Thứ sáu, 29/03/2024 16:33 (GMT+7)

Phạm Văn Hạng - Người nghệ sĩ làm theo bản năng rung động

Hồng Thủy Tiên -  Thứ sáu, 24/08/2018 11:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Gần nửa thế kỉ lao động nghệ thuật và cống hiến, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã kiến tạo nên những đỉnh cao về nghệ thuật tạo hình.

Sinh năm 1942 (Nhâm Ngọ) tại làng Nam Ô, Hòa Hiệp, Hòa Vang - Đà Nẵng. Người nghệ sĩ tuổi Ngựa đã vào tuổi xưa nay hiếm, vẫn hàng ngày rong ruổi trên những cung đường để tìm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

Gặp ông vào một buổi chiều đông lạnh của Đà Lạt, khi phố xá đã lên đèn. Trong những câu chuyện bất tận về nghệ thuật với bạn bè, sự sôi nổi, hào sảng và niềm đam mê cháy bỏng nơi ông luôn khơi mở và truyền lan cảm hứng đến mọi người.

Sự hào nhoáng của nghệ thuật, sự quyến rũ mê hoặc của nghệ thuật mà người nghệ sĩ có vai trò, trích lời của ông, “ là những sứ giả thiên ứng được sinh ra cho nhân loại”, “ là người làm sáng tạo, với món quà lớn nhất là đau khổ” .

Vậy đau khổ đối với người nghệ sĩ là ân phúc hay tai họa?

Trong lịch sử Mỹ thuật đương đại Việt Nam, Phạm Văn Hạng là người nghệ sĩ phiêu lưu mà sự nghiệp được đánh giá qua nhiều thời kì. Từ hiện thực cực tả qua tác phẩm tiêu biểu “ Chứng tích” miêu tả chiến cuộc năm 1970, khiến công chúng sửng sốt đến nín thở rùng mình. Thời kì siêu thực ở tranh sơn dầu, và sau đó là thời kì nghệ thuật cách điệu trong hình khối với vô số tượng đài đồ sộ, tượng hình thể.

Mặc dù vào đầu thế kỷ XXI, bắt đầu xuất hiện rất nhiều bài viết về Phạm Văn Hạng trong các ấn phẩm của Việt Nam cũng như nước ngoài, nhưng thông tin về tiểu sử của ông không nhiều.

Trong một bài phỏng vấn, ông tâm sự: “ Nghệ sĩ là mĩ từ mà xã hội ưu ái ban phát cho người làm sáng tạo… Còn tôi là một người lao lực, một thằng thợ cày…Tôi không có tài, nhưng có chí. Tôi là thằng thợ giỏi kiếm được tiền để sống. Tôi sinh ra là một thằng thợ khéo tay…”

Vâng, có lẽ đó chỉ là một cách tự nhận khiêm nhường của ông mà thôi. Trong nghệ thuật, để thành công, người nghệ sĩ phải kiên nhẫn lắng nghe tiếng nói sâu thẳm từ nội tâm, để vận dụng và phát huy được thế mạnh của mình. Phạm Văn Hạng - nhà điêu khắc với sự xông xáo học hỏi sáng tạo trên nhiều lĩnh vực song song cùng điêu khắc như tranh tường, kiến trúc sơn dầu, thơ văn, phim ảnh… Đã lĩnh hội trọn vẹn cái thứ lửa hừng hực của lòng nhiệt thành với nghệ thuật và xã hội để tổ chức những công việc đồ sộ, sự phức tạp của nghề điêu khắc hoành tráng nặng nhọc…Để rồi từ đó, có những tác phẩm điêu khắc để đời, vang danh như bức tượng Alexandre Yersin đồ sộ nặng 36 tấn đá nguyên khối - đây là tượng chân dung bằng đá lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay được ông trân trọng tặng cho thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Tình yêu Đà Lạt cháy bỏng tha thiết còn được thể hiện qua bao tác phẩm điêu khắc tuyệt vời làm nên vườn tượng nơi đồi thông Yên Thế.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng

Vườn tượng đó, nơi ông sinh sống và làm việc (số 2 Yên Thế - Đà Lạt ), ngoài các tác phẩm nghệ thuật, còn có rất nhiều tượng của các văn nghệ sĩ: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Hàn Mặc Tử, nhà văn Nguyễn Tuân, danh họa Bùi Xuân Phái, nhà thơ Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm …

Nhân ngày đọc sách thế giới - Ngày hội tôn vinh sách và chữ viết (23.4.2010) ông đã đưa hai bức tượng Hàn Thuyên và Alexandre de Rohdes từ Đà Nẵng ra Hà Nội tặng cho thư viện Quốc gia Việt Nam, bởi họ - theo ông lí giải, 1 người đặt nền tảng cho chữ Nôm – 1 người tổng hợp kí tự Latin cho tiếng Việt. Trong đó, tượng của giáo sĩ Alexandre de Rohdes bằng đá hoa cương trắng nặng 43 tấn.

Phạm Văn Hạng - con người tài hoa, đa tài ngoài lĩnh vực điêu khắc, công chúng còn biết tới ông là một họa sĩ, một nhà thơ. Tháng 9.2007 Phạm Văn Hạng cho ra đời một tập thơ bằng đồng nặng đến 220 kg với tên “ 30 năm tập tễnh làm thơ” gồm 29 bài. Mỗi bài thơ được gò nổi với 4 ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh, Hoa. Phần tiếng Việt do chính tác giả thủ bút.

Tập thơ được khắc in trên đồng này đạt kỉ lục Việt Nam: Nặng nhất, số “ bản in” ít nhất (độc bản mãi mãi) và là tập thơ duy nhất từ trước đến nay được thực hiện trên đồng.

Hỏi ông về nguyên do và về những ngày đầu bước chân vào nghệ thuật điêu khắc, ông hóm hỉnh chia sẻ: “Tôi bắt đầu đến với điêu khắc từ sau thành công của triển lãm sơn dầu chủ đề Huyền Thoại Phương Đông tại Pháp Văn Đồng Minh Hội trong Sài Gòn năm 1970 và từ một món quà do một người phụ nữ tặng. Món quà là quyển sách “Đôi bạn chân tình” (Freunde) của Herman Hesse (nhà thơ, nhà văn, họa sĩ người Đức, đoạt giải Nobel văn học năm 1946). Món quà tặng của nàng đã khiến tôi quyết định trở thành nhà điêu khắc. Đó là kỉ niệm thời còn trai trẻ !”

Một lời sẻ chia thành thật, sự lãng đãng nghệ sĩ, hé mở cho ta thấy một góc tâm hồn tràn đầy lãng mạn của ông.

Gặp ông, mái đầu bạc trắng, quần áo yếm, những chiếc khăn voan nhỏ xinh đủ màu khiến ông có nét thiện cảm, đáng yêu trẻ thơ.

Qua những chuyện trò, tiếp xúc, những trải lòng, những chiêm nghiệm, mới thấy sự nghiệp đồ sộ của ông qua bao chuyến ngược xuôi vào Nam ra Bắc – là hàng trăm pho tượng, chân dung, biểu tượng, tượng đài…

 Nghệ sĩ Phạm Văn Hạng giao lưu cùng các nhà văn TPHCM

Điều gì làm nên sự thành công ấy nơi ông? Chắc có lẽ, đó là sự xả thân làm việc, với mồ hôi, nước mắt, với sự thao thức, lao lực trong sáng tạo…

Gần đây, người ta thường bàn đến khía cạnh bản sắc dân tộc trong một công trình kiến trúc, hay một tác phẩm nghệ thuật nào đó. Với ông, khi người Việt Nam làm nghệ thuật thì dù anh không nói tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc cũng từ tác giả thể hiện ra. Người nghệ sĩ làm theo bản năng rung động của thời đại. Thời đại này là thời đại computer vậy thì anh phải tính công năng của những ý tưởng sáng tạo có phù hợp với thời đại.

Đề tài hòa bình trong các sáng tác của ông chiếm vị trí quan trọng. Chính ông đã viết về điều này: “Hòa bình - đây là mong ước của tất cả mọi người và mọi thời đại. Để có được hòa bình trước hết mỗi chúng ta chỉ cần làm những cử chỉ thân thiện đối với những ai đang ở ngay cạnh chúng ta”.

Phạm Văn Hạng - nhà điêu khắc với nhận định của dư luận trong nước “ Sôi nổi, mạnh mẽ, náo nhiệt, ồn ào, ngang ngạnh, và ở một mức độ nào đó huyền bí…” với vóc dáng lãng nhân vẫn không ngừng miệt mài sáng tạo trên bước đường nghệ thuật của mình.

Trải qua nhiều lĩnh vực nghệ thuật, nhưng ông đã chọn điêu khắc làm phương tiện phô diễn những ẩn ức của tâm tư mình. Điêu khắc gia phiêu lưu, mang nét buồn thế kỉ với gương mặt sáng bừng nhân ái.

Xin mượn lời của nhà nghiên cứu Thái Bá Vân thay cho lời kết: “Nếu Phạm Văn Hạng không để lại cho đời một cái gì to lớn, thì Hạng cũng để lại một vết lăn trên đường hành hương, không dễ gì tàn phai, một hăm hở trẻ thơ liều lĩnh trước cuộc phiêu lưu nghệ thuật mà không ai nói chắc được là thắng lợi… Và, tôi còn muốn nghĩ, ở Hạng, còn một tiềm năng trực giác đang ẩn tàng.”./.

Bạn đang đọc bài viết Phạm Văn Hạng - Người nghệ sĩ làm theo bản năng rung động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.