Thứ sáu, 29/03/2024 17:18 (GMT+7)

Thiên tai khốc liệt năm 2017 gây thiệt hại 60.000 tỷ đồng

MTĐT -  Thứ sáu, 15/12/2017 17:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2017 tiếp tục là một năm thiên tai vô cùng khốc liệt trên hầu khắp các vùng miền cả nước. Thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, sản xuất đình trệ, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng

Thiên tai ngày càng khốc liệt

Chiều 15/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị “Công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và đánh giá nhanh chỗ ở an toàn cho người dân ở một số tỉnh miền núi”.

Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, năm 2017, tổn thất về thiên tai là rất lớn, với 386 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng, sản xuất đình trệ. Bên cạnh đó, thiên tai còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta.

Quang cảnh hội nghị.

Xu thế thiên tai ngày càng thể hiện tính dị thường và trái quy luật ở nhiều loại hình thiên tai: Hai cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây đổ bộ vào các tỉnh Trung Bộ; mưa lớn trái mùa tại miền Bắc làm Hồ Hòa Bình lần đầu tiên phải xả cấp tập 8 cửa xả đáy trong thời gian chưa đầy 1 ngày. Hay lũ đặc biệt lớn tại các tỉnh Trung Bộ làm mực nước các sông lên cao xấp xỉ mức lịch sử.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Đặc biệt, hai trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc để lại những hậu quả rất nặng nề và mất mát vô cùng to lớn về người và tài sản của nhân dân, nhất là ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Yên Bái.

Tình hình mưa lớn cục bộ ở các tỉnh miền núi là nguyên nhân chính dẫn đến lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trong khi đó, các tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sinh kế thiếu bền vững hay tập quán sinh sống của người dân nơi đây, cũng chính là những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng các rủi ro thiên tai.

Về vấn đề này, Thứ trưởng - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng chỉ rõ: Tình trạng chặt phá rừng phòng hộ để lấy đất sản xuất, hoạt động xây dựng nhà ở ven sông, suối, mái dốc đã và đang diễn ra phổ biến tại một số nơi.

Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai tới cộng đồng và nhận thức của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế, dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc, không đáng có. Công tác phòng chống thiên tai ở các tỉnh miền núi đòi hỏi cần phải có một chương trình tổng thể, với nhiều giải pháp đồng bộ.

Khó cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Theo TS Vũ Bá Thao, Phòng Nghiên cứu Địa kỹ thuật, Viện Thủy công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, chúng ta đã có nhiều điều tra, nghiên cứu, nhưng lại chưa đưa ra được tiêu chuẩn quốc gia về phân loại, phân cấp thiên tai sạt lở, lũ quét. Đồng thời, cũng chưa có giải pháp phòng chống hữu hiệu.

"Bên cạnh đó, Bản đồ dự báo, cảnh báo cho diện rộng (tỉnh, vùng) đã và đang triển khai rất “rầm rộ” nhưng không đủ chi tiết và chưa đáp ứng được việc cảnh báo hữu hiệu cho địa điểm cụ thể, ví dụ: thời gian, địa điểm xuất hiện và mức độ thiên tai sạt lở, lũ quét. Quan trắc và cảnh báo: đơn lẻ, không đồng bộ, chưa phát triển”, TS Vũ Bá Thao nhấn mạnh.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát và đánh giá một cách toàn diện để đề ra những giải pháp căn cơ cho công tác phòng chống thiên tai tại khu vực miền núi. Trong đó, giao Bộ Nông nghiệp xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp tổng thể về di dời dân cư khẩn cấp.

Mưa lớn trái mùa tại miền Bắc khiến nhiều hồ thủy điện liên tục phải xả lũ. Ảnh: TTXVN.

Đặc biệt là việc khẩn trương xác định các khu vực có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; lắp đặt các thiết bị dự báo, cảnh báo sớm thiên tai. Đồng thời xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai kết hợp với việc di dân an toàn để góp phần đảm bảo cho cộng đồng an toàn hơn trước thiên tai.

Còn TS Vũ Bá Thao, Phòng Nghiên cứu Địa kỹ thuật, Viện Thủy công cho rằng, các loại bản đồ dự báo và cảnh báo thiên tai lũ quét sạt lở hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cảnh báo thực tế. Do vậy, việc lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo cho các điểm lũ quét, lũ bùn đá và sạt lở đất là rất cần thiết đối với khu vực có đường giao thông, công trình xây dựng, công trình văn hóa, lịch sử. Nên thí điểm một số trạm quan trắc để dần nhân rộng toàn quốc.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ngoài công tác dự báo sớm, cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; di dân gắn với quy hoạch và tổ chức sinh kế bền vững; thúc đẩy xã hội hóa và sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức, chuyên gia quốc tế...

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Thiên tai khốc liệt năm 2017 gây thiệt hại 60.000 tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.