Thứ sáu, 29/03/2024 19:37 (GMT+7)

Vì sao không thể dự báo chính xác mưa đá?

MTĐT -  Thứ bảy, 21/04/2018 11:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mưa đá, dông lốc và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra thiệt hại nghiêm trọng nhưng công tác dự báo còn nhiều khó khăn.

Trong tuần qua, tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn... xảy ra mưa đá, dông lốc khiến cây trồng, nhà cửa của người dân bị thiệt hại nặng nề.

Theo các chuyên gia, thời điểm hiện nay là sự giao mùa từ mùa xuân sang mùa hè nên thường xuyên xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay công tác dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá vẫn còn khó dự báo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng Dự báo số và viễn thám, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện tượng thời tiết mưa đá, dông lốc gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền núi phía Bắc thời gian vừa qua xảy ra vào thời kỳ giao mùa, khi mà những đợt không khí lạnh cuối cùng của phía Bắc tràn xuống nước ta kết hợp với điều kiện địa hình, trạng thái nóng bền mặt có sẵn, tương tác không khí nóng và lạnh thì xảy ra đối lưu mạnh, hiện tượng mưa đá giông lốc xảy ra.

Mưa đá làm hỏng hàng ngàn mái nhà tại Bắc Kạn. Ảnh: TTXVN.

Các vùng xảy ra giông lốc mưa đá thường có địa hình phức tạp, làm đối lưu phát triển, có sự chênh lệch phát triển, chênh lệch nhiệt độ vùng núi với thung lũng, nơi có nhiều loại địa hình là vị trí thường xảy ra mưa đá giông lốc.

Cũng theo ông Quang, mưa đá xảy ra tại các tỉnh miền núi vừa qua hầu như không có dấu hiệu, xảy ra ban đêm nên rất khó cảnh báo.

“Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của cơ quan khí tượng thủy văn, mưa đá giông lốc lại hay xảy ra vào ban đêm nên việc quan sát khó, nếu hiện tượng đó xảy ra vào ban ngày thì có 1 số dấu hiệu bà con có thể nhân biết bằng mắt thường: trời tự nhiên có mây xám kéo đến nhanh gió mạnh, xuất hiện những ổ gió cuốn có tâm xoáy. Thậm chí có viên đá vài 3 kg xoáy theo dòng gió là một số dấu hiệu có thể nhận biết ổ giông lớn xuất hiện nhưng tôi xin nhắc lại, việc quan trắc đó chỉ thuận lợi đối với ban ngày mà thôi, còn ban đêm rất khó”, ông Quang cảnh báo.

Theo ông, cảnh báo dự báo thời tiết giông lốc mưa đá vẫn là thách thức cho đến thời điểm hiện tại, hiện tượng chỉ xảy ra nhanh, xuất hiện trong khu vực hạn chế, mạng lưới quan trắc chưa đủ dầy.

Do đó, đối với người dân khi nghe được thông tin cảnh báo từ cơ quan khí tượng thì có sẵn sàng đề phòng đặc biệt là khu vực có địa hình phức tạp, đan xen nhau.

Mưa đá cũng tàn phá hàng loạt cây mận của người dân Sơn La sắp vào mùa thu hoạch. 

Dấu hiện nhận biết sắp có mưa đá

Khi thấy mây đen bao phủ kín bầu trời, giông gió nổi lên mỗi lúc một mạnh, tiếp đó lác đác vài hạt mưa rào, nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng thì có khả năng sẽ xảy ra mưa đá.

Các biện pháp phòng, tránh khi có mưa đá:

Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo;

Chủ động quan sát các dấu hiệu cỏ thể xảy ra mưa đá;

Nhanh chóng tìm nơi ẩn náu như nhà kiên cố, mái che chắc chắn, hang động…

Trường hợp chưa kịp trú ẩn, dùng các vật cứng như: mũ bảo hiểm, cặp sách… để tránh đá rơi trực tiếp vào đầu.

Khi ở trong nhà mái lá, mái ngói, mái pro xi măng… nên trú dưới gầm bàn, ghế, giường… hoặc tìm các vật cứng để che đầu.

Khi đang lưu thông trên đường, nên dừng xe và đỗ vào lề đường.

Những việc không nên làm khi xảy ra mưa đá:

Không trú ở gốc cây hay ở những ngôi nhà mái lá, mái ngói hoặc mái pro xi măng.

Không di chuyển ngoài trời khi có mưa đá;

Không tắm mưa hoặc sử dụng nước tan ra từ mưa đá do có thể nhiễm các chất bẩn, độc tố, axit;

Không đứng gần đường dây điện, đường dây cao áp và máy biến áp.

Tuy nhiên, đó là mưa đã xảy ra vào ban ngày, còn nếu xảy ra vào ban đêm khó mà nhận biết, thường gây ra những thiệt hại nặng nề. Vì vậy, để hạn chế những hậu quả do mưa đá gây ra, người dân cần thường xuyên theo dõi các chương trình dự báo thời tiết, đề có phương án đối phó kịp thời.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Điện Biên, Tuyên Quang, Lào Cai và Sơn La, tính đến 17h ngày 16/4, thiên tai đã làm 3.712 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái (Cao Bằng: 1.696, Bắc Kạn: 1.396, Điện Biên: 377, Yên Bái: 212, Sơn La: 23, Lào Cai: 4, Tuyên Quang: 4);

1.140,5 ha lúa hư hỏng, thiêt hại (Cao Bằng: 1.139 ha, Bắc Kạn: 1,5 ha); 157 ha hoa màu thiệt hại (Bắc Kạn: 63 ha, Cao Bằng: 86 ha; Sơn La: 9 ha); 1.164 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại (Sơn La: 895 ha, Bắc Kạn: 260 ha, Cao Bằng: 9,2 ha). Ngoài ra còn có 4 điểm trường, 2 công trình văn hóa bị hư hỏng.

P.V (tổng hợp theo TTXVN, MT&CS)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao không thể dự báo chính xác mưa đá?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới