Thứ năm, 28/03/2024 23:54 (GMT+7)

Vì sao bão Mangkhut không đổ bộ vào Việt Nam như dự báo?

MTĐT -  Thứ hai, 17/09/2018 09:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bão Mangkhut đổ bộ vào một số tỉnh phía Nam Trung Quốc và được dự báo sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, như vậy trái với dự đoán ban đầu, bão Mangkhut sẽ không đổ bộ vào Việt Nam.

Sau khi tàn phá Phillippines, chiều qua (16/9), siêu bão Mangkhut quét qua Hồng Kông, Macau rồi đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông với sức gió trên 200 km/giờ.

Theo báo Thanh Niên, Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho hàng ngàn tàu thuyền trở về cảng, đồng thời đóng cửa các nhà máy, trường học, công sở tại những khu vực bị ảnh hưởng. Hơn 2 triệu người sống gần khu vực bờ biển tỉnh Quảng Đông đã được sơ tán trước khi siêu bão đổ bộ. Tại một số khu vực như TP. Thâm Quyến, giới chức ra lệnh tạm ngắt điện để đề phòng rủi ro.

Trước khi đổ bộ vào đảo Lu-Dong (Philippines), các mô hình dự báo trên thế giới và Việt Nam đều cho rằng cơn bão này sẽ di chuyển lệch xuống phía Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, bão số 6 lại đi lệch lên phía Bắc và đổ bộ vào Trung Quốc.

Bão Mangkhut làm vỡ cửa kính nhiều tòa nhà cao ốc ở Hongkong. Ảnh: AFP. 

Theo Trí thức trẻ, lý giải về điều này, Tiến sĩ Mai Văn Khiêm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho hay, đường đi của bão về mặt lý thuyết khá phức tạp vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong đó, có các yếu tố chính như: Yếu tố ngoại lực - yếu tố này phụ thuộc vào dòng dẫn đường quy mô lớn, cụ thể chính là cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương. Do đó, bão chủ yếu đi theo dòng dẫn đường quy môn lớn, chính xác là bão đi ở rìa khí áp của cao cận nhiệt đới.

Bên cạnh ngoại lực còn có yếu tố nội lực gồm có quán tính, cụ thể, bản thân khi bão dịch chuyển luôn có yếu tố quán tính.

Yếu thố thứ 3 là ma sát, khi bão di chuyển ở vùng biển hay vùng đệm đất liền thì quỹ đạo dịch chuyển sẽ khác.

Đối với cơn bão số 6 (Mangkhut), hướng dịch chuyển cũng phụ thuộc vào các yếu tố như quán tính, ma sát và dòng dẫn đường như trên.

TS Khiêm nói, đối với cơn bão mạnh như Mangkhut, dòng dẫn đường đóng vai trò rất quan trọng.

Cụ thể, khi bão Mangkhut bắt đầu hình thành ở vùng biển ngoài khơi phía Đông của Philippines, trên hệ thống khí quyển của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tồn tại hệ thống cao cận nhiệt đới, lúc đó hệ thống cao cận nhiệt đới nằm lệch và sâu xuống phía Nam.

Hướng đi của bão Mangkhut. Ảnh: Nchmf.

Chính vì vậy, hầu hết các mô hình dự báo trên thế giới sử dụng điều kiện khí quyển ban đầu như thế và kết quả dự báo dài trước 3-5 ngày đều cho rằng quỹ đạo của bão Mangkhut có xu hướng đi lệch xuống phía Nam, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc Việt Nam.

Tuy nhiên, 2-3 ngày sau, tất cả các mô hình phải cập nhật lại điều kiện khí quyển ban đầu, hệ thống cao cận nhiệt đới nói trên lại có xu hướng đi lệch lên phía Bắc một chút.

Các mô hình dự báo sau khi cập nhật các điều kiện đó, thì hầu hết lại cho rằng quỹ đạo di chuyển của bão Mangkhut lệch lên phía Bắc hơn so với dự báo trước đó 2-3 ngày.

Ông Khiêm cũng thừa nhận còn nhiều khó khăn trong công tác dự báo, công nghệ dự báo bão, đặc biệt các hạn dự báo từ 3 ngày trở lên được xây dựng dựa trên nền tảng mô hình dự báo số.

Trong khi đó, mặc dù có những cải thiện đáng kể về sai số dự báo quỹ đạo của bão trong các mô hình dự báo số, nhưng các mô hình vẫn có những điểm yếu chưa khắc phục được, đó là sai số dự báo vị trí bão còn lớn.

Bão Mangkhut đã chính thức đổ bộ vào đất liền Trung Quốc và được dự báo là suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tại Việt Nam, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, nên sẽ có mưa to đến rất to ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía Bắc.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao bão Mangkhut không đổ bộ vào Việt Nam như dự báo?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.