Thứ ba, 16/04/2024 14:22 (GMT+7)

Công nhân vệ sinh môi trường chật vật dọn rác sau Tết

TRANG TRIỆU -  Thứ ba, 12/02/2019 17:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều công nhân vệ sinh môi trường phải "vật lộn" với lượng rác thải gấp đôi, gấp ba ngày thường. Cành đào, quất tràn lan trên vỉa hè, chất đầy trên xe rác...

Từ rác thải sinh hoạt bình thường cho đến rác thải của những buổi liên hoan, ăn nhậu rồi rác thải đường phố sau những chuyến du xuân càng khiến công việc của công nhân vệ sinh tăng đột biến. Chưa kể, những ngày này tại các tuyến phố không khó bắt gặp những cành đào, cành mai, các chậu hoa cúc, gốc quất nằm chỏng chơ trên vỉa hè. Các gốc cây, cột điện bất đắc dĩ trở thành điểm tập kết rác. 

Những cành đào, cành mai, các chậu hoa cúc, gốc quất nằm chỏng chơ trên vỉa hè.

Mặc dù đã có thâm niên trong nghề, nắm bắt được những quy luật của công việc và chuẩn bị sẵn tâm lý cho những đợt cao điểm như dịp trước và sau tết như thế này, nhưng anh Nguyễn Văn Phú, công nhân vệ sinh môi trường Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên vẫn cảm thấy sợ bởi rác nhiều vô kể, nhìn thấy rác là đã "ngán ngẩm".

Anh Phú chia sẻ: "Trước và sau tết là thời gian cao điểm của những công nhân vệ sinh môi trường chúng tôi, trước Tết thì người ta thi nhau dọn dẹp nhà cửa đón năm mới, vứt bớt đồ đạc không dùng, còn trong và sau Tết thì nhà nào cũng liên hoan, ăn uống, rồi cả cành đào, cành quất. Chuyến xe rác nào cũng có vài cành đào, cồng kềnh nên không chất được nhiều lại phải chia thành nhiều chuyến".

Anh Nguyễn Văn Phú, công nhân vệ sinh môi trường Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên.

Xuân đến, nhà nào nhà nấy đều sắm cho mình một cây quất, một cành đào để trang hoàng không gian. Khi sắc hoa đã tàn thì những vật trang trí này bắt đầu vứt ngổn ngang khắp nơi.

Các xe rác của công nhân môi trường vốn đã đầy ăm ắp nay lại phải làm thêm nhiệm vụ chuyên chở cây đào, quất bỏ đi. Nhiều cành cồng kềnh, người lao công phải dùng dao chẻ nhỏ để vận chuyển dễ dàng hơn.

Mấy ngày Tết, thời tiết nắng nóng khiến rác càng nhanh phân hủy, bốc mùi đặc biệt là các loại rác từ đồ ăn thức uống mà người dân thải ra. "Những túi rác nặng, rơi xuống văng tung tóe chúng tôi lại phải quét dọn sạch sẽ. Cứ cách vài mét lại có một cành đào đặt ngay gốc cây, cột điện, có khi vừa dọn xong thì họ lại đem ra vứt chúng tôi dọn không xuể", anh Phú tâm sự.

Lượng rác tăng cao, khiến cho thời gian làm việc của người công nhân vệ sinh môi trường cũng phải tăng theo.

Mỗi lần Tết đến, xuân về những công nhân vệ sinh môi trường lại cảm thấy sợ bởi rác nhiều vô kể.

Cùng chung nỗi vất vả và gắn bó với nghề, chị Phạm Thị Hạnh, công nhân vệ sinh môi trường của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội tâm sự: "Ngày thường mỗi ca phải thu gom khoảng 5 xe rác, nhưng đợt cao điểm thì phải gấp đôi. Xe nào xe đấy ngất ngưởng nhiều lúc phải còng cả lưng để đẩy. Không chỉ vậy, có những hôm chúng tôi phải 2, 3 giờ sáng mới được về nhà vì phải đợi xe ép rác muộn, thậm chí quên cả ăn để dọn rác. Chứ không phải cứ hết giờ làm việc là được về đâu. Về nhà vừa chợp mắt được một lúc là trời đã sáng rồi".

Nhiều cành đào cồng kềnh, công nhân vệ sinh môi trường phải dùng dao chẻ nhỏ để vận chuyển dễ dàng hơn.

Công việc vất vả là vậy, thế nhưng những công nhân vệ sinh môi trường đều cố gắng hoàn thành tốt và điều mà những công nhân vệ sinh môi trường như anh Phú, chị Hạnh đều mong là "Mọi người có ý thức xử lý trước khi đem bỏ và để đúng nơi quy định thì chúng tôi sẽ bớt vất vả hơn".

Chị Hạnh chia sẻ: "Năm nay cũng có nhiều gia đình ý thứ hơn, họ chặt nhỏ cành đào ra, để gọn gàng dễ vận chuyển. Chúng tôi thấy rất mừng trước những việc làm này, hy vọng sang năm tới nữa sẽ có nhiều hộ gia đình làm được như vậy".

Có thể nói, đây là một công việc đặc thù, mà không phải ai cũng có thể làm được. Ngoài độ bền dẻo dai của sức khỏe để mưa nắng dãi dầu ngoài đường, còn phải có sự kiên trì, sức chịu đựng do đặc thù của công việc khá trái ngược. Khi họ phải làm quanh năm suốt tháng, bất kể đó kể đó là ngày ngỉ hay lễ, tết.

Bạn đang đọc bài viết Công nhân vệ sinh môi trường chật vật dọn rác sau Tết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới