Thứ sáu, 29/03/2024 01:17 (GMT+7)

Cần đơn giản hóa thủ tục để kinh tế tư nhân phát triển

Xuân Hiển -  Thứ hai, 02/10/2017 14:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 30-9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời lãnh đạo của 14 tập đoàn kinh tế tư nhân đến đối thoại để tháo gỡ những vướng mắc

“Vì sao kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa phát triển? Do môi trường kinh doanh hay thuế khóa, lao động? Nhà nước cần làm gì nữa để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển? Nhà nước phải làm gì trong giai đoạn hiện nay?”.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra vấn đề.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và lắng nghe những đề xuất chính sách của doanh nghiệp khối tư nhân, sáng ngày 30-9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời lãnh đạo của 14 tập đoàn kinh tế tư nhân đến đối thoại.

Kiến nghị rồi tiếp tục… chờ… rồi chờ…
Ngày 6-2-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP“về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020”.
Tuy nhiên, những quy định, thủ tục mang tính chất “hành là chính” vẫn tiếp tục tồn tại, tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp (DN) về thời gian, tiền bạc, tâm trí, làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN cũng như của cả quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Một ví dụ điển hình là Nghị định 38/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (Nghị định 38/2012/NĐ-CP).
Theo vị đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thì trong 2 năm qua, tổ chức này cùng nhiều bên liên quan đã có các văn bản báo cáo, góp ý, kiến nghị sửa đổi các vướng mắc, bất cập của Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi (phiên bản thứ 7) của Nghị định 38/2012/NĐ-CP không giải quyết được các vấn đề cần tháo gỡ và đã được nêu trong Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.

--

--

--

Ảnh minh họa

Dự thảo vẫn cố giữ các quy định bất hợp lý như:
(1) Quy định “xác nhận phù hợp antoàn thực phẩm” (ATTP) là trái Luật ATTP. Chính vì có quy định này mà Bộ Y tế nói riêng, các Bộ có chức năng về quản lý ATTP nói chung không chịu xây dựng các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cần thiết, mà không có quy chuẩn (QCVN) nên thủ tục không minh bạch, hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự giải thích của cơ quan quản lý ATTP, gây vô vàn khó khăn cho DN.
(2) Hình thức “tiếp nhận bản công bố hợp quy” của DN đã và đang biến thành quá trình Tiếp nhận – Thẩm xét hồ sơ và cấp Giấy - một hình thức của “giấy phép con”.
(3) Trong thủ tục công bố sản phẩm, công việc mất nhiều chi phí và thời gian nhất là kiểm nghiệm. Nhưng theo dự thảo sửa đổi Nghị định 38 thì, dù là tự công bố, DN vẫn phải tiến hành kiểm nghiệm và phải kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được Bộ Y tế chỉ định. Tức là, về cơ bản, chẳng khác gì việc công bố trên cơ sở chứng nhận hợp quy.
(4) Nhìn chung là vẫn kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu, trong đó, đối với sản phẩm động vật hoặc có chứa sản phẩm động vật còn chịu 2 loại kiểm tra là kiểm dịch thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý) và kiểm tra ATTP.
Luật ATTP, tại điều 12 chỉ quy định phương thức đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm chế biến bao gói sẵn, không quy định phương thức “công bố phù hợp với quy định ATTP”.
Trong khi đó, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật 2006 đã quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan phải xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý, chứ không phải để DN tự công bố về ATTP với những sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Không phù hợp với thông lệ quốc tế
Đại diện VASEP nói rằng trên thực tế, hoạt động quản lý an toàn thực phẩm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước tiên tiến như EU, Mỹ, Nhật Bản,… không có phương thức xác nhận phù hợp các quy định ATTP. Họ chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước dựa trên 2 hoạt động chính: kiểm tra điều kiện sản xuất và kiểm soát rủi ro (thanh tra/ kiểm tra) theo từng loại sản phẩm, vùng, miền, thời gian cụ thể, theo các quy định của pháp luật.
Xu hướng trong quản lý ATTP của thế giới hiện nay là tập trung hướng đến kiểm soát quá trình là chính. Việc kiểm tra thành phẩm cuối cùng là hoạt động tự giám sát chất lượng của DN, cơ quan quản lý nhà nước chỉ tiến hành thẩm tra, kiểm soát rủi ro, chứ không phải cào bằng kiểm tra tất cả các loại thực phẩm, trên tất cả các chỉ tiêu, không tính đến kiểm soát rủi ro như việc cấp giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP ở Việt Nam hiện nay.
“Với các quy định, yêu cầu phức tạp, không rõ ràng, làm mất thời gian và tốn kém, thủ tục cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP đang được coi là một loại “giấy phép con”, tạo ra rất nhiều khó khăn cho DN”. Đại diện VASEP nhận định và dẫn chứng:
Về thời gian, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định thời gian trả lời cho thủ tục này là 15 ngày làm việc với thực phẩm thường; và 30 ngày làm việc (#1,5 tháng) với thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng kể từ khi nộp đủ hồ sơ, nhưng thực tế sau 1,5 tháng DN thường nhận được công văn yêu cầu bổ sung, và thường nhận nhiều lần, mỗi lần bổ sung thời gian thẩm xét lại tính lại từ đầu (Phụ lục II).
Với 3 lần công văn bổ sung là đã mất khoảng 2-4 tháng, cộng thêm thời gian kiểm nghiệm khoảng 1 tháng (vì sản phẩm phải được kiểm nghiệm đạt chất lượng thì mới có phiếu kiểm nghiệm để nộp) là mất tới 3-5 tháng để được cấp giấy phép, làm mất nhiều cơ hội kinh doanh của các DN.
Ngoài ra, do không có các tiêu chí thẩm xét rõ ràng, thiếu minh bạch, nên các cán bộ thẩm xét thường “tùy hứng” bắt các DN bổ sung thêm đủ loại giấy tờ không có trong quy định và sửa đổi tiêu chuẩn theo quan điểm cá nhân khiến DN lúng túng, buộc lòng phải lựa chọn thuê dịch vụ tư - trừ một số DN lớn và DN nước ngoài có đội ngũ nhân viên chuyên đăng ký.
Tính phức tạp tăng lên nhiều lần khi một sản phẩm sản xuất trong nước có bao nhiêu nguyên liệu, phụ liệu, bao bì thì phải “cõng” từng đó giấy phép công bố, có thể lên tới hàng chục “giấy phép con” vì không chỉ phải xin giấy phép cho sản phẩm, mà còn phải xin giấy phép cho tất cả các nguyên liệu, mặc dù chúng chỉ sử dụng cho sản xuất nội bộ của DN. Và khi có thay đổi nhỏ về nguyên liệu thì cũng phải xin cấp phép nhập khẩu lại.
“Không chỉ mất thời gian khi đăng ký lưu hành, cứ sau mỗi 3-5 năm lại phải xin xác nhận công bố lại, kể cả sản phẩm không có gì thay đổi và luôn luôn đạt chất lượng tốt. Khi xin xác nhận công bố lại, DN lại bị hành y như lần đầu, phải sửa tiêu chuẩn, mẫu mã, tùy hứng của cán bộ thẩm xét”. Đại diện VASEP bức xúc./.

Bạn đang đọc bài viết Cần đơn giản hóa thủ tục để kinh tế tư nhân phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.