Thứ bảy, 20/04/2024 19:14 (GMT+7)

VBF: Yêu cầu tạm ngưng thi hành Nghị định 116

MTĐT -  Thứ sáu, 06/07/2018 16:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cho rằng Nghị định 116 đã làm ngưng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu nguyên chiếc nên Nhóm Công tác Ô tô - xe máy VBF đã yêu cầu tạm ngưng thi hành Nghị định 116.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 diễn ra mới đây, Nhóm Công tác Ô tô - xe máy (gồm các doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ, châu Âu) đã đưa ra nhiều ý kiến đề nghị thay đổi chính sách nhập khẩu ô tô, đồng thời yêu cầu tạm ngưng thi hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03.

Theo đại diện các doanh nghiệp, thời gian qua, sau khi Nghị định 116 chính thức có hiệu lực đã tác động không nhỏ đến thị trường ô tô nhập khẩu.

Cụ thể, theo nhóm Công tác Ô tô - xe máy của VBF, cần phải sửa đổi một số quy định trong Nghị định 116.

“Nghị định này gần như đã làm ngưng toàn bộ việc kinh doanh xe CBU (nhập khẩu nguyên chiếc) của các nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu… trong 6 tháng vừa qua”, ông Toru Kinoshita, Trưởng Nhóm Công tác Ô tô - xe máy nói.

Ông Toru Kinoshita, Trưởng Nhóm Công tác Ô tô - xe máy. Ảnh: VOV.

Trưởng nhóm này cho rằng, quy mô thị trường và sự tăng trưởng ổn định là chìa khóa để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong nước cũng như hỗ trợ các ngành công nghiệp hướng tới một nền công nghiệp ô tô đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh.

“Chúng tôi tin rằng, một thị trường tăng trưởng ổn định cần bao gồm sự cân bằng hợp lý của cả xe CKD (nhập khẩu linh kiện về lắp ráp) và xe CBU”, Nhóm Công tác Ô tô - xe máy.

Chưa kể, tính hồi tố của Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và công ty sản xuất, lắp ráp xe trong nước khi họ không đủ thời gian để chuẩn bị, hoàn thiện các giấy tờ theo yêu cầu.

Theo thống kê của nhóm công tác này, 3 tháng đầu năm 2018 đã có 1 lô hàng được nhập tại cảng TP Hồ Chí Minh và cảng Hải Phòng, song thời gian thử nghiệm khí thải và an toàn đã gần 3 tuần.

Thời gian chờ thử nghiệm có thể kéo dài hơn với các lô xe nhập từ Thái Lan, Indonesia tăng lên sắp tới. Không có chiếc xe nào xuất xứ từ châu Âu được nhập về do vướng quy định mới về giấy chứng nhận kiểu loại VTA.

Trên cơ sở này, Nhóm Công tác Ô tô - xe máy tiếp tục đưa ra đề xuất, tất cả các xe nhập khẩu đã cập cảng Việt Nam từ 1/1 đến 30/6 được coi là “trên đường” và được miễn không áp dụng các quy định tại Nghị định 116, Thông tư 03 về quy định thử nghiệm khí thải, chứng nhận kiểu loại xe.

Thị trường ô tô nhập khẩu những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi Nghị định 116. 

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc việc xóa bỏ yêu cầu về chứng chỉ VTA của nước ngoài đối với xe nhập khẩu”, ông Kinoshita nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo nhóm này, các doanh nghiệp ô tô hiện nay không thể tuân thủ được quy định này do gánh nặng của việc cùng một kiểu loại xe nhập khẩu mà vẫn bị thử nghiệm lại nhiều lần về khí thải và an toàn theo từng lô hàng nhập khẩu.

Eurocham cũng đề xuất, Bộ giao thông vận tải và Cục đăng kiểm Việt Nam cần bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên của các mẫu xe mới và không nên lặp lại cho các lô xe cùng chủng loại tiếp theo như quy định trước đó. Cùng với đó, yêu cầu thử nghiệm theo từng lô chỉ nên duy trì với các mẫu xe cơ sở nếu như có nghi ngờ nghiêm trọng về gian lận…

Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) cho rằng, Nghị định 116 đang tạo ra những rào cản kỹ thuật không mong muốn, gây khó xuất khẩu ô tô từ Mỹ vào Việt Nam.

Ô tô lắp ráp khởi sắc những tháng đầu năm. 

Trả lời những lo lắng của nhiều đại diện doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực ô tô nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công nhấn mạnh việc kiểm tra xe theo lô nhập khẩu giúp quản lý chặt chẽ chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc không kiểm tra theo lô gây ra một số bất cập như tạo kẽ hở lớn cho các nhà nhập khẩu đưa vào hàng hóa kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gian lận sau khi 1 lô được kiểm tra.

Ông Nguyễn Văn Công khẳng định: “Phương thức kiểm tra kiểm nghiệm theo từng lô đối với ô tô nhập khẩu là cần thiết, đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng ô tô nhập khẩu, tạo bình đẳng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng”.

Trong cuộc họp về tháo gỡ khó khăn với xe nhập khẩu cuối tháng 2 vừa qua, Nghị định 116 đã gây ra một số tranh luận khi doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cho rằng những ban hành mới nhất không ưu ái, bảo hộ còn khối ngoại lo ngại không tuân thủ quy định quốc tế.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền ý kiến, kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp đánh giá thực hiện Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô tại Việt Nam.

Phó thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ, khuyến khích sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và ngăn chặn các sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng... trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc cam kết hội nhập. Ông yêu cầu các bộ, ngành khi tham mưu xây dựng chính sách phải đảm bảo nguyên tắc này.

Vì thế để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 1 Điều 6 Nghị định 116 về quản lý chất lượng ôtô sản xuất lắp ráp, đảm bảo ban hành trong tháng 10/2018 để các doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện sản xuất ôtô theo quy định mới.

“Nội dung quy định phải phù hợp với thực tiễn, đơn giản hoá các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết VBF: Yêu cầu tạm ngưng thi hành Nghị định 116. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất