Thứ sáu, 29/03/2024 03:06 (GMT+7)

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 5/11/2018

MTĐT -  Thứ hai, 05/11/2018 14:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/11/2018, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất của Hà Nội ngày 5/11 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XV sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng

HĐND TP Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 28/TB-HĐND về nội dung, thời gian và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo đó, kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khoá XV dự kiến diễn ra từ ngày 3-12 đến ngày 7-12-2018 tại hội trường tầng 3, trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội (số 79 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm).

Quang cảnh kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra hồi tháng 7-2018. Ảnh: Thanh Hải/KTĐT

Về nội dung, kỳ họp thứ 7 HĐND TP sẽ xem xét 15 báo cáo thường kỳ và 9 báo cáo chuyên đề. Đồng thời, xem xét 5 dự thảo nghị quyết thường kỳ và 17 nghị quyết chuyên đề.

Đặc biệt, thực hiện chức năng giám sát, tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu và thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và những vấn đề dân sinh bức xúc mà đại biểu HĐND TP và đông đảo cử tri Thủ đô quan tâm. 

Bí thư Thành ủy làm rõ thông tin Hà Nội sẽ cấp 100% "sổ đỏ"

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, con số 100% "sổ đỏ" sẽ cấp trong năm 2018 chỉ tính những hồ sơ đủ điều kiện, được cấp mới lần đầu và đất không có tranh chấp.

Mới đây, thông tin Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu trước Quốc hội về việc Hà Nội sẽ cấp 100% “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV) ngay trong năm 2018 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân Thủ đô.

Xung quanh vấn đề này, bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải để làm rõ hơn về con số 100% đáng chú ý trên.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu người dân làm “sổ đỏ”.

Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, không dám khẳng định chắc chắn hết năm 2018 Hà Nội cấp 100% “sổ đỏ”. Tuy nhiên, chủ trương là chính quyền sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ người dân hết mức trong việc làm các thủ tục, hồ sơ để được cấp tối đa số lượng “sổ đỏ”.

Bí thư Hoàng Trung Hải giải thích: "Có 3 đối tượng cần được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đó là những hồ sơ đủ điều kiện, TP sẽ cố gắng cấp hết 100%.

Trường hợp thứ hai, có nhiều gia đình người dân chưa có “sổ đỏ” nhưng không muốn làm vì khi làm phải đóng một khoản phí. Những người này cho rằng, họ vẫn sinh sống bình thường trên mảnh đất đó và không muốn mất phí để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đối tượng thứ ba là những trường hợp không đủ điều kiện làm “sổ đỏ” như đất đang tranh chấp…".

“Cho nên con số 100% "sổ đỏ" nghĩa là tính trên số hồ sơ đủ điều kiện mà người dân nộp lên thì mình phải làm tối đa”, Bí thư Hoàng Trung Hải nói.

Cũng theo người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, số “sổ đỏ” thường xuyên có sự biến động, ví dụ như tách một thửa đất thành 2 hoặc 3 “sổ đỏ” mới, trao đổi, sang nhượng tên… Ở đây, 100% là cách tính số “sổ đỏ” cấp lần đầu.

"Kể cả đối với những yêu cầu về cấp “sổ đỏ” phát sinh, chính quyền cũng sẽ làm tối đa để giúp người dân không phải “chạy” như trước đây" - ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

“Thời gian cấp “sổ đỏ” cho người dân đã giảm đi rất nhiều và minh bạch hơn. Những trường hợp nào mà người dân thắc mắc, chúng tôi đều cho kiểm tra xử lý, làm rõ trường hợp nào không được cấp và vì sao”, Bí thư Thành ủy chia sẻ.

Về câu hỏi vẫn có tình trạng người dân phản ánh về hiện tượng cán bộ địa chính, chính quyền cơ sở cố tình “hạch sách” người dân khi làm thủ tục cấp “sổ đỏ”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, cũng không thể tránh khỏi vẫn còn những trường hợp nhũng nhiễu. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, nếu nhận được phản ánh thì sẽ cho kiểm tra ngay và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Tiến độ hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực chậm vì... chờ nhau

Theo Sở Xây dựng, từ tháng 6/2018, UBND thành phố đã yêu cầu thực hiện hạ ngầm, chỉnh trang hệ thống chiếu sáng tại các tuyến phố hạ ngầm điện lực, viễn thông. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy đăng ký, đề xuất 67/175 tuyến.

Trên căn cứ đề xuất của các quận huyện, UBND thành phố công bố hạ ngầm 56 tuyến phố tại các quận nội thành. Đây cũng là đợt hạ ngầm thứ 4 của thành phố.

Tuyến phố Thụy Khuê (Tây Hồ) dù nằm trong kế hoạch từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành

Trong 3 đợt hạ ngầm trước đó, đến nay nhiều tuyến vẫn chưa triển khai. Cụ thể, trong số 18 tuyến phố thi công công trình ngầm đợt 1 (phê duyệt năm 2016), vẫn còn tuyến phố Thụy Khuê chưa hoàn thành do phần viễn thông chưa thi công. Đợt 2 còn 28 tuyến phố chưa hoàn thành, trong đó 13 tuyến trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chưa thể thi công cả hệ thống điện lực và viễn thông. Trong 45 tuyến đợt 3 (phê duyệt cuối năm 2017) mới có 5 tuyến Tổng công ty Điện lực Hà Nội và VNPT Hà Nội đang thi công; 18 tuyến mới thống nhất biện pháp thi công đồng thời, số còn lại các đơn vị điện lực chưa nộp bản vẽ thiết kế và biện pháp thi công chung.

Một số tuyến phố đang triển khai hạ ngầm, bó gọn vẫn chưa đảm bảo thi công, đảm bảo an toàn kỹ thuật cho người dân. Cụ thể tại tuyến ngõ 89 Lạc Long Quân, việc hạ ngầm, thanh thải diễn ra cách đây 3 tháng nhưng triển khai thi công chậm, nhiều dây điện thanh thải theo từng nhóm đơn vị, không có sự đồng bộ dẫn đến dây cáp võng xuống thấp, thậm chí võng xuống thấp ngang đầu người lớn rất nguy hiểm khi di chuyển.

Còn tại tuyến phố Thụy Khuê, các tuyến phố lại đào đường nham nhở, còn tuyến cáp điện, cáp viễn thông vẫn chưa được hạ ngầm.

Vì sao Hà Nội cho phép ô tô đi chung làn xe máy trên cầu Chương Dương?

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào tối 3/11, do chiếc xe mang nhãn hiệu Mercedes GLC300, BKS: 30E-868xx bất ngờ mất lái đâm thẳng vào lan can cầu Chương Dương (Hà Nội), chiếc xe bị rơi xuống sông Hồng. Sự việc kinh hoàng đang khiến dư luận lo lắng về mức độ an toàn khi để xe ô tô đi chung làn với xe máy trên cầu.

Lý giải về việc cho phép ô tô đi vào làn xe máy trên cầu Chương Dương, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện sở GTVT Hà Nội cho biết, việc cho phép ô tô đi chung làn với xe máy trên cầu Chương Dương là do sức ép giao thông quá lớn trên cầu. Cầu thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trên cầu và phía hai đầu cầu, để giảm ùn tắc Hà Nội đã cho phép ô tô đi vào làn xe máy.

Ô tô đi chung làn với xe máy trên cầu Chương Dương tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Khi PV hỏi về việc thiết kế của 2 làn xe máy chỉ rộng 1,5m việc cho xe ô tô đi chung làn xe máy, sở GTVT đã khảo sát, thiết kế, vấn đề an toàn? Đại diện sở GTVT cho rằng: “Việc cho xe ô tô đi chung làn với xe máy có từ lâu rồi, bây giờ tôi phải kiểm tra lại các vấn đề trên rồi sẽ thông tin lại”.

Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, trên quốc lộ 1A tại km170+200, nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và là cửa ngõ giao thông huyết mạch của Hà Nội.

Cầu có tổng chiều dài 1.230m, gồm 21 nhịp: 11 nhịp thép; 10 nhịp bê tông, trong đó 7 nhịp ở phía Hoàn Kiếm và phía Long Biên có 3 nhịp, với tải trọng: H30. Cầu chia làm bốn làn xe chạy hai chiều. Phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5m. Hai làn xe ô tô chạy phần giữa cầu.

Cầu được xây 10/10/1983, đưa vào sử dụng 30/6/1985 do bộ GTVT làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế do tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (bộ GTVT), đến năm 2002 cầu đã được tiến hành sửa chữa. Sau đó, cầu được bộ GTVT bàn giao lại cho TP.Hà Nội quản lý.

Theo thiết kế đường “cánh gà” hai bên cầu Chương Dương chỉ dành cho xe máy, mặt đường và hệ thống lan can sắt (dạng răng lược) được xây dựng ở đây cũng chỉ đảm bảo cho xe máy lưu thông an toàn. Tuy nhiên, do cầu thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, Hà Nội đã đồng ý cho phép xe ô tô con đi vào làn xe máy.

Hà Nội: Sẽ tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ ngay tại các trường mầm non

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 207/KH-UBND triển khai tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn thành phố.

Hà Nội sẽ tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi-rubella cho trẻ 1-5 tuổi.

Trong quý IV-2018 này, những trẻ dưới 5 tuổi nhưng chưa được tiêm đủ mũi vaccine sởi – rubella sẽ được cán bộ y tế đến tận trường mầm non, mẫu giáo để tiêm bổ sung.

Đối tượng tham gia tiêm lần này là toàn bộ trẻ từ 1 đến 5 tuổi sống trên địa bàn TP Hà Nội (trừ những trẻ đã tiêm vaccine sởi hoặc sởi - rubella, sởi - quai bị - rubella và thủy đậu trong vòng 1 tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch tiêm).

Theo đó, trong quý IV năm 2018, thành phố sẽ triển khai đồng loạt tại 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã theo hình thức tiêm tại các trường mầm non, mẫu giáo.

Với những trẻ được hoãn tiêm và những trẻ không đi học, việc tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella đợt này sẽ được thực hiện tại trạm y tế. 

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vaccine, tiêm chủng an toàn, phòng chống sốc phản vệ, giám sát phản ứng sau tiêm chủng; bố trí đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có). 

Bạn đang đọc bài viết Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 5/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Tuấn Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.