Thứ sáu, 29/03/2024 22:17 (GMT+7)

TP.HCM: Nhiều thách thức trong công tác chống ngập!

MTĐT -  Chủ nhật, 20/05/2018 09:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công tác chống ngập tại TP.HCM hiện đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lún mặt đất và nước biển dâng. Quy hoạch chống ngập của TP.HCM đã quá lỗi thời… dẫn đến trình trạng ngập.

Đó là ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại hội nghị “Giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước TP.HCM” do Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Giao thông Vận tải vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Quang cảnh tại hội nghị chuyên đề "Giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước TPHCM".

Tại hội nghị, Thạc sĩ Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM - cho biết, một trong những nguyên nhân gây ngập hiện nay là do việc triển khai quy hoạch chống ngập quá chậm, hệ thống cống thoát nước đầu tư chưa đạt yêu cầu.

Hầu hết hệ thống cống thoát nước của TP được đầu tư từ thời Pháp, chỉ đáp ứng cho dân số khoảng 2 triệu người nhưng hiện nay, dân TP đã tăng lên gấp 5 lần.

Ông Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM – (đứng bên trái) phát biểu tại hội nghị.

“Theo quy hoạch tổng thể thoát nước mưa đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, thành phố cần đầu tư, nâng cấp mới khoảng 6.000km cống các loại, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay mới chỉ đầu tư được trên 2.500 km, đạt khoảng 43%, còn thiếu rất nhiều. Nhiều tuyến đường chưa có cống hoặc cống nhỏ chưa được nâng cấp”- ông Đỗ Tấn Long nêu thực trạng.

Ông Long cho biết, quy hoạch cũng xác định xây dựng 140 hồ điều tiết hỗ trợ thoát nước nhưng chưa có hồ nào hoàn thành. Việc nạo vét kênh rạch cũng chỉ đạt được 1% so với kế hoạch đặt ra.

PGS - TS Lê Văn Trung - Chủ nhiệm bộ môn Hệ thống Thông tin Tài nguyên và môi trường, Phó chủ tịch Hội Trắc địa - bản đồ.

Tương tự, Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.HCM (quy hoạch 1547) xác định triển khai trên địa bàn TP 10 cống kiểm soát triều, đến nay chỉ mới đưa vào vận hành cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các cống còn lại đang triển khai dở dang.

Bên cạnh đó, công tác dự báo không lường hết được diễn biến biến đổi khí hậu. Quy hoạch thoát nước mưa dựa vào yếu tố mưa trong 3 giờ tối đã đạt vũ lượng 95,91mm - tương ứng với đỉnh triều 1,32 mét.

"Do thông số quy hoạch không còn phù hợp thực tế nên một số cống đầu tư trong thời gian qua trở nên quá tải dẫn đến ngập nước", ông Long nhận định.

Cũng theo ông Long một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai quy hoạch do các dự án chống ngập có nguồn vốn lớn, trong khi nguồn lực thành phố có hạn, ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng.

TS.Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, phân tích do thông tin cao độ nền đã có sự thay đổi, TP.HCM đang bị lún và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vì vậy phải tìm cách để nâng cao cốt nền hoặc đắp đê mới có thể hy vọng giải quyết được bài toán chống ngập.

PGS.TS Lê Văn Trung - Chủ nhiệm bộ môn Hệ thống Thông tin tài nguyên và môi trường, phó chủ tịch Hội Trắc địa - bản đồ TP.HCM - cảnh báo công tác chống ngập tại TP.HCM hiện đang đối diện với nhiều thách thức khác, trong đó có tình trạng lún mặt đất và sự dâng lên của mực nước biển.

PGS.TS Lê Văn Trung cho rằng dù theo quy định cao độ nền hiện nay trên địa bàn TP là 2 m, nhưng trong khu vực nội thành vẫn còn nhiều tuyến đường có cao trình < 1,6 m.

Các công trình giao thông và khu vực dân cư mới được xây dựng có cao độ nền < 2 m do tham chiếu độ cao mốc quốc gia đã bị lún để làm số liệu gốc thi công. Thực tế, độ cao mốc bị hạ thấp từ 0,3 m đến 0,5 m so với số liệu được cấp nên ảnh hưởng rất lớn giữa thiết kế và thi công các công trình.

Cảnh ngập lụt - Nỗi kinh hoàng của người dân TP.HCM (Internet)

Do đó, để chống ngập cho TP, đòi hỏi tiêu chuẩn thoát nước và chống ngập phải tính đến ảnh hưởng đồng thời của sự hạ thấp mặt đất và sự dâng cao của mực nước biển. Quy hoạch thoát nước cần xác định chính xác hiện trạng cao độ nền, vùng ngập liên quan triều cường, để có giải pháp phòng chống hiệu quả.

"Ví dụ có những tuyến đường khu dân cư mới làm cao độ 2 mét nhưng thực tế chỉ 1,4 mét dẫn tới bị ngập nước. Vì vậy, tiêu chuẩn thoát nước và chống ngập của thành phố cần phải tính đến ảnh hưởng đồng thời của sự hạ thấp mặt đất và sự dâng cao của mực nước biển dâng", PGS.TS Lê Văn Trung đề nghị.

“So với các nước phát triển thì tỉ lệ lún sụt này cũng không lớn lắm, đặc biệt so với Paris, Thái Lan, Thượng Hải của Trung Quốc. Nhưng nếu không có giải pháp căn cơ, quyết liệt thì vấn đề này sẽ tác động lâu dài, giống như Thượng Hải đường biến thành sông. Quy hoạch thành phố đừng để bề mặt không thấm, bê tông hóa mở rộng. Phải có hồ điều tiết để trữ nước mưa. Vùng nào cấp nước mặt thì tuyệt đối không cho phép sử dụng nước ngầm” - PGS.TS Lê Văn Trung đề xuất giải pháp.

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng để hạn chế ngập, cần xây dựng các hồ điều tiết thoát nước mưa, hạn chế tình trạng lún nền đất tại thành phố bằng cách hạn chế khai thác nước ngầm. Đặc biệt thành phố cần tìm nguồn vốn để triển khai hoàn thành Quy hoạch 1547 và 752 với tổng số vốn đầu tư khoảng 97.000 tỉ đồng. 

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Nhiều thách thức trong công tác chống ngập!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Thu Hiền

Cùng chuyên mục

Tin mới