Thứ sáu, 19/04/2024 13:26 (GMT+7)

Thành phố chỉ đạo, tăng cường xử lý vi phạm đê điều

MTĐT -  Chủ nhật, 10/12/2017 21:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố vẫn ở mức cao, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Công văn số 11711/VP-KT đề nghị xử lý vi phạm pháp luật về đê điều

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai: qua công tác kiểm tra thực tế và báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 20/11/2017, trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều có diễn biển hết sức phức tạp; đã xảy ra 825 vụ vi phạm, xử lý được 299 vụ, còn tồn đọng 526 vụ.

Bên cạnh những địa phương đã thực hiện tốt công tác ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các vụ vi phạm như tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình... còn nhiều tỉnh, thành phố phát sinh nhiều vi phạm trên địa bàn nhưng chưa được quan tâm xử lý dứt điểm, dẫn đến còn tồn đọng rất lớn như: tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh và TP Hà Nội.

Thực hiện các quy định của pháp luật về đê điều, Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP quan tâm, khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời có biện pháp ngăn chặn hiệu quả không để phát sinh vi phạm mới, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.

Thống kê của ngành chức năng TP. Hà Nội cho thấy, trên địa bàn TP hiện có trên 2000 vụ vi phạm về đê điều. Các quận, huyện có nhiều vụ vi phạm pháp luật về đê điều là Bắc Từ Liêm, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Sơn Tây, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn… Điều đáng chú ý là trong khi các vụ vi phạm cũ chưa được xử lý thì đã phát sinh nhiều vụ vi phạm mới.

Riêng trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh thêm 267 vụ. Tuy số vụ phát sinh nhiều như vậy, nhưng hàng năm, Hà Nội chỉ xử lý được khoảng 10% vụ vi phạm.

Theo báo cáo từ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho thấy 5 loại hình vi phạm được chỉ ra đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn hành lang đê điều gồm: Khai thác cát, xe quá tải chạy trên đê, đổ phế thải ven sông, tập kết vật liệu xây dựng và xây dựng công trình trái phép.

Đáng chú ý, rất nhiều trường hợp vi phạm đã được xác định, lập biên bản, nhưng việc xử lý chưa kiên quyết. Đơn cử như đối với các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu trên các tuyến đê.

Thống kê cho thấy, toàn TP có 187 bãi đang hoạt động, trong đó có tới 153 bãi không có giấy phép, chỉ 34 bãi có giấy phép hoạt động. Thế nhưng nhiều bến bãi không phép này vẫn ngang nhiên hoạt động suốt ngày đêm.

Tình trạng xe quá tải chạy trên mặt đê đang diễn ra hàng ngày tại nhiều địa phương. Ảnh: Khắc Hạnh.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội nhận xét, mặc dù các ban ngành, địa phương đã vào cuộc, nhưng thực trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố vẫn rất “nóng”. Muốn xử lý triệt để cần có sự vào cuộc nghiêm túc ngay từ khi vi phạm mới phát sinh.

Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về vi phạm ngay từ đầu. Lãnh đạo Vụ quản lý đê điều đề xuất: Hà Nội nên nghiên cứu mở chiến dịch xử lý triệt để vi phạm đê điều, giống như cách thức đang triển khai để giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Trước đề nghị từ phía Tổng cục Phòng, chống thiên tai, UBND TP. Hà Nội khẳng định đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Mới đây là Công văn số 11711/VP-KT, ban hành ngày 7-12, đề nghị sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP.

Trước đó, liên tiếp trong các tháng 8 và 10, UBND TP cũng có những chỉ đạo cụ thể giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện tốt việc thống kê gửi các quận, huyện, thị xã các vụ việc vi phạm; kiểm tra, phối hợp, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công an TP. Hà Nội và các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc “Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP”, tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan chức năng trực thuộc tăng cường kiểm tra, thực hiện ngăn chặn từ khi mới phát sinh, không để xảy ra những vụ việc vi phạm mới.

Tập trung chỉ đạo, tổ chức xử lý kiên quyết, dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng đúng quy định của pháp luật, báo cáo UBND Thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/11/2017.

Sở NN&PTNT tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều của UBND các quận, huyện, thị xã, báo cáo UBND TP.

Theo Pháp luật & Xã hội

Bạn đang đọc bài viết Thành phố chỉ đạo, tăng cường xử lý vi phạm đê điều. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?