Thứ sáu, 29/03/2024 01:46 (GMT+7)

Nhếch nhác ở làng đá mỹ nghệ Non Nước hơn 400 năm tuổi

HOÀNG SA -  Thứ tư, 29/11/2017 14:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Được di dời đến cơ sở mới để hoạt động hơn 3 năm nay, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (P.Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) vẫn còn nhiều bất cập về tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm do sản xuất đá.

Năm 2008, TP Đà Nẵng đã có chủ trương xây dựng dự án quy hoạch làng nghề đá mỹ  nghệ Non Nước trước thực trạng ô nhiễm kéo dài từ việc sản xuất đá gây ảnh hưởng trầm trọng đến người dân và hoạt động du lịch của khu thanh thắng Ngũ Hành Sơn. Sau khi cơ sở mới được xây dựng tương đối hoàn thiện trên diện tích hơn 35 ha, cách chỗ cũ gần 1 km, thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hàn Sơn, đến nay đã có hơn 300 hộ sản xuất vào cơ sở mới đất và sản xuất trong tổng số hơn 500 hộ sản xuất, kinh doanh tại nơi cũ trước đó. 

Nước thải chảy tràn lan, hạ tầng chưa hoàn thiện…

Theo người dân, mục đích của việc di dời làng nghề đến nơi khác theo quy hoạch nhằm tránh gây ô nhiễm và sản xuất theo khuôn khổ nhưng hiện làng nghề tại cơ sở mới đang gây ra tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm môi trường từ quá trình dùng nước để chế tác đá bằng máy cưa, dùng sơn và a xít các loại để đánh bong tượng đá suốt hơn 3 năm nay. 

Một người dân đang sinh sống tại tổ 31, phường Hòa Hải, lo lắng: “Bụi đá gặp gió bấc là bay thẳng vô nhà mặc dù nhà cửa nằm cách làng nghề hơn 300m khiến sinh hoạt bị đảo lộn. Do hầu hết nguồn nước ngầm quanh khu vực làng đá bị ô nhiễm nên gia đình và bà con xung quanh phải dùng nước thủy cục để sinh hoạt chứ không dám dùng nước giếng”.

Được biết, do mỗi lô đất sau khi các hộ được nhận để vào làm cơ sở sản xuất mới có diện tích chỉ rộng 100 m2 khiến cho việc sản xuất đá gặp vô vàn khó khăn không như khi ở nơi cũ. 

Ông N.V.T, chủ cơ sở sản xuất đá V.T, cho biết: “Ít nhất thì mỗi hộ vào đây phải được ban quản lý làng nghề cấp mỗi lô đất rộng trên 200 m2 để chúng tôi có thể chia ra làm 2 khu, một khu dành riêng cho sản xuất và một khu để chứa bột đá, a xít… sau quá trình chế tác đá để tránh gây ô nhiễm. Đằng này, chúng phải sản xuất trong không gian chập hẹp gây ảnh hưởng tới tiến độ công việc. Đau đầu nhất là mỗi khi xe tải vận chuyển đá ra vào kho gặp không ít trở ngại do không có không gian cho cần cẩu hoạt động”. 

Theo thiết kế, hệ thống thu gom nước thải được xây dựng quanh làng nghề nhằm mục đích thu gom toàn bộ lượng nước thải, sơn và a xít các loại sau sản xuất về trạm xử lý nước thải nằm gần đó để xử lý. 

Thực tế, theo phản ánh từ nhiều hộ sản xuất, nhiều đường ống dẫn nước thải nằm phía dưới chưa được xây dựng hoàn chỉnh và khớp kín dẫn đến tình trạng nước thải thẩm thấu xuống lòng đất và không chảy về hết trạm xử lý gây ra tình trạng ô nhiễm, chưa kể là một lượng lớn bột đá tràn xuống các hố ga làm tắc nghẽn đường dẫn nước thải. 

Nước thải vẫn được xử lý triệt để (?)

Theo quan sát, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cơ sở mới hiện có hơn 300 hộ đang sản xuất với hơn 1.000 lao động. Nhiều thợ chế tác đá ở đây cho biết, đối với các hộ sản xuất nhỏ thì mỗi ngày cần khoảng 10 m3 nước để sản xuất, trong khi các hộ sản xuất lớn thì cần tới hơn 50 m3. Như vậy, nếu trung bình mỗi hộ cần khoảng 25 m3 nước để xuất xuất thì sẽ có hơn 7.500 m3 được thải trực tiếp xuống đường ống dẫn nước thải mỗi ngày. 

Tuy nhiên, ông Hồ Thanh Hà (Trạm trưởng Trạm xử lý nước thải làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước), khẳng định: Mỗi ngày, toàn bộ lượng nước thải từ làng nghề được trạm thu gom và xử lý được khoảng 600 – 700 m3 nước thải/ ngày đêm, trong khi công suất của trạm lên tới 1.500 m3/ ngày đêm nên không xảy ra tình trạng quá tải. Nước thải sau được xử lý triệt để đều đạt chuẩn B theo quy định và sau đó được cho chảy ra khu vực sông Cỏ Cò. 

Như vậy, theo người dân thì một lượng lớn nước thải còn lại sau sản xuất đã chảy trực tiếp xuống đường dẫn nước thải và thẩm thấu dưới lòng đất, chưa kể sơn và a xít các loại rất độc hại chưa qua xử lý đang gây ô nhiễm môi trường nước do không về hết trạm xử lý.

Ông Võ Đức Huy, Trưởng Ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, cho biết: Kể từ đầu năm 2014 đến nay thì đã có hơn 300 hộ dân được vào cơ sở mới để nhận đất và sản xuất ổn định trong tổng số hơn 500 hộ. Trước đó, chúng tôi bắt đầu tiếp nhận quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cơ sở mới (giai đoạn 1) do TP xây dựng từ năm 2011. 

Theo ông Huy, toàn bộ nước thải sau khi sản xuất của các hộ sản xuất được chảy trực tiếp xuống khu vực hố 3 ngăn được đấu nối với hệ thống thu gom chạy quanh làng nghề. Nước thải sau đó được chảy toàn bộ về trạm để xử lý. Đối với bột đá sau sản xuất thì được người dân vận chuyển ra bãi rác Khánh Sơn để xử lý. “Bột đá được tập kết quanh làng nghề chẳng qua là để cho bột đá đủ độ thẩm tháo, đủ khô ráo rồi mới đưa đi xử lý để tránh ô nhiễm”, ông Huy khẳng định.

Vẫn còn tình trạng “buôn gian bán lận”

Liên quan đến vấn đề thu gom bột đá nhằm tránh tình trạng gây ô nhiễm, đại điện Chánh Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, quận đã có văn bản đề xuất ý kiến lên UBND TP với nội dung giao cho Công ty Chăm Chăm đứng ra thực hiện việc thu gom bột đá trong làng nghề. Việc thu gom với giá thành cao tới mức nào cũng phải thực hiện nhằm đảm bảo môi trường làng nghề. 

Cũng theo đại điện Chánh Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn thì hiện nay, tình trạng “buôn gian bán lận” vẫn đang tiếp diễn trong làng nghề khiến chính quyền quận khó quản lý và thu thuế gây thất thoát. Chưa kể việc nhiều hộ sản xuất, kinh doanh lớn và đã đủ điều kiện lên doanh nghiệp nhưng vẫn chay ì ở lại hộ kinh doanh cá thể nhằm “trốn” thuế. 

Ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tại làng đá Non Nước:

Bạn đang đọc bài viết Nhếch nhác ở làng đá mỹ nghệ Non Nước hơn 400 năm tuổi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.