Thứ sáu, 29/03/2024 12:07 (GMT+7)

Mô hình quản lý cấp nước đô thị Bình Thuận trong điều kiện BĐKH

MTĐT -  Thứ tư, 10/10/2018 15:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghiên cứu thực trạng các mô hình quản lý cấp nước nước đô thị (QLCNĐT) tỉnh Bình Thuận trong điều kiện BĐKH nhằm phát huy, tận dụng được những thế mạnh trong công tác quản lý hoạt động cấp nước.

Tóm tắt:Hoạt động cấp nước ổn định, an toàn sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho các đô thị, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gia tăng như hiện nay. Tuy nhiên, để duy trì được mục tiêu phát triển và đạt được tính bền vững, mô hình quản lý cấp nước đô thị tỉnh Bình Thuận cần phải khắc phục được những hạn chế về: Cơ chế, chính sách quản lý cấp nước, tính bao cấp trong hoạt động cấp nước của các doanh nghiệp, cũng như sự thiếu phối hợp quản lý giữa các bên liên quan và sự tham gia quản lý của cộng đồng cư dân, đồng thời giảm thiểu những tác động của BĐKH.

Nghiên cứu thực trạng các mô hình quản lý cấp nước nước đô thị (QLCNĐT) tỉnh Bình Thuận trong điều kiện BĐKH nhằm phát huy, tận dụng được những thế mạnh và lợi thế, đồng thời khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý hoạt động cấp nước đô thị. Thực trạng mô hình QLCNĐT tỉnh Bình Thuận là cơ sở quan trọng trong quản lý, đầu tư phát triển về cấp nước đô thị trong điều kiện BĐKH. 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung và hệ thống cấp nước đô thị (HTCNĐT) tỉnh Bình Thuận nói riêng được từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống của người dân; Công tác quản lý hoạt động cấp nước đô thị cũng dần ổn định và đi vào nề nếp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, HTCNĐT tỉnh Bình Thuận đang chịu sự tác động nặng nề của BĐKH, ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét phá huỷ các công trình/hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thi. Nước lũ làm sạt lở bờ sông ở nhiều nơi, cuốn theo và hoà tàn nhiều loại chất bẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Không chỉ lũ lụt, BĐKH còn gây ra hạn hán nghiêm trọng tại một số vùng ở Phía Bắc và Tây Nam của tỉnh. Tình trạng khô hạn kéo dài làm suy giảm nghiêm trọng nguồn nước khiến cho cuộc sống người dân vô cùng khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

Trong khi HTCNĐT chưa đáp ứng yêu cầu cấp nước thì công tác quản lý cấp nước tại các đô thị tỉnh Bình Thuận còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đồng thời chưa có giải pháp để chủ động ứng phó với với BĐKH ngày một gia tăng. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng, làm hạn chế công tác quản lý cấp nước đô thị như: Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực cấp nước đô thị của Việt Nam và tỉnh Bình Thuận chưa hoàn thiện, còn nhiều nội dung liên quan đến việc quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước vẫn chưa được hướng dẫn để thực hiện; Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý chưa phù hợp, còn nhiều chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ; chưa xây dựng cơ chế hợp lý để thực hiện; Năng lực của cán bộ quản lý còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Để thấy rõ hơn về những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý cấp nước đô thị, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng mô hình QLCNĐT tỉnh Bình Thuận trong điều kiện BĐKH là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý cũng như giảm thiểu các tác động của BĐKH. Đồng thời giúp cho các nhà chuyên môn, các cơ quan quản lý nhà nước có cách nhìn đầy đủ, chính xác hơn về thực trạng công tác quản lý cấp nước đô thị để kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực quản lý trong thời gian tới được tốt hơn.

2. THỰC TRẠNG MÔ HÌNH QUẢN LÝ CẤP NƯỚC ĐÔ THỊ TỈNH BÌNH THUẬN

2.1. Giới thiệu sơ lược về các đô thị tỉnh Bình Thuận.

Tỉnh Bình Thuận có tọa độ địa lý  từ 10o33’42’’ đến 11o33’18’’ vĩ độ Bắc và từ 107o23’41’’ đến 108o52’42’’ kinh độ Đông, với tứ cận như sau: Phía Đông - Đông Nam: giáp biển Đông; Phía Tây: giáp tỉnh Đồng Nai; Phía Tây Nam: giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Phía Bắc: giáp tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận.

Bình Thuận là tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích đất tự nhiên 7.813 km2 (chiếm khoản 2,38% diện tích cả nước) với bờ biển dài 192 km từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná (Ninh Thuận) đến bãi bồi Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu), ngoài khơi có đảo Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 120 km (Tổng cục thống kê 2015).

Năm 2016, tỉnh Bình Thuận có 10 đơn vị hành chính bao gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 08 huyện, trong đó có có 127 xã, phường và thị trấn. Tổng diện tích đất đô thị 752,4 km2 (chiếm khoảng 9,56% diện tích toàn tỉnh). Dân số đô thị năm 2016 là 692.889 người (Tổng cục thống kê 2016) chiếm 56,87 %; tỷ lệ đô thị hoá 40,2% cao hơn tỷ lệ đô thị hoá bình quân của cả nước. Toàn tỉnh có 15 đô thị (xem Bảng 1).

Bảng 1: Hiện trạng hệ thống đô thị của tỉnh Bình Thuận

2.2. Hiện trạng cấp nước

Bảng 2: Tổng lượng nước sạch sử dụng của các đối tượng dùng nước năm 2015

2.3. Thực trạng mô hình QLCNĐT tỉnh Bình Thuận trong điều kiện BĐKH

2.3.1. Cơ cấu tổ chức bộ máy QLCNĐT tỉnh Bình Thuận.

Hiện nay, công tác QLCNĐT trên địa bàn tỉnh rất đa dạng, được thực hiện bởi các cơ quản quản lý nhà nước và các đơn vị cấp nước đô thị gồm: Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận (TTNS&VSMTNT). Ngoài ra còn có một số công ty cấp nước tư nhân do UBND các huyện, thị xã quản lý. Cơ cấu bộ máy QLCN được tổ chức như sau:

a) Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước

Bảng 3:Tóm tắt chức năng, nhiệm vụ QLCNĐT các cơ quan tỉnh Bình Thuận

Tổ chức bộ máy của các cơ quản quản lý nhà nước chưa phù hợp: Bộ máy quản lý trong lĩnh vực cấp nước của các sở, ngành và các đơn vị trong tỉnh hiện còn nhiếu hạn chế, bất cập. Hạn chế về số lượng cán bộ quản lý vừa thiếu lại yếu, do vậy không thể thực hiện tốt toàn bộ các nhiệm vụ QLCN tại địa phương. Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận hiện có 04/64 cán bộ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý HTKT, bao gồm hoạt động cấp nước cho 15 đô thị trong tỉnh (trong đó gồm 02 chuyên viên, 02 lãnh đạo). Thực tế chỉ có 02/4 thực hiện chức năng QLNN về các hoạt động cấp nước sạch đô thị và KCN trên địa bàn tỉnh: Tham gia góp ý các cơ chế, chính sách về CNĐT và KCN của Trung ương khi có yêu cầu; Tổ chức lập, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch CNĐT và KCN, quy hoạch cấp nước vùng trên địa bàn tỉnh; đồng thời thẩm định và trình phê duyệt đồ án quy hoạch cấp nước đô thị và nông thôn,…với khối lượng công việc rất lớn dẫn đến quá tải công việc.

Mặt khác, năng lực của cán bộ quản lý còn hạn chế do không được đào tạo chuyên ngành phù hợp (03 Kỹ sư xây dựng - chuyên ngành Dân dụng, công nghiệp; 01 Kiến trúc sư) nhưng lại không được hướng dẫn, tập huấn nên chất lượng tham mưu chưa tốt, kết quả giải quyết công việc chưa cao.

- Phân công, phân cấp quản lý cấp nước tại các đô thị trên địa bàn tỉnh bộc lộ bất cập, chồng chéo chưa phát huy hiệu lực hiệu quả, cụ thể: Sở Xây dựng là cơ quan QLCNĐT, nguồn nước cấp chủ yếu là nước mặt được lấy từ nguồn thuỷ lợi sử dụng đa mục tiêu (sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ du lịch…) do Sở Nông nghiệp & PTNT quản lý. Trong khi, việc QLTNN do Sở TN&MT thực hiện. Tuy nhiên, công tác phối hợp quản lý chưa được chú trọng và quan tâm. Việc thẩm định, phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể CNĐT tỉnh Bình Thuận chưa thể hiện nội dung về khoanh vùng bảo vệ nguồn nước; chưa lấy ý kiến rộng rãi của các sở, ngành, đơn vị cấp nước và cộng đồng dân cư (nội dung này được quy định trong Luật Quy hoạch đô thị).

Sở Nông nghiệp & PTNT tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng QLNN về các hoạt động  sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Sở Xây dựng là đơn vị thẩm định đồ án quy hoạch cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt.

b) Quản lý vận hành hệ thống CNĐT

Công tác quản lý khai thác, vận hành HTCN đô thị tỉnh Bình Thuận do các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh đảm nhiệm. Trong đó, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận quản lý vận hành HTCN các đô thị lớn trong tỉnh (05/15 đô thị) gồm thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, thị trấn Chợ Lầu (huyện Bắc Bình) và thị trấn Phan Rí Cửa, thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong). HTCN các đô thị còn lại (08 đô thị) còn lại gồm các thị trấn: Ma Lâm, Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc); Thuận Nam do Trung tâm Nước  sạch & VSMTNT thực hiện.

Công ty CP Cấp thoát nước Bình Thuận

Tên viết tắt: BTWACO (tiền thân là Xí nghiệp Khoan cấp nước, được thành lập và hoạt động từ tháng 4/1981) là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được thành lập theo Thông báo số 334/TB-DNNN ngày 17/11/1992 của Bộ Xây dựng và Quyết định số 746/QĐ/UBBT ngày 11/12/1992 của UBND tỉnh Bình Thuận.

Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận được chuyển đổi từ DNNN thành Công ty Cổ phần theo Quyết định số 2346/QĐ-UBND ngày 18/9/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 3400164953 ngày 01/9/2010 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận cấp.

Những tồn tại, hạn chế của Công ty:

- Chưa thành lập bộ phận chuyên trách để quản lý HTCN tại các đô thị, nhiệm vụ QLCN chưa được phân định rõ cho các phòng ban trong đơn vị.

- Trình đô chuyên môn, năng lực của một bộ cán bộ kỹ thuật quản lý vận hành HTCN còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Đơn vị chưa quan tâm đến chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo chiến lược phát triển bền vững của đơn vị.

- Mối liên hệ giữa cấp nước đô thị và nông thôn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, phân vùng cấp nước đô thị chồng lấn mạng lưới cấp nước nhưng chưa có giải pháp xử lý.

- Mạng lưới đường ống cấp nước được đầu tư lắp đặt qua nhiều gia đoạn với chủng loại, vật liệu, tiêu chuẩn của các tuyến ống khác nhau, như ống gang dẻo, STK, uPVC, HDPE nên chất lượng không đồng bộ. Hiện nay, một số tuyến ống cấp nước được đầu tư trên 20 năm đã cũ, mục, không đảm bảo chất lượng, gây thất thoát nước nhưng chưa được thay thế.

Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Bình Thuận

Đơn vị được thành lập từ tháng 01 năm1987 với tên gọi: Chương trình Nước/ UNICEF. Tháng 10/1991 đổi tên thành Chương trình Nước sinh hoạt nông thôn tỉnh Bình Thuận. Tháng 07/1997 đổi tên thành Trung tâm Nước Sinh hoạt & VSMTNT tỉnh Bình Thuận. Ngày 23/03/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số: 845/QĐ-UBND về việc đổi tên Trung tâm Nước Sinh họat &VSMTNT thành Trung tâm Nước sạch & VSMTNT tỉnh Bình Thuận (sau đây gọi tắt là Trung tâm).

Ngoài nhiệm vụ cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sử dụng nước của người dân ở nông thôn trên địa bàn tỉnh, Trung tâm còn mở rộng phạm vi cấp nước cho hầu hết các đô thị là các thị trấn trong tỉnh (08/12 đô thị).

Tồn tại, hạn chế của Trung tâm:

- Việc triển khai thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn đối với các công trình cấp nước do Trung tâm quản lý theo Quyết định số 1718/QĐ-UBND ngày 26/5/2014 của UBND tỉnh Bình gặp nhiều khó khăn do không có nguồn kinh phí thực hiện.

- Công tác giám sát, bảo vệ nguồn nước thô còn gặp nhiều khó khăn do diện tích kiểm soát rộng nhưng nhân lực còn hạn chế; chưa có sự phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để tuyên truyền đến với cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ nguồn nước.

- Số lượng viên chức được đào tạo chuyên ngành cấp thoát nước chỉ chiếm tỉ lệ thấp (khoảng 30%) so với tổng số cán bộ có trình độ chuyên môn. Trình độ, năng lực quản lý điều hành của một số CBVC chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Một số chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo như QLTNN và quản lý thủy lợi; quản lý môi trường nước và quản lý chất lượng nguồn nước…

c) Mô hình doanh nghiệp quản lý, vận hành

Trên địa bàn tỉnh, hiện nay có 03 doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ nước sạch đô thị gồm: Công ty Cổ phần Bình Hiệp,Công ty Cổ phần Đầu tư nước Bình An, Công ty Nước và Môi trường Đông Hải hoạt động theo mô hình doanh nghiệp quản lý, vận hành HTCN với tổng công suất 59.500 m3/ngày đêm, dự kiến tăng lên 87.000 m3/ngày đêm với 4 nhà máy nước (Cà Giang, Phan Thiết, La Gi, Xuân Quang).

Quy mô công trình trung bình (công suất từ 300 - 500 m3/ngày đêm) và quy mô lớn (công suất từ > 500 m3/ngày đêm). Phạm vi cấp nước cho một số khu vực của thị xã La Gi (đô thị loại III), thành phố Phan Thiết (đô thị loại II). Trình độ, năng lực quản lý vận hành công trình thuộc loại trung bình hoặc cao.

Cơ cấu tổ chức của mô hình gồm: Giám đốc và các phòng, ban giúp việc; Ban kiểm soát và các Trạm cấp nước. Cán bộ, công nhân vận hành công trình được tuyển dụng theo đúng nghiệp vụ, chuyên môn về quản lý, công nghệ kỹ thuật cấp nước. Với chức năng sản xuất kinh dịch vụ cung cấp nước sạch cho người sử dụng theo hợp đồng thỏa thuận, thực hiện chế độ tài chính quy định của Nhà nước. Giám đốc chịu trách nhiệm quản lý điều hành các hoạt động của công ty, các phòng ban giúp việc cho Giám đốc theo từng nghiệp vụ chuyên môn, chức năng nhiệm vụ được giao; Ban kiểm soát có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh của công ty;  các Trạm cấp nước trực tiếp quản lý, vận hành công trình, thực hiện bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa những hư hỏng, đọc đồng hồ và ghi chép số lượng nước sử dụng của các hộ dùng nước, thu tiền nước của người sử dụng và nộp lên bộ phận kế toán (công ty) hoặc có bộ máy, hạch toán độc lập (công ty thành viên).

Mô hình này đã quan tâm tới vấn đề xử lý nước thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời chú trọng đến cải tiến kỹ thuật, thường xuyên tu sửa và bảo dưỡng hệ thống cấp nước. Song, mô hình vẫn có giá thành sản xuất đầu vào lớn dẫn đến giá nước cao và hiệu quả sử dụng nước sau đầu tư ở khu vực khu vực ven đô thị, đô thị nhỏ không cao.

Mô hình tư nhân quản lý, vận hành

Mô hình này đơn giản, quy mô công trình rất nhỏ (công suất <50 m3/ngày đêm) và vừa (công suất 50-300 m3/ngày đêm), công nghệ cấp nước đơn giản, chủ yếu áp dụng cho một khu phố, phường. Khả năng quản lý, vận hành thấp hoặc trung bình. Mô hình này đã được áp dụng ở một số tỉnh và đã đêm lại hiệu quả đáng kể như sau: Tại tỉnh Tiền Giang, mô hình này được áp dụng đem lại hiệu quả: dân có nước sạch, người đầu tư có hiệu quả kinh tế. Tại tỉnh Bình Thuận, một số hộ dân ở phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết đã tự đầu tư khoan giếng, xử lý thủ công rồi cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân xung quanh. Mô hình này cũng đã xuất hiện ở Phú Hài (TP.Phan Thiết), xã Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc).

