Thứ bảy, 20/04/2024 11:31 (GMT+7)

Đánh giá rủi ro đối với môi trường tại điểm TĐC Thủy điện Lai Châu

MTĐT -  Thứ ba, 14/08/2018 21:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc tích nước hồ hình thành cột nước (cao 77,5 m) tạo áp lực lớn lên tầng đất đá nằm dưới đáy hồ, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro động đất kích thích ảnh hưởng tới người dân và nhà cửa ở vùng TĐC.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia, xây dựng trên dòng chính sông Đà tại xã Nậm Hàng huyện Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu, Việt Nam.

Sơ đồ công trình thủy điện lai Châu và vùng lòng hồ cùng các điểm tái định cư (TĐC) được trình bày trong hình H.1.

Thủy điện Lai Châu có tổng công suất lắp đặt 1.200 MW với 3 tổ máy, khởi công xây dựng ngày 5/1/2011, hòa lưới 3 tổ máy tháng 11/2016, khánh thành tháng 12/2016, sớm hơn 1 năm so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ cung cấp mỗi năm lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh. Với thiết kế chọn cao trình đập 295 mét sẽ đảm bảo mực nước cách biên giới khoảng 15 - 20 km, nhưng khi nước dềnh hoặc có lũ, lụt thì chỉ cách biên giới khoảng 2 km. Đi kèm với hồ sau tích nước, một phần diện tích đất và rừng tự nhiên đã bị chìm dưới nước.

Việc quy hoạch TĐC ở những địa điểm mới, khiến chúng ta phải san gạt mở những đường giao thông mới tới các điểm TĐC, phải hình thành những điểm TĐC mới bằng san ủi tạo mặt bằng xây dựng nhà ở, phá rừng tạo quỹ đất sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, như: đường xá, trường học, trạm y tế, trạm điện, chợ, bến xe...

Như vậy, cùng với hoàn thành công trình thủy điện Lai Châu là rủi ro mất đất, mất rừng, tai biến địa chất khác, như: sạt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá, động đất kích thích, cháy rừng đi kèm ... sẽ được được xem xét tổng thể trong bài báo này.

Hình 1: SƠ ĐỒ PHÂN BỐ CÁC ĐIỂM TÁI ĐỊNH CƯ DỰ ÁN THỦY ĐIỆN LAI CHÂU

H.1: Sơ đồ phân bố các điểm tái định cư dự án thủy điện Lai Châu (Nguồn: Kết quả khảo sát HGĐ, AFC 2015).

Để có được dòng điện cho Tổ quốc, chúng ta đã phải đánh đổi bằng tốn kém chi phí cho công việc di dân, TĐC. Theo Quyết định 1782/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 12/11/2017, mực nước dâng lên cao trình +295 m, khiến tổng số dân phải di chuyển, TĐC là 2.009 hộ/8.467 khẩu, gồm: khu TĐC Mường Mô (gồm 6 điểm:540 hộ/2.219 khẩu), khu TĐC Mường Tè (2 điểm: 446 hộ/6.653 khẩu), khu TĐC Can Hồ (2 điểm, 237 hộ/1.049 khẩu, khu TĐC mặt bằng công trường nhà máy thủy điện Lai Châu (1 điểm, 43 hộ/149 khâu, khu TĐC Huổi Mắn (1 điểm, 81 hộ/521 khẩu), khu TĐC thị trấn Mường Tè (2 điểm, 237 hộ/955 khẩu và khu TĐC thị huyện Nậm Nhùn (1 điểm, 57 hộ/204 khẩu).

Cũng theo Quyết định này của Chính phủ điều chỉnh tổng mức đầu tư di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu từ 4.503,7 tỷ đồng lên 5.405,68 tỷ đồng, trong đó, phần vốn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư là 2.405,68 tỷ đồng, phần vốn do Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư là 3.000 tỷ đồng (tăng 668,9 tỷ đồng so với Quy hoạch tổng thể đã duyệt).

2. RỦI RO XẢY RA ĐỐI VỚI TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG:

2.1. Rủi ro mất đất và mất rừng khi hồ tích nước dâng đến cao trình thiết kế

Các vùng bị ngập nước tại các điểm TĐC được thể hiện trong hình H.2 đến H.6:

Tổng diện tích đất và rừng tự nhiên bị chìm dưới mặt nước sau khi có đập được xác định khoảng hơn 30 km2. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây sự đánh đổi không thể tránh khỏi, khi dự án thủy điện đi vào hoạt động. Một sự mất mát có thể chấp nhận được. Thay vào đó chúng ta có thêm sản lượng điện mỗi năm khoảng 4.670,8 triệu kWh. 

