Thứ sáu, 19/04/2024 07:07 (GMT+7)

Làm giàu từ... thức ăn thừa

MTĐT -  Thứ sáu, 15/03/2019 15:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo anh Lê Văn Thắng (32 tuổi, Liễu Giai, Hoài Đức, Hà Nội) thì việc tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi lợi nhuận thu được cao hơn, ổn định hơn so với nuôi bằng cám công nghiệp.

Đơn giản thức ăn thừa không phụ thuộc nhiều đến giá cả thức ăn công nghiệp vốn luôn lên xuống thất thường, mà còn góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường.

Thoát nghèo từ việc tận thu đồ ăn thừa

Cuộc sống thường nhật có rất nhiều công việc để mưu sinh. Trong số những công việc đó, có thể kể đến một nghề khá đặc biệt, đó là nghề tận thu cơm, phở, thức ăn thừa để phát triển chăn nuôi.

Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, mỗi ngày đồ ăn thừa có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn. Lượng thức ăn thừa này nếu không được xử lý đúng cách sẽ khiến môi trường càng thêm ô nhiễm. Xuất phát từ thực trạng đó, rất nhiều người lao động đã có “sáng kiến” tận thu thức ăn thừa từ các quán ăn, khu dân cư để làm thức ăn chăn nuôi. Anh Lê Văn Thắng (Liễu Giai, Hoài Đức, Hà Nội) cũng là một trong những hộ chăn nuôi thoát nghèo từ ý tưởng đó.

Anh Thắng cho biết nhờ có nghề thu mua thức ăn thừa mà gia đình anh đã thoát nghèo.

Anh Thắng tâm sự: “Cách đây chục năm hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Gia đình làm nông, vất vả thu nhập chính của gia đình lại chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán. Hồi đó, nhà tôi cũng nuôi lợn, nhưng chỉ nuôi 1- 2 con/lứa để tận dụng cám bã xay xát gạo và rau bèo trong vườn. Đang trong lúc bí bách, thấy một số người trong làng đi thu mua cơm, phở, thức ăn thừa ở các quán xá ngoài Hà Nội về chăn nuôi, tôi đánh bạo đi theo. Lượng thức ăn tận thu được nhiều, gia đình tôi cũng mở rộng quy mô, hiện nay, có khoảng hơn 30 con lợn”.

Những người chăn nuôi đều thừa nhận rằng nuôi lợn từ nguồn thức ăn cơm, phở thừa có giá thành rẻ hơn, người nuôi sẽ có lãi nhiều hơn so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Do vậy mà không chỉ riêng gia đình anh Thắng, còn rất nhiều hộ gia đình ở Hoài Đức cũng có những cách làm tương tự. Những người chăn nuôi đi tìm “mối” thức ăn thừa tại các khu vực dân cư, nhà hàng, quán xá để làm nguồn thức ăn cho động vật ngày càng nhiều. “Đã có rất nhiều gia đình thoát nghèo, làm giàu từ chính đồ ăn thừa bỏ đi”, anh Thắng chia sẻ.

Nghề lắm nỗi gian truân

Vốn là một nghề không mới mẻ, nhưng lại ít người biết đến cho nên người ta cũng không biết đến hết những khó khăn mà người trong nghề phải trải qua. Anh cho biết: “Lúc đầu, tôi cũng cảm thấy rất ngại khi đi thu mua thức ăn thừa. Công việc này vừa bẩn lại vừa nặng nhọc. Vì thức ăn để lâu, lại trộn các loại lại với nhau, ban đầu chỉ cần nhìn vào số thức ăn thừa đó tôi đã phát buồn nôn rồi. Thế nhưng công việc là công việc, cho dù có không muốn cũng phải làm. Vất vả lắm cô ạ”.

Để bắt mối đến các nhà hàng, quán xá thì mỗi nơi anh Thắng phải trả cho mỗi quán từ 200 -300 ngàn đồng mỗi tháng tùy vào lượng thức ăn. Như vậy tính ra, mỗi tháng gia đình anh chỉ mất chi phí khoảng gần 1 triệu đồng để mua thức ăn thừa nuôi lợn. Nhưng công việc yêu cầu phải lấy công làm lãi, người làm nghề phải biết kiên nhẫn và chịu khó.

Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng nóng hay mùa đông rét mướt, cứ sáng sớm tinh mơ, anh Thắng cũng thức dậy thật sớm buộc mấy chiếc xô rỗng sau yên chiếc xe máy cũ, ra khỏi nhà. Tầm 5 giờ 30 phút, anh có mặt tại một nhà hàng Hàn Quốc trong khu vực Mỹ Đình để lấy thức ăn thừa. Chở 4 xô về nhà xong, anh Thắng tiếp tục đi lấy nốt ở một số nhà hàng khác mà anh đã “bắt mối” được trước đó. Lần này anh chưa về thẳng nhà mà lòng vòng ở các dãy phòng trọ, hộ dân là “mối quen” lâu nămđể tận thu tiếp. Cứ thế, 3 xô rỗng còn lại chẳng mấy chốc mà đầy. Chiếc xe máy cũ “khệ nệ” quay về nhà.

Bí kíp” kiếm thêm cơm thừa của anh Thắng chính là đi vòng vòng quanh các khu nhà trọ nơi người ta vứt cơm thừa “không thương tiếc”. “Có những bận tôi đi qua, thấy ngươi ta đổ cơm nhiều quá, tiếc, liền đặt vấn đề với chủ nhà trọ là mình mua cái xô để ở đầu dãy, nếu có thức ăn thừa thì đổ vào đó, dồn lại cứ 1, 2 ngày quay lại lấy. Người ta đồng ý ngay, vì mình làm như thế còn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho cả khu ấy chứ. Đúng là lợi cả hai bên. Mình thì chỉ mất vài chục nghìn tiền mua cái xô, để đó quanh năm lấy cơm thừa thoải mái”, anh Thắng khoái chí chia sẻ.

Anh Thắng cho biết thêm, nghề này cũng phải “cạnh tranh” khá khốc liệt, bởi càng ngày số người chăn nuôi đi thu, mua thức ăn thừa càng nhiều, nếu không khéo là mất “mối” ngay. “Để giữ “mối”, ngoài tiền trả cho chủ quán cơm, phở, vợ chồng tôi còn phải dành thời gian để phụ giúp chủ quán những việc lặt vặt như mài dao, nhặt rau, lau bàn ghế…Nói chung là lấy lòng người ta để cho công việc cả hai bên thuận lợi hơn.

Tiếp tục câu chuyện của mình, anh Thắng chia sẻ: “Những người làm nghề như tôi chỉ nghỉ ngày mùng một tết Nguyên Đán, còn lại ngày nào cũng đi gom. Đây là nguồn thức ăn rẻ, lợn ăn loại này thịt chắc, ngon hơn loại heo nuôi bằng bột, được khách hàng ưa chuộng. Vậy nên mưa to gió lớn mấy cũng đi, thời điểm nuôi ít hơn cũng đi lấy. Lúc mình không sử dụng hết thì bán lại cho người khác. Có như vậy mới giữ được “mối”, đảm bảo nguồn thức ăn từ năm này qua năm khác cho những đàn lợn của mình”.

Trên đường, thấy bất kỳ chút thức ăn thừa nào nằm lẫn trong đống rác, anh Thắng đều nhặt nhạnh mang về. Theo tâm sự của người đàn ông này, anh trân trọng tất cả những thức ăn thừa mà người ta đem vứt. Với anh, không có thức ăn nào là bỏ đi cả. Bởi từ những thức ăn thừa đó, anh đã nuôi không biết bao đàn lợn trong những năm qua, công việc của anh cũng góp phần nuôi sống cả gia đình mình. Tạm biệt người viết khi trời đã nhá nhem tối, con đường về nhà vẫn còn xa, với 4 thùng nước rác trên xe, người đàn ông này vẫn hạnh phúc với công việc của mình.

Người làm nghề thu mua thức ăn thừa đều những người dân quê quanh khu vực nội thành Hà Nội như ở Thường Tín, Thanh Trì, Hoài Đức…Thậm chí có những nơi có nguyên cả một làng, người dân chỉ đi tận thu mua thức ăn thừa. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi không được lớn như chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Ở một số vùng ven đô, có gia đình đã biết kết hợp cả 2 hình thức chăn nuôi này để tăng lợi nhuận.


Theo Lao động thủ đô

Bạn đang đọc bài viết Làm giàu từ... thức ăn thừa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.