Thứ sáu, 19/04/2024 17:54 (GMT+7)

Nắng nóng bao trùm toàn cầu: Hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ năm, 09/08/2018 16:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt các quốc gia từ châu Á đến châu Âu đang trải qua đợt hạn hán khắc nghiệt chưa từng thấy trong lịch sử. Theo các chuyên gia, đợt nắng nóng kinh hoàng này là do biến đổi khí hậu gây nên.

Chỉ trong tháng Tám này, tại nhiều thành phố châu Âu liên tục chứng kiến những mức kỷ lục mới về nhiệt độ. Đợt hạn hán khắc nghiệt chưa từng thấy trong 50 năm qua đang biến các vùng đồng cỏ rộng lớn, trù phú ở các trung tâm sản xuất nông nghiệp của Australia trở nên khô cằn, làm chết nhiều vật nuôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nông dân nước này.

Không còn nguồn thức ăn cho gia súc, nhiều nông dân Australia phải mua ngũ cốc hay cỏ khô từ các nơi khác để cứu đàn gia súc. Chỉ riêng việc này cũng đã khiến họ tiêu tốn hàng nghìn USD mỗi tuần. Do cỏ không còn mọc được trên đất quá khô cằn, người nông dân phải trực tiếp mang thức ăn đến cho đàn gia súc.

Nắng nóng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân nước Úc. 

Bên cạnh đó, họ phải tiết kiệm triệt để phần nước sinh hoạt dành cho gia đình và vật nuôi do các đập và hồ chứa nước sắp khô kiệt.

Ngày 8/8, giới chức Australia đã xác nhận, bang New South Wales với số dân đông đúc nhất cả nước đang ở trong tình trạng hạn hán hoàn toàn.

Theo BBC, tình hình hạn hán tại các thành phố phía Đông Australia đang trở nên ngày càng tồi tệ. Bang New South Wales đóng góp 1/4 sản lượng nông nghiệp toàn quốc nhưng cho đến hôm nay, khu vực này đã bị đưa vào danh sách hạn hán hoàn toàn.

Không chỉ tại Úc, theo thông tin Người lao động, hàng chục nông dân ở Thụy Sĩ cũng đã gọi điện đến đường dây nóng cầu cứu chính quyền. Kể từ cuối tuần qua, các trực thăng của quân đội Thụy Sĩ bắt đầu vận chuyển nước cho hàng ngàn con bò ở các nông trại trên dãy núi Jura và chân đồi Alpine.

Ông Philippe Leuba, người đứng đầu cơ quan kinh tế và thể thao ở bang Vaud, cho biết: “Thụy Sĩ chưa bao giờ trải qua đợt hạn hán nào như thế này kể từ năm 1921”.

Nắng nóng còn đe dọa môi trường sống của nhiều người dân ở Bồ Đào Nha. Hôm 8/8, lực lượng cứu hỏa tiếp tục chiến đấu đám cháy rừng trong ngày thứ 6 liên tiếp khi ngọn lửa đang lan sang các ngọn đồi ở miền Nam Bồ Đào Nha.

Theo AP, bán đảo Iberia đã gồng mình dưới cái nóng kỷ lục vào cuối tuần rồi khi nhiều nơi vượt mức 45oC. Ở Tây Ban Nha, vụ cháy rừng hôm 7/8 ở gần TP Valencia buộc 2.500 người phải sơ tán.

Cháy rừng ở Tây Ban Nha lan rộng do nắng nóng. 

Nắng nóng kéo dài đã buộc nhà chức trách Pháp phải dừng hoạt động 4 lò phản ứng điện hạt nhân nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra.

Trong khi đó, khu vực miền Đông nước Đức đang trải qua một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 55 năm qua, khiến sản lượng nông nghiệp bị ảnh hưởng tới 70%.

Nắng nóng gay gắt đang tàn phá nhiều cánh đồng lúa mì ở phía Bắc châu Âu, trong khi thời tiết khô hạn và mưa lớn tại các nước ở khu vực Biển Đen làm dấy lên lo ngại về nguy cơ mất mùa, đẩy giá loại ngũ cốc này tăng cao.

Không chỉ riêng châu Âu, suốt hơn 1 tháng vừa qua, hàng loạt các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng hứng chịu đợt nắng nóng chưa từng có.

Cơ quan Cứu hỏa và phòng chống thiên tai Nhật Bản cho hay, trong khoảng thời gian từ ngày 30/4 đến ngày 5/8, có tới 71.266 người Nhật Bản phải nhập viện do nắng nóng, trong đó có 138 người đã thiệt mạng.

Đây là đợt nắng nóng kỷ lục tại Nhật Bản, khi so với đợt nắng nóng nguy hại nhất trước đó vào năm 2013, khiến 58.729 người Nhật phải nhập viện.

Còn tại Hàn Quốc, đã có ít nhất 42 người đã thiệt mạng và khoảng 3.400 người khác phải nhập viện trong đợt nắng nóng bất thường tại Hàn Quốc với mức nhiệt độ cao nhất trong vòng hơn 100 năm qua.

