Thứ sáu, 29/03/2024 08:20 (GMT+7)

Sản xuất và đốt vàng mã nhìn từ pháp luật Bảo vệ môi trường

MTĐT -  Thứ hai, 12/03/2018 11:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sản xuất và đốt vàng mã là một tập quán truyền thống của nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan…

Những ngày đầu xuân, các phương tiện truyền thông đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn số 031/CV-HĐTS hướng dẫn tổ chức lễ hội năm 2018, yêu cầu tín đồ, Phật tử và người dân chấm dứt việc đốt vàng mã tại các chùa và cơ sở thờ tự của Phật giáo…

Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến tập quán, văn hoá mà nó còn liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác. Vì thế, vấn đề nên hay không nên hạn chế tập tục này là một cần phải nhìn nhận từ nhiều góc độ. Hiện nay tại Việt Nam, tục lệ đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và chùa đền mà còn lan sang các công ty xí nghiệp, các cơ quan công quyền quốc doanh, trở thành một nghi thức mới không thể thiếu của các công ty xây dựng cầu đường và các công trình thủy điện, trong các buổi lễ động thổ, khởi công các công trình do nhà nước giao phó.

Cùng với tập tục đốt vàng mã đã hình thành nên rất nhiều làng nghề, nhiều cơ sở xuất mặt hàng này. Các làng nghề này đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho không ít người lao động. Tuy nhiên việc sản xuất và đốt vàng mã cũng để lại nhiều hệ luỵ lớn nhất là dưới góc độ môi trường.

Ảnh minh họa

Thực trạng ô nhiễm môi trường từ việc sản xuất và đốt vàng mã

Sản xuất và đốt vàng mã là một tập quán truyền thống của nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan… Nhiều năm trở lại đây tập quán này đã gây nên hệ quả nghiêm trọng với môi trường và sức khoẻ.

Hiệp hội bảo vệ môi trường xanh Malaysia lý giải, ô nhiễm không khí từ việc đốt nhang, đốt pháo và vàng mã đủ loại từ tiền, đồ mã, hình nhân thế mạng, quần áo, nhà lầu, xe hơi cần hạn chế. Bởi những vật này khi bị đốt đi sẽ tạo ra khói bụi kèm theo các hóa chất độc hại cho môi trường, gây tổn hại đường hô hấp khi con người hít phải, thậm chí dẫn đến bệnh ung thư, tử vong. Wong Ruen Yuan - Chủ tịch Hiệp hội nêu trên nói: “Tục lệ đốt vàng mã, pháo, nhang là một phần văn hóa của nhiều người dân tại Trung Quốc, Maylaysia, Singapore, nhất là trong cộng đồng người Hoa. Tuy nhiên, việc này gây tác động xấu đến môi trường”.

Các nhà khoa học Đại học Cheng Kung - Đài Loan cho biết, chỉ riêng tháng cúng cô hồn vào tháng Bảy hằng năm tại Trung Quốc, lượng khói bụi độc hại do đốt vàng mã chứa các thành phần như chì, crôm, thạch tín, axít, nhôm, benzen, phẩm màu, tạo mùi tăng từ 18 - 60%. Nhà nghiên cứu Manoon Leechawengwong sau hai năm nghiên cứu về tác động sức khỏe của khói hương tại các chùa, chiền Thái Lan cho biết số người bị ung thư, chủ yếu các bệnh liên quan đến hô hấp, máu, bàng quang và tử vong vì khói hương độc hại cũng có thể bằng tổng số người Thái tử vong vì tai nạn giao thông và hút thuốc lá. Lao động làm việc trong sản xuất hương, vàng mã, pháo sẽ bị nhiễm độc chất benzen cao gấp nhiều lần. Dữ liệu của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cho thấy, hạt ô nhiễm PM 2.5, loại hạt được cho là gây nguy hại nhiều nhất đối với sức khỏe con người - đã tăng gấp 15 lần chỉ trong vòng 6 giờ đồng hồ của đêm giao thừa năm 2016.

Ở Việt Nam, hiện tại, theo giấy đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp trên cả nước có khoảng trên 40 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng mã, giấy đế (một loại giấy cúng thần được người dân thị trường nước ngoài dùng). Có nhiều làng nghề chuyên sản xuất vàng mã như Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), Văn Hội, Phúc Am, Duyên Trường (Hà Nội), phường Hương Hồ (TP. Huế)… Trong những làng nghề, cơ sở sản xuất vàng mã vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở lên nghiêm trọng. Làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) vốn nổi tiếng trong lịch sử dân tộc với truyền thống làm giấy gió, tranh Đông Hồ. Cùng với chuyển biến đời sống kinh tế, làng Đông Hồ cũng chuyển sang nghề làm vàng mã. Từ khi chuyển sang nghề làm vàng mã, cuộc sống của người dân trong làng cũng đã khá giả hơn nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng nghiêm trọng. Hàng mã làm bằng giấy có nhiều màu sắc. Người ta phải mua bột phẩm màu về pha, quệt lên những tấm giấy to bản rồi đem phơi. Phẩm màu còn thừa và nước thải được bà con đổ ra cống hoặc rãnh thoát nước khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Hàng ngày, một lượng lớn phẩm màu được thải trực tiếp ra môi trường không qua biện pháp xử lý nào khiến tất cả kênh mương, ao hồ, thậm chí cả diện tích đất trồng trọt ở Đông Hồ biến thành màu đỏ, rác thải vương vãi khắp nơi...

Nguy hiểm hơn, những hóa chất độc hại chảy trực tiếp ra ruộng đồng khiến hoa màu, cây trái bị nhiễm hóa chất, đe dọa sức khỏe người dân và mùa màng. Khách du lịch bây giờ đến tham quan làng tranh Đồng Hồ cũng thấy buồn. Thêm nữa, làng tranh biến thành làng nghề vàng mã, buồn hơn nữa là khi phải chứng kiến cảnh ô nhiễm ở nơi đây. Ông Nguyễn Như Điều, Chủ tịch UBND xã Song Hồ cho biết: "Chính quyền xã đã nhiều lần tuyên truyền vận động người dân phải giữ gìn vệ sinh môi trường nhưng nhiều hộ vẫn làm ngơ. Những hộ sản xuất toàn đổ nước thải ra môi trường vào buổi tối nên đội tuần tra của xã rất khó phát hiện".

Gần 10 năm nay, người dân tổ dân phố 12, phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) bức xúc vì cơ sở sản xuất giấy vàng mã xả thải gây ô nhiễm. Nhiều thửa ruộng của người dân ở đây bị bỏ hoang, không sản xuất được. Theo anh Hoàng Trọng Linh (43 tuổi) sống ở đây thì mùa nắng nước không chỉ màu tím mà còn đỏ, vàng và mùi hóa chất nồng nặc. Đi ngược dòng khe nước, màu tím càng đậm dần. Theo anh Linh, khu vực này từng là ruộng lúa màu mỡ nhưng bị bỏ hoang cách đây mấy năm vì nước thải ô nhiễm. Nhà máy vàng mã này gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con trong nhiều năm nay.

Trên địa bàn Hà Nội cũng có rất nhiều cơ sở sản xuất vàng mã như làng Cót, Phúc Am, Duyên Trường… Tại những khu vực này, môi trường bị ô nhiễm ngày càng phổ biến. Sở Công thương Hà Nội đánh giá, chất lượng môi trường sống tại các làng nghề đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi ô nhiễm về nguồn nước, nước thải, chất rắn, không khí, bụi, tiếng ồn… đã ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân ở các làng nghề và vùng lân cận. Tại nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh (đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi lao động) đang có xu hướng tăng.

Không chỉ hoạt động sản xuất vàng mã gây ô nhiễm môi trường mà đốt vàng mã cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường sống. Hàng năm khối lượng vàng mã mà chúng ta đốt là rất lớn. Theo thống kê cho biết khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội đã tiêu thụ trên 500 tỉ đồng cho việc đốt vàng mã (năm 2013). Đến chùa Quán Sứ, nơi được coi là Quốc tự của Việt Nam dịp đầu năm của vài năm trước đây, có thể nhận thấy khói luôn nghi ngút bốc lên tại hai chiếc lò hóa vàng đỏ lửa đặt ở ngay cổng chùa. Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, trụ trì chùa Quán Sứ cho biết nhà chùa đã nhiều lần xây lại lò hóa vàng mã phục vụ nhu cầu người đi lễ. Mặc dù lò hóa hiện tại mới được xây dựng kiên cố bằng xi măng cốt thép song do sử dụng liên tục và quá nhiều nên sức nóng lò đã bắt đầu hư hỏng. Ở Phủ Tây Hồ và chùa Hương, cảnh đốt vàng mã còn diễn ra nhiều hơn bởi lượng khách hành hương rất lớn. Các lò hóa vàng hoạt động hết công suất, hầu như lúc nào cũng đỏ lửa mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu của người hành lễ. Mỗi dịp Xuân về, tại đền Trần (Nam Định), chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh) hay Bái Đính (Ninh Bình), đền Củi (Hà Tĩnh)… luôn xuất hiện những mâm lễ tiền, vàng cao của khách hành hương.

Ảnh minh họa

Đốt vàng mã không chỉ tốn kém tiền của mà còn gây ô nhiễm môi trường. Cho dù các chùa, đền đã xây lò đốt, bố trí khu hóa riêng, song các nhà chùa, đền, miếu... đều phải đối mặt với việc ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí. Chúng ta đi chùa, đền để tĩnh tâm, để cầu bình an, mạnh khoẻ nhưng hiện nay vào đình, chùa, đền lúc nào cũng thấy khói hương, các lò đốt vàng mã lúc nào cũng mù mịt, nghi ngút. Không khí ở những nơi đó nhiều khi chẳng còn linh thiêng nữa mà rất “khó thở”. Đốt vàng mã làm cho môi trường không khí bị ô nhiễm bởi kim loại nặng, ô nhiễm nhiệt, khói, bụi... Nhiều loại "vàng mã" được làm từ các chất liệu giấy đặc biệt đốt cháy không hoàn toàn sẽ phát sinh ra khí dioxin (chất độc màu da cam).
Có thể thấy, sản xuất và đốt vàng mã mặc dù là tập quán của người Việt, nó là một phần trong văn hoá truyền thống của người Việt nhưng nó cũng có những mặt trái nhất định. Những mặt trái ấy ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế, xã hội của đất nước cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, sức khoẻ của người dân.

Pháp luật bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất, đốt vàng mã

Pháp luật có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Những thay đổi bất thường của môi trường có nguyên nhân chủ yếu từ phía con người. Chính vì vậy, để bảo vệ môi trường trước hết cần phải tác động đến các hành vi của con người. Pháp luật với tư cách là hệ thống các quy phạm điều chỉnh những hành vi xử sự của con người sẽ có tác động rất lớn đến việc bảo vệ môi trường. Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do sản xuất và đốt vàng mã pháp luật có những quy định cơ bản sau:

Pháp luật quy định những quy tắc xử sự để bảo vệ môi trường mà các chủ thể phải thực hiện khi tiến hành hoạt động sản xuất hoặc đốt vàng mã. Để đảm bảo môi trường sống được cân bằng và lâu dài, pháp luật buộc con người phải hạn chế lượng chất thải vào môi trường, và phải xử lý các chất thải độc hại có ảnh hưởng đến chất lượng môi trường trước khi thải ra môi trường theo quy định của pháp luật. Điều 7 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 đã quy định nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiễm môi trường như: “cấm thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí; cấm đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật; cấm thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường”. Pháp luật cũng xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Ví dụ như quy chuẩn môi trường không khí xung quanh: QCVN05: 2009/BTNMT - Chất lượng không khí xung quanh (thay thế cho TCVN 5937-2005) và QCVN 06: 2009/BTNMT - Chất độc hại trong không khí xung quanh (thay thế cho TCVN 5938-2005) có hiệu lực ngày 1/1/2010; Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nước bao gồm nhiều nhóm quy chuẩn khác nhau như: QCVN 08:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; QCVN 09:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm; QCVN 14:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt; QCVN 24/2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp… thông qua hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, pháp luật buộc các chủ thể khi thực hiện hành vi sản xuất hoặc đốt vàng mã chỉ được thải vào môi trường một lượng chất thải nhất định để không làm ảnh đến sự cân bằng tự nhiên của môi trường.

Pháp luật quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất, đốt vàng mã. Theo pháp luật hiện hành, sản xuất, kinh doanh vàng mã là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Nghị định số 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ: quy định về hoạt động in; Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều, khoản của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in… đều quy định một trong những điều kiện cấp phép cho hoạt động sản xuất vàng mã là phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Cho nên các cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất vàng mã phải thực hiện đúng các yêu cầu của pháp luật về điều kiện bảo vệ môi trường khi cấp phép. Điều 32, 34 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng quy định, Uỷ ban nhân dân các cấp cần phải thực hiện xác định kế hoạch bảo vệ môi trường và phải có trách nhiệm kiểm tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận; phối hợp với chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xử lý sự cố môi trường xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Pháp luật quy định trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường do hoạt động sản xuất, đốt vàng mã gây ra

Trách nhiệm hành chính:
Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trách nhiệm hành chính được áp dụng khá phổ biến. Đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất và đốt vàng mã việc xử phạt hành chính được quy định chung trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CCP của Chính phủ: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các hình thức xử phạt bao gồm:
+ Hình thức xử phạt chính: cảnh cáo, phạt tiền.
+ Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép môi trường, tịch thu tang vật, phương tiện.
+ Ngoài các hình thức xử phạt trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra…
Ví dụ: điểm b, điểm c, điểm d, khoản 1 điều 8 nghị định quy định hành vi vi phạm quy định về việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của UBND cấp huyện và do UBND cấp huyện hoặc phòng đăng kí kinh doanh cấp huyện cấp giấy chứng nhận kinh doanh bị xử phạt như sau: phạt 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các hành vi không thực hiện một trong các nội dung của kế hoạch bảo vệ môi trường đối đã được phê duyệt; phạt từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đối với các hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; phạt từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định…

Ngoài ra, trong điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” được ban hành năm 2013 cũng quy định rõ: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa”.

Trách nhiệm dân sự:

Các cơ sở sản xuất vàng mã hoặc các cơ sở tâm linh, các cá nhân có hoạt động đốt vàng mã gây ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định pháp luật. Trách nhiệm dân sự được áp dụng đối với các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Đây là loại trách nhiệm pháp lý được đặt ra khi có các điều kiện sau: có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, có thiệt hại thực tế xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thiệt hại, có lỗi của người vi phạm. Điều 602 Bộ luật Dân sự (2015) quy định “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”. Khoản 3 Điều 164 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định: “Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình; tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra; trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.

Trách nhiệm hình sự:

Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất được áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây hậu quả nghiêm trọng. Thực tế, hoạt động sản xuất vàng mã hoặc đốt vàng mã nếu không tuân thủ đúng những quy định về bảo vệ môi trường có thể gây nên những hệ quả vô cùng nghiêm trọng. Trong những trường hợp đó, các chủ thể có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo Khoản 1 Điều 182 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2009 quy định tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi mà chủ thể thực hiện hành vi phải chịu các hình phạt sau:

“1. Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác… cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác.
3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Việc áp dụng trách nhiệm hình sự còn nhiều khó khăn, khi đối tượng gây ô nhiễm không khí lại là các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các pháp nhân trong khi pháp luật hình sự Việt Nam hiện tại vẫn quy định chủ thể của tội phạm nói chung và tội phạm về môi trường nói riêng là các cá nhân. Hơn nữa muốn xử lý vi phạm môi trường bằng biện pháp hình sự thì cần phải hội đủ ba yếu tố cấu thành tội phạm: thải chất gây ô nhiễm môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép; đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục và gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng việc xác định hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thường rất khó khăn, có nhiều trường hợp không thể xác định được ngay hậu quả mà phải sau một thời gian dài. Tội phạm về môi trường là các tội phạm mới được bổ sung nên trước mắt chỉ nên quy định trách nhiệm hình sự đối với những hành vi phạm tội đã phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng.

Thời gian qua, đã có tiền lệ là, cơ quan chức năng biết chắc doanh nghiệp, cá nhân đó có hành vi gây hại cho môi trường nhưng không xử lý được vì không giám định được thiệt hại. Và chắc chắn khâu giám định mức độ thiệt hại sẽ còn là một trở ngại lớn để có thể xử lý đến nơi đến chốn các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.

Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường liên quan đến sản xuất, đốt vàng mã

Mặc dù đã có nhiều quy định pháp luật nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất và đốt vàng mã nhưng thực tế thực hiện những quy định đó còn nhiều bất cập. Ví dụ như tình trạng chồng chéo trong việc quản lý các cơ sở sản xuất vàng mã khiến cho vấn đề kiểm soát nguồn nước thải của các cơ sở này còn hạn chế; việc đánh giá tác động môi trường của các làng nghề sản xuất vàng mã còn nhiều khó khăn; quản lý người dân đốt vàng mã đúng nơi quy định gần như không thực hiện được. Để có thể hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất và đốt vàng mã cần có những giải pháp toàn diện.

Trên phương diện pháp lý, có thể đưa ra một số kiến nghị sau:

+ Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường ở những làng nghề sản xuất vàng mã và những cơ sở tâm linh. Cần có các văn bản cụ thể quy định quyền lợi, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, đốt vàng mã; quy định các chế tài cụ thể cho trường hợp vi phạm; xây dựng các quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường liên quan đến những hoạt động này.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, và các địa phương trong việc quản lý môi trường. Hiện nay ở các địa phương nhất là các nơi có các làng nghề sản xuất vàng mã sự phối hợp quản lí giữa các ngành, các cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khi có vi phạm xảy ra, các cơ quan đổ trách nhiệm cho nhau khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở những làng nghề ngày càng nghiêm trọng. Cũng cần có sự quản lý liên ngành để giảm bớt hậu quả do đốt vàng mã gây ra.

+ Quy định chặt chẽ về chế tài: Để đảm bảo cho các đạo luật có hiệu lực thi hành trên thực tế thì các biện pháp xử phạt, cưỡng chế là không thể thiếu. Vì thế cần chú trọng xây dựng các biện pháp chế tài trong lĩnh vực này. Hiện nay các hành vi gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất và đốt vàng mã chủ yếu là chế tài hành chính. Hơn nữa phần lớn các cơ sở sản xuất vàng mã là các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ nên nếu có vi phạm mức phạt thường rất thấp. Việc đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường gần như không thể xử phạt được. Vì vậy, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cần phải có những quy định chặt chẽ hơn về các biện pháp chế tài không chỉ là chế tài hành chính, dân sự mà cả hình sự.

+ Đẩy mạnh xây dựng và ban hành áp dụng phí bảo vệ môi trường, nâng mức thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng mã để hạn chế tiêu thụ mặt hàng này.
Cấm các doanh nghiệp, cơ quan đốt vàng mã. Hiện nay không chỉ có các cá nhân, hộ gia đình đốt vàng mã mà các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cũng đốt với số lượng lớn. Do vậy, để giảm bớt tốn kém, ô nhiễm môi trường và tránh lạm dụng tập quán này nên có các quy định nghiêm cấm cơ quan, doanh nghiệp đốt vàng mã.

+ Ngoài các biện pháp pháp lý, cần kết hợp với những biện pháp khác để hạn chế việc tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất và đốt vàng mã gây nên. Cần tuyên truyền truyền, nâng cao nhận thức xã hội về tác hại của việc đốt vàng mã, không để phong tục tập quán trở thành mê tín dị đoan. Ngoài ra cũng nên có giải pháp tăng nguồn tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất vàng mã sử dụng công nghệ tiên tiến, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường...

Ths.Trần Thị Hoa – Ths. Nguyễn Thị Khánh Huyền
Trường Đại học Luật Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Sản xuất và đốt vàng mã nhìn từ pháp luật Bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.