hữu Công và nhiều người khác lập bia hậu thần. Bởi vì dân ta vào mùa đông năm Kỷ Mão, bầu bà Trịnh Thị Hương và chồng bà Nguyễn Khắc Đoàn làm hậu thần. Vì ông bà đã cung tiến cho bản thôn 400 quan tiền xây cất điện đình phụng thờ bản cảnh thành hoàng đại vương”.

Tiếp đó vào năm 1883 dân thôn Cổ Dũng Huyện lại lập bia hậu thần cho bà Nguyễn Thị Tuyền và chồng bà là Trần Công Tự Quang Đạt. Nội dung bia như sau:

“Hương lão, lý dịch cùng toàn thể các bậc trên dưới thôn huyện xã Cổ Dũng, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang Nguyễn Khắc Cương, Ngô Đăng Thạch, Trần Hữu Công, Trịnh Huy Phương và nhiều người khác họp tại đình vì dân ấp ta gần đây bên sông Nhật Đức, đê lâu ngày bị sạt lở, nước lụt, người người, nhà nhà đều than phiền cửa nhà trống không, cái ăn thiếu thốn.

Nay có người trong thôn là Nguyễn Thị Tuyền xuất thành tiền 400 mâm (quan) ruộng 2 mẫu giao cho dân dùng vào việc đắp đê.

Bản thôn vì vậy đều thuận tình bầu bà Nguyễn Thị Tuyền và chồng bà là Trần Công, tự Quang Đạt làm hậu thần”.

Chùa Cổ Dũng Huyện nay ở xóm Huyện trên nóc có 3 chữ Hán “Cổ Dũng tự”. Trong chùa, ngoài chùa hiện có các câu đối là:

1, Đông Thổ ức niên sùng phật pháp

Nam Việt thiên thu phụng Như Lai.

(Vùng đất Đông Thổ từ ức vạn niên trước sùng bái phật pháp.

Ở nước Việt Nam này ngàn năm còn thờ phụng phật Như Lai).

2, Phật đức từ bi năng tế độ

Thánh hiền bảo hộ đắc an dân.

(Nghĩa là: Đức phật từ bi luôn luôn cứu giúp phù độ chúng sinh

Các vị thánh hiền luôn luôn bảo hộ cho dân được yên lành).

3, Nhất ấp an dân khánh hữu dư

Tứ thời hòa khí xuân thường tại.

(Nghĩa là: Một ấp dân sống yên vui thì điều tốt lành luôn luôn đầy đủ

Bốn mùa mà khí trời đất giao hòa thì mùa xuân luôn có).

4, Từ bi thiện chiếu thông tam giới

Phật pháp uông dương biến thập phương

(Nghĩa là: Ánh sáng từ bi là ánh sáng thiện lành chiếu rọi thông suốt cả ba cõi

Phật pháp là nguồn sức mạnh chuyển tới khắp mười phương).

5, Nhập môn khẩu niệm di đà phật

Đáo xứ tâm trì tham lễ kinh

(Nghĩa là: Bước vào cửa chùa thì nên niệm câu a di đà phật

Đến nơi này lòng phải duy trì sự tụng niệm lễ, kinh).

Ở khu vực chùa chúng tôi đã thấy một số mảnh sành, gốm, mảnh bia hậu phật được bà con thu gom lưu lại. Các vị cũng cho biết xưa kia ở Cổ Dũng rất nhiều bia đá nhưng bị thất lạc bị chôn vùi xuống đất, hiện chưa có điều kiện tìm về chùa về đình. Công việc ấy sẽ còn tiếp tục, biết đâu đó trong số bia kia lại có 1 tấm bia nói về truyền thống hiếu học và khoa bảng ở Cổ Dũng Huyện này thì thật là tốt.

Tuy chưa làm được việc ấy nhưng mọi người ở đây vẫn hồ hởi, phấn khởi bởi việc học ở Tiến Dũng rất đáng tự hào. Hiện có 5 tiến sỹ mới và nhiều thạc sĩ, nhiều cử nhân. Bên cạnh đó, bà con còn tự hào vì ở đây còn có vị tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 308 Nguyễn Đình Triện từng kéo cờ ở đồi Him Lam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi đây được coi là an toàn khu của hạ huyện Yên Dũng nên tiểu đoàn 61, tiểu đoàn Thiên Đức (Bắc Ninh) và đại hội địa phương quân hay về trú quân để chuẩn bị đánh Pháp trong vùng. Dân Cổ Dũng đùm bọc, yêu thương bộ đội. Phụ nữ Cổ Dũng thành lập hẳn một đội phụ nữ chuyên vá quần áo, khâu bao đạn, áo súng cho quân ta.

Năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, ở Cổ Dũng có thiếu tá Ngô Trung Vệ chỉ huy bộ đội đánh cứ điểm Chi Ma nổi tiếng.

Bà con ở Cổ Dũng có hỏi chúng tôi rằng: Làng có tiến sỹ xưa như thế, có truyền thống hiếu học như thế nhưng chưa rõ tung tích thì làm thế nào? Ứng xử thế nào cho phải? Chúng tôi cho ý kiến rằng: Làng xã nên dành ra một khu đất công để lập đền thờ các vị tiến sỹ và những bậc tiên hiền của địa phương. Có ban thờ cho ba vị và cho khắc bia ghi danh các vị ở ngôi đền ấy thì tốt nhất. Nay mai con cháu các họ theo học ra đó tưởng niệm và noi theo. Ta không rõ các vị về họ nào nữa thì dân nên thờ tự các vị. Anh linh các vị vẫn tồn tại và vẫn phù trì cho con cháu chúng ta cả đấy. Không nên để họ không có nơi thờ tự ở chính quê mình. Tất nhiên việc làm này phải là do dân bản địa. Phải thống nhất và phải làm thủ tục xin phép. Đây vừa là việc nghĩa vừa là việc bảo tồn và phát huy truyền thống hiếu học và khoa bảng ở địa phương. Có lẽ các vị đó cũng nghe ra và có vẻ tán đồng ý kiến của chúng tôi. Sau đó chúng tôi xin phép ra về và có vòng qua địa dư thôn Buồng, thôn Núi Ô để biết vì bài này có đề cập tới 2 thôn ấy./.

Trần Văn Lạng

Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

Nguồn: Theo Kỷ yếu Hội thảo “Truyền thống Khoa bảng tỉnh Bắc Giang với Văn Miếu –Quốc Tử Giám

Bạn đang đọc bài viết Làng Tiến sỹ Cổ Dũng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần
Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.

Tin mới