Thứ tư, 17/04/2024 05:46 (GMT+7)

Hà Nội: Khai mạc Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2018

Cẩm Anh -  Thứ ba, 21/08/2018 13:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hôm nay, ngày 21/8/2018, tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu (CCWG) tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2018.

Sự kiện này sẽ mở đầu cho chuỗi sự kiện diễn ra từ 21 đến 26 tháng 8 năm 2018 tại ba thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc, bà Ngụy Thị Khanh, Đại diện Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho biết,  “Với thông điệp mở đường cho năng lượng tái tạo tới từng gia đình Việt, chương trình tuần lễ năm nay hướng tới khuyến khích mọi công dân Việt Nam trở thành một phần của quá trình chuyển dịch năng lượng và trở thành những người hưởng lợi trực tiếp của quá trình này”.

Ban tổ chức cắt băng khai mạc Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2018. 

Đồng thời, bà Khanh cũng bày tỏ niềm tin mạnh mẽ đối với sự phát triển của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, “Tôi tin rằng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách, với sự ủng hộ bằng những hành động cụ thể của những người dân, của các nhà khoa học và của cộng đồng doanh nghiệp, với sự vào cuộc và phối hợp của ngành điện cùng các cơ quan liên quan thì không trở ngại nào mà Việt Nam chúng ta không thể vượt qua trên con đường  chuyển dịch năng lượng cho sự phát triển bền vững của đất nước”.

Được biết, tại sự kiện này, Ban tổ chức sẽ khởi động và huy động sự quan tâm của các bên liên quan vào thực hiện chương trình “Triệu ngôi nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng”.

Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2018 thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, tham dự trực tiếp buổi khai mạc, đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Điện sạch cho biết, là một doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực điện, Điện sạch vô cùng quan tâm đến nội dung triển khai thực hiện Quyết định 11 và Thông tư 16 về phát triển điện mặt trời ở Việt Nam được triển khai trong buổi làm việc ngày 22/8.

“Toàn bộ khách hàng phía Điện Sạch đều đang phụ thuộc thời điểm Quyết định 11 thi hành”, vị đại diện này chia sẻ thêm.

Cũng trong sáng ngày 21/8, sau khi khai mạc, Ban tổ chức đã tiến hành Hội thảo Phát triển Năng lượng tái tạo góp phần thực hiện Chương trình Điện khí hóa nông thôn và Tiếp cận năng lượng.

Ông Đinh Duy Phong, chuyên viên chính, Phòng Điện khí hóa nông thôn Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 2081 về cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020.

Theo đó, đến hết 2015, số xã chưa có điện mới được cấp điện là 40 xã (đạt 70,1%); số thôn, bản mới được cấp điện là 2.250 thôn, bản (đạt 90% mục tiêu); số hộ dân được cấp điện mới và cấp chính thức là 165.828 hộ dân (đạt 17,7%); khối lượng hoàn thành 3.082 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện, chương trình gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, “Chủ yếu là do nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng lưới điện còn nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước hạn hẹp, vốn đối ứng khó khăn, và đặc biệt là các nguồn ODA tài trợ không còn đảm bảo tính ưu đãi cần thiết, trong bối cảnh Việt Nam không còn nằm trong nhóm đối tượng ưu đãi của các nhà tài trợ”, ông Phong thông tin cụ thể.

Buổi hội thảo trở nên sôi nổi hơn khi nhiều chuyên gia quan tâm đến các giải pháp sáng tạo thực hiện mục tiêu điện khí hóa nông thôn, các chính sách cụ thể để phát triển điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam… tiêu biểu là Nhà khoa học Phạm Tú Huynh, Nhà báo Nguyễn Thành Ý, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Khải…

Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải phát biểu tại hội thảo.

Là một trong những hộ gia đình hưởng lợi trực tiếp từ dự án năng lượng tái tạo, cụ thể là sử dụng điện nặng lượng mặt trời, ông Trần Văn Hùng, Phó bí thư chi bộ ấp Tân Hiệp, Xã Tân Lệ, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang chia sẻ, sau khi sử dụng, chi phí tiền điện mỗi tháng của gia đình ông giảm hơn một nửa so với trước khi sử dụng. Chi phí ban đầu mất khoảng 4 triệu đồng (đã được hỗ trợ 50% pin năng lượng). Hiện nhiều người dân trong ấp cũng đang tiến hành chuyển sang sử dụng điện nặng lượng mặt trời.

Dự kiến, chiều nay, Tuần lễ năng lượng tái tạo năng lượng 2018 sẽ tiếp tục với Tọa đàm Đưa lợi ích đa chiều của năng lượng tái tạo vào trong cuộc sống.

Ngày 22/8, Tọa đàm Nhìn lại 1 năm thực hiện Quyết định 11 và Thông tư 16 về phát triển điện mặt trời ở Việt Nam tiếp tục được tổ chức tại thủ đô Hà Nội (Khách sạn Hòa Bình, 27 Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng).

Tiếp đó, các buổi hội thảo sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Tuần lễ năng lượng tái tạo năm 2018 sẽ khép lại với sự kiện nổi bật là Giải chạy “Chạm tới Năng lượng Xanh” diễn ra vào ngày 26/8/2018 tại Ecopark, hứa hẹn thu hút 700 người tham gia.

Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tiền thân được gọi là Liên minh Năng lượng được thành lập vào năm 2012 bởi 05 tổ chức NGOs, nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam và khu vực Mekong. VSEA là một đối tác chủ động trong công cuộc chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Cho tới thời điểm hiện tại VSEA có 12 thành viên. 

Nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu Việt Nam (CCWG) được thành lập vào đầu năm 2008. Nhóm hoạt động dưới sự bảo trợ của Trung tâm Dữ liệu các Tổ chức Phi chính phủ (VUFO-NGO RC). Sứ mệnh chủa Nhóm là góp phần giảm tính dễ bị tổn thương của cộng đồng trước các tác động của BĐKH thông qua các hoạt động điều phối, vận động chính sách và nâng cao năng lực của các tổ chức phi chính phủ, hướng tới ứng phó BĐKH bền vững về môi trường và xã hội. 

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Khai mạc Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.