Thứ bảy, 20/04/2024 12:01 (GMT+7)

Hưng Yên: Ai chịu trách nhiệm sai phạm về nước sạch?

DOÃN KIÊN - TRÍ PHÚC -  Thứ sáu, 31/08/2018 18:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vấn đề nước sạch ở Hưng Yên dù đã quá rõ những bất cập, sai phạm nhưng đến nay UBND tỉnh Hưng Yên vẫn chưa chỉ ra trách nhiệm cụ thể của cơ quan, đơn vị, cá nhân nào.

Cần làm rõ trách nhiệm

Trong các văn bản của UBND tỉnh Hưng Yên đều nêu rõ trách nhiệm cụ thể của các sở ngành đối với nhiệm vụ chung trong vấn đề nước sạch. 

Như bài trước Môi trường và Đô thị đã phân tích chất lượng nước sạch vẫn còn nhiều dấu hỏi lớn, vậy Sở Y tế mà trực tiếp là TTYTDP tỉnh chịu trách nhiệm như thế nào khi trên 40% mẫu xét nghiệm không đạt, người dân vẫn phải dùng.

Pa nô quảng cáo về nước sạch ở Hưng Yên.

Trong khi đó Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý việc cấp phép giấy khai thác nước ngầm, nước mặt theo quy định tại Luật Tài nguyên nước cũng như cấp giấy phép xả thải theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ cung cấp được 8/44 cơ sở sản xuất có giấy phép.

Qua tìm hiểu được biết, Sở này đang yêu cầu các cơ sở sản xuất nước hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy theo quy định. Tuy nhiên, trước đó các cơ sở này không có giấy phép, vi phạm pháp luật, mức xử phạt có thể lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn chưa một cơ sở nào bị xử lý, vậy ai là người chịu trách nhiệm?

Nhà máy nước sạch Hồng Tiến xuống cấp nghiêm trọng.

 Đối với Sở Xây dựng cũng được UBND tỉnh giao trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở cung cấp nước tại khu vực thành phố, khu đô thị Ecopark, Thăng Long, các khu công nghiệp Phố Nối A, Thăng Long 2. Tuy nhiên, tại Ecopark hoạt động từ năm 2013 đến tháng 5/2018, vẫn không có một cơ quan chức năng nào của tỉnh về kiểm tra tại đây.

Trong quá trình Nhóm PV làm việc với ông Đoàn Hồng Quân – Trưởng phòng phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng, ông Quân đã không cung cấp được hồ sơ liên quan đến việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở này theo yêu cầu của UBND tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được UBND tỉnh giao trách nhiệm thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo báo cáo số 02/BC-ĐKT ngày 30/1/2018, tính đến thời điểm kiểm tra có tới 30 xã chưa xây dựng, lắp đặt đường ống: Công ty An Sinh 10 xã, Công ty Việt Thanh 3 xã, Công ty Hải Hưng 02 xã, Công ty Huy Phát 02 xã, Công ty Việt Hưng 1 xã… Có công trình đã triển khai hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động. Dấu hỏi lớn về năng lực của những đơn vị này khi Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định trước khi UBND tỉnh phê duyệt.

Tranh cãi giá đấu nối đồng hồ

Vấn đề gây bức xúc nhất hiện nay đối với người dân tỉnh Hưng Yên về việc thu giá đấu nối đồng hồ với mức thu không thống nhất. Công ty Phú Hà thu từ 250-350 nghìn đồng/cụm còn lại từ 2,5 đến 3 triệu đồng/cụm. Có đơn vị thu lên 4,1 triệu đồng/cụm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh giao trách nhiệm là cơ quan chuyên môn giúp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước sạch khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chính sự mập mờ của các cơ sở cung cấp nước sạch dẫn tới việc việc thu giá đấu nối đồng hồ đã không được người dân đồng thuận.

Nhà máy nước Dân Tiến khai thác từ nước ngầm.

Trong các văn bản của UBND tỉnh đều nêu rõ: Việc đầu tư kinh phí đấu nối nước sạch là trách nhiệm của các đơn vị cấp nước, đến điểm giáp ranh hộ sử dụng (bao gồm cả đồng hồ đo nước và thiết bị phụ trợ). Đơn vị đo nước được thoả thuận với các hộ dân để huy động kinh phí nhưng phải được sự đồng thuận của các hộ dân (bằng văn bản), mức huy động công khai và theo quy định của UBND tỉnh.

Qua tìm hiểu của Nhóm PV và phản ánh của người dân thì việc thu gần như áp đặt. Thậm chí còn có việc nếu không nộp thì năm sau sẽ cao hơn theo kiểu ép buộc xảy ra tại: Nhà máy nước sạch Ngọc Tuấn, nhà máy nước Phú Hưng, nhà máy nước Dạ Trạch… đều không được thoả thuận rõ ràng.

Ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận ngoài những đơn vị mình quản lý (13 đơn vị) ông không nắm được. Còn ông Vũ Văn Hanh, Chi cục trưởng chi cục thuỷ lợi cũng của sở này thì cho rằng: Họ hoạt động theo luật doanh nghiệp nên cũng khó xử lý.

Nhà máy nước Phú Hưng (Kim Động).

Như vậy, mặc dù được UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở ngành trong từng lĩnh vực mình phụ trách. Trên thực tế các sở ngành này đã không hoàn thành nhiệm vụ để xảy ra những bất cập, sai phạm và không nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa một sở ngành nào phải chịu trách nhiệm với những vấn đề đã xảy ra.

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết Hưng Yên: Ai chịu trách nhiệm sai phạm về nước sạch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