Thứ sáu, 26/04/2024 02:35 (GMT+7)

Tranh cãi nảy lửa về việc “mua ô tô phải mở tài khoản ngân hàng”

MTĐT -  Thứ bảy, 30/06/2018 10:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đề xuất mua ô tô phải mở tài khoản ngân hàng vừa được UBND TP. Hà Nội đưa ra đã nhanh chóng gây ra những làn sóng trái chiều. Trong đó, đa số các ý kiến đều bày tỏ không đồng thuận với kiến nghị này.

UBND TP. Hà Nội vừa kiến nghị Bộ Công an ban hành quy định về đăng ký ô tô, trong đó phải có tài khoản được mở tại ngân hàng (NH) để khấu trừ vào tài khoản NH đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được xử lý bằng hình thức “phạt nguội”. Thế nhưng kiến nghị này đã gây ra những tranh luận trái chiều.

Theo thống kê, tốc độ gia tăng trung bình hàng năm của ôtô TP. Hà Nội là 10,2%, xe máy là 6,7% . Trong khi đó, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của thành phố chỉ ở mức bình quân 3,9%.

Sự phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông, cùng với ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao dẫn đến ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Trước thực trạng trên, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị Bộ Công an ban hành quy định về đăng ký ô tô, trong đó yêu cầu chủ phương tiện phải có tài khoản được mở tại ngân hàng (NH). Việc này được đưa ra để tăng tính thuận tiện cho việc xử phạt nguội đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Lượng ô tô tại Hà Nội tăng nhanh qua các năm. Ảnh: Internet.

Chỉ nên khuyến khích, không nên bắt buộc

Tuy nhiên, kiến nghị của UBND TP. Hà Nội đã vấp phải phản ứng từ giới lái xe cũng như các doanh nghiệp vận tải và nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất của Hà Nội.

Trao đổi với Dân Việt, anh Nguyễn Công Minh (36 tuổi, ở Hà Nội) cho rằng, yêu cầu mở tài khoản ngân hàng khi mua ô tô cần phải được các cơ quan bộ ngành xem xét kỹ hơn và nếu thực hiện cũng chỉ nên khuyến khích người dân chứ không thể bắt buộc.

“Nếu như bắt buộc người dân mở tài khoản khi mua ô tô là hết sức vô lý. Bởi vì, việc mở tài khoản hay không là quyền của người dân, không thể bắt buộc. Thêm nữa, nếu không thực hiện quy định này đồng nghĩa với việc không được sở hữu xe, như vậy là vi phạm quyền sở hữu tài sản của người dân”, anh Minh chia sẻ.

Theo các chuyên giao, việc mở tài khoản ngân hàng hay không là quyền của người dân, không thể bắt buộc. 

Anh Nguyễn Văn Sáu (lái xe cho một hãng taxi ở Hà Nội) băn khoăn, nếu như mở tài khoản ngân hàng, cơ quan nào sẽ giám sát khoản tiền trong đó, thông tin cá nhân của khách hàng có bị lộ ra ngoài không. Nếu như chủ tài khoản chây ì không mở tài khoản hoặc mở mà không nạp tiền (tài khoản 0 đồng) có bị xử lý không, xử lý như thế nào…

“Thêm nữa, nếu như bản thân mỗi người phải nộp một số tiền lớn (10-20 triệu đồng) vào tài khoản chỉ để phục vụ cho việc xử phạt thì lại càng không ổn. Bởi vì, số tiền này sẽ không sinh lời, là tiền “đóng băng”. Đặc biệt, không phải ai cũng có một số tiền lớn như vậy. Hiện nay nhiều lái xe phải vay tiền ngân hàng mua xe ô tô chạy xe taxi và hằng tháng vẫn phải lo trả lãi nên khá khó khăn”, anh Sáu chia sẻ.

Dưới góc độ kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính trao đổi với báo Pháp luật TP. HCM cho biết, đề xuất trên phù hợp với chủ trương là khuyến khích người dân không sử dụng tiền mặt để minh bạch, chống tham nhũng, thất thoát thông qua việc mở tài khoản. Tuy nhiên, việc mở tài khoản này cần phải được xem xét và thăm dò ý kiến của người dân.

“Vì khi đưa ra quy định trên, gần như người sử dụng ô tô phải “đặt cược” một khoản tiền vào tài khoản, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ. Nên cần phải tính toán phù hợp làm sao để có lợi cho người dân… và hạn chế tình trạng “cưa đôi” của lực lượng thực thi công vụ” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Còn với những trường hợp chây ì không nộp phạt hoặc chậm nộp phạt vi phạm giao thông, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, có rất nhiều biện pháp để hạn chế như tính lãi suất theo NH…

Cần có lộ trình

Trong khi đó, trao đổi với báo Pháp luật TP. HCM, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lại bày tỏ sự ủng hộ kiến nghị này. Tuy nhiên, theo ông cần phải có lộ trình phù hợp và cần thực hiện trước với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải, hợp tác xã. Còn đối với xe cá nhân nên khuyến khích, đồng thời vận động, tuyên truyền, đến một thời điểm nào đó phù hợp cũng nên bắt buộc.

Qua đó xe doanh nghiệp vi phạm sẽ bị trừ vào tài khoản của doanh nghiệp và không được sử dụng tiền mặt để nộp phạt. Tiền phạt này doanh nghiệp có thể trừ vào tiền lương hoặc các khoản thu nhập nào đó của tài xế vi phạm giao thông. Đối với cơ quan nhà nước cũng vậy. Dần dần chúng ta cần phải siết chặt việc tiêu tiền mặt để minh bạch và chống tham nhũng. Tất nhiên, việc tham nhũng có trăm phương ngàn kế nhưng đây là biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này. Hiện các nước văn minh họ cũng không dùng tiền mặt nhiều như chúng ta.

Phạt nguội trừ tiền vào tài khoản chủ xe?

Không hợp lý

Còn dưới góc độ một chuyên gia luật, luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC) trao đổi với báo Thanh Niên rằng, pháp luật hiện chưa có quy định nào bắt buộc công dân phải mở tài khoản ngân hàng, nên quy định trên không phù hợp. Việc mở tài khoản hay không là lựa chọn của mỗi người dân. Còn nếu nói đến sự bắt buộc hay mọi sự hạn chế quyền tự do của người dân đều phải được thông qua bằng luật.

“Không có bộ ngành nào tự ban hành các quy định này, thậm chí kể cả Chính phủ, mà phải do Quốc hội ban hành. Bên cạnh đó, chỉ khi nào tất cả mọi giao dịch trong xã hội với nhà nước đều thực hiện thông qua ngân hàng thì mới nên xem xét đưa ra yêu cầu này”, LS Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Luật sư Đức cũng phân tích thêm, nếu quy định mở tài khoản đó chỉ phục vụ việc xử phạt vi phạm giao thông thì không hợp lý, vì người dân phải nộp vào đó một khoản tiền, nếu không sử dụng sẽ gây lãng phí. Hoặc bắt ký quỹ trong tài khoản năm bảy triệu đồng nhưng người vi phạm bị xử phạt đến 20 - 30 triệu đồng thì thế nào? Hoặc trường hợp chủ xe không vi phạm nhưng phí mở và duy trì tài khoản hằng tháng họ vẫn phải chịu.

Luật sư Trương Thanh Đức nói thêm: “Nếu muốn triển khai để minh bạch, chống tham nhũng, cần xây dựng một quy trình khép kín trong việc trả tiền qua tài khoản ngân hàng đối với những khoản như phí bảo trì đường bộ, đăng kiểm, mua xăng… Còn chuyện nộp phạt giao thông là một khoản tiền nhỏ so với các khoản trên và số lượng vi phạm là không nhiều”.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tranh cãi nảy lửa về việc “mua ô tô phải mở tài khoản ngân hàng”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.