Thứ bảy, 20/04/2024 20:20 (GMT+7)

Kỳ 4: Đánh giá về các hoạt động thích ứng về sinh kế...

Nguyệt Minh -  Thứ tư, 06/12/2017 09:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một số đánh giá về các hoạt động thích ứng về sinh kế trước tác động của biến đổi khí hậu ở vùng ven biển Việt Nam.

Đánh giá về các hoạt động thích ứng về sinh kế trước tác động của BĐKH.

Để thực hiện các hoạt động sinh kế trong bối cảnh gia tăng về cường độ và tần suất của thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, người dân ven biển đã liên tục tự điều chỉnh các hoạt động sinh kế của mình để phù hợp với điều kiện và nguồn lực tại địa phương. Trên thực tế, người dân đang thực hiện các biện pháp thích ứng trong khả năng của họ trên các sinh kế hiện tại nhằm khắc phục những thiệt hại có thể xảy ra trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Trước hết, các biện pháp thích ứng chủ yếu được người dân đúc kết từ các kinh nghiệm hiện có và điều này đã góp phần tích cực trong việc giảm khả năng bị tổn thương về sinh kế. Ví dụ, người dân có thể tính toán cẩn thận về lịch thời vụ của các hoạt động sinh kế trong năm để giảm thiểu khả năng bị tổn thương trước các rủi ro khí hậu, ví dụ như cân nhắc thời gian gieo trồng và thu hoạch, không đánh bắt vào những tháng mưa bão trong năm,… hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện thời tiết và tình trạng đất đai,…

Đối với vấn đề lũ lụt, những cơn lũ thường xuyên xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định trong năm sẽ có những tác động khác biệt so với những cơn lũ bất ngờ không mong đợi xảy ra vào những khoảng thời gian khác của năm. Do đó, người dân thường chỉ có thể lập kế hoạch để ứng phó với những cơn lũ thường xuyên (ví dụ thu hoạch mùa vụ trước mùa lũ, di dời tài sản,...) trong khi những cơn lũ không dự đoán được thực sự là thảm họa và nằm ngoài khả năng ứng phó của họ.

Ngoài ra, người dân cũng áp dụng các biện pháp truyền thống về dự báo thiên tai, dự báo thời tiết, đài phát thanh và các phương tiện truyền thông khác để thích ứng với những thời điểm xảy ra nhiều thiên tai nhất. Khi có dấu hiệu bão, họ sẽ gia cố đê điều, tàu, thuyền, bảo quản ngư cụ, tài sản, bảo vệ nhà cửa.

Bên cạnh đó, nguồn lực xã hội (thông qua các mối quan hệ xã hội và mạng lưới trong cộng đồng) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động thích ứng thông qua việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm tốt nhất giữa những người dân trong cộng đồng với nhau. Khi có bão, người dân thường có nhiều cách thức hỗ trợ lẫn nhau trong việc bảo vệ tàu, thuyền, tài sản và nhà cửa.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, người dân ven biển đang thực hiện các hoạt động thích ứng một cách tự phát, mang tính đối phó hơn là những hoạt động thích ứng có kế hoạch, mang tính chủ động trước các rủi ro về sinh kế do biến đổi khí hậu gây ra. Điều này là do việc hình thành các chiến lược sinh kế thích ứng và sự đa dạng hóa sinh kế phụ thuộc rất lớn vào sự tích lũy và sự đa dạng về các nguồn lực sinh kế của các hộ gia đình. Trên thực tế, các hộ gia đình ven biển đa số là những hộ nghèo nên bị hạn chế về các nguồn lực sinh kế, đặc biệt là nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.

Nguồn lực tài chính luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một sinh kế ổn định và an toàn trước các tác động của môi trường bên ngoài. Người nghèo đều có những đặc điểm khá giống nhau về chất lượng nhà ở, tiếp cận đất đai, dự trữ tài sản vật chất và tình trạng nợ nần (ví dụ như vay ngân hàng).

Điều này cho thấy các hộ gia đình ở các nhóm kinh tế - xã hội có thể thực hiện các hoạt động sinh kế giống nhau và chỉ khác nhau về qui mô và chi phí đầu tư, đặc biệt đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đối với những hoạt động khác như đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, chỉ có những người có đủ vốn mới có thể đầu tư cho hoạt động này. Chính vì vậy, người nghèo khó điều chỉnh các hoạt động sinh kế khi hoạt động đó đòi hỏi chi phí lớn (ví dụ như chi phí để đầu tư vào giống mới trong nông nghiệp hoặc chuyển đổi từ trồng trọt sang nuôi trồng thủy sản để thích ứng với các điều kiện khí hậu).

Mặc dù các hộ gia đình ít nhiều có thể vay tiền từ bạn bè hoặc ngân hàng để phục hồi sinh kế và các tài sản bị thiệt hại, song thiếu các nguồn lực tài chính bền vững vẫn là trở ngại lớn trong việc thực hiện các hoạt động thích ứng về sinh kế được lập kế hoạch.

Nguồn lực con người, thể hiện qua kiến thức và kỹ năng mà hộ gia đình áp dụng để thực hiện các hoạt động sinh kế, cũng là yếu tố quyết định việc hộ gia đình có thể thực hiện được một hoạt động sinh kế thích ứng nào đó không.

Ví dụ, ngay cả khi có nguồn lực tài chính, không phải hộ gia đình nào cũng có thể chuyển đổi từ đất bị xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản vì điều này đòi hỏi hộ gia đình phải được đào tạo về các kỹ năng nuôi trồng thủy sản. Do đó, chỉ khi có những hỗ trợ về tái đào tạo nghề, những hộ gia đình này mới có thể chuyển đổi nghề nghiệp để thích ứng với các điều kiện mới về khí hậu.

Ngoài ra, tất cả các hoạt động sinh kế chính ở vùng ven biển như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, và nông nghiệp đều phụ thuộc vào khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước. Do đó, việc tiếp cận và quản lý bền vững tài nguyên nước tại các địa phương ven biển đóng vai trò thiết yếu đối với sự thích ứng về sinh kế.

Cơ sở hạ tầng ở địa phương, đặc biệt là hệ thống đê biển, thủy lợi, thoát nước,… cũng ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân. Tuy nhiên, những yếu tố này đều nằm ngoài năng lực và sự kiểm soát của các hộ gia đình.

Những khoảng trống trên cho thấy sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các biện pháp tăng cường năng lực thích ứng về sinh kế đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân chuyển đổi từ thích ứng tự phát, mang tính đối phó sang thích ứng có kế hoạch, mang tính chủ động trước tác động của biến đổi khí hậu.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 4: Đánh giá về các hoạt động thích ứng về sinh kế.... Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất