Thứ sáu, 29/03/2024 13:33 (GMT+7)

Làm giàu là yêu nước

MTĐT -  Thứ bảy, 10/03/2018 09:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo nghiên cứu mới được công bố của Nielsen, tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua

Trong kinh doanh, nếu nói là quan trọng thì có rất nhiều thứ ta cần phải tính tới như: trình độ kỹ thuật, năng lực bán hàng tiềm lực tài chính, yếu tố con người … Mỗi yếu tố đều có tầm quan trọng khác nhau. Tuy nhiên, yếu tố mang tính căn bản nhất vẫn vẫn là một quan niệm kinh doanh đúng đắn. Yếu tố căn bản này có tính quyết định và nhờ nó mà các yếu tố con người, kỹ thuật, tài chính được vận hành một cách đúng đắn. mặt khác, có thể nói chính từ quan niệm kinh doanh đúng đắn mà những yếu tố kia sẽ dễ dàng được tạo ra hơn.

Theo nghiên cứu mới được công bố của Nielsen - một công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu (có trụ sở tại York, Mỹ), tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua.

Làm giàu chính đáng là yêu nước. Ảnh Minh họa


Nielsen đã thực hiện một nghiên cứu với tốp 100 doanh nghiệp FMCG (hàng tiêu dùng) đang hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương - đây là những doanh nghiệp chiếm đến 85% tổng doanh số ngành hàng FMCG trong khu vực trong năm 2016 nghiên cứu trên cơ sở quan sát và phân tích trên 4 ngành hàng lớn: Thực phẩm, nước giải khát, SP chăm sóc nhà cửa và SP chăm sóc cá nhân (không xét đến các sản phẩm nước uống có cồn và thuốc lá).
Theo đó, trong khi các doanh nghiệp đa quốc gia (ĐQG) cho thấy sự trì trệ trong tăng tưởng khi chỉ đạt được 2% tăng trưởng giá trị (so với 5% trong năm 2014), thì các doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng tích cực: 7% tăng trưởng giá trị (so với tỉ lệ 5% hai năm trước) và đóng góp đến 42% trong tổng số doanh thu của toàn ngành hàng FMCG.
Xét về thị phần, các doanh nghiệp nội địa vẫn đang chiếm ưu thế trong ngành hàng thực phẩm và nước giải khát với tỉ lệ 69% và 45%, theo thứ tự tương ứng. Mặc dù các doanh nghiệp đa quốc gia vẫn chiếm thị phần lớn trong ngành hàng chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân, nhưng xét về tốc độ tăng trưởng thì các doanh nghiệp nội địa đang hoạt động trong hai ngành này lại thể hiện sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2016 với mức tăng 13% và 9% tương ứng.
Theo chuyên gia kinh tế TS.Lưu Bích Hồ: “Doanh nghiệp Việt Nam đã có một năm 2017 đầy thách thức và đáng nhớ. Kinh tế vĩ mô còn rất khó khăn, thị trường thế giới chưa hồi phục và cạnh tranh ngày càng gay gắt do khuynh hướng bảo hộ trỗi dậy. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa... Tuy nhiên, đáp lại thách thức, khắc phục, chính phủ đã ra tay hành động theo hướng kiến tạo, quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ rào cản, áp lực thuế phí, tất cả vì doanh nghiệp phát triển và khởi nghiệp. Vì vậy đã có khoảng 127.000 DN mới ra đời - một con số ấn tượng chưa từng có.
Trong đó, đáng chú ý là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sát cánh cùng bà con nông dân, doanh nghiệp trong công nghiệp chế biến, du lịch dịch vụ có nhiều khởi sắc mới, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, vừa vươn lên trong tiêu thụ xuất khẩu, góp phần quan trọng đạt tăng trưởng cao vượt mục tiêu đề ra”.

