Thứ năm, 18/04/2024 22:18 (GMT+7)

Tiêu chuẩn dùng nước của hệ thống cấp nước nông thôn

MTĐT -  Thứ ba, 17/07/2018 14:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghiên cứu này tập trung xác định tiêu chuẩn dùng nước sinh hoạt vùng nông thôn ĐBSH, làm cơ sở để tính toán thiết kế và vận hành các công trình của HTCN liên xã, một mô hình ngày càng phổ biến...

Tóm tắt: Hệ thống cấp nước (HTCN) liên xã là mô hình phù hợp cho khu vực nông thôn đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Tuy nhiên hiện nay tiêu chuẩn dùng nước theo TCXDVN 33:2006 không phù hợp đối với các công trình của HTCN này. Khảo sát tình hình dùng nước sạch tại 3 xã của HTCN liên xã Thái Tân – Minh Tân – Hồng Phong (tỉnh Hải Dương) thấy rằng nhu cầu dùng nước phụ thuộc rõ rệt vào điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương cũng như đặc điểm hoạt động của HTCN liên xã. Từ các số liệu khảo sát thấy rằng tiêu chuẩn dùng nước trung bình của 3 xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong là 64,35 L/người/ngđ và giao động theo hàng tháng trong năm. Đối với HTCN liên xã khu vực ĐBSH đề xuất lựa chọn tiêu chuẩn dùng nước là 60 ÷ 75 L/người/ngđ.


1. GIỚI THIỆU CHUNG

Công trình nước sạch nông thôn là hạ tầng quan trọng nhằm cung cấp nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Việc khai thác hiệu quả và bền vững các công trình nước sạch nông thôn là rất cần thiết.

Tuy nhiên, do những điều kiện về tự nhiên, kinh tế và xã hội, các công trình cấp nước tập trung nông thôn có những đặc thù riêng, khác với hệ thống cấp nước (HTCN) đô thị. Đó là suất đầu tư cao do người dân nông thôn sống phân tán, địa hình phức tạp và kéo theo nó là quy mô hệ thống không kinh tế, tỷ lệ thất thoát lớn, chi phí quản lý vận hành cao,..

Một trong những HTCN nông thôn phù hợp cho khu vực đồng bằng có mật độ dân cư cao là HTCN liên xã. Đó là hệ thống có công trình đầu mối ở một xã, nhưng phục vụ cấp nước cho xã đó và các xã lân cận với quy mô công suất từ > 500 m3 /ngày đêm [1, 2]. Phạm vi cấp nước cho liên xã áp dụng phù hợp cho vùng dân cư tập trung. Mô hình cấp nước sạch liên xã đã và đang phát huy được nhiều lợi thế như: khai thác hiệu quả nguồn nước mặt tại các sông lớn để xử lý thành nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân; hiệu quả cao do giảm (từ 20 đến 30% chi phí đầu tư) các chi phí về đất, điện, máy móc, đường ống dẫn nước; có điều kiện áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến; tập trung quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động của các nhà máy nước [3].

Mô hình cấp nước nông thôn liên xã được áp dụng đã mang lại những hiệu quả đáng kể, đáp ứng được bước đầu nhu cầu dùng nước của người dân. Tuy nhiên, hiệu quả cung cấp nước đến từng hộ gia đình vẫn chưa cao, còn nhiều bất cập liên quan đến vấn đề thiết kế công trình và mạng lưới đường ống phân phối nước.

Để tính toán thiết kế HTCN nông thôn, hiện nay chưa có được tiêu chuẩn riêng với các chỉ tiêu và thông số phù hợp. Thiết kế và vận hành các công trình cấp nước nông thôn chủ yếu dựa vào TCXDVN 33:2006- Cấp nước: mạng lưới bên ngoài và công trình – Tiêu chuẩn thiết kế [4] mà trong đó còn có nhiều nội dung bất cập, không phù hợp với điều kiện cấp nước tập trung nông thôn, đặc biệt là đại lượng tiêu chuẩn dùng nước tính cho 1 người trong một ngày đêm. Theo Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn (2014), nhu cầu dùng nước thực tế tính trung bình cho nhiều khu vực nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chỉ từ 45÷60 L/ng/ngđ [2].

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015 được phê duyệt theo Quyết định số: 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ [5], trong giai đoạn này 45% dân số phải được sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN 02-BYT [6] với số lượng ít nhất là 60 L/ng.ngđ. Trong khi đó nhu cầu dùng nước thực tế tính trung bình cho nhiều khu vực nông thôn khác nhau là khác nhau và rất thấp. Vì vậy trong nghiên cứu này tập trung xác định tiêu chuẩn dùng nước sinh hoạt vùng nông thôn ĐBSH, làm cơ sở để tính toán thiết kế và vận hành các công trình của HTCN liên xã, một mô hình ngày càng phổ biến ở khu vực này [2].

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu là HTCN khu vực nông thôn liên xã Thái Tân – Minh Tân – Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. HTCN liên xã này có nhà máy nước (NMN) công suất 1500 m3/ngày được đặt tại thôn Tân Thắng xã Thái Tân với nguồn nước thô lấy từ sông Kinh Thầy. Số lượng người dân sống trên địa bàn 3 xã này khoảng 20.000 người với 95% sử dụng nước sạch.

HTCN đươc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh từ các công trình đầu mối (công trình thu, NMN), mạng lưới phân phối nước đến đồng hồ đo nước tại các hộ sử dụng nhờ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn phương thức dựa trên kết quả tại 8 tỉnh vùng ĐBSH” do Ngân hàng Thế giới tài trợ [1, 7]. HTCN liên xã Thái Tân – Minh Tân – Hồng Phong được nêu trên Hình 1.

Hình 1. Sơ đồ HTCN liên xã Thái Tân – Minh Tân – Hồng Phong.

Các xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong thuộc vùng nông thôn mang nhiều tính chất đặc trưng của khu vực nông thôn ĐBSH và nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Bắc với điều kiện kinh tế xã hội nêu trang Bảng 1.

Bảng 1. Điều kiện kinh tế xã hội của các xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong

Phương pháp nghiên cứu là khảo sát tại các hộ gia đình và thu thập các số liệu tại NMN liên xã Thái Tân – Minh Tân – Hồng Phong theo các tài liệu hướng dẫn hiện hành [8, 9] . Chọn ngẫu nhiên 55 hộ tại địa bàn 3 xã: xã Thái Tân (19 hộ), xã Minh Tân (18 hộ) và xã Hồng Phong (18 hộ) để phỏng vấn bằng phiếu khảo sát. Thời gian khảo sát: tháng 04 năm 2018. Phương pháp khảo sát là đến tận nhà người được khảo sát hỏi trực tiếp những nhóm câu hỏi về: Số lượng người trong gia đình, số lượng người thường xuyên có mặt ở nhà (≥15h/ngày), thu nhập bình quân, nhu cầu sử dụng tính theo đồng hồ đo nước, mục đích sử dụng nước sạch, loại nhà ở, trang thiết bị vệ sinh trong nhà, các loại bể chứa nước sạch và nguồn nước khác.

Ngoài ra, các số liệu khác được thu thập là: số liệu về chế độ vận hành, bảo dưỡng do NMN cung cấp; số liệu về mức tiêu thụ nước từng hộ gia đình do phòng kinh doanh và quản lý khách hàng công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương cung cấp; và số liệu về dân số trong từng hộ được cấp nước thu thập từ UBND các xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong.

Kết quả khảo sát được phân tích và tách theo các nhóm đối tượng để làm rõ nhu cầu dùng nước của họ.

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Khảo sát trên 55 hộ trong địa bàn 3 xã về các vấn đề ảnh hưởng đến nhu cầu dùng nước: tỉ lệ thường xuyên ở nhà,thu nhập gia đình, loại nhà đang ở, mức độ tiện nghi dùng nước, thói quen dùng nước,.... thu được các số liệu nêu trong Bảng 2 và các Hình 2, Hình 3 và Hình 4.

Qua Bảng 2 trên đây thấy rằng tỷ lệ người dân ở nhà thường xuyên của xã Thái tân là 67,06%, xã Minh Tân và Hồng Phong là 55,84% đến 51,25%. Những người ở nhà thường là người cao tuổi có nhiệm vụ trông những đứa trẻ nhỏ và làm công việc phụ. Đây là những đối tượng dùng nước đều đặn từng giờ ban ngày. Tỷ lệ người ở nhà thường xuyên cao thì lượng nước dùng trong ngày của hộ gia đình cũng cao.

Điều kiện kinh tế xã Thái Tân cao hơn các xã Minh Tân và Hồng Phong. Thu nhập ở xã Thái tân trên 2 triệu/người chiếm hơn 44% và ở xã Minh Tân và Hồng Phong tỷ lệ đó lần lượt là: 22,22% và 38,89%. Mức độ tiện nghi sử dụng nước: vòi nước, vòi hoa sen, chậu rửa mặt, bình nóng lạnh, máy giặt, nhà xí tự hoại....và ý thức thói quen dùng nước phụ thuộc vào điều kiện kinh tế từng hộ gia đình và từng xã. Vì vậy nhu cầu dùng nước của xã Thái Tân cũng cao hơn các xã khác.

Qua các biểu đồ Hình 2, Hình 3 và Hình 4 thấy rằng người dân trên địa bàn 3 xã chủ yếu dùng vòi hoa sen, vòi rửa và xí tự hoại; các thiết bị khác như: máy giặt, bình nóng lạnh,… chưa thực sự phổ cập. Tỉ lệ sử dụng các loại thiết bị vệ sinh trong các hộ gia đình khảo sát của các xã như sau: xã Thái Tân có 100 vòi rửa, 63% vòi hoa sen, 74% xí tự hoại, 42% máy giặt và 47% bình nóng lạnh; xã Minh Tân có 100 vòi rửa, 83% vòi hoa sen, 61% tự hoại, 17% có máy giặt và 33% bình nóng lạnh; xã Hồng Phong có 100 vòi rửa, 11% vòi hoa sen, 89% tự hoại, 44% có máy giặt và 33% bình nóng lạnh.

Đời sống xã hội ngày càng được nâng cao nên các thiết bị vệ sinh trong nhà cũng được trang bị đầy đủ hơn. Nhu cầu sử dụng nước sạch vì thế mà nâng cao hơn nhiều. Đây là một trong những yếu tố quyết định nhu cầu dùng nước của người dân.

Đặc điểm sử dụng nước ở khu vực nông thôn là ngoài sử dụng nước từ HTCN tập trung các hộ gia đình còn sử dụng các nguồn nước khác như: nước giếng khơi, ao hồ, nước mưa,… cho sinh hoạt hoặc ăn uống. Tỉ lệ sử dụng các nguồn nước khác của các hộ gia đình khảo sát được nêu trong Bảng 3.

Các số liệu trong Bảng 3 cho thấy tỉ lệ dùng nước sạch từ HTCN tập trung ở xã Thái Tân cao hơn các xã khác. Ở Thái Tân 47,37% số hộ dùng nước HTCN tập trung, ở Minh Tân và Hồng Phong là 16,67%. Điều đó cho thấy nhờ có điều kiện kinh tế cao hơn nên nhu cầu và nhận thức dùng nước sạch của xã Thái Tân cao hơn Minh Tân và Hồng Phong. Tuy nhiên cũng thấy rằng tỉ lệ sử dụng nguồn nước khác vẫn còn lớn. Xã Thái Tân có 52,63%, xã Minh Tân và Hồng Phong có 83,33% số hộ dùng nguồn nước khác. Trong các tính toán thiết kế cấp nước nông thôn hiện nay, tiêu chuẩn dùng nước chưa sáng tỏ được việc sử dụng nguồn khác. Vì vậy cần phải có nghiên cứu cụ thể hơn nữa để làm rõ các vấn đề này.

Tiêu chuẩn dùng nước của các hộ gia đình còn phụ thuộc vào đặc điểm kĩ thuật của HTCN. Từ các số liệu áp lực nước thu thập được từ NMN Thái Tân thấy rằng: ở xã Thái Tân áp lực rất tốt (từ 1,6 ÷ 2,3 atm) do trạm bơm cấp II nằm trên địa bàn này; xã Minh Tân là xã cận bên Thái Tân nên áp lực nước đảm bảo cấp nước đến tận các bể chứa hộ gia đình. Đối với xã Hồng Phong, do tuyến ống cấp I của nhà máy khá dài nên áp lực nước cấp đến khu vực xã Hồng Phong đôi lúc còn thấp nhưng vẫn đạt được yêu cầu của người dân sử dụng nước. Khảo sát các hộ dân 3 xã để biết áp lực nước của nhà máy có làm hài lòng người dân hay không, thấy rằng áp lực nước ở vùng cuối có giảm nhưng điều này không tác động lớn đến nhu cầu dùng nước thực sự của người dân vì các hộ gia đình đều tích trữ nước bằng các bể chứa, téc nước,.. vào giờ sử dụng nước thấp.
Về giá nước nước sạch, đa số người dân trên địa bàn có nhận xét là giá chấp nhận được, có 2 gia đình mức sử dụng không cao và điều kiện kinh tế khó khăn nhận xét là đắt, 9 hộ nhận xét là rẻ.

Các yếu tố được phân tích ở trên ảnh hưởng đến tiêu chuẩn dùng nước của các hộ gia đình. Thu thập các số liệu sử dụng nước từ đồng hồ đo nước của 55 hộ gia đình tại 3 xã nghiên cứu tổng hợp được số liệu dùng nước năm 2017 trên biểu đồ Hình 5.

Tính trung bình nhu cầu dùng nước trên địa bàn 3 xã trung bình là: 64,35 L/người/ngđ với khoảng giao động là từ 50 ÷ 85 L/người/ngđ.

Nhìn vào tổng số hộ sử dụng đến 60 L/người/ngđ là chiếm đa số 28/55 hộ chiếm 50,91%. Ở từng xã có sự khác nhau rõ rệt về nhóm đối tượng sử dụng nước sạch. Xã Thái Tân có số hộ sử dụng trên 80 L/người/ngđ là 9/19 hộ chiếm 47,37% (cao nhất). Điều này được thể hiện về điều kiện kinh tế hơn cả của Thái Tân so với 2 xã kia. Về mức độ tiện nghi đồ dùng nước sạch, loại nhà cao tầng của Thái Tân được khảo sát là cao hơn xã Minh Tân và Hồng Phong.

Xã Minh Tân có số hộ sử dụng dưới 60 L/người/ngđ chiếm đa số 13/18 hộ chiếm 72,22%. Xã Hồng Phong có số hộ dùng nước dưới 60 L/người/ngđ và từ 60÷80 L/người/ngđ là 8/18 và 8/18. Theo bảng 2.1 TCXDVN:33-2006, tiêu chuẩn dùng nước người dân nông thôn tại các thị trấn, trung tâm công - nông nghiệp, công - ngư nghiệp, điểm dân cư nông thôn là 80-150 L/người/ngđ [4], không phù hợp với thực tế cấp nước của HTCN tập trung liên xã Thái Tân-Minh Tân-Hồng Phong là 50-85L/người/ngđ.

Từ các số liệu khảo sát 55 hộ, xác định được tiêu chuẩn dùng nước trung bình là 63,8 L/người/ngđ. Lượng người sử dụng nước sạch dưới 60 L/người/ngđ chiếm 50,91%. Lượng người dùng nước sạch từ 60 ÷ 80 L/người/ngđ chiếm 25,45%. Ngoài ra cũng thấy rằng trên địa bàn cấp nước còn một số hộ dân chưa sử dụng nước sạch do NMN cung cấp.

Theo biểu đồ sử dụng nước hàng tháng của năm 2017 từ các hộ gia đình các xã nêu trên Hình 6 cũng thấy rằng nhu cầu dùng nước trong tháng 2 là cao nhất khi có nhiều người đi xa về tết sử dụng nước, đồng thời trong tháng 10 nhu cầu dùng nước cấp từ NMN tập trung thấp do điều kiện khí hậu mùa thu mát mẻ và các hộ gia đình sử dụng nguồn nước mưa tích trữ.

Kết quả khảo sát được cho thấy tiêu chuẩn dùng nước sạch từ HTCN tập trung liên xã Thái Tân-Minh Tân-Hồng Phong thấp hơn nhiều so với quy định trong TCXDVN 33:2006 [4] nhưng lại cao hơn mức trung bình 45-60 L/người/ngđ theo báo cáo của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn phương thức dựa trên kết quả tại 8 tỉnh vùng ĐBSH” [1, 2].

Như vậy, với điều kiện tự nhiên của khu vực nông thôn ĐBSH và đặc điểm kinh tế xã hội của vùng trọng tâm phát triển kinh tế phía Bắc, nghiên cứu này đề xuất tiêu chuẩn dùng nước từ HTCN sạch tập trung liên xã là 60-75 L/người/ngđ.

4. KẾT LUẬN

Đối với khu vực nông thôn ĐBSH, cấp nước tập trung liên xã là một trong những mô hình phù hợp với các ưu điểm về kĩ thuật cũng như quản lý vận hành của nó. Tuy nhiên do đặc thù khu vực nông thôn, các thông số liên quan đến thiết kế và vận hành các công trình cấp nước theo quy định của TCXDVN 33:2006 không phù hợp với HTCN liên xã.

Trên cơ sở khảo sát hiện trạng dùng nước sạch HTCN liên xã Thái Tân-Minh Tân-Hồng Phong của các hộ gia đình và tình hình quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung, thấy rằng nhu cầu dùng nước phụ thuộc vào đặc điểm các hộ gia đình với điều kiện kinh tế của họ và đặc điểm HTCN với các yếu tố kĩ thuật của nó.

Nhu cầu dùng nước của từng hộ gia đình và các địa phương trong HTCN liên xã thay đổi theo từng tháng trong năm, trong đó tháng dùng nước lớn nhất là tháng 2 và thấp nhất là tháng 10.
Tiêu chuẩn dùng nước trung bình của 3 xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong là 64,35 L/người/ngđ. Đối với HTCN liên xã khu vực ĐBSH đề xuất lựa chọn tiêu chuẩn dùng nước là 60 ÷ 75 L/người/ngđ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Công ty TNHH Thương mại và Tư vấn xây dựng Tây Hồ và Công ty Cổ phần phát triển thương mại và xây dựng Hà Nội (2014). Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn phương thức dựa trên kết quả (PforR) tại 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng”.

2. Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn (2017). Báo cáo kết quả thực hiện “Chương trình Nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 08 tỉnh đồng bằng sông Hồng”.

3. Hoàng Hùng (2009). Cấp nước sạch theo mô hình liên xã ở Nam Ðịnh, Cục Quản lý tài nguyên nước.

4. TCXDVN 33:2006 - Cấp nước: mạng lưới bên ngoài và công trình – Tiêu chuẩn thiết kế.

5. Quyết định số: 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015.

6. QCVN 02:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt

7. Trung tâm nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương (2017). Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Thông tư 54/2013/TT-BTC Của Bộ Tài Chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

8. Trần Hiếu Nhuệ, Trần Đức Hạ, Phạm Ngọc Thái, Lê Thị Dung, Đỗ Văn Hải (2002). Cấp nước và vệ sinh nông thôn. Nhà bản Khoa học và Kỹ thuật.

9. Trung tâm quốc gia nước sạch và VSMTNT (2014). Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật về vận hành và bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung nông thôn.

PGS.TSTrần Đức Hạ(1), Nguyễn Thanh Tuấn(2)

(1). Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, (2). Nhà máy nước Thái Tân

Bạn đang đọc bài viết Tiêu chuẩn dùng nước của hệ thống cấp nước nông thôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hiệu ứng nhà kính và các giải pháp từ tiêu chuẩn
Thật dễ dàng để có những ý kiến khác nhau về carbon. Nó là tốt hay xấu? Một mặt, nó là nền tảng cho sự sống trên Trái đất. Mặt khác, nó liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là loại khí nhà kính được sản xuất phổ biến nhất và giữ nhiệt trong khí quyển.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.