Thứ bảy, 20/04/2024 06:32 (GMT+7)

Kiểm toán cấp nước phục vụ cho tiết giảm nước không có doanh thu

MTĐT -  Thứ tư, 10/10/2018 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiệp hội Nước quốc tế (IWA) cùng với cơ quan nghiên cứu khác trên thế giới đã xây dựng một tiêu chuẩn chung về kiểm toán cấp nước.

Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025, đã được thực hiện từ năm 2010, nhằm huy động và tập trung các nguồn lực để giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân từ 30% năm 2009 xuống dưới 15% vào năm 2025. Các hoạt động chính của Chương trình bao gồm nâng cao nhận thức cộng đồng và cơ quan quản lý, nâng cao năng lực cho các công ty cấp nước, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách và thực thi các giải pháp kỹ thuật - công nghệ.

Các mục tiêu về nước thất thoát, thất thu của Chương trình là con số tổng về tỷ lệ phần trăm, được đề xuất dựa trên kết quả đã thực hiện và ước tính mức độ cần đạt trong những giai đoạn tới. Trong mấy năm gần đây sự hiểu biết, kinh nghiệm và kết quả chống thất thất thoát nước của chúng ta đã có nhiều tiến bộ đáng kể, tuy nhiên vẫn cần tiếp cận chuẩn mực trong việc định lượng các thành phần của nước thất thoát. Nếu bóc tách, cân đối được tỷ lệ thất thoát chung thành các cấu phần chi tiết và thì sẽ đề ra được những biện pháp thực hiện thích hợp và có hiệu quả.

Nội dung của bài báo này nhằm đề cập đến nội dung cơ bản trong công tác kiểm toán nước. Khái niệm “kiểm toán cấp nước” còn khá mới mẻ với dịch vụ cung cấp nước sạch nhưng trong các ngành sản xuất công nghiệp khác thì đã khá thông dụng, ví dụ kiểm toán năng lượng, kiểm toán tài nguyên, v.v… Ngay trong cấp nước, kiểm toán cũng là một lĩnh vực rất rộng, liên quan đến nhiều chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn đến công việc kiểm toán khối lượng nước, gắn liền với chống thất thoát nước, thất thu nước sạch.   

Hiệp hội Nước quốc tế (IWA) cùng với cơ quan nghiên cứu khác trên thế giới đã xây dựng một tiêu chuẩn chung về kiểm toán cấp nước. Mỗi quốc gia khi áp dụng có thể có điều chỉnh cho phù hợp với phương thức quản lý tại nước mình, tuy nhiên về cơ bản có cùng một cấu trúc thống nhất. Ở Việt Nam, mặc dù chưa có một tài liệu ban hành chính thức về các tiêu chuẩn này nhưng trên thực tế, hầu hết các dự án giảm thất thoát nước thực hiện có sự trợ giúp của quốc tế đều đã áp dụng các mẫu biểu của IWA. Kiểm toán cấp nước có một số công cụ như Bảng cân bằng nước và xác định các chỉ số thực hiện tiết giảm nước thất thoát, hay còn gọi là nước không có doanh thu.

Bảng cân bằng nước

Bảng cân bằng nước là một mẫu biểu cân đối lượng nước đầu vào và đầu ra trong hệ thống cấp nước, trong đó có bóc tách chi tiết cho hai thành phần cơ bản là nước có doanh thu và nước không có doanh thu.

Bảng 1 – Cân bằng nước

Lượng nước đầu vào hệ thống

Nước tiêu thụ hợp pháp

Tiêu thụ hợp pháp và có hóa đơn

Tiêu thụ có đồng hồ đo, có hóa đơn

Nước có doanh thu

Tiêu thụ không có đồng hồ đo, có hóa đơn

Tiêu thụ hợp pháp không có hóa đơn

Tiêu thụ có đồng hồ đo, không có hóa đơn

Nước không có doanh thu

Tiêu thụ không có đồng hồ đo, không có hóa đơn

Nước thất thoát

Thất thoát thương mại

Tiêu thụ bất hợp pháp

Sai số đồng hồ và lỗi xử lý dữ liệu

Thất thoát vật lý

Rò rỉ trên đường ống truyền tải và phân phối

Rò rỉ trên các công trình điều hòa dự trữ nước

Rò rỉ trên đường ống dịch vụ tới đồng hồ khách hàng

Diễn giải các thành phần trong Bảng cân bằng nước:

Lượng nước đầu vào hệ thống là lượng nước sạch sau xử lý của công ty hoặc mua nước từ một đơn vị cấp nước khác tới. Lưu ý rằng nước thất thoát trên hệ thống truyền tải nước thô và nước kỹ thuật trong dây chuyền xử lý không tính vào đây. Lượng nước đầu vào hệ thống, nếu được đo bằng đồng hồ tổng mặc dù có sai số nhưng vẫn có mức độ chính xác cao hơn so với ước tính lưu lượng nước từ các máy bơm. Bảng cân bằng nước tính bằng m3 trong một khoảng thời gian, tối thiểu là 1 năm, có tính đến sự dao động về sản lượng nước hàng ngày và khối lượng dùng nước giữa các mùa trong năm.

Nước tiêu thụ hợp pháp là tất cả khối lượng nước có sự chấp thuận của đơn vị cấp nước, có hóa đơn hoặc không có hóa đơn, đo qua đồng hồ hoặc được ước tính không qua đồng hồ. Nước tiêu thụ hợp pháp bao gồm rất nhiều loại: nước cấp cho các khách hàng dân dụng và công nghiệp, nước chữa cháy, thử áp lực, nước để bảo dưỡng, súc xả làm sạch đường ống, tưới cây, rửa đường, v.v…

Nước thất thoát (nước không có doanh thu) là sự khác nhau giữa tổng lượng nước đầu vào hệ thống và lượng nước tiêu thụ hợp pháp có hóa đơn. Nước thất thoát bao gồm thất thoát thương mại và thất thoát vật lý.  

Thất thoát thương mại xảy ra trên mạng đường ống cấp tới khách hàng vì các lý do như đấu nối bất hợp pháp, đi tắt không qua đồng hồ mà chưa phát hiện được, hoặc do sai số của các đồng hồ và các lỗi có thể xảy ra trong quá trình ghi thu, xử lý dữ liệu, lập hóa đơn…Lượng thất thoát này xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ tới các khách hàng dùng nước và thường rất hiển hiện, trên lý thuyết khó có thể triệt tiêu được hoàn toàn.

Thất thoát vật lý là rò rỉ nước trên mạng lưới nói chung, từ ống truyền tải, phân phối cho tới các đường ống dịch vụ. Như đã biết, thất thoát vật lý được xác định thông qua ước lượng theo kinh nghiệm, qua các thiết bị dò tìm, qua kỹ thuật cấp nước phân vùng tách mạng, qua phương pháp đối chiếu các số liệu tiêu thụ nước của đồng hồ tổng của một khu vực với các đồng hồ nhỏ khách hàng…Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đo đếm chính xác được thành phần này vì phần lớn nước rò rỉ xảy ra trên mạng lưới không nhìn thấy được và kéo dài.

Bảng cân bằng nước nên tính cho khoảng thời gian tối thiểu là một năm, trong đó các khoản mục có thể có các giá trị sai số (+/-) tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) so với giá trị trung bình. Tính toán khối lượng được ghi chép, so sánh đối chiếu nhiều lần trong một khoảng thời gian để giảm dần các sai số và lập được một bảng cân bằng nước chính xác.

Chỉ số đánh giá hiệu quả thực hiện tiết giảm nước không có doanh thu

IWA còn đưa ra một chỉ số hiệu quả thực hiện, xếp hạng theo các mứcA, B, C, D. Để xác định được các mức này, lượng nước thất thoát (hay nước không có doanh thu) được quy đổi thành chỉ tiêu số lít nước thất thoát cho 1 đấu nối trong 1 ngày đêm. Chỉ số thực hiện giữa công ty cấp nước tại các quốc gia có thu thập cao và các quốc gia thu nhập trung bình – thu nhập thấp cũng có sự khác nhau, bởi khả năng đầu tư mua sắm trang thiết bị chống thất thoát, công nghệ tin học, chi phí vận hành, kỹ năng quản lý và đặc biệt có sự khác nhau về giá nước. Các bảng dưới đây trình bày các ma trận đánh giá, áp dụng cho các nước thu nhập trung bình và thấp do IWA xây dựng mà Việt Nam chúng ta có thể tham khảo.

Bảng 2 – Ma trận đánh giá hiệu quả thực hiện tiết giảm nước thất thoát vật lý  

Mức độ hiệu quả thực hiện

Thất thoát vật lý

quy đổi về số lít cho1 đầu nối cho 1 ngày đêm

Tương ứng với áp lực nước trung bình trên mạng lưới

10m

20m

30m

40m

50m

A

<50

<100

<150

<200

<250

B

50-100

100-200

150-300

200-400

250-500

C

100-200

200-400

300-600

400-800

500-1000

D

>200

>400

>600

>800

>1000

Bảng 3 – Ma trận đánh giá hiệu quả thực hiện tiết giảm nước thất thoát thương mại

Mức độ hiệu quả thực hiện

Thất thoát thương mại

tính bằng % của hóa đơn khách hàng

Quy đổi về sô lít cho1 đầu nối cho 1ngày đêm

Do khâu ghi chép xử lý số liệu

Do đấu nối bất hợp pháp

Tổng

A

<5%

<1%

<6%

<60

B

5-10%

1-2%

6-12%

60-120

C

10-15%

2-5%

12-20%

120-200

D

>15%

>5%

>20%

>200

 Diễn giải các mức đánh giá:

Mức A: Hiệu quả thực hiện chống thất thoát của công ty được coi là tốt nhất. Các biện pháp chống thất thoát thực sự không thật cần thiết nữa về mặt kinh tế, hoặc chỉ cần làm để nghiên cứu, xác định điểm tối ưu về kinh tế - kỹ thuật.

Mức B: Cần quan tâm hơn nữa đến công tác chống thất thoát, thất thu nước sạch.

Mức C: Mức độ thất thoát, thất thu nước là khá lớn, rất cần tăng cường các biện pháp giảm thiểu.

Mức D: Mức độ thất thoát, thất thu nước rất nghiêm trọng, dịch vụ cấp nước cho thấy không hiệu quả. Cần có một chương trình thực thi toàn diện và đề ra các biện pháp khẩn cấp ưu tiên.

Câu hỏi đặt ra là các công ty cấp nước đô thị chúng ta đang thuộc mức nào trong các bảng đánh giá, hoặc đang ở đâu trên lộ trình thực hiện chống thất thoát, thất thu nước sạch?

Rõ ràng là Kiểm toán cấp nước thông qua Bảng cân bằng nước và Ma trận đánh giá hiệu quả thực hiện, chúng ta sẽ biết được kết quả đã đạt được, đâu là lĩnh vực cần ưu tiên giải quyết, để tiết giảm thất thoát vật lý (khắc phục rò rỉ, cải tạo thay thế đường ống...) hay để tiết giảm thất thoát thương mại (phát hiện đấu nối bất hợp pháp, nâng cao chất lượng đồng hồ khách hàng, quản lý lập hóa đơn...). Mỗi công ty sẽ đề ra kế hoạch riêng, phù hợp với tình hình hiện trạng và các nguồn lực có thể huy động. Từ đây, sẽ tiên lượng được tỷ lệ nước không có doanh thu có thể tiết giảm được theo từng năm, từng giai đoạn trung hạn, dài hạn có cơ sở khoa học.

Tài liệu tham khảo

  1. Roland Liemberger. Recommendations for Initial Non-Revenue Water Assessment/ IWA Water Loss. 2010.
  2. Malcolm Farley et al.A Guide to Understanding Water Losses.Ranhill Utilities Berhad and the USAID, 2008.

Ths.Nguyễn Trọng Dương

Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Kiểm toán cấp nước phục vụ cho tiết giảm nước không có doanh thu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...