2.2. Rủi ro tai biến địa chất: trượt, sạt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá... tại các điểm TĐC

Để cảnh báo cho những điểm TĐC dự án thủy điện Lai Châu, chúng tôi tham khảo công trình: “Nghiên cứu đánh giá phân vùng dự báo hiện tượng tai biến trượt lở - nứt sụt đất, lũ quét - lũ bùn đá khu vực Sơn La - Lai Châu, đề xuất các giải pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại” [2].

 Từ kết quả thành lập các sơ đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất hình H.7 [2] và sơ đồ dự báo phát triển lũ bùn đá hình H.8 [2] tại các khu vực TĐC dự án thủy điện Lai Châu, những cảnh báo được rút ra là:

• Các điểm TĐC Đôn Lạt (xã Mường Tè) và điểm TĐC Kan Hồ có thể phải đối mặt với nguy cơ trượt lở đất rất cao (mức 5/5) (H.7).

• Tất cả các điểm TĐC còn lại, là: Nậm Củm, Mường Tè, Nậm Khao, Xám Láng, Seo Hai, Bản Giẳng, Bản Cang, Hát Mé, Huổi Mắn, Noong Kiên, Phiêng Pa Kéo, Nậm Hài, Mường Mô và thị trấn H. Mường Tè có thể hứng chịu tai biến trượt lở ở mức cao (4/5) (H.7).

• Những điểm TĐC có khả năng phải hứng chịu nguy cơ lũ bùn đá cao (mức 4/5) gồm: Nậm Củm, Mường Tè, Đôn Lạt, Hát Mé, Mường Mô, Noong Kiên và Phiêng Pa Kéo (H.8).

• Những điểm TĐC có thể phải đối mặt nguy cơ lũ bùn đá trung bình (mức 3/5) gồm: Thị trấn Mường Tè, Seo Hai, Kan Hồ (H.8).

• Những điểm TĐC được xem là có thể gặp nguy cơ lũ bùn đá thấp (mức 2/5) gồm: Nậm Khao, Xám Láng, Hát Mé và Huổi Mắn (H.8).

2.3. Rủi ro động đất kích thích tại các điểm TĐC

• Động đất kích thích hay chính xác hơn là “động đất kích thích bởi hồ chứa” (Reservoir Induced Earthquake) về bản chất là động đất nhân tạo, xuất hiện khi chủ động tích nước trong hồ chứa để làm thủy điện hay với mục đích làm hồ thủy lợi để tưới cho cây trồng.

• Nguyên nhân của động đất kích thích:

Khi hồ thủy điện hay thủy lợi tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ (vốn tồn tại sẵn ở vùng lòng hồ) và do đó làm giảm độ bền cắt của các đất đá trong đới. Trong đới dập vỡ, khi trạng thái ứng suất đạt mức tới hạn, khiến giảm độ bền cắt của đất đá trong đới, dẫn tới việc xảy ra dịch trượt các khối đất đá và động đất phát sinh.

• Theo các nhà khoa học địa chấn của Viện Vật lý Địa Cầu – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thì hiện tượng động đất khích thích đã gặp ở nhiều vùng hồ như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yaly, Sông Tranh… Thực tế cũng đã xảy ra ở vùng hồ Hòa Bình chỉ 4 tháng sau khi tích nước hồ chứa đến cao trình 86 m, đã xuất hiện trận động đất kích thích mạnh 4,9 độ Richter ngày 23/5/1989.

• Đặc biệt gần đây nhất là hiện tượng động đất kích thích xuất hiện rầm rộ tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 sau khi tích nước. Công trình hoàn thành và bắt đầu tích nước từ cuối tháng 11/2010 (Thông số cơ bản: mực nước dâng bình thường: 175 m, diện tích hồ: 21,5 km2, cột nước lớn nhất: 104 m, với 2 tổ máy). Chỉ sau gần 1 tháng tích nước (ở mức dâng 158 m), đã ghi nhận được rung chấn đầu tiên với cường độ xấp xỉ 3 độ Richter. Sau gần 2 năm tích nước lòng hồ (từ tháng 11/2010 đến tháng 10/2012), khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã xuất hiện 68 trận động đất với những cường độ khác nhau xấp xỉ 3 độ Richter, trong đó ngày 22/10/2012 đạt 4,1 độ Richter và lớn nhất là ngày 23/10/2012 đạt 4,6 độ Richter.

• Công trình thủy điện Lai Châu khánh thành 12/2016, với thông số cơ bản (diện tích mặt nước lòng hồ khoảng hơn 40 km2, 3 tổ máy, mực nước dâng mùa lũ 297,5 m, cột nước cao nhất là 77,5 m). Cho đến nay, một năm rưỡi trôi qua, kể từ khi hồ tích nước, dường như chưa ghi nhận được một trận động đất kích thích nào.

• Trên hình H.10, trình bày 3 đới đứt gãy kiến tạo lớn là: đứt gãy Điện Biên – Lai Châu (nét to đậm), đứt gãy Mường Tè (nét đậm), đứt gãy Mường Nhé (2 nét đậm song song) và 3 đứt gãy phụ của đứt gãy Mường Tè (nét mảnh), cùng phân bố các điểm TĐC dự án thủy điện Lai Châu. Trên hình này, rõ ràng sự phân bố các điểm TĐC là tương đối gần đứt gãy chính Mường Tè (nét đậm) và 3 đứt gãy phụ (nét mảnh hơn) và hậu quả là động đất kích thích nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng tới các điểm TĐC.

Tuy nhiên, xét tương quan với công trình thủy điện Sông Thanh 2, thì cột nước ở thủy điện Lai Châu nhỏ hơn (77,5 m so với 104 m), các điểm TĐC dự án thủy điện Lai Châu chủ yếu phân bố gần sát với 3 đứt gãy Mường Tè phụ và đã hơn 1 năm rưỡi sau khi tích nước hồ Lai Châu, dường như chưa ghi nhận 1 trận động đất kích thích nào...

Trong khi đó, thủy điện Sông Tranh 2 sau gần 1 tháng tích nước, còn ở Hòa Bình sau 4 tháng khi hồ tích nước, đều đã ghi nhận được rung chấn đầu tiên. Bởi vậy chúng tôi cho rằng động đất kích thích tại khu vực công trình thủy điện Lai Châu là không mạnh mẽ.

• Tuy nhiên, công trình đập chính của nhà máy thủy điện Lai Châu chỉ cách đứt gãy Điện Biên – Lai Châu không đầy 20 km, (đứt gãy này được đánh giá là có Magnitude 5,5 độ Richter), (xem H.9), nên khi đứt gãy này hoạt động sẽ sinh ra động đất tự nhiên và rất có thể ảnh hưởng ít nhiều tới an toàn của đập. Đập thủy điện Lai Châu được xây dựng với thiết kế kháng chấn tới 7 độ Richter.

• Những khuyến cáo được rút ra nhằm giảm bớt rủi ro đối với động đất kích thích đối với vùng TĐC Lai Châu:

Cần phải có giải pháp vận hành liên hồ chứa hợp lý (trên sông Đà hiện có 3 công trình thủy điện lớn: Hòa Binh – Sơn La và Lai Châu), sao cho tránh thay đổi mực nước đột ngột, dẫn đến độ chênh lệch áp suất hồ chứa quá lớn, mà hậu quả là dễ xuất hiện nguy cơ động đất kích thích. 

Chính quyền địa phương cần thông báo cho người dân biết về hiện tượng động đất kích thích, để người dân hiểu và có những ứng phó hợp lý, tránh hoang mang.

Hồ chứa Lai Châu tuy không lớn, nhưng nằm gần vị trí của đới đứt gãy Mường Tè hoạt động khá mạnh, nếu xảy ra hiện tượng động đất kích thích, khi đó cũng ảnh hưởng tới các điểm TĐC.

H.10 Sơ đồ đứt gãy Mường Tè và các khu TĐC dự án thủy điện Lai Châu.

Nhận xét:
• Tây Bắc Việt Nam, trong đó có khu vực xây dựng công trình thủy điện Lai Châu, là vùng uốn nếp, tạo núi, mà đặc trưng bởi chế độ hoạt động kiến tạo mạnh, nơi mà vỏ Trái đất chuyển động phân dị và bị chia cắt mạnh bởi hàng loạt các đứt gãy sâu hoạt động. Bình đồ kiến tạo này quyết định chế độ hoạt động động đất tích cực, cao nhất trên lãnh thổ nước ta.

Nơi đây hội đủ các điều kiện phát sinh động đất kích thích khi xây dựng hồ chứa, như Lai Châu (1,24 tỉ m3 nước, tương đối nhỏ), hồ Hòa Bình (khoảng 9 tỉ m3 nước), hồ Sơn La (khoảng 9,3 tỉ m3 nước). Theo tính toán của nhà Khoa học Viện Vật Lý Địa Cầu thì các hồ chứa nói trên khi tích đầy nước sẽ gây ứng suất gia tăng 3 - 5 bar, xấp xỉ một phần trăm ứng suất phá hủy đá núi, ở độ sâu 3 km. Ứng suất gia tăng rất nhỏ nhưng có thể kích thích xảy ra dịch trượt (động đất) ở những nơi ứng suất kiến tạo đã được tích lũy đến mức tới hạn.

• Trong tương lai, sẽ có thể xuất hiện các trận động đất kích thích tại công trình thủy điện Lai Châu, sau khi hồ tích nước là chuyện bình thường như bao nơi khác như Hòa Bình, Sơn La, đặc biệt gần đây rất mạnh mẽ tại công trình thủy điện Sông Tranh 2...

• Dựa trên kết quả phân tích đã nêu, có thể các điểm TĐC dự án thủy điện Lai Châu trong thời gian tới phải đối mặt với các trận động đất kích thích, với mức độ khác nhau, tùy từng điểm TĐC, cụ thể:

Mức mạnh: Các điểm TĐC xã Mường Tè (Nậm Củm, Mường Tè và Đôn Lạt), Thị trấn Mường Tè (nằm trên cánh treo của đứt gãy Mường Tè chính).

Mức trung bình: các điểm TĐC: Nậm Khao, Xám Láng, Seo Hai, Kan Hồ, Bản Giẳng, Bản Cang, Mường Mô, Nậm Hài, Noong Kiên và Phiêng Pa Kéo (gần đứt gãy Mường Tè phụ).

Mức yếu: Hát Mé và Huổi Mán.

2.4. Rủi ro cháy rừng:

Phần lớn tại các điểm TĐC dự án thủy điện Lai Châu còn diện tích che phủ rừng tương đối lớn (Năm 2015 diện tích rừng của huyện Mường Tè có khoảng 162.842,98 ha, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 61,5%, trong đó rừng gỗ chiếm 64,5% tổng diện tích rừng) [5]. Chính vì vậy, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, đặc trưng là những ngày nắng nóng cực đoan kéo dài, thời tiết hanh khô, nên ở vùng nghiên cứu hằng năm đều ghi nhận cấp dự báo cháy rừng ở mức IV và mức V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Thêm vào đó, người dân có tập quán đốt nương để làm rẫy, vào sâu trong rừng tìm kiếm mật ong bằng đốt lửa, xông khói... Chỉ một sơ xuất nhỏ cũng khiến nạn cháy rừng có thể bùng phát. Hơn nữa, địa hình hiểm trở, thiếu nước, thiết bị chữa cháy thô sơ, khiến việc cứu chữa, dập lửa rất gian nan, hiệu quả không được như mong muốn.

KẾT LUẬN:

Công trình thủy điện Lai Châu về đích sớm hơn kế hoạch 1 năm, tiết kiệm cho đất nước khoảng 5.000 tỉ đồng, cung cấp mỗi năm khoảng 4.670,8 triệu kWh.

Đồng thời với việc hình thành hồ chứa, một phần diện tích đất và rừng tự nhiên (hơn 30 km2) cũng bị ngập dưới mặt nước hồ.

Đất ngập khiến 2009 hộ (8.467 khẩu) phải di chuyển đến nơi ở mới, đòi hỏi phải san lấp tạo mặt bằng TĐC và mở đường mới đến những điểm TĐC này. Việc san gạt mới sẽ xúc tiến mạnh mẽ rủi ro trượt, sạt lở đất tại vùng TĐC.

Việc tích nước hồ hình thành cột nước (cao 77,5 m) tạo áp lực lớn lên tầng đất đá nằm dưới đáy hồ, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro động đất kích thích ảnh hưởng tới người dân và nhà cửa ở vùng TĐC.

Vùng TĐC có độ che phủ rừng khá tốt, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay với đặc trưng là những đợt nắng nóng, khô hanh cực đoan kéo dài

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo kết quả điều tra động đất tháng 9/2012 khu vực thủy điện Sông Tranh 2 của Đoàn cán bộ khoa học Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam.

2. Nguyễn Văn Hùng, 2012. Nghiên cứu đánh giá phân vùng dự báo hiện tượng tai biến trượt lở - nứt sụt đất, lũ quét - lũ bùn đá khu vực Sơn La - Lai Châu, đề xuất các giải pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại.

3. Kết quả khảo sát HGĐ, AFC 12/2015

4. Quyết định 1782/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ký ngày 12/11/2017

5. muongte.laichau.gov.vn/view/Tong-quan-huyen-Muong-Te/tai-nguyen-thien-nhien-6992?mid=672

Đặng Xuân Thường[1], Nguyễn Phú Duyên[1], Nguyễn Thanh Hải[2], Lương Thị Hoa[1], Dương Văn Đang[1], Nguyễn Văn Phiên[1], Nguyễn Văn Cương[1], Nguyễn Thế Khoa[1], Nguyễn Mai Hoa[3].

1. Viện Kỹ thuật và Công nghệ Môi trường – Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam
2. Khoa Môi trường - Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, ĐH Thái Nguyên.
3. Khoa Môi trường - Đại học Mỏ Địa Chất.

Bạn đang đọc bài viết Đánh giá rủi ro đối với môi trường tại điểm TĐC Thủy điện Lai Châu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