Trong tuần trước, nhiệt độ tại thủ đô Seoul đã chạm mức 39,6 độ C, mức cao nhất trong 111 năm qua.

Số người chết vì nắng nóng tại Nhật liên tục tăng. 

Năm 2018 trở thành năm nóng nhất

Theo đánh giá của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), xét trên quy mô toàn cầu, tháng 6 vừa qua là tháng nóng thứ hai trong lịch sử, và mức nhiệt chỉ tính trong 7 tháng đầu năm nay đã khiến 2018 trở thành năm nóng nhất từ trước tới nay. WMO cũng khẳng định các đợt nắng nóng cực đoan với cường độ và tần suất nóng ngày càng tăng là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu, mà chính con người, với những hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hằng ngày, góp phần gây ra.

Theo TTXVN, báo cáo Khí hậu hàng năm của Mỹ do Hội Khí tượng cùng Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia nước này công bố ngày 1/8 cho biết, trong năm 2017, ba loại khí thải hàng đầu gây biến đổi khí hậu gồm carbon dioxide (CO2), mêtan và nitrous oxide (NO2) đều tăng kỷ lục. Trong đó, mật độ trung bình khí CO2 trên bề mặt Trái Đất hàng năm đã tăng lên 405 ppm - mức cao nhất trong kỷ lục đo lường khí quyển hiện đại và số liệu ghi chép về lõi băng trong 800.000 năm qua.

Căn cứ trên số liệu tính toán này, lượng khí thải CO2 toàn cầu đã tăng gần gấp 4 lần so với đầu những năm 60 của thế kỷ trước.

Về tình trạng tan băng, số liệu trong báo cáo cho thấy nhiệt độ bề mặt băng Bắc cực trong năm 2017 đã tăng 1,6 độ C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn 1981-2010. Do đó, tình trạng tan băng vẫn tiếp diễn, đánh dấu năm thứ 38 liên tiếp xảy ra tình trạng này, khiến mất đi một lượng băng tương đương một đỉnh băng cao 22 mét. Tại vùng biển Nam cực, diện tích băng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Do tình trạng tan băng, mực nước biển toàn cầu cũng dâng lên mức cao nhất trong năm 2017 và đây là năm thứ 6 liên tiếp ghi nhận tình trạng này.

Cũng theo báo cáo trên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ tại các đại dương tăng cao đã làm tăng độ ẩm trong không khí, gây ra hiện tượng thời tiết đối lập bất thường ở nhiều nơi trên thế giới như mưa nghiêm trọng, hạn hán kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sự sống của các loài động, thực vật trong môi trường biển và khô cạn.

Trái đất sẽ trở thành nhà kính

Nếu băng ở các cực tiếp tục tan, rừng bị chặt phá và khí nhà kính gia tăng sau mỗi năm như hiện nay, Trái Đất sẽ chuyển tiếp sang một giai đoạn mới.

“Khí hậu sẽ nóng hơn 4-5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và mực nước biển dâng cao 10-60 m so với hiện nay”, các nhà khoa học cảnh báo vào ngày 6/8. Điều đó “sẽ tới chỉ trong vòng vài chục năm nữa”, các nhà khoa học nhận định.

Zing dẫn kết quả nghiên cứu của Đại học Copenhagen, Đại học Quốc gia Australia và Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam tại Đức cho biết: “Trái Đất trong trạng thái nhà kính là không thể kiểm soát được và gây nguy hiểm tới nhiều người”.

“Nhiều nơi trên Trái Đất sẽ không thể sinh sống được nếu ‘Nhà kính Trái Đất' trở thành hiện thực”, đồng tác giả Johan Rockstrom, giám đốc điều hành Trung tâm Phục hồi Stockholm, khẳng định.

Giải pháp nào cho biến đổi khí hậu?

Theo các nhà nghiên cứu, con người cần ngay lập tức thay đổi lối sống để có thể trở thành những chủ nhân tốt hơn của Trái Đất.

Nhiên liệu hóa thạch cần phải được thay thế bằng các nguồn năng lượng không phát thải khí nhà kính hoặc chỉ thải ra một lượng thấp. Con người cần nghĩ các biện pháp để hấp thụ lượng carbon thải ra, cụ thể như trồng nhiều cây hơn và ngăn chặn phá rừng.

Phương pháp canh tác, quản lý đất hiệu quả, bảo tồn đất liền và bờ biển, đồng thời tận dụng các công nghệ thu nạp carbon cũng là những điều con người có thể làm.

Tuy nhiên, xu hướng ấm lên hiện tại sẽ tiếp tục gây ra các sự thay đổi như tan băng ở cực và mất rừng. Lượng tuyết bao phủ Bắc bán cầu cũng sẽ biến mất. Nói cách khác, kể cả nếu chúng ta ngừng phát thải khí nhà kính, sự nóng lên toàn cầu vẫn tiếp diễn.

  P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nắng nóng bao trùm toàn cầu: Hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...