Thứ bảy, 20/04/2024 16:35 (GMT+7)

Xe nhập khẩu vẫn khó về VN vì vướng mắc Nghị định 116

MTĐT -  Thứ sáu, 25/05/2018 11:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các doanh nghiệp, đến thời điểm này chỉ có Thái Lan và Indonesia là có “Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo về môi trường”, còn với xe nhập khẩu từ Nhật Bản, DN không thể có được.

Mới đây, Đoàn công tác liên ngành gồm các bộ Giao thông Vận tải, Công Thương và Bộ Tài chính đã làm việc với 17 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất ô tô; trong đó tập trung vào giải đáp, tư vấn tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo văn bản tổng hợp của đoàn công tác liên ngành, các doanh nghiệp có ý kiến sau thời gian thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định, doanh nghiệp đang gặp một số vướng mắc mà các bộ ngành đang tích cực hỗ trợ tháo gỡ.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ khi ban hành chính sách mới không nên hồi tố đối với các yêu cầu đã đáp ứng các quy định trước ngày có hiệu lực của Nghị định 116 và chính sách khi ban hành cần có lộ trình đủ dài để các doanh nghiệp chuẩn bị, đáp ứng.

Doanh nghiệp vẫn than khó về Nghị định 116. Ảnh: Internet.

Về việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, các doanh nghiệp cho rằng, đối với các xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia, doanh nghiệp có thể được cấp “Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo về môi trường”, nhưng với các xe nhập khẩu từ Nhật Bản, doanh nghiệp không thể có được do Chính phủ Nhật Bản không cấp cho xe xuất khẩu. Doanh nghiệp kiến nghị cho phép sử dụng báo cáo thử nghiệm của cơ sở sản xuất xe.

Với các loại xe nhập khẩu từ châu Âu có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo về môi trường (VTA), doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng xem xét chấp nhận VTA này để làm thủ tục nhập khẩu xe về Việt Nam. Lý do là châu Âu áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 6 cao hơn Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc kiểm tra, thử nghiệm cho từng lô xe nhập khẩu kéo dài thời gian, tốn kém chi phí (nhất là thử nghiệm khí thải) và không công bằng giữa xe nhập khẩu, xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị xem xét mở rộng khái niệm lô hàng để giảm số lượng mẫu phải kiểm tra thử nghiệm.

Đồng thời cho phép sử dụng kết quả thử nghiệm khí thải trong thời gian 6 tháng thay vì từng lô như hiện nay; xem xét đầu tư thêm cơ sở thử nghiệm khí thải ở khu vực phía Nam và đầu tư thiết bị thử nghiệm xe dẫn động bốn bánh toàn thời gian (4x4 full time) để rút ngắn thời gian thử nghiệm.

Về thủ tục thông quan hàng hóa, doanh nghiệp cho rằng, việc kiểm tra, thử nghiệm sẽ kéo dài thời gian thông quan lô hàng quá 30 ngày kể từ ngày mở tờ khai, đề nghị Cơ quan Hải Quan không tiến hành xử phạt, không chuyển luồng đỏ khi thực hiện thủ tục hải quan.

Về vấn đề này, Ford Việt Nam đã đề nghị xem xét rút ngắn thời gian thử nghiệm thay vì 2 tháng như hiện nay. Tuy nhiên, phía Cục Đăng kiểm Việt Nam lại cho rằng, ý kiến này của Ford Việt Nam là chưa chính xác. Việc chứng nhận lô hàng của Công ty Honda mới đây chỉ mất từ 12-14 ngày làm việc. Đoàn công tác còn nhấn mạnh đề nghị DN phải tuân thủ đúng yêu cầu của Nghị định 116.

Bên cạnh đó, Ford Việt Nam cũng kiến nghị với lô xe 92 chiếc đã đặt hàng trước thời điểm ban hành Nghị định116 nhưng chưa nhập khẩu, đề nghị cho phép sử dụng kết quả thử nghiệm của lô xe nhập thử cho toàn bộ xe. Đoàn công tác một lần nữa yêu cầu DN chấp hành nghiêm các quy định trong Nghị định 116, nếu có yêu cầu khác phải xin ý kiến Chính phủ xem xét quyết định.

Ngoài ra, các DN còn cho rằng hiện nay tất cả các nhà sản xuất đã đầu tư đường thử đáp ứng quy định trước Nghị định 116 nên đề xuất không hồi tố quy định này. Ngoài ra, một số DN như General Motors Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam, Suzuki, Mercedes Benz Việt Nam, Isuzu, Đô Thành, Samco,... không đủ quỹ đất để xây dựng đường thử theo quy định mới, đặc biệt là quy định về đường thẳng dài 400 m. Về vấn đề trên, đoàn công tác ghi nhận khó khăn của DN và sẽ sớm báo cáo lên Chính phủ.

Đoàn công tác cho biết, Bộ Công Thương, GTVT và Tài chính đều đã ghi nhận khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN. Do đó, các Bộ đang tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có biện pháp xử lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN tuân thủ các quy định tại Nghị định 116.

Như vậy, sau gần nửa năm Nghị định 116 chính thức có hiệu lực đến nay thị trường xe nhập khẩu vẫn chưa thực sự khởi sắc trở lại do vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tuần từ 11 - 17/5 mới có 231 ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu với tổng trị giá 10,2 triệu USD, giảm mạnh cả về số lượng và giá trị nhập khẩu so với tuần trước đó (746 chiếc với trị giá 21,6 triệu USD).

Ô tô được đăng ký tờ khai nhập khẩu trong tuần chủ yếu là xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống; tiếp theo là xe tải và các loại xe khác (xe chuyên dụng các loại, nhất là tiếp tục không có xe ô tô trên 9 chỗ ngồi nhập khẩu).

Trong đó, xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu với 97 chiếc, trị giá đạt 2,5 triệu USD, chiếm 42% lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu. Tổng cục Hải quan xác định có tới 88% lượng xe ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống có xuất xứ từ Đức (45 chiếc) và Thái Lan (40 chiếc).

Trong khi đó, thị trường ô tô lắp ráp lại khởi sắc. 

Trong khi xe nhập khẩu về Việt Nam khó khăn, nguồn cung khan hiếm từ đầu năm đến nay thì xe sản xuất lắp ráp trong nước dù được giảm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt và được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện ưu đãi 0% theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP, nhưng một số nhà sản xuất lại tăng giá bán ở một số mẫu xe.

Cụ thể, đầu tháng 5, Nissan Việt Nam bất ngờ tăng thêm 10 triệu đồng đối với mẫu Sunny XL, lên mức 438 triệu đồng và tăng 11 triệu đồng đối với bản XV, lên mức 479 triệu đồng.

Cùng với Nissan, Mitsubishi Motors Việt Nam cũng tăng giá bán đối với mẫu xe Outlander bản cấp thấp 2.0 CVT thêm 15 triệu đồng, nâng giá bán xe từ 808 triệu đồng lên 823 triệu đồng trong tháng 5 này. Tương tự, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) cũng tăng 5 triệu đồng đối với mẫu Kia Cerato 1.6L số sàn lên mức 530 triệu đồng và tăng 6 triệu đồng với mẫu Cerato 2.0 lên mức 635 triệu đồng. Đồng thời tăng 30 triệu đồng đối với 2 phiên bản sedan và hatchback của mẫu Mazda 2 lần lượt lên mức 529 triệu đồng và 569 triệu đồng…

P.V (tổng hợp theo TTXVN, TPO)

Bạn đang đọc bài viết Xe nhập khẩu vẫn khó về VN vì vướng mắc Nghị định 116. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