Thứ sáu, 19/04/2024 14:47 (GMT+7)

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 8/10/2018

MTĐT -  Thứ hai, 08/10/2018 15:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/10/2018, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất của Hà Nội ngày 8/10 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hà Nội: 9 tháng, nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội tăng trưởng cao

Theo đánh giá, 9 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố duy trì phát triển ổn định, trong đó có một số chỉ tiêu tăng trưởng mạnh và cao hơn cùng kỳ năm 2017, cụ thể: GRDP trên địa bàn tính theo phương pháp mới ước tăng 7,17% (cùng kỳ 6,87%); tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 166,2 nghìn tỷ đồng, đạt 69,7% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ.

9 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Hà Nội tăng trưởng khá.

Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,265 tỷ USD, gấp 5,4 lần so cùng kỳ, đứng đầu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 10,51 tỷ USD, tăng 21,6% (cùng kỳ 8,7%).

Khách quốc tế có lưu trú tại thành phố đạt 3,1 triệu lượt, tăng 21%, chiếm 37,2% thị phần cả nước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 57,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3%.

Công tác an sinh xã hội đảm bảo. Tiến độ hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho các hộ nghèo trên địa bàn thành phố thực hiện tốt (đã có 4.013/4.046 hộ nghèo được hỗ trợ, đạt 98,4% kế hoạch).

Kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tiếp tục được tăng cường và giữ vững. Hoạt động sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định.

Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 10 và 3 tháng cuối năm 2018: Tiếp tục thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị 2018”. Tập trung triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao.

Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động số 34/CTr-UBND của UBND thành phố về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn thành phố, đặc biệt là một số dự án đã được điều chỉnh quy hoạch và bổ sung nguồn vốn. Tập trung tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, phấn đấu hoàn thành trong năm 2018.

Nhiều dự án bất động sản bị chấm dứt hoạt động tại Hà Nội

UBND TP Hà Nội yêu cầu việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Mỗi dự án bị chấm dứt hoạt động phải được lập thành hồ sơ xử lý riêng và phải được quản lý, lưu trữ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (sử dụng đất không đúng mục đích, chậm tiến độ...) hoặc ban hành văn bản xử lý chuyên ngành (về quy hoạch, xây dựng...) cũng phải được các cơ quan quản lý nhà nước khác chủ động thực hiện theo đúng điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đã được pháp luật chuyên ngành quy định và phải được gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để xử lý, tổng hợp, quản lý, lưu trữ chung cùng với các dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Đối với các dự án bị chấm dứt hoạt động, bị thu hồi đất do vi phạm quy định về đất đai, UBND TP. Hà Nội yêu cầu phải được công bố công khai sau khi hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổ chức việc công bố. 

Về việc xử lý 39 dự án có sử dụng đất vi phạm về đất đai, đầu tư, UBND TP Hà Nội nêu rõ: Đối với nhóm 16 dự án đã thực hiện chấm dứt hoạt động theo quy định UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố công khai; các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện các thủ tục xử lý khác có liên quan (nếu có) theo quy định và theo yêu cầu tại điểm 1 của văn bản này.

Đối với nhóm 4 dự án đã chấm dứt hoạt động đối với nhà đầu tư cũ; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư mới để triển khai thực hiện dự án: Sở Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát, hoàn tất thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định và theo yêu cầu tại điểm 1 của văn bản này; là đầu mối đôn đốc nhà đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục triển khai dự án mới theo quy định; theo dõi, báo cáo đề xuất việc xử lý nếu các đơn vị này chậm triển khai.

Ảnh minh họa.

Về vấn đề này, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội hiện có 16 dự án thuộc nhóm đã hoàn thành thủ tục thu hồi, 14 dự án thuộc nhóm chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hoạt động.

Cụ thể, nhóm 16 dự án đã xong thủ tục chấm dứt hoạt động, gồm: Dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại 19 Lê Thanh Nghị; Toà nhà hỗn hợp văn phòng làm việc và cho thuê 53E Hàng Bài; Bệnh viện Đa khoa Quang Trung tại đường Tam Trinh; Khu văn phòng tại 18 Cao Bá Quát,...

14 dự án chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hoạt động, gồm: Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Đại học Mỏ - Địa chất tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm; Văn phòng làm việc và cho thuê tại số 6 Đào Duy Anh; Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng tại ngõ 162 Nguyễn Văn Cừ; Tổ hợp công trình công cộng phục vụ nhu cầu của quận Tây Hồ và nhà thấp tầng (UDIC Lakeside) tại ngõ 282 đường Lạc Long Quân…

Đáng chú ý trong các dự án bị chấm dứt hoạt động, có 4 khu đô thị, gồm: Khu đô thị Monaco Garden, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai; Khu đô thị Trung Hưng, thị xã Sơn Tây; Khu đô thị Minh Quang Bắc, huyện Thường Tín; Khu đô thị Minh Quang Nam, huyện Thường Tín.

Hà Nội: Đầu tư 6.309 tỷ đồng vốn xã hội hóa xây tổ hợp thể thao Hàng Đẫy

Tin tức trên An ninh Thủ đô, UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao sân vận động Hàng Đẫy (sân vận động, nhà thi đấu đa năng, tòa nhà văn phòng) để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31.

Khu vực Hà Nội đề xuất nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng có tổng diện tích 32.158 m2, bao gồm khu vực sân vận động Hàng Đẫy diện tích 23.433 m2 và phụ cận (nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức diện tích 6.938 m2, khu đất của Sở Kế hoạch và Đầu tư diện tích 1.787 m2).

Khu vực sân vận động Hàng Đẫy sẽ được cải tạo lại thành tổ hợp thể thao Hàng Đẫy.

Theo đó, sân vận động Hàng Đẫy được xây mới trên khu đất sân vận động hiện nay. Sân vận động mới có 20.000 chỗ ngồi, cao 35 m, 4 tầng hầm liên thông khu vực lập dự án (2 tầng thương mại dịch vụ, 2 tầng để xe).

Khu đất xây dựng nhà thi đấu đa năng rộng 6.938 m2, có 1.500 chỗ ngồi. Nhà thi đấu này có tổng chiều cao 35 m (8 tầng, 1 tum). Theo quy hoạch, tầng 1 được bố trí sảnh, nhà thi đấu đa năng, khán đài và khu dịch vụ; tầng 2-3 là khu dịch vụ; tầng 4-8, là khu dịch vụ và văn phòng.

Ngoài ra, Hà Nội còn dành khoảng 1.787 m2 đất khu vực này (thuộc khu đất Sở Kế hoạch và Đầu tư hiện nay) làm văn phòng cao 23,05 m, 4 tầng hầm, tầng 1 làm quảng trường, tầng 2-4 là khu trưng bày, bảo tàng lưu niệm, văn phòng làm việc và dịch vụ công cộng.

Hà Nội đưa ra phương án thu gọn khán đài (không đua ra ngoài các tuyến phố như hiện nay) sân vận động mới trong phạm vi chỉ giới đường đỏ các tuyến đường bao quanh ô đất. Tại tầng một, phía phố Trịnh Hoài Đức bố trí vịnh ra vào cho các phương tiện giao thông vào đón trả khách.

Kiến trúc mái của sân vận động Hàng Đẫy được nghiên cứu tạo điểm nhấn kiến trúc, mang dấu ấn của Hà Nội, có thể đóng - mở bao trùm toàn bộ sân khi có nhu cầu sử dụng.

Dự kiến, tổng mức đầu tư tổ hợp thể thao sân vận động Hàng Đẫy khoảng 6.309 tỷ đồng, theo nguồn vốn xã hội hóa 100%. Nhà đầu tư được khai thác, vận hành sân vận động khoảng 50 năm.

Về tiến độ thực hiện, thành phố cho biết, đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm khởi công tổ hợp sân vận động Hàng Đẫy, nhằm đáp ứng mục tiêu đến tháng 10/2021 hoàn thành, phục vụ SEA Game 31. 

EVN Hà Nội áp dụng công nghệ sửa chữa điện hiện đại

Sáng ngày 5/10, Công ty lưới điện cao thế thành phố Hà Nội (thuộc EVN Hà Nội) đã thực hiện đấu nối trạm biến áp Kim Quan 7 vào lưới điện. Tuy nhiên, cách thực hiện lại không phải là phương pháp thông thường mà là phương pháp sửa chữa trên đường dây đang mang điện (hotline).

Nhờ công nghệ sửa chữa điện hotline, khoảng 1.000 hộ dân thuộc các xã Kim Quan và Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) đã không bị mất điện trong thời gian đấu nối từ 4 đến 5 tiếng.

Việc đấu nối trạm biến áp Kim Quan 7 được thực hiện trực tiếp, không gây mất điện.

Đa phần người dân trong khu vực làm nghề mộc, với những dây chuyền cắt xẻ, tiện, đục máy hiện đại, có máy chạm cần hoạt động 24/24. Do đó, việc ngành điện đầu tư thêm trạm biến áp là cần thiết. Tuy nhiên, đây là lần đầu người dân được chứng kiến thợ sửa chữa trực tiếp nhưng không bị mất điện, mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt diễn ra như bình thường.

Quá trình đấu nối trạm biến áp Kim Quan 7 vào lưới điện đã được thực hiện thành công và hoàn tất lúc 12h15. Trạm biến áp mới sẽ bổ sung nguồn điện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhu cầu sản xuất của hàng trăm xưởng gỗ tại xã Kim Quan.

Trong những năm gần đây, các công nghệ như sửa chữa điện nóng hotline, vệ sinh cách điện hotline được EVN Hà Nội áp dụng rộng rãi và hiệu quả. Các công nghệ hiện đại này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cung cấp điện, không gây gián đoạn trong quá trình sản xuất, sinh hoạt và phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Hà Nội: Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019 sẽ thi tuyển 4 bài thi độc lập

Chiều 5/10, Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020. Theo đó, từ Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới sẽ thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi của các môn học khác.

Theo đó, học sinh sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 là một trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân. Môn thứ tư này sẽ được công bố vào tháng 3/2019.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc thay đổi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là việc cần thiết, nhằm phục vụ lộ trình thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới với các môn tích hợp, tiến tới triển khai đề thi, bài thi tổ hợp, bài thi tích hợp. Việc thay đổi cũng là để tránh việc học sinh học tủ, học lệch, học thêm và dạy thêm tràn lan.

Có 2 bài thi tổ hợp được lựa chọn, bài thi tổ hợp 1 sẽ gồm Ngoại ngữ, Vật lý; Lịch sử và Giáo dục Công dân. Bài thi tổ hợp hai gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút; đối với bài thi tổ hợp là 90 phút.

Thí sinh Hà Nội dự thi xét tuyển vào lớp 10 năm học 2019-2020 sẽ dự thi 4 môn

Như vậy, sau 2 tháng Sở GD&ĐT Hà Nội trình 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để lấy ý kiến rộng rãi tới các trường, và UBND TP Hà Nội đã phê duyệt phương án 1.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp THCS của Hà Nội được tổ chức hôm 13/8, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020. Ba phương án gồm:

Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư, trong đó, bài thi thứ tư thuộc 1 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Bài thi thứ 4 do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.

Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.

Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân); hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học). Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài; đối với bài thi tổ hợp là 90 phút/bài. Việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở GD&ĐT thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3.

Hà Nội công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực giám định y khoa và y tế dự phòng

Trong lĩnh vực giám định y khoa có 9 thủ tục hành chính do Trung tâm Giám định y khoa Hà Nội thực hiện, bao gồm: khám giám định thương tật lần đầu do tai nạn lao động; khám giám định lần đầu do bệnh nghề nghiệp; khám giám định để thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động;

Ảnh minh họa

Khám giám định để thực hiện chế độ tử tuất; khám giám định để xác định lao động nữ không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau sinh hoặc sau khi nhận con do nhờ người mang thai hộ hoặc phải nghỉ dưỡng thai; khám giám định để hưởng bảo hiểm xã hội một lần; khám giám định lại đối với trường hợp tái phát tổn thương do tai nạn lao động; khám giám định lại bệnh nghề nghiệp tái phát; khám giám định tổng hợp.

Lĩnh vực y tế dự phòng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện bao gồm 5 thủ hành chính. Cụ thể là: thủ tục cấp giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng; kiểm dịch y tế đối với phương tiện vận tải; kiểm dịch y tế đối với hàng hóa; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế thi thể, hài cốt; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người.

7 thủ tục hành chính trong lĩnh vực giám định y khoa bị bãi bỏ được áp dụng cho đối tượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là: thủ tục giám định lần đầu do bệnh nghề nghiệp; giám định để thực hiện chế độ hưu trí trước tuổi quy định; giám định để thực hiện chế độ hưu trí; giám định bệnh nghề nghiệp tái phát; giám định thương tật lần đầu do tai nạn lao động; giám định tai nạn lao động tái phát.

4 thủ tục bị bãi bỏ trong lĩnh vực y tế dự phòng là cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế thi hài, tro, hài cốt; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, xử lý y tế phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh đối với tàu bay; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, xử lý dịch y tế hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu; cấp giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế.

Hà Nội đồng ý cho dân bán đấu giá cây sưa đỏ trăm tỷ

Tin tức trên báo Công lý, Ngày 8/10, ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý cho phép người dân ở thôn Phụ Chính được bán cây sưa đỏ ước tính trị giá khoảng 100 tỷ đồng.

Cây sưa đỏ từng được một đại gia trả giá đến 100 tỷ đồng.

Theo ông Chính, văn bản đã được TP gửi về địa phương. Tới đây, Chi cục Kiểm lâm - Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội cùng UBND huyện sẽ về làm thủ tục cụ thể.

Chủ tịch UBND xã Hòa Chính cho hay, việc mua bán cây sưa 100 tỷ này nếu được thành phố đồng ý sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá công khai. “Người dân địa phương hết sức phấn khởi bởi đã xin phép bán từ rất lâu. Sau khi các cấp, các ngành chức năng làm việc cụ thể thì sẽ bàn đến các bước tiếp”, ông Chính nói.

Cây sưa đỏ được trồng trong khuôn viên chùa Phụ Chính cao khoảng 8m, đường kính hơn 1m. Thân cây chia làm hai nhánh lớn. Trước đây, cây sưa này được nhiều khách trong và ngoài nước đến hỏi mua với giá lên tới hơn 100 tỷ đồng. Năm 2010, một nhánh chính của cây bị chặt bán với giá 20,5 tỷ đồng.

Năm 2013, lợi dụng lúc trời mưa bão, kẻ xấu đã cắt cửa khóa cổng, vào chùa chặt một nhánh sưa lớn. Vì vậy, địa phương đã dùng lưới sắt bảo vệ cây sưa cổ.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 8/10/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.
Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?