TS.Lưu Bích Hồ cho biết thêm :“Tất cả động thái đó báo hiệu một mùa xuân mới bừng sắc. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vì làm giàu cho mình và cho đất nước đang vươn lên để thể hiện sức sống mới, hoài bão thoát yếu kém, tự đổi mới sáng tạo để làm cho nền kinh tế mà họ là chủ thể vượt lên trong cạnh tranh và hội nhập”.
Năm 2017, Việt Nam đã thăng được 14 bậc về môi trường kinh doanh, 5 bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia, 12 bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo.
“Những thành tích đó có sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp. Đằng sau những doanh nghiệp điển hình là những doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hơn ai hết, sau ý chí vươn lên là những tấm lòng yêu nước, quyết tâm làm giàu cho mình và cho quê hương, đất nước. Những doanh nhân thành đạt trên mặt trận kinh tế là những tấm gương sáng, là những hạt nhân nòng cốt để góp phần làm cho phong trào thi đua yêu nước ngày càng đi vào chiều sâu thực chất và đạt kết quả tốt hơn. “Doanh nhân sẽ dấn thân với tinh thần yêu nước khi được những nhà lãnh đạo khơi dậy, và quan trọng là có những chính sách hỗ trợ hiệu quả, có những cán bộ lãnh đạo làm gương về lòng yêu nước. Lòng yêu nước thể hiện bằng sản phẩm chinh phục thế giới” - TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Thương hiệu quốc gia đó, có thể hiểu đơn giản là “giá trị Việt Nam”, là nền tảng cho doanh nghiệp xây dựng uy tín thương hiệu doanh nghiệp hàng hóa dịch vụ mà họ cung ứng ra thị trường thế giới. Từ chỗ chưa có bóng dáng nào của thương hiệu Việt trước đây, đến nay, chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh vươn ra chinh phục thị trường nước ngoài như Vinamilk, Vietnam Airlines, VietinBank, VNPT, Viettel, gốm sứ Minh Long… Nhiều thương hiệu khá nổi tiếng trên toàn cầu: sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới và vươn ra làm chủ nhiều nhà máy ở nước ngoài (Campuchia, New Zealand, Mỹ, Ba Lan…) Vietnam Airlines, năm 2010 đã chính thức trở thành thành viên thứ 10 của Liên minh Hàng không toàn cầu SkyTeam, sau đó mạng đường bay mở rộng lên tới hơn 1.000 điểm đến trên toàn cầu. VietinBank là ngân hàng duy nhất của Việt Nam nằm trong top 400 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới do Brand Finance công bố toàn cầu…

Việc xây dựng các thương hiệu mạnh không chỉ mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho doanh nghiệp thông qua việc tạo lòng tin cho khách hàng về chất lượng sản phẩm, từ đó giữ được khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng mới. Thương hiệu không chỉ là tài sản của doanh nghiệp, hàng hóa thâm nhập vào thị trường thế giới sẽ gắn chặt với hình ảnh quốc gia thông qua nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đặc tính của sản phẩm, dịch vụ. Việt Nam càng có nhiều thương hiệu nổi tiếng thì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế càng cao, góp phần củng cố vị thế của nước ta trên trường quốc tế…

Tuyên bố của ông Trịnh Văn Quyết  - Chủ tịch Tập đoàn FLC - về sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp ông đang lèo lái. Nguồn: Internet

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh, lòng yêu nước của doanh nhân Việt không chỉ thể hiện ở các sản phẩm, thương hiệu, mà bao gồm nhiều nội hàm: Trách nhiệm với cộng đồng, với người nghèo; trách nhiệm bảo vệ môi trường; giữ gìn, bảo vệ nguồn lợi tài nguyên. Như vậy, nội hàm của trách nhiệm với cộng đồng bao gồm nhiều khía cạnh liên quan đến ứng xử của doanh nghiệp đối với các chủ thể và đối tượng có liên quan trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, từ người sản xuất, tiếp thị, tiêu thụ, tiêu dùng đến các nhà cung ứng nguyên liệu, vật liệu tại chỗ; từ đội ngũ cán bộ, nhân viên cho đến các cổ đông của doanh nghiệp.

Trong đó, có cả trách nhiệm về bảo vệ tài nguyên, môi trường mà về thực chất, cũng là có trách nhiệm chung với lợi ích cộng đồng xã hội bao gồm cả những hoạt động nhân đạo, từ thiện , hoạt động đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Do vậy những người lãnh đạo doanh nghiệp thời nay phải là người có tầm nhìn xa, trông rộng để hướng tới mục tiêu hoạt động toàn diện, không chỉ giới hạn bởi thặng dư, lợi nhuận kinh tế đơn thuần. thước đo thành công của họ bắt nguồn từ những tác động mà họ tạo ra đối với nhu cầu của xã hội.

Doanh nhân Nguyễn Liên Phương,Chủ tịch LP Group: “Làm giàu dựa trên bòn rút tài nguyên, lợi ích nhóm là hại nước”

Nói đến việc làm giàu và lòng yêu nước, cần phân biệt rõ hai dạng làm giàu rất khác nhau. Làm giàu làm lợi cho đất nước là người làm giàu dựa trên sự sáng tạo ra những giá trị mới cho thị trường, cho đất nước và cao hơn nữa là cho thế giới. Vì tạo giá trị trên căn bản sáng tạo, họ có khả năng làm giàu minh bạch, tử tế. Tiếc rằng. ở Việt Nam, dạng làm giàu này còn rất ít, số người làm giàu bằng sáng tạo ra những giá trị mới không nhiều và đa phần đang trong quá trình “mò mẫm làm giàu” chứ chưa thực sự giàu. Thực trạng trên, lý giải vì sao thị trường nội địa và thương hiệu Việt liên tục bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính, phần giá trị thuần Việt trong tỉ trọng hàng hóa dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam ngày càng nhỏ đi, hiện đã xuống dưới 30% và Việt Nam rất hiếm thương hiệu có khả năng đi ra nước ngoài để cạnh tranh. Trong thị trường hội nhập, thước đo của sự sáng tạo nằm ở giá trị thương hiệu hàng hóa và dịch vụ. Xét theo khía cạnh này, giá trị sáng tạo của những người làm giàu Việt Nam hiện còn rất nhỏ bé. Để đất nước ngày càng có thêm nhiều người làm giàu dựa trên sự sáng tạo, có khả năng xây dựng nên những thương hiệu Việt lớn mạnh, rất cần một thể chế kinh tế minh bạch và hiệu quả, trong đó người kinh doanh đàng hoàng tử tế được tôn vinh và tạo điều kiện tối đa để họ phát huy hơn nữa đam mê sáng tạo.
Còn sự làm giàu làm hại đất nước, là người làm giàu dựa trên việc bòn rút tài nguyên, ngân sách, lợi ích nhóm thâu tóm không minh bạch các nguồn lực của xã hội và cộng đồng, trốn tránh các nghĩa vụ với xã hội. Phần lớn người làm giàu dạng này có trình độ cao và liên kết với nhau thành “nhóm lợi ích” với nhiều mưu kế tinh vi, núp dưới các vỏ bọc hợp pháp, đúng quy trình (trong nhiều trường hợp do pháp luật không theo kịp).

Nhiều người luôn cho rằng yêu nước là phải làm những chuyện lớn lao nhưng lại quên rằng mỗi đồng tiền mình chi tiêu vào các sản phẩm hàng hóa nhập ngoại chính là đang gây khó, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa nội. Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã bước sang năm thứ 9 với nhiều thành tựu. Song để người Việt Nam tự giác và thôi thúc dùng hàng Việt, thay vì chỉ “ưu tiên” thì còn vô vàn khó khăn.

Để vừa bảo vệ sản xuất và hàng hóa trong nước mà không vi phạm cam kết quốc tế Việt Nam đã cạnh tranh bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa cùng loại nhập khẩu đối với cơ sở bán lẻ của hộ kinh doanh ở các khu dân cư, khuyến khích các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có thương hiệu đủ mạnh đứng ra tập hợp, liên kết các cửa hàng thực phẩm và tạp hóa hiện hữu (của hộ gia đình có nhà ở mặt tiền) hỗ trợ họ nâng cấp trang bị, thay đổi phương thức quản lý, cung cách phục vụ để hướng các cửa hàng này chuyển thành của hàng tiện lợi theo mô hình chuỗi thông qua phương thức nhượng quyền thương mại hoặc đầu tư trực tiếp.

Trong thực tế, Việt Nam đã có những sản phẩm hàng hóa nổi bật, đáng tự hào như: Gốm sứ Minh Long phát triển ra công nghệ nung một lần khi cả thế giới chưa từng làm được. Bút bi Thiên Long với trung tâm nghiên cứu Nano từ 2008. PNJ đầu tư công nghệ mới để kiên quyết giữ vững vị trí trong công nghiệp nữ trang ở Việt Nam. Rạng Đông nổi tiếng với dòng sản phẩm xanh vì môi trường, hay dòng sản phẩm dành cho nông nghiệp bền vững. Điện Quang với những sản phẩm độc quyền không đụng hàng được thị trường chấp nhận. Tôn Đông Á xuất khẩu nhiều nước và nổi tiếng với công nghệ cao cấp. NaMilux - nhà sản xuất bếp ga du lịch lớn nhất thế giới. Cân Nhơn Hòa, từ chỗ bị cân Trung Quốc làm nhái, làm giả, đã sang đúng đất Trung Quốc xây dựng nhà máy, chiếm lĩnh thị trường nam Trung Quốc và từ đó tỏa hàng sang các nước ASEAN…

Doanh nhân Việt Nam từ xưa đến nay đã dần khẳng định vị trí, đóng góp của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, là “thằng bán tơ” trong truyện Kiều, là “mụ Lường” trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, là đối tượng trong các cuộc cải tạo công thương nghiệp, là “con buôn”, “con phe” trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, những người làm kinh doanh đã tìm lại được tên mình trong 2 chữ “doanh nhân” trong thời đại mới. Nói thế để thấy sự hồi sinh và phát triển của đội ngũ doanh nhân trong lòng dân tộc là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới ở nước ta những năm qua.

Những nỗ lực làm giàu cho chính mình, để đóng góp phồn vinh của quốc gia thực sự rất đáng trân trọng, khi mà giới doanh nhân ngày nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ sự bất ổn chính trị tại nhiều quốc gia, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, hay những hiện tượng khí hậu cực đoan. Chính những thách thức này đã đặt ra cho tất cả các quốc gia trên thế giới một bài toán - làm thế nào để sự phát triển ngày hôm nay sẽ không để lại hậu quả cho thế hệ mai sau? Câu trả lời không gì khác, chính là “phát triển bền vững”. Minh chứng là năm 2015 Chương trình Nghị sự 2030 bao gồm 17 mục tiêu Phát triển bền vững đã được 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thông qua, trong đó có Việt Nam.

Điều này cũng có nghĩa, giới doanh nhân Việt Nam giờ đây sẽ không chỉ phải “làm giàu” mà còn phải làm giàu một cách nhân văn hơn, bền vững hơn, theo đúng “luật chơi” chung của cộng đồng doanh nghiệp khu vực và thế giới./.

PGS.TS. Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Làm giàu là yêu nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới