Thứ tư, 24/04/2024 23:41 (GMT+7)

Vụ Mobifone - AVG: VCBS và Vietcombank trách nhiệm đến đâu?

MTĐT -  Thứ bảy, 11/08/2018 23:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù VCBS đã bị Thanh tra Chính phủ xác định là “vi phạm nghiêm trọng” trong việc định giá AVG nhưng bản thân lãnh đạo VCBS vẫn không được công bố nằm trong danh sách cần điều tra.

Chiều 14/3/2018, Thanh tra Chính phủ chính thức công khai kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Kết luận đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra dự án trên để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.

Kết luận thanh tra nêu rõ quá trình thực hiện dự án đầu tư, MobiFone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc: đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nghiệm thu, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần; lập dự án đầu tư, trình Bộ TTTT phê duyệt dự án đầu tư; ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; thanh toán các chi phí liên quan đến dự án.

Thẩm định giá trị AVG không có cơ sở tin cậy

Theo đó, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCBS) và Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX) có liên quan đến một trong những khuyết điểm và vi phạm của MobiFone: Làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá; nghiệm thu kết quả thẩm định giá; việc sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán mua cổ phần AVG.

Cụ thể, MobiFone đã chuyển File hồ sơ yêu cầu (HSYC) cho VCBS trước khi phát hành HSYC, vi phạm hành vi bị cấm quy định tại điểm a, Khoản 7 Điều 89 Luật Đấu thầu; cho nhà thầu bổ sung tài liệu vào hồ sơ đề xuất (HSĐX) của nhà thầu sau khi đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu, vi phạm hành vi bị cấm quy định tại điểm b, Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu.

Khi lựa chọn AMAX, MobiFone chỉ căn cứ vào báo giá thấp nhất trong 03 đơn vị tư vấn, không thực hiện theo quy trình chỉ định thầu, vi phạm quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Thêm vào đó, VCBS đã cung cấp kết quả thẩm định giá của AASC mà không có sự đồng ý của AASC cho MobiFone và MobiFone đã sử dụng kết quả nói trên để so sánh với các mức giá do các công ty tư vấn khác đưa ra, không đúng mục đích sử dụng Chứng thư của AASC (Chứng thư của AASC chỉ cung cấp cho VCBS). 

Kết luận của Thanh Tra Chính phủ cũng cho biết thêm, VCBS đã thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC và Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Hanoi Valu) xác định giá trị AVG và Mobifone thuê AMAX xác định giá trị AVG nhưng kết quả thẩm định giá của AASC, Hanoi Valu, AMAX không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Cụ thể, thứ nhất, AASC xác định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015 theo phương pháp dòng tiền chiết khấu là 33.299,48 tỷ đồng trên cơ sở dữ liệu kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015-2020 do AVG lập với mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận liên tục, đột biến gắn liền với kế hoạch đầu tư thêm 599 tỷ đồng, nhưng không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG.

Đáng chú ý là, VCBS đã cung cấp kết quả thẩm định giá của AASC cho Mobifone nhưng không có sự thỏa thuận với AASC, vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá trị AVG do AASC thực hiện là 33.299,48 tỷ đồng; do VCBS thực hiện là 24.548,19 tỷ đồng không đảm bảo cơ sở pháp lý, không có cơ sở tin cậy.

Thứ hai, Hanoi Alu xác định giá trị tài sản vô hình từ dữ liệu kế hoạch giai đoạn 2015-2020 do AVG lập với tốc độ tăng trưởng liên tục, đột biến, nhưng không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG; dữ liệu do AVG lập để tính giá trị AVG không phục vụ cho mục đích thẩm định giá của MobiFone; không thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản, đánh giá lại tài sản; không thực hiện đầy đủ nội dung khảo sát thực tế, thu thập thông tin về doanh nghiệp.

Giá trị AVG do Hanoi Valu thẩm định tại thời điểm 31/3/2015 là 18.519,9 tỷ đồng không có cơ sở tin cậy.

Thứ ba, MobiFone thuê AMAX thẩm định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015; sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX theo phương pháp tài sản để đàm phán giá mua cổ phần của các cổ đông AVG.

AMAX đã sử dụng trái phép nguồn số liệu dự báo kế hoạch kinh doanh do VCBS lập để thẩm định giá, trong khi số liệu này không có cơ sở; vi phạm các tiêu chuẩn thẩm định giá. Vì vậy, giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31/3/2015 là 16.565 tỷ đồng không có cơ sở pháp lý, không tin cậy, MobiFone đã sử dụng để đàm phán với nhóm cổ đông AVG về giá mua cổ phần.

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ đối với VCBS, AASC, AMAX, Hanoi Valu, trách nhiệm thuộc về Giám đốc và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Mobifone thu hồi số tiền 1,54 tỷ đồng chi phí tư vấn đã chi cho 02 công ty tư vấn (AMAX và VCBS).

Đồng thời, căn cứ Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì xử lý hoặc chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá đối với các công ty tư vấn, các thẩm định viên về những khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định giá trị AVG, tư vấn mua cổ phần AVG.

Lãnh đạo Vietcombank có trách nhiệm gì trong vụ Mobifone – AVG?

Trong thời gian VCBS định giá AVG, ông Vũ Quang Đông đảm nhiệm chức Giám đốc VCBS từ 31/05/2013 đến 14/07/2017. Sau đó, ông Đông lại nhanh chóng trở thành Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF), pháp nhân do VCB sở hữu.

VCBS được thành lập từ năm 2002, hiện là một trong những công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam. Tổng tài sản tới cuối năm 2017 là 3.265 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng. Tiền chi mua chứng khoán môi  giới cho khách hàng lên tới 359.000 tỷ đồng trong năm vừa qua. 

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 cho thấy VCBS còn khoản phải thu từ dịch vụ cung cấp đối với Mobifone, với số dư đến cuối năm là 1,65 tỷ đồng, trong đó đã phải trích lập dự phòng 1,155 tỷ đồng.

Mặt khác, VCBS cũng là công ty con của Vietcombank với tỷ lệ sở hữu tuyệt đối 100%. Thế nhưng, Vietcombank lại khiến cổ đông lo lắng khi tài sản giảm mạnh, còn nợ có khả năng mất vốn lại tăng lên.

Tại thời điểm cuối quý 2/2018, nợ xấu tại Vietcombank đạt 6.993 tỷ đồng, tăng 785 tỷ đồng, tương ứng so với cuối năm 2017 và chiếm 1,153% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, đáng chú ý nhất, nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến, tăng 2.144 tỷ đồng, tương ứng 111% lên 4.084 tỷ đồng.

Riêng quý 2, VCB có lãi 3.657 tỷ đồng, giảm 16% so với quý 1. Đến 30/6/2018, tổng tài sản của ngân hàng này giảm 5,6% so với hồi đầu năm xuống còn 977.682 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của Vietcombank đã đánh mất mốc 1 triệu tỷ đồng.

Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng nợ có khả năng mất vốn tại Vietcombank tăng mạnh áp đảo so với tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, cuối quý 2, chỉ tiêu cho vay khách hàng tại Vietcombank đạt 606.053 tỷ đồng, tăng 62.619 tỷ đồng, tương ứng 11,5% so với hồi cuối năm 2017.
Với những sai phạm của VCBS trong thương vụ mua bán 95% cổ phần của AVG này và nhưng con số biết nói về tốc độ tăng trưởng nợ, nợ xấu đi lên, nguy cơ mất vốn lớn của Vietcombank, dư luận lại không ngừng nhắc đến hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng của VCB theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ số 2819/KL-TTCP ngày 10/11/2017 trước đó không lâu.
Như vậy, với việc VCBS có vai trò quan trọng trong thương vụ Mobifone bỏ gần 9.000 tỷ đồng để mua 95% cổ phần AVG, điều này có đồng nghĩa với việc lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank - công ty mẹ của VCBS phải có trách nhiệm chính?
Theo Thu Hà (T/h)
An ninh Tiền tệ
Bạn đang đọc bài viết Vụ Mobifone - AVG: VCBS và Vietcombank trách nhiệm đến đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.