Thứ sáu, 29/03/2024 19:30 (GMT+7)

Vì sao có tới 9 cơn bão xuất hiện cùng một lúc?

MTĐT -  Thứ sáu, 14/09/2018 14:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bên cạnh siêu bão Mangkhut đang hướng về Philippines và bão Florence đe dọa nước Mỹ thì có tới 7 cơn bão khác đang hoành hành trên các đại dương.

Trong 9 cơn bão trên thì có siêu bão Florence chuẩn bị đổ bộ bào Mỹ được dự đoán là nguy hiểm nhất.

Theo Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ, tâm bão Florence dự kiến tấn công bờ biển phía nam Bắc Carolina vào ngày 14/9 (theo giờ địa phương), sau đó bão sẽ di chuyển về phía tây nam trước khi đi sâu vào nội địa ngày 15/9.

Ước tính 10 triệu người sống ở những khu vực nằm trên đường đi của bão. Giới chức Mỹ cho biết, 1,7 triệu người đã được yêu cầu sơ tán khỏi các vùng duyên hải ở Bắc và Nam Carolina cũng như Virginia, trong khi hàng nghìn người đã di chuyển tới các nơi trú ẩn khẩn cấp.

Giới chức Mỹ kêu gọi người dân nghiêm túc đối phó với bão Florence dù nó đã giảm từ bão cấp 4 xuống bão cấp 2 trong thang bão gồm 5 cấp. 

Sức gió giật của bão Florence vào ngày 13/9 là 165km/h, so với khoảng 225km/h hồi đầu tuần.

9 cơn bão hoạt động cùng một lúc trên các đại dương. Ảnh: Daily Mail. 

Còn tại phía Đông của Đại Tây Dương, bão Helene đang đi theo hướng đông bắc về phía châu Âu, theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, cơn bão cấp 1 này dự kiến suy yếu dần trước khi tới đất liền vào tuần sau.

Trong khi đó, tại vùng biển Caribbe, bão nhiệt đới Isaac đang quét qua quần đảo Lesser Antilles với tốc độ gió hơn 70 km/h. Cơn bão này cũng được dự đoán suy yếu và đổ bộ Jamaica dưới dạng áp thấp nhiệt đới vào ngày 17/9.

Joyce, một cơn bão khác hình thành tại Đại Tây Dương, đang hướng về phía quần đảo Azores của Bồ Đào Nha và sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào tuần tới.

Tuy nhiên, khu vực Đại Tây Dương vẫn cần chuẩn bị kế hoạch ứng phó, bởi các nhà khí tượng học hôm qua cho biết một cơn bão nhiệt đới khác có thể hình thành trong 48 giờ tới, sau khi họ phát hiện sự xáo trộn ở trung tâm Vịnh Mexico.

Thời tiết xấu cũng đang hoành hành tại khu vực Thái Bình Dương với siêu bão Mangkhut chuẩn bị đổ bộ miền bắc Philippines. Người dân đã dùng các tấm gỗ chặn cửa kính, gia cố nhà cửa bằng dây thừng và dùng thuyền đánh cá di chuyển đến nơi an toàn.

Cũng tại Thái Bình Dương, bão nhiệt đới Olivia dự kiến di chuyển qua các đảo ở Hawaii, gây mưa lớn và lũ quét, thậm chí “đe dọa tính mạng” người dân. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cảnh báo sóng cao và gió giật có thể làm mất điện và đổ cây cối.

Dẫn nguồn tin từ Daily Mail, VTCBNews đưa tin, các chuyên gia về khí tượng cho biết việc các cơn bão hoạt động ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương xuất hiện cùng một lúc là một điều bất thường. Kể từ khi mùa bão bắt đầu, đã có 9 cơn bão được đặt tên ở Đại Tây Dương, con số cao hơn mức trung bình.

Trong khi đó ở Thái Bình Dương có 15 cơn bão được xác định từ đầu mùa.

Phil Klotzbach, một nhà nghiên cứu khoa học khí tượng tại ĐH bang Colorado (Mỹ), cho biết: “Các cơn bão ở khu vực Thái Bình Dương vẫn còn hoạt động, trong khi bão ở Đại Tây Dương cũng đang mạnh lên, và điều này không phải chuyện bình thường. Tôi ngạc nhiên khi thấy những cơn bão ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương đang hoạt động cùng một lúc”.

Lý giải về hiện tượng bất thường này, các nhà khoa học cho rằng, sự gia tăng cường độ của các cơn bão có thể là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cụ thể là khi nước biển đang trở nên ấm hơn. Điều này là một điều kiện thuận lợi cho phép sản sinh và hình thành nên các cơn bão và siêu bão.

Kristy Dahl, một nhà khoa học khí hậu của Liên minh các nhà khoa học liên quan (Union of Concerned Scientists), cho biết: “Chúng tôi biết những thay đổi này đang diễn ra. Có ít nhất một mối liên kết giả định giữa các cơn bão và nhiệt độ gia tăng ở các đại dương”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao có tới 9 cơn bão xuất hiện cùng một lúc?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới