Thứ bảy, 20/04/2024 14:41 (GMT+7)

Công tác xử lý chất thải tại Bình Dương

MTĐT -  Thứ sáu, 19/01/2018 10:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình hình phát sinh và xử lý CTR ở khu vực đô thị vẫn là một trong những vấn đề môi trường nổi cộm trong nhiều năm qua.

1. Tổng quan về phát thải chất thải rắn (CTR)

Tình hình phát sinh và xử lý CTR ở khu vực đô thị vẫn là một trong những vấn đề môi trường nổi cộm trong nhiều năm qua. Theo thống kê, lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày với mức gia tăng trung bình 12% mỗi năm. [3]
- Chất thải rắn sinh hoạt đô thị có tỷ lệ hữu cơ vào khoảng 54 - 77%, chất thải có thể tái chế (thành phần nhựa và kim loại) chiếm khoảng 8 - 18%.
- Chất thải nguy hại (CTNH) còn bị thải lẫn vào chất thải sinh hoạt mang đến bãi chôn lấp là 0,02 ÷ 0,82%.
- Chất thải rắn y tế phát sinh là 600 tấn/ngày với mức độ gia tăng khoảng 7,6% mỗi năm.
- Đối với CTR công nghiệp khu vực đô thị, hiện chưa có thống kê con số cụ thể nhưng ước tính khối lượng CTR công nghiệp phát sinh trong các khu vực đô thị khá cao, tập trung ở các ngành cơ khí, dệt may, da giầy và thực phẩm. Ước tính lượng CTNH trong CTR công nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 30%.

Công tác phân loại, thu gom và xử lý CTR đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ thu gom và xử lý CTR sinh hoạt trung bình đạt khoảng 85% vào năm 2014 và tăng lên 85,3% trong năm 2015.

Công nghệ xử lý CTR sinh hoạt phổ biến hiện nay là chôn lấp, ủ phân hữu cơ và đốt. Tại khu vực đô thị, tỷ lệ CTR sinh hoạt được chôn lấp trực tiếp khoảng 34%, tỷ lệ CTR sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý đạt khoảng 42% và lượng CTR còn lại là bã thải của quá trình xử lý được chôn lấp chiếm khoảng 24%. Phần lớn CTR sinh hoạt đô thị chưa phân loại tại nguồn, tại một số đô thị lớn, hoạt động này mới chỉ được triển khai thí điểm tại một số phường, quận. Theo số liệu báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) về tình hình quản lý đối với CTR y tế, có khoảng hơn 90% bệnh viện thực hiện thu gom hàng ngày và có thực hiện phân loại chất thải từ nguồn. Năm 2015, tỷ lệ CTR y tế được thu gom đạt trên 75%. Tuy nhiên, phương tiện thu gom còn thiếu và chưa đồng bộ, hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn, không có các trang thiết bị đảm bảo cho quá trình vận chuyển được an toàn. Công nghệ xử lý CTR y tế chủ yếu bằng các lò đốt. [3]

Để giải quyết vấn đề môi trường liên quan đến CTR, thời gian gần đây việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị đã được xã hội hóa điển hình là nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn với công nghệ phù hợp. Đáng chú ý là một số công nghệ như tái chế chất thải, chế biến rác thành phân vi sinh, thành nhiên liệu đốt cho các làng nghề, đốt phát điện, thu khí gas trong các bãi chôn lấp rác để phát điện.

Các công nghệ cơ bản xử lý CTR sinh hoạt đô thị có thể tóm lược trong bảng 1.

Bảng 1. Các công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị

Nguồn: [5]

Như vậy, công tác quản lý và xử lý tổng hợp chất thải cần được chú ý truớc tiên vào các biện pháp hạn chế phát thải, nghĩa là theo nguyên tắc phòng ngừa. Trong quá trình sản xuất và tiêu dùng, nếu càng giảm thiểu được phát thải thì càng giảm được các chi phí cho các khâu tiếp theo để xử lý chất thải (tái sử dụng, tái chế, thu hồi,chôn lấp,...). Trường hợp phát sinh chất thải trong sản xuất và tiêu dùng thì cần cố gắng tái sử dụng và tái chế tối đa truớc khi đem chôn lấp.

Hình 1. Thang bậc quản lý chất thải

(Nguồn: Chỉnh sửa từ Lê Hoàng Việt, Nguyễn Xuân Hoàng, 2002)

Từ đó, định hướng các tiêu chí đánh giá công nghệ xử lý chất thải theo hướng bền vững phù hợp với Biến Đổi Khí Hậu như sau:
1. Giảm phát thải khí nhà kính
2. Chuyển rác thành điện năng
3. Hiệu quả kinh tế
Kết quả tính toán Hệ số phát thải của các phương pháp khác nhau theo hướng dẫn của ICCP được trình bày trong Bảng 2.

Bảng 2. Hệ số phát thải của các phương pháp xử lý khác nhau

Kết quả này cho thấy nếu áp dụng phương pháp ủ kỵ khí thu khí phát điện thì lượng phát thải của dự án chỉ còn 0,034 tCO2e/tấn, lượng giảm phát thải sẽ là khoảng 0,692 tCO2eq/tấn, gấp 1,323 lần so với công nghệ đốt thu hồi nhiệt phát điện (0,523 tCO2eq/tấn); 1,229 lần so với bãi chôn lấp có thu khí phát điện (0,520 tCO2eq/tấn) và 1,376 lần so với ủ phân compost (0,489 tCO2eq/tấn ). Như vậy hiệu quả giảm phát thải của phương pháp ủ kỵ khí thu khí phát điện là cao nhất và thấp nhất là ủ phân compost.

Hình 2. So sánh hiệu quả giảm phát thải CO2 từ các công nghệ xử lý rác đô thị.


Như vậy, công nghệ xử lý CTR ứng dụng quá trình phân hủy kị khí hiện nay đang dần được áp dụng rộng rãi trên thế giới nhờ hiệu quả bảo vệ môi trường, hạn chế nguồn mêtan phát thải và mang lại hiệu quả kinh tế thông qua việc thu hồi khí CH4 phát điện tiết kiệm chi phí điện năng cho địa phương, phù hợp với xu thế của thế giới về giảm phát thải CO2 góp phần giảm biến đổi khí hậu.

2. Tình hình xử lý chất thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương
Tháng 11/2004, công ty Cấp Thoát Nước Bình Dương (nay là Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương) khởi công xây dựng Khu Liên Hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương và mở cửa tiếp nhận xử lý rác sinh hoạt của 4 huyện thị phía Nam Bình Dương nhằm đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý rác cho tỉnh, với công suất tiếp nhận nhận rác khoảng 1.200 tấn rác sinh hoạt trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương, 400 tấn rác công nghiệp, 200 tấn rác công nghiệp nguy hại và 3 tấn rác y tế. [4]
Các công nghệ xử lý CTR đang được đầu tư và áp dụng tại Bình Dương bao gồm:
- Rác sinh hoạt được phân loại, tái chế làm phân compost với công suất 840tấn/ngày;
- Lò đốt rác CN&CNNH với công suất 320 tấn/ngày;
- Lò đốt rác y tế công suất 3 tấn/ngày
- Phát điện dự kiến: 2.000kVA từ khí bãi rác tương đương 1600 kW
- Xử lý nước thải công nghiệp 50m3/ngày;
- Xử lý nước rỉ rác công suất 1.000m3/ngày;
- Tái chế tro, bùn thải ra gạch tự chèn công suất 2.000m2/ngày;
- Tái chế bùn thải cấp nước công suất 100 tấn/ngày làm gạch xây dựng;
- Các lò sấy bùn thải CN công suất 100 tấn/ngày.

Trong đó, giai đoạn 2016-2017, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương đã nỗ lực thực hiện thêm 02 dự án xử lý rác trong Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương.
- Nâng công suất tái chế rác sinh hoạt thành phân compost, công suất tăng từ 420 tấn/ngày lên 840 tấn/ngày, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ổn định, đến nay vận hành tốt.
- Xây dựng Giai đoạn 2 - Khu liên hợp xử lý chất thải (chủ yếu là mua sắm thiết bị) để thu gom khí metan phát điện, lò đốt rác công nghiệp với công suất 100 tấn/ngày và thiết bị vận hành, tái chế rác sinh hoạt.

3. Nhận xét
Theo các tiêu chí đánh giá công nghệ xử lý chất thải theo hướng bền vững phù hợp với Biến Đổi Khí Hậu, các dự án đang được đầu tư tại Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đều là các công nghệ tiên tiến: ủ compost và đốt, phát điện. Các công nghệ này đáp ứng được tiêu chí phát triển bền vững như sau:
- Đối với nhà máy sản xuất phân compost từ rác thải sinh hoạt, một mặt sẽ thay thế công nghệ chôn lấp. Mặt khác dự án này cũng mang lại nhiều lợi ích trong việc tận dụng nguồn tài nguyên từ rác. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 840 tấn rác thì trong đó có 70% rác thải hữu cơ được tách ra để sản xuất phân. Phần lớn túi nylon và các chất thải có thể tái chế cũng được thu gom trở lại. Với công nghệ này sẽ giảm được lượng khí nhà kính phát thải là: (0,503 x 840 x70%) 295,8tCO2eq/ngày
-Đối với máy phát điện chạy bằng biogas từ bãi chôn lấp rác, với công suất 2000 kVA tương đương 1600 kW sẽ sản suất được 40.000 kWh (theo kết quả tính toán 1 tấn rác hữu cơ sẽ khi ủ kỵ khí sẽ tạo ra 65m3 khí metan, nếu đốt phát điện sẽ tạo ra 145,6 kWh điện và lượng CO2 giảm thiểu là 0,563 tấn CO2eq/tấn CTR. Như vậy, công nghệ phát điện từ khí bãi rác của Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương sẽ giảm được 179,4 tCO2eq/ngày
- Còn đối với lò đốt công suất 320 tấn/ngày nếu kết hợp phát điện sẽ cho phép giảm khí nhà kính là (0,523 x 320) 167,3 tCO2eq/ngày
- Ứng dụng các công nghệ nêu trên công ty cắt giảm lượng khí nhà kính tổng cộng là 642,5 tCO2eq/ngày so với công nghệ chôn lấp hay giảm được 234,512 tCO2eq/năm, nếu trung bình giá bán khí cacbon là 10USD/tấn thì mỗi năm công ty sẽ thu được 2,34 triệu USD

Như vậy, Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương - giai đoạn 2 hoàn thành và đi vào vận hành, không những góp phần vận dụng có hiệu quả các giải pháp cải thiện và kiểm soát ô nhiễm mà còn được đánh giá là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đáp ứng được tiêu chí bảo vệ môi trường đi đôi với hiệu quả kinh tế (thông qua việc bán sản phẩm compost, điện năng và khí cacbon).

GS.TS. Nguyễn Văn Phước
Viện trưởng - Viện Môi trường và Tài nguyên TP. HCM

Tài liệu tham khảo
1. Bougrier, C., Albasi, C., Delgen`es, J.P. and Carr`ere, H., 2006, “Effect of ultrasonic, thermal and ozone pre-treatments on waste activated sludge solubilisation and anaerobic biodegradability”, Chemical Engineering and Processing Vol (45)
2. Kübler, H. and Wild, M., 1992, The BTA process high rate biomethanisation of biogenous solid wastes. In Proc. Int. Symp. on Anaerobic Digestion of Solid Waste, held in Venice, 14-17 April, 1992, (eds. F. Cecchi, J. Mata-Alvarez and F.G. Pohland), pp. 535-538, Int. Assoc. on Wat. Poll. Res. and Control.
3. Bô Tài nguyên Môi trường - Tổng cục Môi trường (2016). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016: Môi trường đô thị.
4. Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương (2017). Báo cáo hoàn thành dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương – giai đoạn 2.
5. Nguyễn Văn Phước - Báo cáo đề tài NCKH cấp ĐHQG TĐ(2013). Nghiên cứu công nghệ thu hồi metan từ các nguồn phế thải hữu cơ phục vụ cho dự án CDM.

Bạn đang đọc bài viết Công tác xử lý chất thải tại Bình Dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