Thứ sáu, 29/03/2024 21:30 (GMT+7)

Những bất cập xử lý rác thải ở nông thôn ở Bắc Ninh

MTĐT -  Thứ hai, 25/12/2017 20:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rác thải, ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày càng trở nên bức xúc, trong khi đó, dịch vụ vệ sinh môi trường hiện chưa phát triển đúng mức.

Nếu khu vực đô thị việc thu gom rác được cơ giới hóa thì khu vực nông thôn vẫn bằng thủ công, năng suất lao động, hiệu quả thấp. Thực trạng này đòi hỏi phải có sự thay đổi về lâu dài theo hướng chuyên nghiệp trong việc thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh an toàn môi trường nông thôn và cho người dân...

Tình trạng ùn ứ rác tại các điểm tập kết trung chuyển rác thải nông thôn là thực tế đang diễn ra tại nhiều thôn làng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Các địa phương lúng túng chưa có giải pháp xử lý triệt để, công tác thu phí để vận hành tổ đội vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập. Đặc biệt ý thức của người dân chưa nâng cao nên tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn chưa được cải thiện.

Để thực hiện tốt công tác xử lý rác thải nói chung và xử lý rác thải tại khu vực nông thôn nói riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhằm nâng cao chất lượng môi trường và ý thức giữ gìn vệ sinh bảo vệ môi trường của mọi người dân, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng làm mất vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, xây dựng môi trường trong lành tại khu dân cư, vấn đề khắc phục những bất cập xử lý rác thải khu vực nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Ninh là hết sức cần thiết, có tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực, góp phần đảm bảo sự phát triển kinh tế, xã hội gắn liền với công tác bảo vệ môi trường một cách thực sự bền vững, xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2022. 

Bãi rác ở thôn Đại Thượng (Đại Đồng) bị ứ đọng hơn 40 tấn. Ảnh ST.

1. Thực trạng vấn đề xử lý rác thải ở khu vực nông thôn tỉnh Bắc Ninh

1.1. Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Ninh

Hiện nay tỉnh Bắc Ninh có 126 xã, phường, thị trấn, trong đó có 97 xã, còn lại là phường và thị trấn.

Năm 2010 khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Ninh mới đạt bình quân 8,84 tiêu chí/xã. Đến nay sau 7 (bẩy) năm toàn tỉnh có 58 trên tổng số 97 xã  “về đích” nông thôn mới, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 17,28 tiêu chí/xã (cao hơn bình quân cả nước 3,58 tiêu chí/xã), nông thôn Bắc Ninh từng bước thay đổi cả về diện mạo và đời sống.

1.2 Thu gom, đổ rác thải tại khu vực nông thôn trên địa bàn Bắc Ninh

Hiện nay, rác thải sinh hoạt nông thôn đã và đang trở thành vấn đề nổi cộm, lượng rác thải sinh hoạt nông thông phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại.

Thực tế cho thấy, công tác thu gom và xử lý rác thải còn manh mún, lạc hậu, thô sơ, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn môi trường. Công tác quản lý còn nhiều bất cập thể hiện rõ nét qua sự chồng chéo trong việc phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý.

Ước tính, lượng rác thải sinh hoạt nông thôn tại tỉnh Bắc Ninh phát sinh khoảng 700 tấn/ngày đêm, tương đương với 21.000 tấn/ngày đêm, được lưu giữ tạm thời tại 550 điểm tập kết và sau đó khoảng 70 % được vận chuyển về các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung của huyện để xử lý bằng công nghệ đốt, số còn lại do người dân tự đốt tại các nơi lưu giữ chất thải rắn và một phần nhỏ là đổ ra đường, mương hồ,... Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác.

Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển ở khu vực nông thôn thường chỉ dừng tại điểm trung chuyển tự phát, do vậy chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom rác ở khu vực này. Mặt khác, hoạt động thu gom này không được diễn ra thường xuyên mà kết hợp với các đợt nạo vét kênh mương do xã phát động.

Theo thống kê có khoảng 70% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 80% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản với kinh phí hoạt động do người dân đóng góp, …Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn đạt khoảng 70 -80%. Có vùng cá biệt tỷ lệ này chỉ khoảng 50% đến 60%. Tỷ lệ thu gom chưa đáp ứng nhu cầu, nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ…đặc biệt ở các làng nghề truyền thống

Đối với rác thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật thì việc thu gom còn rất hạn chế. Tuy đây là nguồn rác thải thuộc danh mục chất thải nguy cơ cần thu gom, xử lý đúng quy định, nhưng thực tế, sau khi được sử dụng người nông dân có thói quen vứt tại bờ ruộng, góc vườn và thậm chí có trường hợp còn vứt xuống ao, hồ, đầu nguồn nước sinh hoạt.

Mặc dù, đã có một số nơi đã thực hiện công tác tổ chức thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý các loại hóa chất, vỏ bao bì hóa chất BVTV, nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn và hầu như chưa có mô hình thu gom bao bì hóa chất BVTV phù hợp với đặc thù của nền sản xuất nhỏ, phân tán như Việt Nam;

Đối với rác thải từ các hoạt động làng nghề, mặc dù, công tác thu gom vận chuyển ngày càng được chính quyền các địa phương quan tâm nhưng dường như vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu và nếu có thu gom thì chưa triệt để vẫn còn rất nhiều làng nghề xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm không khí, đất, nước, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường.

Sỉ nhôm, rác thải tràn ngập ở cánh đồng làng Mẫn Xá (Văn Môn-Yên Phong). Ảnh TL.

1.3. Quản lý và xử lý rác thải tại khu vực nông thôn

Thực tế hiện nay, rác thải sinh hoạt nông thôn hầu như chưa được quan tâm xử lý, nếu có xử lý thì chỉ bằng những công nghệ hết sức thô sơ, lạc hậu. Ước tính hiện nay, chỉ có khoảng 70% chất thải nông nghiệp, nông thôn được xử lý. Đối với chất thải sinh hoạt nông thôn, người dân xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật,vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, còn các biện pháp khác như phương pháp ủ phân compost, đốt chất thải thu năng lượng. Trong đó trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chủ yếu là áp dụng phương pháp sử dụng lò để đốt chất thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Đối với các loại chất thải khác như bao bì, chai lọ thuốc BVTV hiện nay hầu như chưa được xử lý an toàn, hợp vệ sinh. Việc lựa chọn các bãi chôn lấp, khu trung chuyển, thu gom chưa đủ căn cứ khoa học và thực tiễn có tính thuyết phục; công nghệ xử lý chất thải chưa đảm bảo kỹ thuật vệ sinh môi trường nên chưa thu được nhiều sự ủng hộ của người dân địa phương.

Việc sử dụng lò đốt rác ở một số nơi mới chỉ là giải pháp tình thế góp phần nhanh chóng giải quyết vấn đề rác thải nông thôn. Bởi vấn đề đặt ra là việc quản lý, kiểm soát các lò đốt này theo các theo quy trình kỹ thuật, vận hành không đảm bảo sẽ dẫn tới phát sinh ô nhiễm khí thải (đặc biệt là khí thải Dioxin và Furan rất nguy hiểm tới sức khỏe cộng đồng). Một số rác thải rắn xây dựng được người dân tự ý đổ ra các vỉa hè, lề đường, khu đất trống chưa được thu gom xử lý cũng là những vấn đề bất cập.

Việc bố trí một số nơi tập kết rác thải ở các thôn xã còn chưa hợp lý, gây khó khăn cho việc tập kết và vận chuyển rác thải đi xử lý (bố trí ở nơi đường nhỏ, xe ô tô khó vào vận chuyển, quá xa nơi dân cư, đường đi lại khó khăn,…

Việc triển khai theo chủ trương của UBND tỉnh Bắc Ninh là xây dựng ở mỗi huyện, thị xã một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt khó triển khai do không có quỹ đất và sự phản ứng mạnh mẽ của người dân (như ở huyện Yên Phong, huyện Tiên Du - người dân không đồng ý cho xây dựng nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn của họ)

Các giải pháp xử lý rác thải chưa đồng bộ, sự phối hợp liên ngành còn thiếu hiệu quả. Hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cấp địa phương còn lỏng lẻo.

1.4. Phân loại rác thải tại khu vực nông thôn

Theo các chuyên gia môi trường, phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích như: giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phải chôn lấp; giảm rủi ro trong quý trình xử lý nước rỉ rác, ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt; tái chế các loại rác thải như nylon, thủy tinh, nhựa, giấy, kim loại, cao su.

Phân loại rác thải tại nguồn nếu được thực hiện tốt sẽ làm giảm chi phí, tạo thuận lợi hơn cho quá trình xử lý, tái chế và làm giảm tác động tới môi trường. Nhưng phần lớn mọi người hiện nay vẫn chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn. Ở nông thôn hiện nay, việc phân loại rác tại nguồn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chủ yếu người dân vẫn thực hiện theo thói quen bỏ rác chung vào 1 túi. Việc thu gom cũng chỉ tập trung rác và vận chuyển đến nơi chôn lấp mà không được phân loại.

1.5 Nhận thức của người dân

 Rác thải có mối nguy cơ cao chỉ khi con người không quan tâm đến công tác quản lý thu gom và xử lý đối với chúng. Nếu như những nhà quản lý, nhà khoa học tạo điều kiện giúp đỡ và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cho các nhà doanh nghiệp và đặc biệt là tạo điều kiện cho họ tiếp cận với công nghệ xử lý và ứng xử với rác một cách thân thiện, thì rác thải sẽ là một trong những nguồn tài nguyên quý giá phục vụ lại cho con người. Ở nước ta, việc làm này còn rất mới mẻ, việc thu gom và phân loại rác ðể tái sử dụng chýa ðýợc cộng ðồng quan tâm.

Ðặc biệt, người dân ở khu vực nông thôn thýờng có dân trí thấp hõn, ít hiểu biết về bảo vệ môi trường, thói quen tiết kiệm và thói quen “sạch nhà bẩn ngõ”, thói quen bỏ chung rác vào một túi nên rất khó và lâu để thay đổi những thói quen cố hữu này. Ở các nước phát triển việc thu gom và phân loại rác đã trở thành một việc làm bình thường, những túi đựng rác đều do các gia đình bỏ tiền mua ở cửa hàng. Ở những nước này dân chúng coi rác thải không phải là đồ bỏ đi mà cố gắng tận dụng những thứ còn có ích nhằm đem lại lợi ích cho Nhà nước, đồng thời trong sạch môi trường sống của họ.

1.6 Kinh phí đầu tư cho việc xử lý rác thải

Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác xử lý rác thải, nhất là đối với rác thải nguy hại là rất lớn. Vốn đầu tư này lại cần được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn từ hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Hiện tỉnh Bắc Ninh đang tiến hành các bước lập quy hoạch bãi chôn lấp rác, nhưng kinh phí đầu tư cho việc xây dựng bãi chôn lấp và xử lý rác thải theo yêu cầu bảo vệ môi trường còn hạn chế, gây khó khăn trong triển khai, thực hiện.

1.7Giám  sát thực thi các chính sách hiện hành đến công tác quản lý rác thải sinh hoạt nông thôn:

Hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý chất thải trong những năm qua đã dần hoàn thiện như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường … Tuy nhiên, một số quy định khi triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn như: hành vi vứt rác thải sinh hoạt, phóng uế không đúng quy định ở khu chung cư, khu dịch vụ, thương mại, nơi công cộng cũng bị phạt từ một triệu đến ba triệu đồng. Với hành vi vứt rác thải sinh hoạt ở nơi công cộng thì mức phạt từ năm triệu đến bảy triệu đồng…

Tuy nhiên, việc xử phạt người vi phạm cũng không phải dễ dàng. Hành vi vi phạm như vứt rác ra đường phố, gạt tàn thuốc lá… thường diễn ra rất nhanh, khó bị bắt gặp “quả tang”. Hoặc như chính quyền địa phương nào đó tổ chức “ra quân” lập lại trật tự vệ sinh môi trường thì cũng chỉ tiến hành trong một thời gian nhất định.

1.8. Nguyên nhân chính của nhưng bất cập trong xử lý rác thải ở khu vực nông thôn tại tỉnh Bắc Ninh

Tình trạng ô nhiễm môi trường do xử lý rác thải không đúng quy định có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, song tập trung ở các nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tại các xã thiếu quy hoạch quỹ đất để thu gom, xử lý rác thải tập trung.

Thứ hai, các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát về môi trường; Thiếu thống nhất về đầu mối quản lý chịu trách nhiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất dường như vẫn mang tính hình thức, hiện tượng “phạt để tồn tại” còn phổ biến.

Thứ ba, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế; phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn

Thứ tư, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được ý thức tự giác trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Thứ năm, nhận thức và hành vi của người dân về xử lý rác thải rất yếu kém, không dễ để thay đổi thói quen “sạch nhà bẩn ngõ”.

Thứ sáu, kinh phí đầu tư cho xử lý rác thải ở khu vực nông thôn còn hạn chế và chưa được đầu tư một cách đồng bộ.

2. Giải pháp khắc phục

Thực tế đó đặt ra vấn đề cấp bách là cần có những giải pháp tích cực đối với môi trường nông thôn, nơi có đến hơn 70% số người sinh sống.

2.1. Công tác quy hoạch :

Chú trọng công tác quy hoạch sử dụng đất để bố trí quỹ đất dùng cho xử lý rác thải sinh hoạt trên từng địa bàn cụ thể. Quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn, các khu chợ, nghĩa trang nhân dân, đảm bảo tính hợp lý, khoa học, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo.

2.2. Nâng cao năng lực nhân sự quản lý xử lý rác thải và tổ chức lại mô hình quản lý rác thải cấp xã:

Việc nâng cao năng lực đội ngũ kỹ thuật quản lý chất thải cấp huyện, xã là rất cần thiết. Việc làm này sẽ tạo cho địa phương một đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý chất thải có những kiến thức cơ bản về thành phần rác thải, cách phân loại, tái sử dụng, tái chế, và quản lý chất thải một cách bền vững..

Tổ chức lại mô hình quản lý chất thải nông thôn tại địa phương (cấp huyện, xã) (đối với những địa phương chưa có đơn vị quản lý, thu gom chất thải) hoặc sắp xếp, cải tiến lại mô hình quản lý, thu gom chất thải (đối với những địa phương đã có nhưng hoạt động không hiệu quả) theo nguyên tắc bảo đảm rõ đầu mối trách nhiệm.

Trước hết, thông qua việc thành lập Ban quản lý chất thải do UBND xã quản lý, các thành viên bao gồm các công nhân thuộc đội thu gom rác và đại diện thuộc Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh. Khi công tác quản lý chất thải của địa phương hoạt động ổn định, UBND xã cần tổ chức đấu thầu công khai cho các tổ chức cá nhân có đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu mà công tác này đề ra, nhằm thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác quản lý  xử lý rác thải nói riêng và  BVMT nói chung.

2.3. Tăng cường giám sát kiểm tra và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm:

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, sản xuất không xử lý chất thải, phát tán chất thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, đe dọa làm xáo trộn cuộc sống của người dân; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về luật bảo vệ môi trường,quy định về vệ sinh môi trường.

2.4. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT:

Những chế tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lý hình sự) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Về lâu dài, cần ban hành và thể chế hóa các luật có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực nông thôn, tiến tới xây dựng bộ luật riêng về lĩnh vực này. Xây dựng quy chế giữ gìn vệ sinh môi trường ở nông thôn, được người dân thông qua và ký cam kết tổ chức triển khai thực hiện.

2.5. Công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường :

Các xã cần tích cực tham gia các chiến dịch tuyên truyền về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý xử lý rác thải nói riêng nhằm nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, các cán bộ quản lý có liên quan đến lĩnh vực môi trường và quản lý chất thải, quan trọng hơn nữa là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân sống và làm việc trên địa bàn xã.

Nêu gương các điển hình tiên về công tác bảo vệ môi trường để người dân thay đổi thói quen về thu gom, đổ rác; khuyến khích các địa phương nhân rộng các mô hình như gia đình thân thiện với môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, con đường tự quản.

Giáo dục trẻ em về môi trường xung quanh ngay từ các cấp học nhỏ nhất hoặc tổ chức các chương trình hoạt động ngoại khóa nâng cao khả năng hiểu biết của các em để các thế hệ tương lai của chúng ta ý thức được việc bảo vệ môi trường sống có ý nghĩa quan trọng đối với con người.

2.6. Đầu tư nguồn lực tài chính cho hoạt động xử lý môi trường tại khu vực nông thôn:

Ngân sách nhà nước cần được phân bổ cho công tác bảo vệ môi trường một cách ưu tiên. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, các xã cần huy động mọi nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động cải tạo và bảo vệ môi trường, hoạt động xử lý rác thải như thu phí thu gom rác thải,thu phí bảo vệ môi trường, xã hội hóa về công tác bảo vệ môi trường. Ưu tiên đầu tư ứng dụng các loại hình công nghệ xử lý rác thải thân thiện với môi trường đảm bảo hiệu quả lâu dài, ổn định.

3. Những thuận lợi khó khăn trong thực hiện giải pháp

3.1 Thuận lợi:

- Nhận thức của người dân ở các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh về môi trường, về phân loại, xử lý rác thải đang dần được nâng cao.

- Rác thải sinh hoạt ở các khu vực nông thôn cơ bản được thu gom, xử lý thông qua các Công ty môi trường.

- Cơ chế, chính sách, chế tài đối với quản lý, xử lý rác thải ở nông thôn cơ bản được hoàn thiện, được UBND Tỉnh quan tâm đầu tư hỗ trợ.

3.2. Khó khăn

- Kinh phí triển khai thực hiện lớn, việc huy động các nguồn lực đòi hỏi nỗ lực từ các cấp, các ngành.

- Việc xã hội hóa trong xử lý rác thải tại còn gặp nhiều khó khăn vì đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm;

- Quy hoạch bãi tập kết rác thải, nhà máy xử lý rác thải còn khó khăn vì thiếu địa điểm phù hợp và người dân chưa đồng tình ủng hộ.

-Việc thay đổi thói quen của người dân về xử lý rác thải không dễ và không thể một sớm một chiều.

4. Kiến nghị, kết luận

4.1. Kiến nghị

* Đề nghị Chính phủ và các Bộ,ngành Trung ương

Nghiên cứu áp dụng thí điểm và nhân rộng những mô hình bảo vệ môi trường, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý nước sạch, xử lý rác thải, chất thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt (xử lý nước thải sau biogas, đệm lót sinh học, lò đốt rác thải tập trung…) phù hợp với điều kiện thực tế khu vực nông thôn hiện nay; Có chính sách hỗ trợ về khoa học, công nghệ, kinh phí thực hiện việc xử lý rác thải ở nông thôn; Ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc xã hội hóa trong công tác thu gom xử lý rác thải môi trường nông thôn.

* Đối với chính quyền các cấp

Tăng cường, đổi mới hình thức tuyên truyền đến các thôn, xóm, người dân trong việc phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải: Bố trí đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện: Quy hoạch, hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải…; Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

4.2. Kết luận

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, lượng rác thải ở các vùng nông thôn ngày càng gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp, lượng rác thải rắn phát sinh tăng hàng năm. Xử lý rác thải nông thôn không chỉ là chỉ tiêu khó đối với các xã trong việc hoàn thành tiêu chí môi trường để cán đích nông thôn mới đúng kế hoạch mà còn là thách thức đối với các xã nông thôn mới cũng như các xã đã đạt chuẩn tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Ô nhiễm do quản lý rác thải không tốt, xử lý rác không hợp vệ sinh đã gây những tác động tổng hợp tới môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội, làm tăng gánh nặng bệnh tật, gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh trong cộng đồng dân cư sống gần các bãi chôn lấp đó. Ngoài ra, ô nhiễm do rác thải cũng là nguyên nhân gây ra những xung đột về môi trường gần đây tại một số địa phương.

Để triển khai có hiệu quả công tác xử lý rác thải nông thôn tại tỉnh Bắc Ninh cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp với phương châm vận dụng sáng tạo với tinh thần dân chủ, trách nhiệm và tổ chức thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội gắn liền với công tác bảo vệ môi trường.

Đồng thời, phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp trong việc phân loại rác thải tại nguồn, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ môi trường, hình thành ý thức quan tâm bảo vệ môi trường chung.

Nguyễn Đức Chính

Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bắc Ninh

Bạn đang đọc bài viết Những bất cập xử lý rác thải ở nông thôn ở Bắc Ninh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới