Thứ sáu, 29/03/2024 06:07 (GMT+7)

9X không học đại học với ước mơ khởi nghiệp nuôi lợn rừng

HỒNG QUYÊN -  Thứ sáu, 17/08/2018 13:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không học lên đại học, Thái quyết định đầu tư vốn chăn nuôi lợn rừng tại quê hương. Sau 2 năm, lợn rừng của Thái trở thành thương hiệu cho sự ngon, bổ, rẻ và sạch.

Nguyễn Hồng Thái sinh năm 1994, sinh sống tại xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp THPT, Thái không đi học đại học mà quyết định ở nhà và lựa chọn nhà phát triển kinh tế từ nông nghiệp. Trong thời bão giá, nhiều người quay lưng với chăn nuôi lợn. Còn Thái lại quyết định bước tới chọn nuôi lợn rừng bởi tin rằng chúng luôn có 1 chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Nguyễn Hồng Thái quyết định không học đại học để khởi nghiệp mô hình chăn nuôi lợn rừng.

Nghĩ là làm, bắt đầu từ tháng 4/2017, Thái quyết định bắt tay vào thực hiện giấc mơ khởi nghiệp của mình với một hy vọng và niềm tin mãnh liệt. Thái dành ra 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại rộng khoảng 300 mét vuông với 40 con lợn rừng. Trong đó có 20 con lợn rừng giống và 20 con lợn rừng thương phẩm. Mặc dù đã tìm hiểu khá kỹ lưỡng về thị trường cũng như cách thức nuôi lợn rừng cộng với kinh nghiệm nhà nông tích lũy được nhưng Thái vẫn muốn nhận được nhiều sự tư vấn từ những chuyên gia trong lĩnh vực. Do vậy, anh đã làm đơn tham gia chương trình khởi nghiệp.

Ngay sau đó, các chuyên gia của chương trình đã xuống Nghệ An khảo sát điều kiện chăn nuôi của gia đình Thái. Mặc dù còn vài chi tiết nhỏ cần chỉnh sửa nhưng nhìn chung chuồng trại và cách thức nuôi lợn của Thái vẫn được chấp nhận. Chuyên gia Phạm Ngọc Thạch đồng ý để Thái tham gia chương trình khởi nghiệp.

Trong quá trình chăn nuôi Thái kiên trì áp dụng theo kiến thức được chuyên gia truyền đạt. Tuy nhiên, do mô hình mới phát triển nên thời gian đầu cũng gặp khó khăn về đầu ra. Tháng 9/2017, các chuyên gia của chương trình quay trở lại kiểm tra, thời điểm đó gặp cao điểm bão giá lợn, đầu ra của lợn rừng cũng bị ảnh hưởng. Trong mấy tháng liền Thái hầu như không bán được con lợn nào. Điều này khiến Thái vô cùng lo lắng.

Theo chuyên gia Phạm Ngọc Thạch, bế tắc đầu ra là vấn đề thường gặp đối với những hộ mới chăn nuôi. Trong thời điểm bảo giá, chuyên gia khuyên Thái không nên mở rộng quy mô chăn nuôi, mà tập trung vào chăm sóc để lợn phát triển tốt. Đồng thời tiết cận các kênh bán hàng qua mạng internet.

Áp dụng hướng dẫn của chuyên gia, Thái tập trung làm truyền thông và quảng cáo sản phẩm lợn rừng của mình trong giai đoạn này để giải quyết nhu cầu đầu ra. Tháng 12/2017, Thái đã bắt đầu bán được những con lợn đầu tiên.

Anh Thái chia sẻ: "Áp dụng công nghệ vào làm nông nghiệp là điều rất hay. Vì hiện nay, internet đang rất phổ biến, mình tận dụng được điều đó thì sẽ tiếp cận khách hàng dễ dàng và nhanh chóng, tiện lợi vô cùng. Từ ngày áp dụng điều này, hầu như ngày nào em cũng nhận được điện thoại hỏi mua giống đặt hàng và tư vấn”.

Tổng kết năm 2017, Thái đã xuất bán tổng cộng 20 con lợn thương phẩm nhưng vẫn bị lỗ vốn 20 triệu đồng. Bước đầu, vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất lợi nhưng anh Thái cho biết, đây là một kinh nghiệm quý báu trong cuộc đời của anh, cũng là dấu mốc đánh dấu khởi đầu của một đam mê, đó chính là đam mê khởi nghiệp.

Sang năm 2018, Thái đã tìm ra công thức phối trộn thức ăn cho lợn phù hợp,vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao năng suất chất lượng thịt. Kết hợp với việc thường xuyên quảng bá sản phẩm, nên sản phẩm thịt lợn rừng của gia đình Thái luôn được thị trường đánh giá cao.

Tổng kết đến tháng 8-2018 Thái đã xuất bán được 30 con lợn với tổng số lãi lên đến gần 84 triệu đồng. Như vậy là anh Thái đã và đang gặt hái được những thành công bước đầu sau hơn 1 năm tham gia khởi nghiệp. Với bảng quy chuẩn được chuyên gia đưa ra Thái đã vận dụng 1 cách sáng tạo tìm ra công thức tự phối trộn thức ăn cho lợn. Còn nhớ trong chuyến kiểm tra gần đây nhất chuyên gia Phạm Ngọc Thạch đã từng đánh giá rất cao cách làm của Thái.

Thay vì cho lợn ăn riêng rẽ 2 loại thức ăn tinh và thức ăn thô xanh, Thái lại cho lợn ăn thức ăn tự chế: thân cây ngô, cám nấu và 1 số loại vitamin cần thiết… tất cả đều được đưa vào máy, xay nhỏ và trộn đều, tạo thành 1 loại thức ăn hỗn hợp cho lợn. Từ đó, lợn ăn tốt hơn, chất lượng thịt cũng tăng lên đáng kể. Lợn rừng của Thái dần khẳng định mình trên nhiều vùng đất Nghệ An và trở thành một thương hiệu riêng – ngon, bổ, rẻ và sạch.

Khởi nghiệp ở độ tuổi 23, độ tuổi khi các bạn đồng trang lứa vẫn còn là sinh viên ngồi trên ghế giảng đường đại học, Thái đã xây dựng cho mình một con đường kinh doanh và định hướng rõ ràng mục tiêu của bản thân. Điều đó một lần nữa chứng minh, bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp, và tất nhiên, đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công.

Bạn đang đọc bài viết 9X không học đại học với ước mơ khởi nghiệp nuôi lợn rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.