Thứ ba, 19/03/2024 10:53 (GMT+7)

Cổ phần hóa tại Công ty CP Cấp thoát nước Ninh Bình

CTHĐQT Đinh Ngọc Vân -  Thứ bảy, 02/12/2017 09:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý từ Công ty TNHH một thành viên sang Cổ phần từ đầu năm 2014.

Công ty hoàn thành chuyển đổi sau 23 tháng (1/12/2015). Năm 2018, Công ty tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ.


1. Khái quát về Công ty:
a. Quy mô:
- Tổng vốn điều lệ 150.800.000.000 đồng;
 Vốn nhà nước: 140.277.600.000 đồng (93,02% vốn điều lệ,);
 Vốn của người lao động trong doanh nghiệp: 8.752.400.000 đồng (5,81% vốn điều lệ, gồm 268 cổ đông là những người lao động tại Công ty);
 Vốn của tổ chức công đoàn doanh nghiệp: 150.000.000 đồng (0,1% vốn điều lệ - 01 cổ đông là Công đoàn Công ty do Chủ tịch Công đoàn là người được ủy quyền đại diện);
 Vốn của các nhà đầu tư khác: 1.620.000.000 đồng (1,07% vốn điều lệ tương đương 162.000 cổ phần); trong đó vốn của Công đoàn doanh nghiệp là 1% vốn điều lệ.
- Giá trị tài sản: 500 tỷ đồng; nợ phải trả 300 tỷ (vay WB); chi phí vốn cao nên hiệu quả thấp.
- Công ty có quy mô trung bình so với các doanh nghiệp trong ngành: (Công suất: 70.000 m3/ngđ , sản xuất 15 triệu m3/năm ; doanh thu 130 tỷ đồng/năm, lao động 330 người).
- Phạm vi cấp nước bao gồm cả đô thị và nông thôn (25 nhà máy và Trạm cấp nước) phục vụ nhu cầu nước sạch cho 70.000 đấu nối (20.000 đấu nối khu vực nông thôn). Sản phẩm của Công ty chủ yếu là phục vụ sinh hoạt của nhân dân, tỷ trọng nước cấp cho công nghiệp chỉ đạt 7%.
b. Đặc điểm:
- Sản xuất nhỏ, phân tán: Chỉ có 01 nhà máy công suất: 20.000 m3/ngđ, còn lại là các Trạm cấp nước quy mô 2.000 m3/ngđ- 3.000 m3/ngđ
- Công nghệ sản xuất, máy móc thiết bị đầu tư vào đầu năm 2000 nên đã lạc hậu; chi phí sản xuất cao, hiệu quả thấp.


2. Những kết quả đạt được
Sau 02 năm chuyển đổi doanh nghiệp, Công ty vẫn hoạt động ổn định: tăng trưởng hàng năm đạt 12%; việc làm của người lao động được đảm bảo, thu nhập người lao động 5,8 triệu đồng/tháng); Công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước (nộp ngân sách 6,5 tỷ đồng/năm), vốn nhà nước được bảo toàn. Năm 2016, hệ số Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 0,52%, Lợi nhuận trên tổng tài sản là 0,22%; tài sản công ty tăng 9,9%, trong đó tài sản cố định tăng 18%; hệ số Nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,79 lần. Dự kiến năm 2017, Công ty vẫn duy trì mức tăng trưởng trên 12%.
Tuy nhiên do hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, chi phí vốn cao nên hiệu quả thấp, cổ tức chỉ đạt 30 đ/cổ phiếu.
Như vậy, mặc dù ổn định sản xuất nhưng doanh nghiệp chưa đáp ứng được mục tiêu mong muốn của Cổ phần hóa.
Nguyên nhân:
- Công ty chuyển đổi mô hình song chỉ là hình thức: Công ty đã sắp xếp lại tổ chức và lao động song không tạo sự đột phá (Cổ đông nhà nước chiếm 93%, số cổ đông tuy đông - 279 cổ đông song chủ yếu là lao động của Công ty). Nhiều chủ sở , song chủ sở hữu không có năng lực về tài chính và cũng không có khả năng để thay đổi quản trị, để đổi mới công nghệ. CPH mới tạo ra thay đổi về hình thức mà chưa thay đổi về chất để tạo cú hích cho doanh nghiệp. Như vậy chủ trương cổ phần hóa với hình thức đa sở hữu đối với doanh nghiệp ngành nước là cần thiết.
- Chất lượng Nguồn nhân lực được cải thiện không đáng kể (cũng không phải do cổ phần hóa mà nâng cao): Người lao động vẫn mang tâm lý Người nhà nước.
- Hoạt động của doanh nghiệp vẫn bị can thiệp, áp đặt nhiều từ các cơ quan quản lý nhà nước: việc cấp nước cho nhiều khu vực không có hiệu quả, doanh nghiệp thực hiện song không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Doanh nghiệp sau khi chuyển đổi vẫn không được đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp khác cùng hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch.
Đánh giá:
- Mục tiêu cổ phần hóa nhằm nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp không đạt được.
- Lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động không được quan tâm đầy đủ và công bằng: Doanh nghiệp bù giá cho các khu vực vùng sâu, vùng xa. Cổ đông là người lao động trong công ty thiệt thòi khi đầu tư cổ phần vào doanh nghiệp mang tính dịch vụ công ích.
- Việc huy động vốn của các nhà đầu tư chiến lược không thành công nên đối với những doanh nghiệp yếu kém thì tình trạng cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp không được khắc phục và không tạo ra sự đột phá nhờ chuyển đổi mô hình.

3. Những khó khăn thách thức trong cổ phần hóa và thoái vốn đối với doanh nghiệp ngành cấp nước (không nên chỉ giới hạn vấn đề CPH mà cần gắn với thoái vốn vì hiện nay các doanh nghiệp ngành nước đang tập trung vào thoái vốn)
- Cần coi đây là lĩnh vực kinh doanh đặc thù (sản xuất sản phẩm đặc biệt đối với sức khỏe cộng đồng) nên cần có quy định phù hợp để ràng buộc chủ đầu tư vào doanh nghiệp hoạt động cấp nước thực hiện các cam kết và trách nhiệm với cộng đồng (cần có quy định tiêu chí cụ thể để lựa chọn nhà đầu tư).
- Rất nhiều doanh nghiệp ngành nước đều vay vốn ODA, vốn vay được chính quyền địa phương bảo lãnh, nay thoái vốn nhà nước thì vấn đề bảo lãnh vốn vay ODA chưa được làm rõ; chính quyền địa phương không thể bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp ngoài nhà nước; như vậy sẽ ảnh hưởng đến lộ trình thoái vốn tại QĐ số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề này cần được quan tâm để tăng cường khả năng thu hút nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.
- Nhà nước mới chỉ nhấn mạnh đến bảo vệ quyền lợi của nhà nước mà chưa có thiết chế đảm bảo quyền lợi của các cổ đông nhỏ: nhằm tạo điều kiện cho người lao động phát huy quyền làm chủ đối với quản trị doanh nghiệp, chung ta bán cổ phần ưu đãi theo thời gian công tác và theo vị trí công việc, thời gian cam kết làm việc tại doanh nghiệp. Song giữ cổ phần quá nhỏ nên thực tế họ không có tác động gì đến hoạt động của doanh nghiệp. Với thu nhập ít ỏi họ phải dành dụm mua cổ phần khi chúng ta vận động (ưu đãi) và đó là một gia tài lớn với người lao động (Trung bình tại Công ty mỗi người lao động mua 50 triệu đồng cổ phiếu), nhưng nếu muốn bán cổ phần cũng không được, chủ doanh nghiệp không muốn mua lại; bán trên sàn thì không có ai mua? Vì vậy, tại văn bản số 203/TB- VPCP ngày 25/4/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020 chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện đề án, tôi đề nghị bổ sung vào mục tiêu của đề án nội dung này: (đảm bảo lợi ích của nhà nước và của cổ đông là người lao động trong doanh nghiệp).
- Đảm bảo việc làm cho người lao động nhất là lao động nữ: trong quá trính tái cơ cấu doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; một bộ phận không nhỏ người lao động không thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt trong ngành cấp nước là ngành nhiều lao động nữ.


4. Kiến nghị
Từ những hạn chế trong cổ phần hóa tại Công ty, để tiếp tục thoái vốn đạt hiệu quả mong muốn, chúng tôi kiến nghị: Đối với các doanh nghiệp ngành cấp nước là lĩnh vực đặc thù cung cấp thực phẩm đặc biệt cho nhân dân đồng thời góp phần quan trọng để nhân dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận với nước sạch góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm nghèo bền vững thì Nhà nước cần có những quy định riêng để đáp ứng được yêu cầu thoái vốn đồng thời đảm bảo các yêu cầu an sinh xã hội.
- Không nên thoái 100% vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp ngành nước: Nhà nước nên giữ tối thiểu 36% cổ phần để đảm bảo sự can thiệp kịp thời của nhà nước đối với những quyết định của doanh nghiệp khi không đảm bảo yêu cầu an sinh xã hội và an toàn nước sạch.
- Nhà nước thực hiện đúng nguyên tắc thị trường về giá nước và trợ giá đối với những vùng khó khăn để người nghèo được tiếp cận với nước sạch.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ODA để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư vì tại các Ninh Bình tỷ lệ người dân dùng nước máy sạch đạt mới ở mức 50%; mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 90 % dùng nước sạch sẽ khó thực hiện.
- Quy định tại văn bản số 7627/VPCP-ĐMDN ngày 20/7/2017, về việc phương án sử dụng đất khi phê duyệt phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước yêu cầu doanh nghiệp trình cơ quan nhà nước phải có phương án sử dụng đất được phê duyệt vừa phát sinh thủ tục cho doanh nghiêp vừa không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy nguồn lực (đất đai) để phát triển (Doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì nhà nước không cấm). Và như vậy dễ tạo ra những trường hợp gây khó hoặc lách luật đối với doanh nghiệp và cơ quan quản lý. /.

Bạn đang đọc bài viết Cổ phần hóa tại Công ty CP Cấp thoát nước Ninh Bình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xây dựng, phát triển TOD theo mô hình 3 cấp độ
3 cấp độ xây dựng, phát triển mô hình TOD gồm cấp vùng, cấp đô thị và cấp điểm. Nguyên tắc quy hoạch dựa trên trục xương sống là đường sắt đô thị và ưu tiên thúc đẩy đi bộ.
Hướng đến nền nông nghiệp đô thị, sinh thái
Với định hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái gắn với du lịch, ngành Nông nghiệp Hà Nội không chỉ đơn thuần là sản xuất, mà phải là nền nông nghiệp của thị trường với hệ thống kinh doanh số hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.