Mô hình tư nhân quản lý vận hành là một mô hình đơn giản có thể áp dụng cho địa bàn có diện tích nhỏ phù hợp với những nơi mà các HTCN chưa đến được. Đồng thời nâng cao được ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch của người dân. Với công nghệ cấp nước đơn giản, có khả năng cơ động cao đến được những nơi khan hiếm về nguồn nước (xa nguồn nước mặt, nước ngầm bị suy giảm hoặc nhiễm mặn). Tuy nhiên, mô hình này do tư nhân quản lý vận hành không có sự tham gia của Nhà nước nên Nhà nước khó quản lý, dễ gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước và nhiễm mặn nguồn nước, chất lượng nước không đảm bảo và giá nước không có sự quản lý của Nhà nước nên có thể xảy ra tình trạng giá nước quá cao vượt quá qui định, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới an ninh xã hội [4].

KẾT LUẬN

Thực trạng mô hình QLCNĐT tỉnh Bình Thuận trong điều kiện BĐKH là cơ sở quan trọng trong việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý vận hành hệ thống cấp nước đô thị. Thông qua việc nghiên cứu về thực trạng các mô hình QLCNĐT tỉnh Bình Thuận, nghiên cứu đã phân tích, đánh giá một cách tổng quan về tình hình cấp nước đô thị, nhu cầu sử dụng nước cũng như thực trạng về công tác quản lý hoạt động cấp nước đô thị (bao gồm quản lý Nhà nước và quản lý vận hành hệ thống cấp nước) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, đã chỉ ra những hạn chế về cơ chế, chính sách quản lý cấp nước, cũng như bất cập trong phối hợp quản lý giữa các bên liên quan và sự tham gia quản lý của cộng đồng cư dân, đồng thời giảm thiểu những tác động của BĐKH trong lĩnh vực cấp nước đô thị.

 Để nâng cao hiệu quả quản lý, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển cấp nước đô thị tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và đảm bảo các mục tiêu về phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH, công tác quản lý cấp nước đô thị tỉnh Bình Thuận cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ nhằm khắc phục được những vấn đề hạn chế như trên và giảm thiểu các ảnh hưởng của BĐKH. Đồng thời cần có mô hình quản lý cấp nước đô thị theo hướng chuyên nghiệp và đồng bộ; Thực hiện phân công, phân cấp cũng như phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động cấp nước. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên có liên quan gồm: các sở, ngành, các đơn vị cung ứng dịch vụ nước sạch, chính quyền đô thị và cộng đồng dân cư trong hoạt động khai thác vận hành, quản lý và bảo vệ nguồn nước cấp cho các đô thị trong điều kiện BĐKH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Tài Nguyên và Môi trường, 2016. Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.

[2]. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và Môi trường, 2012. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho tỉnh Bình Thuận.

[3]. Nguyễn Ngọc Dung, 2008. Công tác quản lý cấp nước tại các đô thị Việt Nam - Thực trạng và giải pháp. Hội thảo khoa học Quy hoạch phát triển đô thị.

[4]. Hoàng Thị Thắm. Nghiên cứu mô hình quản lý cấp nước sạch nông thôn,

[5]. Trương Công Tuân, 2014. Một số vấn đề về xây dựng mô hình quản lý công trình cấp nước tập trung ở Việt Nam.

[6]. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, 2011. Quy hoạch tổng thể cấp nước đô thị tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050.

[7]. Một số văn bản QPPL, tài liệu, báo cáo khác có liên quan của ngành cấp nước.

[8]. Arnell, N.W. (1999), The effect of climate change on hydrological regimes in Europe: a continental perspective. Global Environmental Change.

[9]. Association of metropolitan water agencies (2007). Implications of Climate Change for Urban Water Utilities.

[10]. A handbook for decision makers at the local level, Adapting urban water systems to climate change.

[11]. Asian Development  Bank, Increasing Climate Change Resilience of Urban Water Infrastructure, Based on a Case Study from Wuhan City, People’s Republic of China.

[12]. Smith, J.B., Bhatti, N., Menzhulin, G.V., Benioff, R., Campos, M., Jallow, B., Rijsberman, F., Budyoko, M.I., Dixon, R.K. (1996), Adapting to climate change: an international perspective, Springer-Verlag, New York.

Châu Thanh Hùng

NCS Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội.

Hiện đang công tác tại Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận.

Bạn đang đọc bài viết Mô hình quản lý cấp nước đô thị Bình Thuận trong điều kiện BĐKH. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới