Thứ sáu, 29/03/2024 21:49 (GMT+7)

Chất lượng không khí tại Hà Nội đang cực kỳ nguy hại

MTĐT -  Thứ tư, 17/01/2018 10:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ 22h ngày hôm qua (16/1) cho tới 8h sáng nay (17/1), chất lượng không khí tại khu vực nội thành Hà Nội, đặc biệt là khu vực Đại sứ quán Mỹ ở ngưỡng rất đáng báo động.

Chất lượng không khí đáng báo động

Từ 22h ngày hôm qua (16/1) cho tới 8h sáng nay (17/1), chất lượng không khí tại khu vực nội thành Hà Nội, đặc biệt là khu vực Đại sứ quán Mỹ ở ngưỡng rất đáng báo động, cảnh báo khẩn cấp tình trạng nguy hại tới sức khỏe.

Mặc dù đã hết mưa phùn, nhưng hôm nay Hà Nội vẫn chìm trong sương mù dù trời đã về trưa.

Đáng chú ý khi mà hiện tượng sương mù diễn ra nhưng đi kèm với đó chỉ số chất lượng không khí cũng không hề tiến triển tốt lên mà lại ở ngưỡng báo động khẩn cấp.

Theo thông tin trên báo Đời sống Plus, con số đo được tại thời điểm 8h tại khu vực Đại sứ quán Mỹ Hà Nội là 219 - đây là ngưỡng không khí rất không lành mạnh, cần cảnh báo tình trạng sức khỏe khẩn cấp tới tất cả mọi người.

Chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được biểu diễn qua một thang điểm.

Trước đó, chất lượng không khí ở Hà Nội đã nhiều lần được cảnh báo đang nằm trong tình trạng báo động.

Hồi tháng 12 vừa qua, WHO đã có thư gửi đến nhân viên của họ để cảnh báo về vấn đề ô nhiễm không khí đang ở mức nguy hiểm tại Hà Nội thời gian gần đây.

Sương mù bao phủ Hà Nội trong nhiều ngày qua.

Cụ thể, trong bức thư gửi tới các nhân viên của mình, WHO đã chỉ ra rằng hiện tại chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động, trong thời gian tới, không khí ở Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì tình trạng này, và có khả năng đạt ngưỡng như các thành phố ô nhiễm nhất thế giới như Dehi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Ulaanbaatar (Mông Cổ).

WHO khuyến cáo tất cả mọi người những ai đang sinh sống tại Hà Nội đều có khả năng bị tác động xấu từ tình trạng không khí ô nhiễm như hiện nay, đặc biệt là các nhóm đối tượng như: người đang bị hen suyễn, bệnh về phổi, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh và trẻ em.

Ô nhiễm không khí chủ yếu là do hoạt động giao thông

Trước đó, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cũng cho biết, hiện chất lượng không khí tại nhiều khu vực dân cư, đường giao thông, làng nghề và khu công nghiệp có xu hướng cải thiện dần theo thời gian. Tuy nhiên, tại các trục đường đang thi công và khu vực xây dựng xuất hiện tình trạng ô nhiễm nặng về bụi, benzen và tiếng ồn.

Theo thống kê, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao tập trung ở các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm.

GS.TS Phạm Ngọc Hồ - trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng, môi trường không khí ở Hà Nội ô nhiễm do nhiều nguyên nhân như: Quá trình đô thị nhanh với mật độ công trình xây dựng quy mô lớn; sự gia tăng dân số cơ học; lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các số liệu quan trắc nhiều năm tại các trạm quan trắc cũng ảnh hưởng rất lớn đến cảnh báo ô nhiễm.

Về giải pháp khắc phục tình trạng trên, bà Lê Thị Thanh Chi, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, bên cạnh việc đầu tư cho công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với tổ chức AirParif triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí tại Hà Nội do Chính phủ Pháp tài trợ; triển khai Dự án đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố, trong đó đầu tư lắp đặt thêm 70 trạm quan trắc không khí.

Hoạt động giao thông hay công trường xây dựng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, bên cạnh việc đảm bảo duy trì vận hành các trạm quan trắc tự động, thành phố Hà Nội cần gấp rút hạn chế tốc độ gia tăng dân số cơ học; đồng thời ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường thật nghiêm, không để tình trạng các công trình xây dựng, giao thông bụi mờ mịt như hiện nay.

Đặc biệt, cần khẩn trương tăng diện tích mặt nước và cây xanh. Theo các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ, hấp thụ hơi, bụi độc.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Chất lượng không khí tại Hà Nội đang cực kỳ nguy hại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới