Thứ sáu, 26/04/2024 02:29 (GMT+7)

Đi tìm nguyên nhân ô nhiễm kênh rạch Thành Phố Hồ Chí Minh

MTĐT -  Thứ tư, 09/08/2017 10:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP.HCM có trên 1.800 km kênh rạch, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thoát nước trên địa bàn thành phố. Những năm qua, với sự nỗ lực của thành phố, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé đã dần hồi sinh, tạo bộ mặt đẹp đẽ cho thành phố. Tuy nhiên, một số kênh rạch khác vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng ô nhiễm bởi rác, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt không qua xử lý đã xả trực tiếp ra môi trường.

Tiếp tục điệp khúc ô nhiễm

Ngày 16/5/2016 cá chết trắng kênh Thị Nghè vớt lên hơn 70 tấn, hay hiện tượng trên kênh Tàu Hủ ngày 15/5/2017, bọt trắng xốp, nổi thành từng mảng dày đặc bao phủ một đoạn dài khoảng 1 km. Độ dày của bọt trắng tính từ mặt nước lên khoảng 25 – 30 cm, nhiều đoạn hơn 30 cm, bốc mùi hôi thối. Các kênh ô nhiễm trầm trọng như rạch Bàu Trâu giáp ranh giữa quận Tân Phú và quận 6; rạch Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh); kênh Nước Đen (quận Bình Tân), kênh 19/5 chảy qua các quận Tân Bình, Bình Thạnh, quận 4; kênh A41 (quận Tân Bình). Kết quả quan trắc mới đây của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho thấy, nước sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch trên địa bàn TP.HCM vẫn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại một số điểm quan trắc như Cầu Xáng - Kênh Xáng, Rạch Cây Khô - Tắc Bến Rô và kênh Thầy Cai, chất lượng nguồn nước vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố cho thấy, nguồn nước tại hệ thống kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Các thành phần như BOD5 (nhu cầu oxy sinh học), COD (nhu cầu oxy hóa học), chỉ tiêu vi sinh (coliform), hàm lượng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng... đều vượt tiêu chuẩn từ vài chục đến cả ngàn lần cho phép. Tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng hơn khi thủy triều xuống thấp.

Nước thải sinh hoạt: thách thức của đô thị phát triển

Một nghiên cứu khoa học của Dự án kiểm soát nguồn thải các sông rạch Sài Gòn do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ tại TP Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng, nước thải sinh hoạt của người dân thành phố cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay. Kết quả nghiên cứu của dự án này chỉ ra rằng, chất lượng nước sông rạch TP Hồ Chí Minh bị suy giảm bởi rất nhiều nguồn thải, như nước chảy tràn đô thị, nước thải từ các khu dân cư, rò rỉ dầu từ hoạt động giao thông thủy, bãi chôn lấp rác và hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, đáng ngại nhất là nước thải khu vực dân cư, mà cụ thể là nước thải sinh hoạt nhiễm phân và nước chảy tràn đô thị. Do diện tích bê tông hóa của thành phố ngày càng lớn nên lượng nước mưa không thể thẩm thấu xuống đất mà chảy tràn, mang theo tất cả chất thải trên bề mặt đất xuống kênh rạch dẫn ra sông. Còn chất thải từ các bể phốt hoạt động không hiệu quả hoặc không qua bể phốt thải hết ra sông đang khiến cho nguồn nước sông ô nhiễm khá nặng. Nguồn nước thải sinh hoạt thải ra từ cộng đồng dân cư chiếm đến 60% tình trạng ô nhiễm nước mặt kênh rạch TP Hồ Chí Minh. Trong đó phải nói đến cộng đồng dân cư sống trong các chung cư, khách sạn, cao ốc, trung tâm thương mại. Ở TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.753 cơ sở lưu trú du lịch và khách sạn, trên 1000 chung cư cao tầng trên 5 tầng, hàng ngàn nhà hàng, hàng trăm khu dân cư tập trung và các trung tâm thương mại khác. Lượng nước thải trung bình của mỗi tòa nhà thải ra từ 200 – 500 m3, khu dân cư từ 1000 – 10,000 m3/ngày, tính sơ sơ mỗi ngày thải cả triệu m3 nước thải. Trong khi đó hệ thống xử lý nước thải Bình Hưng chỉ xử lý được 141.000 m3/ngày, đáp ứng từ 10 -13% như cầu của thành phố. Như vậy nếu các chung cư, khách sạn, cao ốc, trung tâm thương mại có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đạt chuẩn thì giảm tải lượng ô nhiễm cho kênh rạch rất nhiều.

Truy tìm thủ phạm

Theo ghi nhận của phóng viên Môi Trường và Đô thị Việt Nam điện tử thì dẫu chung cư, khách sạn, cao ốc, trung tâm thương mại, khu dân cư tập trung đều có hệ thống xử lý nước thải, nhưng thực tế thì hầu hết làm để đối phó với cơ quan chức năng chứ xử lý không đạt chuẩn. Các chỉ tiêu như BOD, N, P đều vượt chuẩn. Đặc biệt chỉ tiêu dinh dưỡng là N, P đều vượt 10 – 20 lần, các chỉ tiêu này cực kỳ nguy hiểm bởi nó khiến kênh rạch tích tụ NH3 gây độc cho thủy sinh, hay phú dưỡng hóa là thành sông “chết”.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia về môi trường - tiến sỹ Nguyễn Hữu Thủy - cho biết: “Chất dinh dưỡng trong nước thải là nito và photpho khó hơn xử lý các chất gây nhiễm bẩn nước, do chi phí cao nên chủ đầu tư thường lờ đi công đoạn xử lý này mà chỉ xử lý cho nước trong là được. Tuy nhiên khi N, P ra môi trường nước với tải lượng ô nhiễm lớn sẽ gây ra thủy triều đỏ hoặc phú dưỡng hóa gây hại cho môi trường rất lớn”.

Nhóm phóng viên Môi Trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ có loạt bài điều tra về thực trạng này và mời các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ hơn.

Kính mời bạn đọc theo dõi.

Bảo Long

Bạn đang đọc bài viết Đi tìm nguyên nhân ô nhiễm kênh rạch Thành Phố Hồ Chí Minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.